Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hoạt động chỉ đạo điều hành >> Chính trị

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái trong 6 tháng cuối năm 2017

24/08/2017 07:22:30 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái trong 6 tháng cuối năm 2017.

Tỉnh Yên Bái đấy mạnh thu hút đầu tư

Tỉnh Yên Bái đưa ra mục tiêu năm 2017, phấn đấu cải thiện điểm các chỉ số thành phần, tăng tổng điểm chung đưa PCI Yên Bái vào tốp giữa của nhóm khá trên cả nước từ vị trí thứ 47 lên vị trí thứ 42-43 và phấn đấu nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu ở khu vực miền núi phía Bắc.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao trực tiếp gắn với từng chỉ số PCI (10 chỉ số thành phần) xác định mục tiêu phấn đấu cụ thể như sau:

1. Các sở, ngành có liên quan trực tiếp đến 10 Chỉ số thành phần của PCI

(1) Chỉ số Gia nhập thị trường

Chỉ số Gia nhập thị trường năm 2016 có mức điểm 8,44 xếp thứ 40/63, năm 2017 cần phấn đấu tăng điểm và xếp thứ khoảng 35-37 cả nước.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính sau:

- Tiếp tục rà soát, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, thẩm định trình UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn lập các mẫu thủ tục đảm bảo đúng quy định, đầy đủ, dễ thực hiện để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng hoàn thiện khi khai nộp các hồ sơ, tránh phải làm lại nhiều lần, rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Niêm yết công khai các TTHC có liên quan của các phòng chức năng, chuyên môn tại bộ phận Một cửa; ban hành khung tiêu chuẩn cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa; nâng cao hiệu quả làm việc, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa. 

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện quy định triển khai dự án đầu tư theo hướng bảo đảm tính liên thông, đồng bộ, thông suốt giữa các thủ tục về đất đai, xây dựng với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến, hướng dẫn một cách cơ bản các chính sách, pháp luật hiện hành có liên quan đến quá trình sản xuất kinh doanh và nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp mới thành lập thông hiểu và thi hành.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, sớm triển khai đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư trực tuyến qua internet; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tra cứu thông tin, tiến độ giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa.

- Phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, kiểm tra các cơ quan, đơn vị nào để xảy ra tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, hách dịch, quan liêu, có thái độ thiếu thân thiện, văn minh trong quá trình tiếp xúc và giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Thường xuyên rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của từng dự án trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương để tháo gỡ, đối với những dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét xử lý.

(2) Chỉ số Tiếp cận đất đai

Chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2016 có mức điểm 5,76 xếp thứ 34/63, năm 2017 cần phấn đấu tăng điểm và xếp thứ khoảng 27-30 cả nước.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục rà soát, cải tiến các thủ tục và quy trình giải quyết TTHC liên quan đến giao đất, cho thuê đất, giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường. Tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và những đơn vị có liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để các doanh nghiệp triển khai dự án.

- Triển khai kiểm tra công tác quản lý sử dụng đất của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thống kê và thu hồi đất đã cấp sử dụng không đúng mục đích để tạo quỹ đất cho các dự án khác. Công khai hóa các thông tin liên quan đến việc quản lý quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa cho thuê, cho thuê đất lại tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quỹ đất được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, đảm bảo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để các tổ chức, doanh nghiệp có thể khai thác, tạo sự bình đẳng và minh bạch.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

- Rà soát, hoàn thiện các quy định thực hiện, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC về đất đai đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Thực hiện liên thông, kết nối điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất.

- Công bố, công khai các thông tin liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh theo quy định trên website của tỉnh, của sở và bộ phận một cửa của đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tiết kiệm thời gian.

(3) Chỉ số Tính minh bạch công khai

Chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin năm 2016 có mức điểm 6,28 điểm xếp thứ 25/63, năm 2017 cần phấn đấu tăng điểm và xếp thứ khoảng 17-20 cả nước.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Đôn đốc, kiểm soát các đơn vị thực hiện nguyên tắc công khai trên website của tỉnh và website của các cơ quan đơn vị về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Những yêu cầu để thực hiện các thủ tục hành chính kèm theo các mẫu biểu hướng dẫn và thời gian xử lý cần được công khai tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trên trang web của đơn vị.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp nhận kiến nghị và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho Hiệp hội doanh nghiệp hoạt động về phản biện các chính sách của tỉnh.

(4) Chỉ số Chi phí thời gian

Chỉ số Chi phí thời gian năm 2016 có mức điểm 6,15 xếp thứ 47/63, năm 2017 phấn đấu tăng điểm của chỉ số và xếp thứ khoảng 40-42 cả nước.

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Thực hiện nghiêm quy định về thời gian trong giải quyết các thủ tục hành chính; kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương hoàn thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh.

