Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Văn hóa phi vật thể quốc gia >> Văn hóa - Xã hội

“Hạn khuống” của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

21/06/2019 10:00:50 Xem cỡ chữ Google
Ngày 23/1/2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, công nhận “Hạn khuống” của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trình duyệt không hỗ trợ xem trực tuyến

1. Tên gọi của Di sản văn hóa phi vật thể: “Hạn khuống” của người Thái.

2. Loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian.

3. Quyết định công bố Di sản văn hóa phi vật thể:

Quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, ngày 23/1/2017 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận “Hạn khuống” của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

4. Địa điểm phân bố Di sản:

Di sản văn hóa phi vật thể “Hạn khuống” của người Thái trước kia được phân bố trên cơ sở địa bàn cư trú của người Thái ở tỉnh Yên Bái. Từ khi phục dựng (năm 2002) đến nay, “Hạn khuống” được duy trì và tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ (phường Trung Tâm, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Lợi).

5. Chủ thể văn hóa:

Cộng đồng tộc người Thái ở thị xã Nghĩa Lộ (Mường Lò), tỉnh Yên Bái.

6. Sự ra đời “Hạn khuống” của người Thái:

Nghệ thuật "Hạn khuống", về bản chất là hình thức sinh hoạt tập thể, diễn xướng sân khấu sơ khai mang tính đại chúng của đồng bào Thái từ xa xưa (chủ yếu là Thái đen), nhằm thỏa mãn nhu cầu giao lưu văn hóa - văn nghệ giữa các làng bản và giữa các thành viên tham dự cuộc chơi. 

Trong tiếng Thái, "Hạn khuống" được hiểu là: "Hạn" là sàn, "khuống" là sân, đất trong bản. Như vậy, "Hạn khuống" có nghĩa là sàn sân, tức là một cái sàn được dựng ở ngoài sân (sân khấu, sàn diễn, văn nghệ dân gian cộng đồng). 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học về sự thiên di của các ngành Thái ở Tây Bắc Việt Nam, đặc biệt, qua hai cuốn sử thi của người Thái đen: “Quam tố mương” và “Táy pú sấc” thì Mường Lò là vùng đất “quê cha đất tổ” của người Thái đen ở Tây Bắc Việt Nam. Vào khoảng thế kỷ XI - XII, ngành Thái đen do Tạo Xuông, Tạo Ngần, thuộc dòng dõi tạo đất Tung Hoàng ngày xưa (miền “sông Thao nước đỏ”) dẫn dắt đoàn quân chinh chiến và các họ của người Thái ra đi từ Mường Ôm, Mường Ai ở miền thượng sông Hồng đến Mường Lò cư trú.

Khi đặt chân đến Mường Lò, đoàn người cùng nhau khai phá ruộng đất, lập bản, lập mường, làm ruộng, làm nương và sống quần tụ trong các bản làng ở vùng lòng chảo, ven các sông suối. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển ấy, đồng bào luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, đấu tranh chống lại thú dữ. Trong các vụ mùa, người ta chăm chỉ làm ruộng, làm nương ở những cánh rừng, con suối cách xa nhau nên không có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tâm sự, tìm hiểu. Mỗi năm, sau những vụ mùa, giữa tiết trời thu đông, đồng bào Thái lại cùng nhau dựng lên những sàn "Hạn khuống" làm sân chơi chung, làm nơi trao đổi những kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày và cũng là nơi các chàng trai, cô gái công khai tìm hiểu nhau thông qua việc thử tài văn chương, ứng đối, kinh nghiệm canh tác, làm ăn, sự khéo tay để rồi kết tóc se duyên, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Như thế, có thể thấy, cùng với sự phát triển của xã hội, nghệ thuật "Hạn khuống" của tộc người Thái được ra đời để đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần cho mọi người trong làng bản. Đây có thể coi là nhu cầu tất yếu của cả cộng đồng, của con người, của vạn vật, của sự gắn kết, sinh sôi, nảy nở. Nghệ thuật "Hạn khuống" được coi là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự phồn vinh, no ấm.

