Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Văn hóa - Xã hội

Trấn Yên: Đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế

20/05/2017 15:10:28 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trấn Yên hiện có gần 50 nghìn người trong độ tuổi lao động, đây là tiền đề quan trọng để Trấn Yên triển khai nhiều quyết sách quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên tỷ lệ người qua đào tạo vẫn ở mức thấp nên hiệu suất lao động không cao. Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, Trấn Yên đã và đang đẩy mạnh các loại hình đào tạo để nâng cao chất lượng lao động cung cấp cho thị trường lao động trong và ngoài huyện.

Doanh nghiệp chung tay đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nhiều năm nay gia đình chị Hà Thị Nga ở thôn Trực Khang xã Hưng Thịnh huyện Trấn Yên phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VACR, trong đó chú trọng vào việc trồng quế, trồng cây ăn quả có múi và chăn nuôi. Tuy nhiên do chưa có kiến thức chăn nuôi, trồng trọt nên hiệu quả không cao. Cuối tháng 3 vừa qua, khi biết xã phối hợp tổ chức lớp đào tạo quản lý và phát triển trang trại, chị đã đăng ký tham gia học với mong muốn “quản lý tốt hơn mô hình của gia đình và có thêm kiến thức để phổ biến cho bà con nhân dân trong vùng”, đó là lời tâm sự của chị Nga.

Hiện nay xã Minh Quân có trên 2.400 lao động, trong đó tỷ lệ đã qua đào tạo chiếm khoảng trên 10%, lực lượng này được đào tạo chủ yếu về sản xuất, chế biến ngành nông lâm nghiệp nên chất lượng và hiệu quả nguồn lao động không cao. Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy nằm trong khu công nghiệp tập trung của xã, theo như lời của đồng chí Lê Đức Bắc – Bí thư Đảng ủy xã Minh Quân huyện Trấn Yên thì “những năm qua Minh Quân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các đối tượng trong độ tuổi lao động tham gia các loại hình đào tạo để đi trước, đón đầu khi các Nhà máy, Công ty đi vào hoạt động và hiện Minh Quân đang xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”.

Công ty TNHH 1 thành viên sản xuất giấy miền Bắc có trụ sở tại thôn Hòa Quân xã Minh Quân. Với 2 dây chuyền xẻ ván và băm gỗ xuất khẩu Công ty đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 50 lao động của xã Minh Quân, với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Công ty dự kiến sẽ đầu tư thêm các dây truyền sản xuất viên nén, than sinh học không khói xuất khẩu và sản xuất khí công nghiệp phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử, điều này sẽ góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 150 lao động. Ông An Văn Học - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH 1 thành viên sản xuất giấy miền Bắc khẳng định: “Tuy người lao động ở đây rất chăm chỉ, nhưng hầu hết họ chưa qua đào tạo nghề. Để các dây chuyền đạt về công suất, thì yếu tố làm chủ công nghệ là khâu quan trọng, nên Công ty đã đào tạo nghề cho người lao động theo hình thức vừa học vừa làm”.

Bằng việc đa dạng hóa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nên bình quân mỗi năm Trấn Yên đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới cho trên dưới 2.000 lao động và từ đầu năm đến nay, Trấn Yên đã đào tạo nghề đạt 14%, giải quyết việc làm đạt 23% kế hoạch năm 2017. Theo thống kê, trên 85% lao động sau học nghề phi nông nghiệp có việc làm ổn định, thu nhập bình quân đạt từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Những lao động sau học nghề nông nghiệp đều tổ chức sản xuất hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn. Cùng với việc thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nghề cho người lao động, huyện Trấn Yên còn hỗ trợ người lao động học nghề, giải quyết việc làm sau học nghề như: quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động… Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn ở Trấn Yên có sự phát triển, đạt kết quả khá. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Với trình độ nghề được đào tạo, người lao động đổi mới cách làm ăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc tìm được việc làm mới có thu nhập cao hơn đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương theo tiêu chí nông thôn mới. Với mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 50% số lao động trở lên qua đào tạo, trong đó chú trọng các ngành nghề phi nông nghiệp để cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đòi hỏi Trấn Yên có nhiều giải pháp đồng bộ. Đồng chí Trần Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên khẳng định: “Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản của Đảng và Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, tầm quan trọng và vai trò của đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở đào tạo nhất là năng lực tuyển sinh, năng lực đào tạo thì Trấn Yên sẽ đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục đào tạo, huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, từ các nhà đầu tư để tăng nhanh số lao động qua đào tạo các cấp có trình độ”.

Có thể nói, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở huyện Trấn Yên đang đi đúng hướng, đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của người lao động trên địa bàn, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

1181 lượt xem
CTV: Thanh Hùng

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h