Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Lễ hội truyền thống >> Văn hóa - Xã hội

Lễ hội đình Nà Ngàm, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

29/01/2018 13:55:46 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Cứ mỗi mùa xuân về, người dân khắp các vùng miền lại nô nức đi trẩy hội đình Nà Ngàm, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Đình Nà Ngàm là ngôi đình cổ, mang đậm giá trị văn hóa, tín ngưỡng sơ khai của người Tày; nơi đây thờ ba vị thần núi. Đền cách trung tâm thành phố Yên Bái 100 km, tọa lạc trên một khu đất cao, lưng tựa dãy Pù Trà, phía trước mặt là núi Pác Khang; dưới chân đình Nà Ngàm được bao bọc bởi những cánh đồng lúa thẳng tắp cánh cò bay.

Lễ đón nhận Di tích cấp tỉnh đình Nà Ngàm

1. Nguồn gốc lễ hội và hiện trạng Đình:

Các cụ cao tuổi ở Mường Lai (Lục Yên - Yên Bái) kể lại rằng, ngày xưa, ở đây, nhà dân còn thưa thớt, ruộng lúa cấy vào tháng 5, thu hoạch vào tháng 10 âm lịch. Năm này qua năm khác, người dân sống bằng nghề làm ruộng, gieo lúa nương, trồng bông dệt vải, nuôi trâu, bò, gà, vịt. Nhưng có một năm, đến tháng 10 rồi mà lúa không ra bông, trâu lăn đùng ra chết, lợn không ăn cám, gà vịt không ra chuồng. Tiếp đó, cái đói, cái rét, cái ốm yếu đe dọa từng nhà, từng bản. Tết đến, xuân về càng khiến cho mọi người lo lắng, hoảng sợ vì không biết làng bản đã làm điều gì sai trái mà ông trời trừng phạt... Và thế là mọi người hẹn nhau đến rằm tháng Giêng, gom góp làm mâm cỗ, đem ra đặt giữa làng để cầu trời, khấn đất, nhờ các thần linh giúp đỡ. May mắn thay, năm ấy mưa thuận, gió hòa, cây cối đâm chồi xanh tươi, mùa màng bội thu, lợn gà sinh sôi, con người khỏe mạnh. Ngay sau năm đó, tất cả mọi nhà đã cùng đóng góp vật liệu, dựng lên một ngôi nhà đất năm gian để làm nơi cầu thần. Sau này, mọi người đặt tên ngôi nhà ấy là đình Nà Ngàm. Ông Chánh tổng họ Hoàng được dân cử làm ông mo, trông coi việc đứng lễ, mở hội.

Đình Nà Ngàm là ngôi đình cổ, mang đậm giá trị văn hóa, tín ngưỡng sơ khai của người Tày nơi đây. Khởi thủy của đình Nà Ngàm được dựng lên tại khe núi Đỏ, đến khoảng cuối thế kỷ XVIII, Đình được chuyển ra thôn Nà Ngàm với kiến trúc lớn hơn, các ban thờ vẫn được giữ nguyên.

Đình Nà Ngàm thờ ba ông thần núi (Đán Đeng, Đán Khao, Đán Đăm) và một ông thần sông (sông Chảy). Bàn thờ có ba cấp, bàn thượng đặt ba bát hương ngang hàng nhau ở chỗ cao ráo, chính diện theo nóc nhà Đình; mặt tịnh có ba chữ Hán - Nôm là: Thần - Linh - Ứng; mỗi bát hương có một mâm cỗ riêng. Bàn trung ở về hai phía phải và trái, dọc theo nóc Đình, thấp hơn bàn thượng; mỗi bên đặt bốn bát hương và bốn mâm cỗ. Bàn hạ có một bát hương, được đặt ngay trên mặt đất (dưới bàn thượng) và trên đó có đặt một mâm cỗ.