Sàn sân trong nghệ thuật "Hạn khuống" cũng như ngôi nhà của đồng bào vậy, nó thể hiện đặc điểm cư trú của cộng đồng. Bởi thế, chắc chắn rằng, nghệ thuật này đã ra đời và tồn tại từ rất lâu trong đời sống của tộc người, nó gắn liền với lịch sử cư trú, bản sắc văn hóa, truyền thống đấu tranh của cộng đồng.

Nghệ thuật "Hạn khuống" là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào Thái, là nơi để cộng đồng giao lưu, tâm sự, chia sẻ, là sân chơi cho nam thanh, nữ tú tìm hiểu, kết duyên. Cứ thế, loại hình nghệ thuật này được tổ chức hàng năm và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đến nay, chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về sự ra đời và thời gian tồn tại của nghệ thuật "Hạn khuống", chỉ biết rằng, loại hình này được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái. Nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt; thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái. Riêng trên vùng đất Nghĩa Lộ - Mường Lò, có thể nói, nghệ thuật "Hạn khuống" ra đời và tồn tại cùng với lịch sử khai phá, cư trú của cộng đồng nơi đây (thế kỷ XI - XII).

Qua tìm hiểu, chúng ta nhận thấy, những nơi có người Thái sinh sống đều tồn tại nghệ thuật "Hạn khuống" nhưng đã mai một; hình thức tổ chức cũng như nội dung các lời hát chỉ còn lại trong tâm trí của các bậc cao niên. Ở một số nơi cũng đã khôi phục, bảo tồn được loại hình nghệ thuật này nhưng không phải là nhiều.

Nghiên cứu gần đây cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa nghệ thuật "Hạn khuống" trước kia và nghệ thuật "Hạn khuống" ngày nay là ở thời gian và hệ thống các bài hát, các trò chơi cũng như không gian tâm tình, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống, làm ăn giữa các thành viên trong cộng đồng, không chia già trẻ, lớn bé, nam hay nữ được thể hiện trong ngày hội.

Trước kia, nghệ thuật "Hạn khuống" được tổ chức vào cuối mùa thu, đầu mùa đông hoặc đầu xuân năm mới, một đến hai năm một lần, theo mùa vụ nông nghiệp của đồng bào. Vào những ngày nông nhàn, khi kết thúc mỗi vụ mùa, các chị rủ nhau vào rừng kiếm củi, hái nấm, bẻ măng cũng là lúc các anh lên rừng đẵn gỗ, chặt cây, bàn bạc nhau thống nhất làm sàn "Hạn khuống" ở giữa bản để tối tối gặp nhau, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, giao lưu, tâm sự, tìm hiểu rồi kết duyên. Nghệ thuật "Hạn khuống" của thời kỳ này được tổ chức theo cộng đồng bản, những bản mà đời sống nhân dân ổn định thì cứ đến đầu mùa khô hàng năm (sau khi thu hoạch vụ mùa xong) là dựng sàn để chơi "Hạn khuống" cho đến hết mùa khô, khi bắt đầu vào mùa phát nương, làm ruộng mới mới thôi. Như vậy, thời gian diễn ra "Hạn khuống" đúng theo truyền thống là trong suốt mùa khô, từ ngày này qua ngày khác, từ đêm này qua đêm khác. Ban ngày là các trò chơi dân gian, khi màn đêm buông xuống là lúc các đôi trai tài, gái sắc thể hiện tình cảm qua những lời đối đáp thâu đêm. Cứ như thế, trai gái mới có điều kiện tìm hiểu kỹ lưỡng để đi đến hôn nhân, xây dựng mái ấm hạnh phúc bền lâu.

