Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn hóa - Phong tục >> Văn hóa - Xã hội

Độc đáo Tết nhảy của người Dao - Yên Bái

14/08/2016 16:01:07 Xem cỡ chữ Google
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, cũng như các dân tộc thiểu số khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Dao Nga hoàng ở thôn Khe Rộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có một cách ăn tết khá riêng, đặc trưng cho dân tộc, đó là Tết nhảy. Tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao có từ bao đời nay đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến.

Điệu "Pẻo tộ" trong Tết nhảy

Người Dao Nga hoàng Yên Bái cũng không biết chính xác Tết nhảy của dân tộc mình có khi nào. Chỉ nghe các cụ già trong tộc truyền lại rằng, từ rất lâu rồi, khi tổ tiên người Dao ở phía Bắc vượt biển Đông vào Việt Nam, một số thuyền đã gặp phải gió bão. Để sống sót họ phải nhảy lên xin thần tiên cứu giúp và xin hứa khi thoát nạn vào bờ thì sau này sẽ làm lễ Tết nhảy để tạ ơn. Từ đó, Tết Nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Dao trong mỗi dịp Tết.

Tết nhảy (hay còn gọi là Nhiang Chằm Đao) thường được bắt đầu từ khoảng mùng 10 tháng Chạp âm lịch đến trước Tết Nguyên đán. Để chuẩn bị cho Tết nhảy, các thanh niên trong làng phải tập các điệu múa, điệu nhảy và phải chuẩn bị gươm đao bằng gỗ để múa. Người Dao cũng chuẩn bị rất công phu và tốn kém cho nghi lễ này. Ngay từ đầu năm, dòng họ đã phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các dụng cụ để múa trong Tết nhảy. Lễ vật trong tết nhảy gồm có gà, lợn, rượu, gạo và giấy bản.

Tết nhảy phải được tổ chức ở nhà cái, tức nhà có bàn thờ họ (Tì dạn). Dòng họ nào muốn tổ chức Tết nhảy thì trước hết phải làm một lễ cầu làng. Khi đó mọi người trong làng cùng góp tiền để làm lễ vật chung, sau đó người đứng ra làm lễ cầu làng (là người được dân làng tín nhiệm và bầu ra) sẽ cầu cho dân làng có được sức khỏe, làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn. Sau lễ cầu làng từ 6-7 ngày thì mới tổ chức Tết nhảy.

Vào ngày tổ chức Tết nhảy, ngay từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình đã giã bánh dày, mổ lợn, gà. Thanh niên trong dòng họ chuẩn bị cờ làm bằng giấy bản và đẽo kiếm (kiếm dài khảng 50 phân), dao và dìu bằng gỗ. Đẽo xong thì lấy mực màu xanh, đỏ tô lên và trang trí hình hoa văn trên đó.

Hai thầy cúng được gia đình mời đến bắt đầu tiến hành công việc của mình. Sau khi cúng xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho gia đình, bản làng một năm mới sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn thuận lợi và xin làm lễ Tết nhảy, thầy cúng cầm “trảo” (mang ý nghĩa như đồng tiền xin âm dương) giơ lên và ném mạnh xuống đất, khi nào hai mảnh cùng ngửa là “dương” có nghĩa là  tổ tiên đã đồng ý cho dân làng làm Tết nhảy.

Tiếp đó, hai thầy đốt giấy vàng để gửi tiền cho tổ tiên để các cụ công nhận cho gia đình tổ chức Tết nhảy. Sau đó, gia đình sắp cơm và mời tất cả mọi người đến tham dự cùng ăn.

Nghi lễ đầu tiên là múa Lạp Lì Lò Sất Sảy. Một thầy cúng đứng đọc to cho mọi người nghe về nguồn gốc của Tết nhảy và cũng là đọc lại lịch sử cho tổ tiên chứng kiến. Cùng lúc đó, thầy cúng còn lại đứng lên múa cùng tốp múa 8 đến 10 người. Mỗi người múa tay đều cầm cờ, trống chiêng, sập sèng... múa theo điệu quay vòng. Sau đó nhiều điệu múa truyền thống được trình diễn như: múa kiếm, múa dạo (lạp miên a dạo), múa nhảy rùa (Pẻo tộ)... Tất cả những động tác của các điệu múa này đều được thực hiện một cách liên tục với sự khéo léo và tinh tế của người trình diễn. Những người tham gia vừa múa vừa hát, những điệu múa, lời hát trong Tết nhảy thường hướng đến những điều tốt lành, hạnh phúc. Các điệu múa mang tính hình tượng cao và độc đáo.

Trong Tết nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã. Người tham dự Tết nhảy múa liên tục cả ngày cả đêm, ai mệt thì ra, người khác sẽ thay thế. Cứ như vậy trong suốt thời gian diễn ra Tết nhảy.

Đến ngày kết thúc tết nhảy, 2 thầy mặc váy với áo thêu lên đồng rồi sau đó ra ngoài cửa chính thổi tù và với ý nghĩa gọi Ngọc Hoàng xuống để hai thầy báo cáo là đã làm xong lễ Tết nhảy. Rồi hai thầy làm lễ “trả chiều” để kết thúc Tết nhảy. Sau đó, bà con dân làng cùng ăn uống và chúc cho gia chủ một năm may mắn và tốt lành. Sau khi hai thầy về, gia đình trả lễ cho mỗi thầy một chiếc đùi lợn để tỏ lòng biết ơn.

Tết nhảy của người Dao Nga Hoàng thôn Khe Rộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là nét sinh hoạt văn hóa mang tính tổng hợp của các loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy múa, âm nhạc, ngôn ngữ...  tất cả đã làm nên vũ điệu sắc màu độc đáo riêng có của người Dao nơi vùng cao Yên Bái.

3010 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h