Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Các dân tộc Yên Bái >> Chính trị

Dân tộc Kinh

06/05/2020 10:24:01 Xem cỡ chữ Google
Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái có 350.668 người Kinh sống tập trung trung ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố, trong đó giới tính nam tổng số 174.938 người, giới tính nữ tổng số 175.730 người. Địa bàn sinh sống chủ yếu của dân tộc kinh ở lưu vực sông Hồng, sông Chảy, dọc theo các tuyến đường quốc lộ gần trung tâm kinh tế - văn hóa, những vùng có điều kiện để phát triển kinh tế, giao thông thuận lợi.

Người Kinh (còn có tên gọi là Việt) nói tiếng Việt thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (dòng ngôn ngữ Nam - Á). Tiếng Việt là quốc ngữ của Việt Nam

Theo nhiều nguồn tư liệu cho thấy người Kinh đã có mặt ở Yên Bái từ rất sớm: Năm 1961 tại xã Đào Thịnh huyện Trấn Yên phát hiện một thạp đồng lớn, trên nắp thạp có các cặp nam nữ đang giao phối biểu thị sự tồn tại của nòi giống. Năm 1964 tại hang Hùm (huyện Lục Yên) tìm thấy bộ hài cốt của người Việt cổ có tên là Hô-Mô-Sa-Piên cách đây 8 vạn năm (Tiến sĩ Kal người Đức đã đến hang Hùm kiểm tra trước khi khẳng định hiện vật quý này). Năm 1995 tại đỉnh đồi đầu cầu Yên Bái (thuộc xã Hợp Minh thành phố Yên Bái) đào được một thạp đồng trong đó có bộ hài cốt của một bé gái 5 tuổi gần như còn đầy đủ cùng các vật tùy táng cách đây 2000 năm. Nhiều tư liệu lưu giữ tại bảo tàng Yên Bái cho thấy con người của thời kỳ Hùng Vương và sau Hùng Vương cư trú ở trung tâm Yên Bái và vùng đất Thu Vật xưa. Năm 1285 tướng quân Trần Nhật Duật đời vua Trần Nhân Tông đã chỉ huy quân đội chiến đấu chống giặc Nguyên - Mông lần thứ 2 trên đất Thu Vật. Theo Kiến Văn Tiểu Lục (quyển 2) của Lê Quí Đôn thì năm 1533 anh em Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên là người Kinh ở huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương phù Lê chống Mạc chạy lên Thu Vật (huyện Yên Bình ngày nay). Vũ Văn Mật xưng là chúa Bầu tập trung người các dân tộc thiểu số và người Kinh khắp nơi xây thành đắp lũy trấn ải một vùng gọi là thành nhà Bầu. Như vậy, người Kinh có mặt ở Yên Bái rất sớm và họ đã cùng với đồng bào người dân tộc thiểu số hòa nhập để cùng mở mang khai phá vùng đất này.

Kinh tế truyền thống của người Kinh là nông nghiệp trồng lúa nước. Ở Việt Nam nghề trồng lúa nước đã phát triển ít nhất cũng từ thiên niên kỷ II trước công nguyên trong đời sống của người Việt. Kỹ thuật dùng cày (với lưỡi cày bằng đồng thau) để làm đất cũng đã trở thành phổ biến từ sau thiên niên kỷ I trước Công nguyên. Dân tộc Kinh là một dân tộc trồng lúa và có nhiều kinh nghiệm làm thủy lợi, kỹ thuật tăng vụ, gối vụ để trồng nhiều nhiều vụ lúa trong một năm.

Với phần lớn là dân từ vùng đồng bằng Bắc Bộ - vựa lúa lớn của Miền Bắc chuyển lên, dân tộc Kinh ở Yên Bái đã đem kinh nghiệm và sức lực, trí tuệ quyết tâm chinh phục và xây dựng vùng Đồng bào Kinh đã tiên phong trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào đồng ruộng, năng suất lúa ngày càng nâng cao; Từ 4 đến 5 tấn/ha từ những năm 70 nay đã đạt trung bình trên 10 tấn/ha. Bên cạnh cây lúa cổ truyền, đồng bào trồng các loại khoai, đỗ, sắn, ngô...