Theo trí nhớ của các cụ cao niên, phần lễ của "Hạn khuống" xưa khá mờ nhạt, chủ yếu là để khánh thành sàn mới, nó gần như lễ lên nhà mới nhưng đơn giản hơn. Phần lớn thời gian là của nội dung hội. Mở đầu cho phần hội của sân chơi "Hạn khuống", mọi người dân trong bản - già trẻ, trai gái, có gia đình hay chưa, nếu muốn đều có thể lên sàn vui chơi, trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, hỏi thăm sức khỏe, gia đình, họ hàng,… Thường thì, những ai đã quen biết đều được tự do lên sàn tham gia, những người lạ phải qua thử thách. Các cụ già, người lớn tuổi đến "Hạn khuống" để góp vui, dạy dỗ, chỉ bảo con cháu lời nói đẹp, câu hát hay. Trẻ em đến "Hạn khuống" vừa chung vui, vừa học ăn, học nói, học hát, học quay xa, kéo sợi, học đan chài, đan lưới... Hết hát lại nói đối đáp, hết đối đáp lại cười vui, chơi đùa. Cứ thế, câu chuyện "Hạn khuống" tưởng như không bao giờ kết thúc. Từ chuyện của bản, của mường đến chuyện riêng của mỗi gia đình, mỗi thành viên; từ chuyện yêu đương lứa đôi, đến chuyện đi nương, đi rẫy... đều trở thành những đề tài trao đổi, bàn bạc ở "Hạn khuống". Như thế, các đêm "Hạn khuống" đã mang lại thời gian và không gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn, mang lại không khí ca hát lành mạnh, làm nhộn nhịp, ấm áp cả bản cả mường.

Đến khi trời đã về khuya, người già, trẻ em về nghỉ hết, chỉ còn nam nữ thanh niên trong làng, ngoài bản hát đối đáp tìm hiểu, làm quen, trao đổi tâm tình, tìm bạn, tìm người yêu. Càng về khuya, "Hạn khuống" càng đi vào chiều sâu của tâm lý, ý tứ, các cô gái quây quần bên bếp lửa trò chuyện, đối đáp với các chàng trai. Nhiều đôi trai gái tâm đầu ý hợp, từ sinh hoạt "Hạn khuống" đã thành vợ, thành chồng ăn đời, ở kiếp hạnh phúc với nhau. "Hạn khuống" là cuộc vui của cả tập thể cộng đồng, giúp con người có một tinh thần thoải mái, tự tin bắt tay vào những công việc đồng áng, chăn nuôi và phấn đấu hoàn thành những việc mà họ chưa đạt được trong cuộc sống.

Trong thời gian bị thực dân Pháp chiếm đóng, "Hạn khuống" hầu như không được diễn ra tập trung, nhưng vẫn diễn ra nhỏ lẻ trên các nhà sàn của người Thái, góp phần gìn giữ nghệ thuật "Hạn khuống". Sau nhiều năm vắng bóng, đến năm 2002, thị xã Nghĩa Lộ bắt đầu khôi phục lại loại hình nghệ thuật này, có ghi hình để bảo tồn, tại bản Pá Kết, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ.

Từ năm 2010, thị xã Nghĩa Lộ đã tiến hành khôi phục và tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân (thường gắn với lễ hội rằm tháng Giêng), phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra những sự kiện du lịch của địa phương, nghệ thuật "Hạn khuống" vẫn được trình diễn trong khoảng thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến trước năm 2015, nghệ thuật "Hạn khuống" diễn ra không có phần lễ mà chỉ có phần hội.

Hiện chưa tìm thấy tài liệu nào viết về nghệ thuật "Hạn khuống" ở Mường Lò. Năm 2015, thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: "Nghiên cứu, bảo tồn hội Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ", do cử nhân Lò Thị Huân là chủ nhiệm. Dựa theo kết quả nghiên cứu của đề tài này, nghệ thuật "Hạn khuống" hiện nay được khôi phục lại đầy đủ hơn, nội dung phong phú hơn. Những nội dung thu thập được của đề tài chỉ dựa vào trí nhớ của các cụ cao niên, am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống đã từng tham gia hội trong vùng để phục dựng lại. Hiện nay, nghệ thuật này không diễn ra tự nhiên như trước kia mà được lồng ghép với các lễ hội khác, theo hình thức sân khấu hóa, thời gian và cách thức thể hiện rút ngắn hơn, phạm vi và thành phần tham dự hẹp hơn. "Hạn khuống" bây giờ chủ yếu là nơi sinh hoạt của nam nữ thanh niên hát đối đáp, giao duyên, trao đổi tình cảm.