Ở phía ngoài cửa Đình, dưới gốc cây đa đặt một bát hương và một mâm cỗ thờ ông thần thổ địa bản xứ. Mâm cỗ được mọi nhà đóng góp lần lượt theo phân bổ, cụ thể là, hàng năm mổ một con lợn từ 60 kg trở lên; cứ 5 năm thì cùng đóng góp mổ một con trâu.

Đình Nà Ngàm là địa điểm sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng lâu đời của nhân dân địa phương và các vùng lân cận; nơi bảo tồn, lưu truyền những thuần phong mỹ tục; đồng thời là nơi chứng kiến những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày; là nơi hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh của bà con nhân dân. Đình còn mang những giá trị lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của vùng đất Mường Lai.                           

Với kiến trúc độc đáo riêng biệt, đình Nà Ngàm là một thiết chế mang những giá trị về văn hóa truyền thống sâu sắc, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Do đó, đình Nà Ngàm được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

2. Thời gian tổ chức Lễ hội: Tổ chức vào 2 ngày là mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

3. Địa điểm tổ chức Lễ hội: Thôn Nà Cáy, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Để đến được Di tích, du khách có thể đi từ trung tâm thành phố Yên Bái theo Quốc lộ 70 khoảng 65 km đến trung tâm xã Khánh Hòa. Sau đó theo Quốc lộ 152 đến trung tâm thị trấn Yên Thế, tiếp tục theo đường Quốc lộ 170 đi khoảng 6 km, rẽ trái vào đường liên xã đi Mường Lai khoảng 10 km là đến di tích đình Nà Ngàm.

4.  Phần Lễ hội:

Hàng năm, cứ vào ngày mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tiếng lành đồn xa, người người khắp nơi đến dự lễ, vui hội. Buổi sáng, mâm cỗ bày ra, người già đến cầu lễ, người trẻ với cày cuốc trực sẵn ngoài đồng để chờ lễ xong là chạm đất vào mùa. Buổi chiều, già trẻ, trai gái tụ họp vui chơi. Đến chiều tối lại rủ nhau mở các lò hát khắp, hát cọi đối đáp giao duyên...

Lễ rước ông mo ra đình và rước về nhà khi tan lễ cùng với buổi chầu lễ là nội dung của lễ Đình. Đoàn người rước do xã cử, gồm 12 người mặc quần vải trắng, áo dài nhuộm chàm, đầu đội khăn xếp đen. Đi theo đoàn rước còn có các vị chức sắc, vợ và con lớn của các chánh, phó tổng, tiên chỉ, chánh phó lý, thủ bạ, xã tuần, xã thu và các cụ cao tuổi.

Khi khởi hành, chiêng trống gióng lên ba hồi ba tiếng; sau đó, thứ tự cờ lọng đi trước, chiêng trống dẫn đường, rồi mới đến kiệu ông mo; người cầm ô, người ôm tráp theo sau (ông mo không ngồi kiệu). Tiếp đến là các vị chức sắc, già làng cùng với vợ con của họ, theo một hàng dài đi tới Đình.

Ông mo được tắm rửa, ăn chay thanh tịnh, khi đoàn rước đến Đình, ông mo với mũ áo chỉnh tề, tiến đến bên mâm cỗ đã được đặt sẵn với đầy đủ các lễ vật, bắt đầu hành lễ luôn. “Hương pay xa, va pay mơi, dân thự mứa khỏi, mơi pú Đán Đeng, mơi pú Đán Khao...” (Mùi hương đi tìm, mùi hoa đi đón, dân chúng tôi mời ông Đán Đeng, mời ông Đán Khao). Chín tuần lễ, chín tuần rót rượu là chín lần xin quẻ âm dương cầu phúc, cầu lành, dân cho yên, vật được thịnh. “Pi mấư liệng tua mấư đảy mả, phạ mấư hật cúa mấư đảy lai, nặm têm nà, cha têm tông, co khảu cỏ ăn thày, cha nuầy cỏ lằm cuổi” (Năm mới, nuôi con mới được yên, làm của mới được nhiều, nước đầy ruộng, cá đầy đồng, cây lúa bằng cái nắn, cá chép bằng thân chuối. Nông dân xuống đồng làm ruộng được mùa, thóc lúa đầy bồ, bội thu, ấm no, hạnh phúc). Xong buổi lễ cầu thần, đốt xong vàng mã cũng đã quá trưa, mâm cỗ được ngả ra giữa Đình, mọi người cùng tận hưởng lộc năm mới do thần ban cho.