- Tham mưu điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch kiểm tra chế độ công vụ, công chức, công tác cải cách hành chính của tỉnh. Tổ chức đoàn kiểm tra tại một số sở, ngành và địa phương do Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng đoàn.

- Phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu và xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đảm bảo việc tổ chức kiểm tra liên ngành, tránh chồng chéo, đúng thời gian, nội dung, đối tượng thanh tra, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt chỉ thanh tra, kiểm tra tối đa không quá 1 lần/năm/doanh nghiệp.

- Phối hợp với các ngành tiến hành kiểm tra việc đẩy mạnh cải cách TTHC, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC và thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa tại các sở, ngành, địa phương.

- Nâng cao kỹ năng trong tiếp xúc với công dân, doanh nghiệp cho cán bộ giải quyết công việc tại bộ phận một cửa và các phòng chuyên môn.

(5) Chỉ số Chi phí không chính thức

Chỉ số Chi phí không chính thức năm 2016 có mức điểm 5,22 điểm, xếp thứ 36/63, năm 2017 cần phấn đấu tăng điểm và xếp thứ khoảng 30-32 cả nước.

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan, các địa phương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu có liên quan đến các loại phí, lệ phí đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch.

- Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp, hình thức xử lý nghiêm những cán bộ tự ý đặt ra các khoản thu, các điều kiện ràng buộc ngoài quy định gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu, nhận chi phí lót tay khi giải quyết các TTHC cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Siết chặt kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng cơ chế nếu vi phạm phải xử lý nghiêm minh.

- Phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến và quán triệt cán bộ công chức, viên chức chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nghiêm túc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, pháp luật cán bộ công chức.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan: Cục thuế, Chi cục Hải quan, Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường... rà soát, giảm bớt các TTHC không cần thiết, các thủ tục còn rườm rà, rà soát danh mục phí, lệ phí theo nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí phù hợp theo lộ trình trong quản lý phí, lệ phí để tránh ảnh hưởng tăng chi phí cho doanh nghiệp.

(6) Chỉ số tính năng động của lãnh đạo

Chỉ số tính năng động của lãnh đạo năm 2016 có mức điểm 5,49 điểm xếp thứ 9/63, năm 2017 cần duy trì và phấn đấu tăng điểm và xếp thứ khoảng 5-7 cả nước.

Giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, các địa phương tổng hợp, nắm bắt kiến nghị, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư báo cáo lãnh đạo tỉnh để có phương án giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh hay những vướng mắc khó khăn trong các hội nghị gặp mặt doanh nhiệp, cà phê doanh nhân hàng tháng.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp báo cáo trực tiếp lãnh đạo tỉnh để kịp thời tháo gỡ, xử lý.  

- Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực thi nghiêm ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

- Chỉ đạo Cổng thông tin điện tử của tỉnh công khai các quy định về chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh để các thành phần kinh tế dễ dàng tiếp cận.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp để vận dụng linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

(7) Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp

Chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp năm 2016 có mức điểm 5,41 điểm xếp thứ 37/63, năm 2017 cần phấn đấu tăng điểm và xếp thứ khoảng 30-33 cả nước.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận doanh nghiệp để hỗ trợ, tiếp thu ý kiến. Các đơn vị khi tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp cần kịp thời trả lời, giải đáp bằng hình thức phù hợp như: điện thoại trực tiếp hoặc bằng văn bản…

- Phát huy vai trò của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Tư vấn và Xúc tiến đầu tư; Trung tâm Xúc tiến thương mại trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và hoạt động, tìm kiếm đối tác kinh doanh tiềm năng. Luôn cải tiến về nội dung và hình thức, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận dự án thuận lợi nhất.

- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ cung cấp thông tin tư vấn các chính sách thuế kịp thời, rộng rãi cho doanh nghiệp. Triển khai thực hiện chương trình cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục thông quan. Có cơ chế, chính sách linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại từ cơ quan nhà nước.

- Thực hiện tốt chương trình, kế hoạch phát triển thương mại của tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp về xây dựng và phát triển thương hiệu, ứng dụng thương mại điện tử; xúc tiến thương mại, kết nối thị trường liên kết vùng, hợp tác với các tỉnh trong tiêu thụ hàng hóa nông sản, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng của tỉnh.

- Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp FDI trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ; xây dựng cầu nối cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc thành lập liên doanh để cùng nhau sản xuất các sản phẩm hỗ trợ.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu có chất lượng cao, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ tư vấn pháp lý; phổ biến, cung cấp thông tin về các cam kết quốc tế, hiệp định kinh tế - thương mại đã được ký kết nhằm nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp, tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu.