7. Miêu tả về Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật “Hạn khuống”:

* Mô tả sàn “Hạn khuống: Sàn "Hạn khuống" thường được dựng ở nơi đất rộng rãi, bằng phẳng, thoáng đãng, thuận lợi về đường đi lối lại nhất trong bản để mọi người có thể đến chơi. Lý giải về việc dù chỉ là một cuộc chơi nhưng dân bản phải dày công dựng sàn "Hạn khuống", các cụ cho rằng, thời gian chơi hội khá lâu, hơn nữa, trước kia trong bản đất còn gồ ghề, rất ít điểm đất bằng phẳng tự nhiên nên phải dựng sàn để tạo chỗ bằng phẳng, sạch sẽ, không lầy lội. Mặt khác, dân cư trong các bản xưa kia còn thưa thớt, rừng núi hoang vu, rậm rạp, nhiều thú dữ nên việc dựng sàn còn để tránh thú dữ, côn trùng làm hại đến người chơi. Vật liệu để dựng sàn có thể bằng tre hoặc bằng gỗ nhưng thường thiết kế không vĩnh cửu, vì hết mùa "Hạn khuống" là phá bỏ đi.

Kích thước sàn sân cũng không bắt buộc phải tuân theo một khuôn mẫu nào. Nhưng để tiện dụng, người ta thường làm mặt sàn hình vuông hoặc hình chữ nhật, diện tích khoảng từ 20m² - 30m², cao từ 1 - 1,5 mét. Hình giống như phần "Chánk" (chái) của ngôi nhà sàn Thái, sàn dát bằng tre hoặc phên nứa. Bao quanh sàn sân là một hàng chấn song bằng tre, nứa, đan hình mắt cáo (bằng tre tươi, còn màu xanh), cao khoảng 40 - 50 cm (tính từ mặt sàn lên), chủ yếu mang tính trang trí; đó là mô tuýp hoa văn đặc trưng của dân tộc Thái. Sàn gồm 5 - 6 hàng cột bằng tre. Lối lên xuống được nối bởi một cầu thang có từ ba đến năm bậc.

Trên sàn "Hạn khuống" có đặt một bếp lửa ở vị trí trung tâm, chu vi chừng bốn mét, có năm cây tre hoặc hóp thẳng, dóc sạch cành, chỉ để lại ít lá trên ngọn gọi là "lắc sáyk" (giống như cây nêu ngày tết của người Việt). Trong năm cây có một cây cao hơn, to và đẹp nhất gọi là cây “lắc sáyk cốc" (gốc sàn) do cô "tổn khuống cốc" (trưởng nhóm) làm chủ. Cây này dựng ở vị trí trung tâm, sát với bếp lửa, tượng trưng cho trụ của đất trời; bốn cây còn lại dựng ở bốn góc sàn gọi là cây "lắc xáyk" do các cô "sao tổn khuống" làm chủ tượng trưng cho bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc.

Trên bốn cây "Lắc sáyk" ở bốn góc sàn, buộc xúc xích hoa văn giăng đến "Lắc sáyk cốc". Trên cây "Lắc sáyk cốc" treo một vòng tròn là biểu tượng của mặt trăng; trên cây treo các ống nước, con vật, quả được đan bằng lạt nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng như ve sầu, con chim, con cá, chùm dâu... có màu sắc sặc sỡ thể hiện sự hài hòa của sự sống trong vũ trụ, âm dương hòa hợp, tươi tốt của sự sống, sự kết nối giữa đất và trời. Ngoài ra, trên "Hạn khuống" còn treo thêm chài, lưới,... và đặt các vật dụng như chuông phiến, điếu hút thuốc, ghế ngồi, sợi dệt, cuộn vải, giỏ, ớp, ống nước, các dụng cụ, đồ dùng để dệt vải truyền thống của đồng bào Thái.

* Trình tự diễn ra nghệ thuật "Hạn khuống": Theo tìm hiểu, "Hạn khuống" xưa có phần lễ nhưng nội dung lễ đơn giản, thời gian diễn ra ngắn gọn. Trước khi đề tài khoa học được hoàn thành, thị xã Nghĩa Lộ có tổ chức nghệ thuật "Hạn khuống" nhưng không có phần lễ, chỉ có phần hội.

