Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Huyện Văn Yên trên hành trình xây dựng nông thôn mới

22/11/2024 11:12:12 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Những năm qua, huyện Văn Yên đã có những bước tiến đáng kể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Diện mạo nông thôn huyện Văn Yên đã có nhiều thay đổi tích cực. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được đầu tư khá hoàn chỉnh, sản xuất được đẩy mạnh, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.

Diện mạo nông thôn huyện Văn Yên đã có nhiều thay đổi tích cực

Để xây dựng thành công huyện NTM, trước hết, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt là yếu tố tiên quyết. Cấp ủy, chính quyền phải có vai trò dẫn dắt, tạo động lực, tạo sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân. Việc tuyên truyền, vận động phải luôn đi trước một bước để làm cho người dân hiểu rõ về NTM, thực sự tâm huyết, mong muốn xây dựng nông thôn mới vì sự đổi mới, phát triển của địa phương.

Quán triệt rõ quan điểm trên, các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, mục tiêu xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, nỗ lực chung tay cùng nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Huyện đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM là của dân, do dân làm và nhân dân thụ hưởng. Cùng với đó, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM.

Toàn huyện có 209,0km đường trục xã, liên xã đã được đầu tư đạt chuẩn 100% nhựa hoá và bê tông hoá, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Quan tâm đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, sau hơn 13 năm, đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 95 công trình với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Toàn huyện có 328 công trình thủy lợi; 476 km kênh dẫn nước, tỷ lệ tưới tiêu chủ động đạt trên 80%. Các công trình thủy lợi được duy tu, bảo trì định kỳ, bảo đảm nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được đầu tư khá hoàn chỉnh

Nhằm nâng cao chất lượng về nhà ở cho người dân công tác vận động các cơ quan, tổ chức hỗ trợ xóa nhà tạm được chú trọng. Huyện Văn Yên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ dân chỉnh trang, xây dựng nhà cửa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. Đã tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ gia đình người có công với cách mạng; sửa chữa, xây mới nhà ở đảm bảo đạt chuẩn ba cứng. Chỉ đạo các xã tuyên truyền vận động nhân dân chủ động chỉnh trang, nâng cấp nhà ở, công trình sân, cổng, vườn ao, chuồng trại chăn nuôi. Huyện Văn Yên triển khai chính sách xóa nhà tạm, kiên cố hóa nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn thông qua các nguồn hỗ trợ của Chính phủ; thực hiện triển khai đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025. Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đã được các địa phương được duy trì và tăng so với thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trên địa bàn huyện Văn Yên không có nhà tạm, nhà dột nát. Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt trên 75%.

Đặc biệt phát huy nội lực, huyện Văn Yên chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là thế mạnh về sản phẩm quế và du lịch. Đến nay, huyện đã xây dựng các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phát triển mạnh các hợp tác xã, tổ hợp tác; đồng thời chú chú trọng đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh.

Việc nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu chính yếu trong xây dựng NTM. Để đạt được mục tiêu đó, huyện Văn Yên đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, về nông nghiệp, huyện đã tập trung hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế cao; hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, duy trì hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao. Hiện nay huyện có 11 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được thực hiện tại 20/24 xã và 48 sản phẩm OCOP; một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, mã vùng trồng như: Quế Văn Yên, Lúa Chiêm Hương, Rau Củ Quả Phú Đạt. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, tăng so với cùng kỳ năm trước, năm 2024 ước đạt 3.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2011 (1.868 tỷ đồng).

Một số sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên

Năm 2024 thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 57,31 triệu đồng/người/năm tăng 43,31 triệu đồng so với năm 2011, trong đó thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55,4 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 của huyện Văn Yên là 10,18%, trong đó 2.489 hộ nghèo, chiếm 6,93%; 1.167 hộ cận nghèo, chiếm 3,25%.

Về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện đã thu hút đầu tư vào các dự án phát triển chăn nuôi, chế biến thủy sản, gia súc, gia cầm theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch.

Cơ cấu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu của nền kinh tế với một số sản phẩm như: quế vỏ, tinh dầu quế, ván ép, ván bóc, quế bột các loại, giấy đế, tính bột sắn, điện năng... Các sản phẩm chủ lực có tốc độ tăng trưởng khá như: các sản phẩm từ cây quế, chế biến gỗ rừng trồng, điện năng.... Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển tại các cụm công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, chế biến sâu, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tăng năng lực và sức cạnh tranh cho kinh tế của huyện. Đến nay trên địa bàn huyện có 92 doanh nghiệp và 866 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp. Tập trung thu hút được một số nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát thực hiện dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu hàng hóa hàng năm đều đạt, vượt kế hoạch và tăng so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) năm 2023 đạt 1.634 tỷ đồng gấp 2,9 lần năm 2011. Một số các sản phẩm công nghiệp của huyện như: Tinh dầu quế và các sản phẩm từ quế, gỗ xẻ, gỗ ván ép, giấy đế, tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn, gạch bê tông, quặng sắt, đá công nghệ, đá xây dựng...

Trong phát triển du lịch, gắn với chuyển đổi số, huyện đã định hình được các loại hình du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng các di tích và phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân; hỗ trợ nông dân tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực sử dụng thiết bị thông minh, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập.

Với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 46 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Thị trấn Mậu A được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện nông thôn mới để thẩm định theo quy trình, phấn đấu ra mắt huyện nông thôn mới dịp kỷ niệm 60 năm thành lập huyện (16/12/1964-16/12/2024).

1273 lượt xem
Thanh Bình

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h