Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Trấn Yên: Tìm hướng đi bền vững cho sản xuất dâu tằm

06/10/2021 13:23:23 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Những năm qua, cây dâu, con tằm trên vùng đất Trấn Yên đã đem lại lợi nhuận kinh tế cao và vượt trội hơn nhiều loại cây con giống khác. Cũng nhờ thế mạnh trong sản xuất dâu tằm mà người dân huyện Trấn Yên thu về từ 1ha trồng dâu và nuôi tằm đạt từ 220 - 250 triệu đồng/năm. Tuy nhiên hiện nay, do quỹ đất ngày càng bị thu hẹp nên việc mở rộng diện tích trồng mới cây dâu gặp khó khăn. Hơn nữa, tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng đã khiến giá kén tằm giảm xuống. Trước tình hình đó, huyện Trấn Yên đã tích cực triển khai nhiều giải pháp gỡ khó để sản xuất cây dâu con tằm của huyện tiếp tục được bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Đoàn lãnh đạo huyện Văn Yên và huyện Trấn Yên thăm cánh đồng dâu tại thôn Lan Đình xã Việt Thành

Làm thế nào để phát triển cây dâu tằm rộng khắp và phát huy hiệu quả trên vùng đất Trấn Yên luôn là trăn trở của các đồng chí lãnh đạo huyện. Còn nhớ thời gian giữa năm 2020, ở một số địa phương trong huyện, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến giá kén tằm giảm sâu, người dân mất niềm tin vào chính những cánh đồng dâu và những nong tằm mình đã gắn bó nhiều năm qua nên đã phá bỏ để trồng những cây khác. Rồi sự liên kết giữa Hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nuôi tằm còn dừng lại ở mô hình được thành lập chưa hoạt động có hiệu quả, chưa hạch toán hiệu quả kinh tế tách biệt giữa hiệu quả kinh tế của người nuôi tằm con, tằm giống và hiệu quả kinh tế của người nuôi tằm lớn bán kén…đã ảnh hưởng lớn đến Chương trình phát triển dâu tằm của huyện. Lãnh đạo Huyện rất lo lắng và quyết tâm vào cuộc, tuyên truyền và tháo gỡ.

Huyện thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo về cây dâu, con tằm với sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; mời các giáo sư, tiến sỹ có trình độ nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp của Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Nông nghiệp về triển khai các kỹ thuật canh tác trồng dâu, nuôi tằm; giới thiệu những giống tằm mới sạch bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện, để người dân và các nhà khoa học trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc dâu tằm được tốt hơn. Đồng thời, triển khai ký kết hợp đồng giữa Công ty Cổ phần tập đoàn IBM Việt Nam với các Hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình nuôi tằm con để cung ứng trứng tằm theo đường nhập khẩu chính ngạch nhằm đảo bảo chất lượng và hiệu quả nuôi tằm. Đề xuất, kiến nghị với tỉnh Yên Bái về hỗ trợ kinh phí cho người dân trồng dâu, nuôi tằm, sửa chữa nhà tằm để giúp đỡ người dân yên tâm ổn định sản xuất trong mùa dịch. Song song với đó, huyện Trấn Yên đã mời gọi các doanh nghiệp về đầu tư xây dựng nhà máy thu mua và sản xuất kén tằm, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm tơ tằm ra thị trường quốc tế để tạo giá trị kinh tế cao và ổn định cho người dân địa phương.

Nhờ tích cực vào cuộc với nhiều biện pháp cách làm cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế sản xuất dâu tằm của địa phương, nên chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021 huyện Trấn Yên đã phát triển trồng mới mở rộng diện tích trồng dâu trong vụ xuân là 54,5 ha, bằng 43,6% kế hoạch năm. Trong đó, các xã có diện tích trồng dâu vụ xuân đảm bảo theo kế hoạch đề ra như: Việt Thành, Đào Thịnh. UBND huyện cũng yêu cầu các xã vùng quy hoạch trồng dâu của huyện tiếp tục đăng ký diện tích trồng mới trong năm, đến nay đã có 191 hộ ở các xã đăng ký trồng mới trên 23 ha. Nhân dân các địa phương trong vùng trọng điểm trồng dâu nuôi tằm của huyện cũng tập trung chăm sóc tốt 667 ha dâu kinh doanh, đảm bảo chất lượng lá dâu đáp ứng tốt cho việc nuôi tằm vụ xuân và vụ hè thu, năng suất lá dâu trung bình đạt trên 30 tấn lá/ha. Toàn huyện hiện có trên 1.000 hộ nuôi tằm lớn, sản lượng kén tằm 9 tháng đạt 639 tấn, bằng 79,8% so với kế hoạch, giá kén giao động từ 100 - 105.000 đồng/kg kén.