Sau năm 2015, "Hạn khuống" được khôi phục, sát với truyền thống, phần lễ được tổ chức với nội dung ngắn gọn. Đây được xác định là phần lễ khánh thành sàn "Hạn khuống" và cầu các vị thần linh phù hộ cho những ngày diễn ra hội bình an, hạnh phúc. Phần lễ diễn ra ngắn gọn, nhanh chóng, trong khoảng 20 - 25 phút, với bài cúng thỉnh của thầy mo và lời nhắc nhở, răn dạy của những người có uy tín, các bậc cao niên trong cộng đồng với các thành viên tham gia hội.

Khi sàn "Hạn khuống" được dựng xong, công tác chuẩn bị đã hoàn thiện, dân bản tổ chức lễ khánh thành. Nhân dân trong vùng, nhất là những nam nữ thanh niên cùng nhau chuẩn bị các lễ vật như lợn, gà, rượu... để cúng thần linh, thổ công, thổ địa và các ma (phi) phù hộ cho sinh hoạt "Hạn khuống" được thuận lợi, bình an, tốt đẹp.

Lễ vật dâng cúng có khác nhau giữa "Hạn khuống" phạm vi lớn và nhỏ. Nếu làm to, nhiều thôn bản cùng tham gia thì vật hiến sinh thường là con lợn, ngoài ra có gà, rượu, gạo, vải. Nếu "Hạn khuống" chỉ làm trong phạm vi một bản thì lễ vật chỉ cần gà, rượu, gạo là được.

Thành phần tham gia buổi lễ có thầy mo, già làng, tạo bản (trưởng bản hiện nay), nhóm "xao tổn khuống", những người này ở trên sàn "Hạn khuống", dưới sân có thanh niên nam nữ và bà con dân bản.

Khi các lễ vật để cúng được chuẩn bị đầy đủ, mâm lễ được cô "tổn khuống cốc" đội lên sàn, đặt ở phía bên trái của bếp lửa (nhìn từ phía trên xuống). Cô "tổn khuống cốc" tay cầm bó đuốc đi vòng quanh "Hạn khuống" một vòng rồi bước lên sàn đến bếp để nhóm lửa. Các tổ viên nữ mang các dụng cụ thêu thùa, dệt vải… của mình lần lượt bước cầu thang lên sàn "Hạn khuống", rồi họ cùng nhau nói: Lên “Hạn khuống” mới được mạnh khỏe nhé (khửn Hạn khuống máư hảo hăn nơ). Lúc này, thầy mo, già làng, tạo bản cùng các nam nữ thanh niên và bà con trong bản đứng ở dưới sân cũng nói những lời chúc nhau sức khỏe khi đến tham gia "Hạn khuống". Trên sàn "Hạn khuống" tại bếp lửa, cô "tổn khuống cốc" vừa nhóm lửa vừa khắp (hát):

"… Em lấy củi lấy cây dâu

Đẵn củi được đủ đóng thành gánh

Lấy củi lấy hai bó

Lấy củi lấy ba bó

Một bó để dành mẹ yêu làm cơm chiều

Một bó để dành mẹ thương cất nồi rượu

Một bó dựng xuống “Hạn khuống” đốt lửa…"

Khi bếp đã có ngọn lửa cháy to, cô "tổn khuống cốc" cất tiếng mời gọi: Xin mời bà con và các thanh niên nam nữ trong bản lên "Hạn khuống" cùng chúng tôi nhé! Lúc này thầy mo, già làng, trưởng bản bước lên "Hạn khuống" và nói: Lên Hạn khuống mạnh khỏe nhé! Sau đó, thầy mo đến bên mâm lễ thắp ba nén hương cắm vào bát gạo và bắt đầu cúng:

"Hạn khuống nị, tẳng bón mảư - xáư bón đi, hại nhã mi, đi hảư đảy; xo chảu nặm chảu đin, xo chảu bản chảu mưỡng; khỏi pắc hương pắc tiễn vay vái, au căn mã kim mu nháu to chuông; mã kim mu luông to lỏng; kin cá khaủ ón tan nỗng; lảu khôm ban phết, kin lẹo chăng coi chữa căn cụm, hảư “Hạn khuống” nị, lắc nháư lỗm nha bay, lắc say phôn nhã tỏng, cỏng hạn púak  nha lãm; báng ngão nhã mã lam, lăm hại nhã ngoi đày; sưa lãi nhã mã nhiểm, phạ siểng hảư mi ế xạo lông chôm. Bươn môn mi ế báo mường cay ma khắp lé nỡ".

