Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan dân cử: Dù “đi sau” nhưng “đuổi kịp, tiến cùng”

16/11/2024 07:08:34 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Yên Bái là tỉnh đầu tiên của vùng Tây Bắc, tỉnh thứ tư trong toàn quốc thực hiện “phòng họp không giấy” từ năm 2019. Nỗ lực không ngừng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng kỳ họp, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh và chất lượng đại biểu HĐND tỉnh với những việc tưởng như khó thực hiện, song với quyết tâm làm, dù “đi sau” nhưng “đuổi kịp, tiến cùng”, HĐND tỉnh ngày càng khẳng định vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Các đại biểu HĐND tỉnh sử dụng phần mềm họp không giấy tại kỳ họp

Bên hành lang Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã dành cho chúng tôi những phút chia sẻ về những ngày đầu tiên Yên Bái triển khai “Kỳ họp không giấy” - khi đó, bà là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Nữ Bộ trưởng nhớ lại, tháng 7 năm 2019, có hai phiên họp đã đi vào lịch sử cải cách hành chính tỉnh Yên Bái. Đó là Hội nghị lần thứ 26 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVIII mở rộng và Kỳ họp lần thứ 14 (Chuyên đề) HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Lần đầu tiên, đại biểu tham dự cả hai kỳ họp đều không còn nhận cả chồng tài liệu giấy, mà thay vào đó là chiếc máy tính bảng nhỏ gọn được cài đặt phần mềm, chứa đựng tất cả thông tin, tài liệu, nội dung liên quan của kỳ họp. “Việc ứng dụng công nghệ thông tin được Yên Bái học tập từ những kỳ họp Quốc hội. Đó là một dấu ấn đột phá, sự chuyển đổi “táo bạo” của tỉnh nghèo miền núi, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đảng và cơ quan dân cử địa phương; đáp ứng yêu cầu và lộ trình xây dựng chính quyền điện tử cũng như hiện đại hóa nền hành chính nhà nước ở địa phương”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Cho đến bây giờ, trong ký ức của các nhân viên Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh vẫn còn nhớ như in những vất vả của việc chuẩn bị tài liệu phục vụ các kỳ họp của HĐND tỉnh. Cả tuần chuẩn bị tổng hợp tài liệu, lên danh sách đại biểu, thậm chí thức đến 2 - 3 giờ đêm để in ấn, photo, phân loại tài liệu, chuyển tài liệu cho các đại biểu dự họp. Tài liệu cồng kềnh, số lượng lớn phải mang đi mang về rất bất tiện cho đại biểu dự họp. Từ khi thực hiện kỳ họp không giấy đã tiết kiệm nhiều chi phí và giải phóng được sức lao động. Quan trọng hơn, nhờ tài liệu được gửi bằng bản mềm trước vài ngày, đại biểu có nhiều thời gian nghiên cứu nên chất lượng thảo luận được nâng lên rõ rệt. Việc truy cập, thực hiện các thao tác để biểu quyết trực tuyến, đăng ký thảo luận, đăng ký chất vấn dễ dàng, thuận tiện, hiệu quả. Các hoạt động của HĐND tỉnh tại kỳ họp được điều hành và thao tác trên môi trường điện tử.

Năm 2022, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên là đơn vị cấp xã đầu tiên của tỉnh Yên Bái thực hiện họp không giấy. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Mậu A Khổng Giang Lam cho biết: “Từ năm 2022 đến nay, HĐND thị trấn tổ chức các kỳ họp không giấy. Với hình thức này, chất lượng kỳ họp được nâng lên rõ rệt. Điểm khác biệt so với tài liệu giấy là, trong thời gian kỳ họp đang diễn ra thì vẫn có thể cập nhật, bổ sung ngay các tài liệu liên quan để các đại biểu dự họp có thể tham khảo ngay mà không cần phải chờ đợi cung cấp các bản sao bằng giấy, qua đó chất lượng kỳ họp được nâng lên, tiết kiệm được nhiều chi phí.

Nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Yên Bái luôn trăn trở phải làm sao để tỉnh nhà vươn mình phát triển. Cuộc cách mạng và những đột phá về công nghệ thông tin trong hoạt động của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái thực sự khởi động mạnh mẽ từ nhiệm kỳ trước. Và khi cụm từ “chuyển đổi số” vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ với người dân Yên Bái thì tháng 7.2021, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Nghị quyết Chuyên đề về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Trong các giải pháp cụ thể, Yên Bái đặc biệt quan tâm xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.

Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số được ra đời từ thực tiễn và khát vọng với quyết tâm dù “đi sau” nhưng cũng có thể “đuổi kịp, tiến cùng” trên hành trình chuyển đổi số của Yên Bái. Chị Đào Thị Hoài Thư - cử nhân tin học, Sở Thông tin và Truyền thông phấn khởi cho biết: "Thật vui và may mắn. Qua các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và đề án của UBND tỉnh, bản thân tôi nhận thức được sự quan tâm, kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh đối với chuyển đổi số và đội ngũ làm nhiệm vụ công nghệ thông tin, trong điều kiện tỉnh còn nghèo phải tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội".

Anh Mông Văn Siêu, công chức Văn phòng HĐND và UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Chuyển đổi số ở vùng cao ban đầu gặp khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là thói quen sử dụng công nghệ số của đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế. Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với cán bộ, viên chức, tổ chuyển đổi số đã động viên kịp thời, tạo thêm động lực để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở vùng cao”.

Như một lẽ tự nhiên theo quy luật của sự phát triển, hành trình chuyển đổi số ở tỉnh nghèo Yên Bái đã và đang được thực hiện với quyết tâm chính trị cao độ và nỗ lực lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, với quan điểm: “không có giải pháp phù hợp để đi đúng hướng, không có lộ trình cụ thể, rõ ràng thì sẽ trở thành những điểm nghẽn cản trở sự phát triển, thậm chí đi vào bế tắc”.

Khởi động mạnh mẽ từ “kỳ họp không giấy” của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Yên Bái đã có được nhiều giá trị trên hành trình tiếp nối, với triết lý đã trở thành “thương hiệu” riêng của tỉnh - Chuyển đổi số để người dân hạnh phúc hơn.

 

270 lượt xem
Hồng Thanh Tâm - Thanh Bình - Việt Linh

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h