(8) Chỉ số Đào tạo lao động

Chỉ số Đào tạo lao động năm 2016 có mức điểm 5,32 điểm xếp thứ 52/63, năm 2017 cần phấn đấu tăng điểm và xếp thứ khoảng 45-48 cả nước.

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo lao động.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm giới thiệu việc làm; chỉ đạo Trường trung cấp nghề, các cơ sở dạy nghề của tỉnh liên kết với các trường đào tạo, dạy nghề của tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề phục vụ cho nhu cầu sử dụng lao động của các nhà đầu tư đảm bảo về số lượng, chất lượng và việc làm sau khi đào tạo.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc với các trường THPT trên địa bàn tỉnh nắm bắt số lượng, nhu cầu đào tạo qua đó định hướng, kết nối với doanh nghiệp hướng đến mục tiêu vừa đào tạo hướng nghiệp, vừa đào tạo nghề.

- Có cơ chế để các cơ sở đào tạo lao động gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tham gia đào tạo nghề hoặc các doanh nghiệp tự đào tạo cho người lao động, đa dạng hóa các loại hình và ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động cho doanh nghiệp.

- Phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về lao động trong doanh nghiệp; thông báo kết quả, ngành nghề, loại hình, số lượng đào tạo trên phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp nắm bắt thông tin, phục vụ công tác tuyển dụng.

(9) Chỉ số Thiết chế pháp lý

Chỉ số Thiết chế pháp lý năm 2016 có mức điểm 4,97 điểm xếp thứ 46/63, năm 2017 cần phấn đấu tăng điểm và xếp thứ khoảng 40-42 cả nước.

Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án tỉnh, Cục Thi hành án và các sở ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Niêm yết, công bố các trình tự, thủ tục tố tụng, khiếu nại, tố cáo và quy định rõ thời gian giải quyết trên Website của tỉnh và bộ phận một cửa; hỗ trợ hướng dẫn doanh nghiệp trong việc lập thủ tục, hồ sơ khiếu nại, giải quyết tranh chấp.

- Nâng cao năng lực và hiệu quản hoạt động của hệ thống tư pháp nhằm đảm bảo các thiết chế pháp lý được thực thi đúng quy định, đặc biệt là trong giải quyết tranh chấp kinh tế cũng như khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Thông tin tuyên truyền để khuyến khích doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch liên kết kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ để khắc phục những nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.

(10) Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng

Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng năm 2016 có mức điểm 5,29 điểm xếp thứ 24/63, năm 2017 chỉ số này cần phấn đấu tăng điểm và xếp thứ khoảng 17-20 cả nước.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Nghiêm túc thực hiện việc tạo sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, các tổng công ty, tập đoàn, ưu tiên trong việc giải quyết TTHC, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư… cho doanh nghiệp.

- Công khai các quy định về chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh để doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ tiếp cận và lựa chọn địa bàn, ngành nghề đầu tư có lợi nhất.

2. Nhiệm vụ của các sở, ban, ngành; tổ chức xã hội có liên quan đến công tác nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp  

a) Các sở, ban, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Công an tỉnh, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thuế tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và các đơn vị như Hải quan tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Yên Bái.

Trên cơ sở những nội dung chủ yếu trong Kế hoạch này, Thủ trưởng các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng Chương trình, Kế hoạch thực hiện của ngành gắn với thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cụ thể hóa thành nhiệm vụ trong kế hoạch công tác năm 2017, xác định rõ từng mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, biện pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2017 và những năm tiếp theo.

Niêm yết, công bố đầy đủ các quy định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tại bộ phận Một cửa của mỗi đơn vị. Đơn giản hóa, giảm đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính, tăng cường điện tử hóa các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

b) Các tổ chức xã hội: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần liêm chính trong kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Các tổ chức xã hội của doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, phát huy tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực các lĩnh vực như đầu tư, đất đai, xây dựng … phản ánh kịp thời và kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Đề xuất chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược cạnh tranh hiệu quả, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội nhằm từng bước cải thiện trình độ kinh doanh và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ thực hiện cải thiện chỉ số PCI cấp tỉnh để nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm đối với cán bộ, công chức có liên quan.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương mình và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động chung của tỉnh.

- Công khai 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính tại trụ sở làm việc, trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính nhằm xây dựng ngày càng tốt hơn nền hành chính công theo hướng phục vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trong quản lý điều hành và thực thi công vụ.

- Tăng cường công tác tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh, các chính sách do địa phương ban hành. Giải quyết đúng thời gian quy định việc lấy ý kiến của các sở, ngành đối với những vấn đề liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, địa điểm đầu tư. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư.

- Tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với cán bộ, công chức có nhiều đóng góp tích cực và đề xuất giải pháp đạt hiệu quả cao; xử lý nghiêm những cơ quan và cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho doanh  nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

1493 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h