Dịch nghĩa: Hạn khuống này dựng nơi đất mới, đặt nơi đất lành, gở đừng có, lành cho được. Xin thần đất thổ công; xin thần bản, thần mường. Tôi cắm hương xin nói lời khấn vái: Rủ nhau về ăn lợn to bằng cái guồng, về ăn lợn to bằng cái máng, ăn cả cơm dẻo nếp tan, uống cả rượu đắng ngọt cay; ăn rồi hãy cùng nhau bảo vệ cho Hạn khuống này, cột to gió không lung lay; cột hoa mưa không bị thấm; dưới gầm sàn mối không xông. Cầy hương đừng đến dọa, quạ xấu đừng về đậu cầu thang, hổ vằn đừng đến nhòm ngó; trời trong để có nhiều gái bản xuống chơi; trăng tròn để có nhiều trai mường xa đến hát đó nhé!

Khi thầy mo cúng xong, mâm lễ được thu dọn cất đi rồi một người già có uy tín trong bản có vài lời căn dặn:

"Pứng luk lan cuông bản Pọm ók hanh au mạy, au tók, lẹo đảy pứng ải thảu, êm ké tủm pũa, cắp đảy pi nọng cuông bản choi dưa, cắp mi cỗn chang mứ khót chắc chắn, manh bẹ hảư, chẳng tẳng đảy Hạn khuống mẳn hăn, chăn khặn nị, dệt bón vạy hảư lụk báo, nọng xao ma hô hôm ỉn muồn.

Pun sứp pun lồng lãn

Pan sứp pan lồng lửa

Phôn báu tốc nhã vãng sia khuống háu sảu

Phạ báu sảu nhà vàng xia khuống haú mòng

Khuống chí móng chăng chưa căng au bẳng hưn tong ma tói

Xao ngắm đảy tân bão lỗng hồm

Cha quam van hặp chôm căn tảu

Phaư baú ỉn sia chùa bók  mẵn

Phaư báu ỉn sia chùa bók bàn

Phaư báu ỉn sia pan chĩ mỏm

Hạn khuống mẳm nhã huội sao bão hỗm tom

Mặc căn nẳng khuống củ

Ổ chụ nẳng khuống phay

Vãy pay ma lẹo mèn

Tản quén thỏi nhường mự đai cằm vẽn sương

Pã lãng phăn mữa sú hưỡn bươn chọi

Ổ hắn hiểu từa nọi mẵn hák pên cù phua mĩa".

Dịch nghĩa: Các cháu trai gái thanh niên trong bản đã cùng nhau xây dựng "Hạn khuống", đồng thời được sự giúp sức, ủng hộ của bà con trong bản mới có được "Hạn khuống" to đẹp như thế này. "Hạn khuống" là linh hồn của bản, là nơi hội tụ sinh hoạt vui chơi của trai gái thanh niên và bà con trong bản.

Lứa tiếp lứa xuống chơi

Thời nối thời xuống hát

Trời không mưa đừng để sân quạnh vắng

Trời không nắng đừng để sân quạnh hưu

Để sàn không quạnh hưu phải rủ nhau lấy đàn môi ra gẩy

Thiếu nữ ưa nhìn quyến rũ các chàng trai xuống chơi

Những lời dịu ngọt lôi cuốn nhiều người đến

Ai không chơi thiệt thòi đời hoa mận

Ai không chơi thiệt thòi đời hoa ban

Ai không chơi thiệt thòi một thời tuổi trẻ

“Hạn khuống” bền đừng để dứt trai gái quây quần

Thích nhau từ “Hạn khuống” này

Thổ lộ lời tình duyên ở sàn bếp lửa

Để đường đi đường về đều đúng

Bộc lộ từng ngày kết nhiều yêu thương

Đeo cả giấc mơ cùng chung một nhà sáng sủa

Lời tình tự cứ ngẫm từng ít một rồi sẽ thành đôi chồng vợ.