Cùng với việc tập trung mở rộng diện tích trồng dâu và nuôi tằm, huyện cũng chỉ đạo các xã và các cơ quan, phòng ban chuyên môn của huyện triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu, nuôi tằm theo Nghị Quyết hỗ trợ của tỉnh, huyện Trấn Yên có 03 dự án chuỗi dâu tằm được phê duyệt và triển khai thực hiện tại xã: Việt Thành, Quy Mông, Y Can với tổng số tiền thực hiện dự án hơn 2 tỷ đồng, gồm hỗ trợ xây dựng nhà tắm con, nhà tắm lớn, sửa chữa nhà tằm lớn, trồng mới diện tích dâu và hỗ trợ né gỗ ô vuông.

Ngoài ra, huyện cũng vận động tuyên truyền các địa phương kêu gọi những hộ dân trồng dâu nuôi tằm liên kết phát triển và thành lập các Hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm để tạo đầu ra cho sản phẩm và thu nhập ổn định cho thành viên Hợp tác xã. Tháng 5/2021, Hợp tác xã “Dâu tằm Quy Mông” tại Thôn Thịnh Vượng, xã Quy Mông được huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với các ngành nghề: Cung ứng dịch vụ trồng dâu và mua bán giống cây dâu tằm; cung ứng dịch vụ chăn nuôi tằm và mua bán tằm giống, kén tằm; buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp;  mua bán vật tư phục vụ ngành dâu tằm, máy móc, thiết bị nông, lâm nghiệp. Vốn điều lệ của HTX là 400 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Huân - Giám đốc Hợp tác xã Dâu tằm Quy Mông cho biết: “Từ khi được cấp phép đến nay, HTX hoạt động có hiệu quả, các hộ đã nuôi thành công lứa tằm đầu tiên với 380 nong tại 10 hộ thành viên, cho năng suất 3.000 kg kén thu nhập được 27 triệu đồng. Cùng với đó, HTX đã kết nối hỗ trợ hộ gia đình nuôi tằm né ô vuông, ngoài hoạt động sản xuất trồng dâu nuôi tằm HTX còn kinh doanh các loại vật tư khác phục vụ cho nông nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên HTX, cho thu nhập bình quân của thành viên là 4 triệu đồng/tháng, sản phẩm kén tằm hiện nay cung cấp về làng nghề Cổ Chất - Nam Định, nhày máy ươm tơ Mộc Châu, giá cả ổn định, trong tương lai sẽ nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Trước mắt, để sản xuất dâu tằm vụ thu đông năm 2021 và phát triển trồng dâu nuôi tằm bền vững, huyện Trấn Yên tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển mở rộng diện tích cây dâu, hoàn thành mục tiêu 125 ha theo kế hoạch năm 2021 đề ra, phấn đấu sản lượng 800 tấn trở lên làm tiền đề để sản xuất dâu tằm năm 2022 đạt hiệu quả cao. Các xã vùng trồng dâu nuôi tằm tiếp tục cùng huyện vào cuộc đồng bộ để đôn đốc, tuyên truyền vận động nhân dân, rà soát diện tích đất soi bãi, vườn tạp và đất đồi thấp; diện tích dâu già cỗi cần được cải tạo thay thế, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng dâu. Đối với diện tích trồng bằng cây con, UBND các xã, HTX liên hệ đơn vị ươm giống để cấp giống cho hộ dân đăng ký trồng mới, sau khi trồng xong sẽ được tiến hành nghiệm thu và thanh quyết toán vào năm 2022 thông qua dự án chuỗi liên kết dâu tằm theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh Yên Bái./.

1498 lượt xem
CTV: Nguyễn Thư

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h