Quá Ngọ, sang Mùi là giờ vui hội bắt đầu. Mọi người theo chân ông mo ra ngoài sân bãi rộng để thi tung còn, đánh yến, thi đánh quay, bắn nỏ, bắt trạch, đi cà kheo, đi lò cò, xem đua ngựa... Tất cả những người thắng cuộc trong các trò chơi đều được ông mo phát thưởng, phát lộc cho may mắn.

Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cuộc sống bình yên của người dân Mường Lai không còn. Đình Nà Ngàm từ đó cũng bị lãng quên. Tết đến, xuân về không còn tiếng chiêng, tiếng trống; bản mường không còn vui nhộn nhịp như xưa. Rồi cả khi hòa bình lập lại, cuộc sống có nhiều đổi thay, tiến bộ nhưng người Mường Lai vẫn bùi ngùi, luyến tiếc như đã đánh mất điều thiêng liêng nhất của dân tộc mình bấy lâu đã tôn thờ. Vì thế, nhân dân nơi đây đã đề nghị các ban, ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương giúp đỡ để xây dựng lại đình Nà Ngàm; tổ chức lại lễ hội xuống đồng.

Ngày nay đã thành thông lệ, để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, yêu quê hương, gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị tâm linh, bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương; cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận, gió hòa, cầu cho mùa màng bội thu vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, Ủy ban nhân dân xã Mường Lai lại tổ chức lễ hội như một hoạt động thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh hướng về nguồn cội.

5. Công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh:

Ngày 16/7/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 1122/QĐ - UBND, công nhận đình Nà Ngàm, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Lãnh đạo huyện, xã đón nhận Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Nà Ngàm

6. Thông tin liên hệ:

- Liên hệ Ban quản lý: Ông Triệu Văn Thuộc - Trưởng Ban QLDT Đình - Số điện thoại: 0819.806.866.

- Liên hệ đơn vị tổ chức lễ hội: Ông Triệu Văn Thuộc - Trưởng Ban QLDT đình - Số điện thoại: 0839.806.866. Bà Hoàng Thị Oanh - Công chức VHXH - Số điện thoại: 0356.290.959.

- Liên hệ công ty lữ hành: Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Yên Bái - Số điện thoại: 02163.893.985. Giám đốc Công ty: Ông Đặng Minh Khôi - Số điện thoại: 0919.855.220 -  0976.079.266.

- Cơ sở lưu trú:

+ Khách sạn Ánh Nguyệt, tổ 10, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên - Điện thoại: 02163.845.588; 0986.194.199; 0912.967.799;

+ Khách sạn Hồng Ngọc, tổ 11, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên - Số điện thoại : 02163.845.176.

+ Nhà nghỉ Tùng Dương, tổ 11, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên - Số  điện thoại: 02163.845.450.

+ Nhà nghỉ Hương Giang, tổ 11, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên - Số điện thoại: 02163.845.596.

- Cơ sở ăn uống:

+ Nhà hàng Đông Hồ, tổ 11, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên - Số điện thoại: 02163.845.612.

+ Nhà hàng ẩm thực Lục Yên, tổ 4, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên - Số điện thoại : 0986.607.994.

+ Nhà hàng Hùng Liên, tổ 4, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên - Số điện thoại: 02163.845.476.

+ Nhà hàng Giỏi Liên, tổ 10, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên - Số điện thoại: 02163.845.458.

+ Gia đình Nguyễn Thị Mát, thôn Nà Bái, xã Mường Lai, huyện Lục Yên - Số điện thoại: 0376.125.849.

- Phương tiện di chuyển: Đường bộ.

4528 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h