Đồng bào Kinh khai hoang canh tác ở vùng đất thấp chủ yếu dọc theo lưu vực sông Hồng song cũng có một số bộ phận đến sinh sống ở vùng cao, rẻo giữa các vùng dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Thái. Mường... Ngoài trồng lúa nước, đồng bào còn khai phá đất hoang làm nương rẫy trồng lúa, ngô, sắn... và phát triển nghề rừng, vườn rừng, trồng các loại cây ăn quả phù hợp như cam, quýt ở huyện Lục Yên, Văn Chấn... Trồng các loại cây công nghiệp như mía, quế ở huyện Văn Yên; trồng chè, nhãn ở huyện Văn Chấn; trồng sắn ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên...

Những năm gần đây Yên Bái là một trong những tỉnh có kinh tế trang trại với mô hình VRAC (vườn, rừng, ao, chuồng) phát triển khá mạnh bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Những kinh nghiệm làm kinh tế của người Kinh được đồng bào các dân tộc thiểu số học tập và cùng phát triển. Có những trang trại đem lại nguồn thu từ 100 đến 200 triệu đồng/năm. Ngoài phần lớn thu từ cây công nghiệp, cây lấy gỗ, cây ăn quả thì chăn nuôi cũng góp phần quan trọng trong tổng thu nhập của người Kinh...

Bộ phận kinh doanh buôn bán và các doanh nghiệp sản xuất nhỏ phần lớn có người Kinh tham gia. Từ buôn bán nhỏ, hơn 15 năm trở lại đây, nhiều người có vốn lớn đã thành lập các Công ty kinh doanh các mặt hàng như vàng, bạc, đá quý; hàng điện tử, điện lạnh; sản xuất vật liệu xây dựng, kim khí, đồ gia dụng... Hình thành những làng nghề như miến đao ở xã Giới Phiên (thành phố Yên Bái).

Người Kinh thờ cúng tổ tiên, ăn tết chính là tết Nguyên Đán; ngoài ra còn có tết mùng 3 tháng 3, tết mùng 5 tháng 5, tết rằm tháng 7, tết rằm trung thu. Đồng bào thường thắp hương tổ tiên vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng.

Xã hội cổ truyền của người Kinh với những tổ chức và sinh hoạt trong làng mang tính tập trung riêng biệt, đa dạng nhưng không khép kín. Truyền thống sinh sống làng vẫn được người Kinh duy trì với hệ thống ngõ xóm. Một làng có nhiều đường vào, không có cổng riêng.

Kết cấu gia đình người Kinh là gia đình nhỏ phụ hệ. Đàn ông giữ vai trò chủ đạo trong gia đình, phụ nữ ngoài lo việc nội trợ và còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội.

Sự định cư của đồng bào Kinh trên vùng đất trung du miền núi không xa cố đô Phong Châu đã mang theo những nét văn hoá đặc sắc của người Việt giao hoà với văn hoá dân tộc thiểu số tạo nên bản sắc văn hoá rất đáng quý của dân tộc Kinh Yên Bái, góp phần tôn phong giá trị văn hoá chung của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trước hết là làng xóm: Nếu như nhà trình tường đất, cụm xóm tre xanh, cây đa giếng nước mái đình... là đặc trưng nơi ở của người Kinh đồng bằng Bắc Bộ thì khi hoà nhập với đồng bào miền núi dân tộc ít người, thay vào đấy là thôn làng chạy dọc các tuyến đường hoặc phân tán quanh các thung lũng, khe suối. Nhà ở không làm tường đất, lợp rơm rạ mà trước đây thường lịa ván bốn xung quanh, lợp cọ; nền sân, công trình phụ được đắp bằng các vật liệu khoáng sản sẵn có như cao lanh, đá vôi. Cũng không ít gia đình làm nhà sàn để ở như dân tộc thiểu số vừa để tận hưởng cảnh vùng đồi núi, vừa hài hoà với cuộc sống của đồng bào dân tộc. Hơn hai chục năm trở lại đây, nhiều gia đình người Kinh ở các đô thị và không ít gia đình ở nông thôn đã dùng vật liệu đất nung, xi măng, sắt thép để xây dựng nhà ở.

Chữ viết được duy trì nghiêm ngặt mang tính quốc gia, nhưng tiếng nói có phần chuyển hoá. Người Kinh ở miền Trung, ở Hà Tây, Thái Bình... khi nói có những âm tiết được phát âm khác nhau, nhiều từ địa phương khác nhau mặc dù cùng để chỉ một hiện vật. Quá trình định cư ở Yên Bái cách phát âm và từ địa phương ấy bị mất dần, thế hệ thứ ba, thứ tư sau định cư không còn quen với tiếng nói quê gốc. Một đặc điểm nữa là đồng bào Kinh nhập tâm tiếng nói của người dân tộc rất nhanh, sống với vùng dân tộc nào chỉ một vài năm là họ có thể hiểu được nội dung và nói chuyện thông thường với dân tộc ấy, thậm chí hoà nhập với người dân tộc thiểu số chỉ trong một thời gian ngắn.

Trang phục và trang sức của người Kinh không mấy thay đổi; đầu thế kỷ 20 còn mang nhiều dáng dấp của đồng bằng Bắc Bộ; đồng bào có nghề dệt vải tơ tằm truyền thống. Sau năm 1945, và từ ngày đất nước mở cửa hoà nhập đến nay, y trang phục và cung cách ăn mặc, trang sức, trang điểm gần như có sự tương đồng, nhất quán với miền xuôi và thành thị lớn. Các trang phục cắt may hoặc mua sắm của một bộ phận người Kinh ở miền núi gần với trang phục dân tộc, đó chỉ là sở thích chứ không phải do ảnh hưởng từ giao lưu văn hóa.

Phong tục tập quán và văn hóa tín ngưỡng của người Kinh Yên Bái không còn giữ được đầy đủ như quê gốc đồng bằng. Một phần do quá trình thuyên chuyển cần có sự đơn giản hóa để phù hợp với môi trường mới, phần khác do điều kiện sinh hoạt ở miền núi không cho phép.

Tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Kinh là thờ cúng tổ tiên. Truyền thống này gần như được đại gia đình các dân tộc Việt Nam tôn trọng, hướng theo. Người Kinh miền xuôi tôn thờ bốn vị linh thiêng đất nước: Mẫu Thượng Ngàn, Thần núi Tản Viên, Thánh Gióng, Đức thánh Trần Hưng Đạo, thì ở Yên Bái người Kinh một số nơi cũng đặt bài vị thờ các vị này (đền Đông Cuông, đền Thác Bà, đền Bách Lẫm...). Rõ ràng nơi thờ cúng, nghi lễ tâm linh của người Kinh Yên Bái gần như không thay đổi so với các vùng quê gốc.

Văn hóa ẩm thực chịu nhiều ảnh hưởng của miền núi. Đồng bào Kinh tiếp nhận các món ăn dân tộc, cung cách tiếp khách, sinh hoạt ăn uống không cầu kỳ, cốt sao thể hiện ngon miệng trong bữa ăn, thể hiện lòng mến khách trong giao tiếp.

Sinh hoạt văn hóa và nghề truyền thống của người Kinh ở Yên Bái mang tính quần chúng, phổ thông nhiều hơn độ chuyên sâu. Văn học truyền miệng và văn học viết của người Kinh có rất sớm. Văn học viết bắt đầu từ các bản văn tự Hán - Nôm đời Trần qua các bản gia phả, chúc thư, hiện vật khảo cổ và chữ la tinh, chữ quốc ngữ sau này. Văn học dân gian cũng xuất hiện khoảng thời gian đời Lý - Trần hoặc sớm hơn vài ba thập kỷ. Các cốt truyện cổ nổi tiếng ở đồng bằng như Tấm Cám, Cóc kiện trời, Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Thánh Gióng, Cây khế... được đưa lên miền núi lưu truyền sâu rộng trong nhân dân, thậm chí trở thành mô típ cho các sáng tác dân gian của người dân tộc thiểu số. Câu ca dao: “Còn tiền chợ Ngọc chợ Ngà, Hết tiền xuôi ngược thác Bà, thác Ông” hay “Muốn ăn gạo trắng nước trong, Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”; chắc chắn có từ xa xưa. Rồi qua cuộc khởi nghĩa Cần Vương, khởi nghĩa Yên Bái, các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay; đồng bào Kinh Yên Bái tiếp tục có những tác phẩm văn học viết, tác phẩm văn học truyền miệng được nhân dân thừa nhận, lưu truyền.

Đồng bào Kinh ở Yên Bái có đóng góp rất lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Qua các cuộc kháng chiến đồng bào đã đóng góp sức người, sức của, hàng vạn thanh niên đã nhập ngũ anh dũng chiến đấu trên các chiến trường Nam, Bắc.

Phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng bào dân tộc Kinh đang nỗ lực cùng các dân tộc thiểu số trong tỉnh phấn đấu đưa tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện trong khu vực miền núi phía Bắc.

(Tài liệu được tham khảo từ cuốn “Một số đặc trưng các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái" do Ban Dân vận Tỉnh ủy xuất bản)

205856 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h