Sau những lời căn dặn của người già, tạo bản cũng có mấy lời nhắn nhủ: "Hạn khuống bón nị vạy ỉn muồn, chí mi lai báo, lai xao ma tom ma hậu, hak và ỉn muồn thứk mi côn dệt cốc dệt co, nhã hảư mi pứng vịa cắp ken, cướp chụ xíng sao tặp ti dệt hại nẵn ók nẳng Hạn khuống.

1. Pứng lếch nọi pák uối tố pên lợn sởn báư đảy khửn Hạn khuống.

2. Cỗn kin lảư bả nha đảy khửn Hạn khuống.

3. Cỗn ké mĩ lụk mĩ mĩa chỉ đảy mã in hua cằm chỡ nhẵng chạu, nhà đảy ỉn đức, ỉn đứn hảư lụk mĩa cắp ken tặp ti căn chí bẫu pên hươn.

Chú cằm háư mĩ chụ cuông bản mã khắp

Hảư mĩ bão táng lắc mã páu pĩ tam lay

Hảư pên khuống phay báo xao hạu

Thảư ké muôn chỗm tom lé nở

Tiên tỗ lẹo ải mo, ải thảu cắp tạo bản (trưởng bản) au căn lỗng mã, vang Hạn khuống vạy hảư báo xao ỉn muồn".

Dịch nghĩa: "Hạn khuống" là nơi trung tâm sinh hoạt văn hóa, sẽ có nhiều thanh niên nam nữ đến vui chơi, nhưng vui chơi phải có tổ chức, có giờ giấc, đừng để xảy ra ra những chuyện ghen tuông, tranh cướp gái trai, người yêu đánh nhau, hãm hại nhau ở sàn "Hạn khuống".

Một là: Trẻ em nói láo, ngỗ ngược không được lên "Hạn khuống".

Hai là: Người say, nát rượu không được lên "Hạn khuống".

Ba là: Những người đã có vợ, có con chỉ được đến chơi lúc còn sớm, đừng chơi quá khuya để cho vợ con ghen tuông, gia đình sẽ không hạnh phúc. "Hạn khuống" phải trở thành nơi có lửa để trai gái tâm tình, đừng làm ồn ào, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người già, bà con xung quanh.

Nhắn nhủ xong, tạo bản cùng già làng, thầy mo đi xuống, dành sàn "Hạn khuống" cho thanh niên vui chơi. Đến đây là kết thúc phần lễ, nhường lại sân chơi cho phần hội (trước kia là kéo dài suốt mùa khô).

Sau phần lễ cũng là lúc ngọn lửa Hạn khuống cháy sáng rực cả một góc bản, cây lắc xáy lung linh nhiều màu sắc, đêm hội chính thức được bắt đầu. Số lượng trai gái tham gia "Hạn khuống" không giới hạn, thường thì có khoảng năm đến mười đôi; các cô gái Thái duyên dáng, xinh xắn, nết na, chưa lập gia đình, trong trang phục váy áo cỏm truyền thống, vấn tóc, đầu đội "khăn piêu".

Một cô ngồi ở chân "Lắc sáyk cốc" và được tôn là cô "tổn khuống cốc" (chủ sân, trưởng nhóm), có vai trò chủ trì, điều phối, châm ngòi, giữ nhịp cho những cuộc đối đáp. Bốn cô gái kia chia nhau ngồi cạnh chân bốn cây "lắc xáyk" ở bốn góc sàn, có nhiệm vụ phù trợ, điểm xuyết, làm nền, tạo thêm không khí sinh động, bất ngờ cho cuộc chơi.

Hiện nay theo các nghiên cứu, chưa có tài liệu nào ghi chép về các lời hát (khắp) trong nghệ thuật "Hạn khuống" mà các bài hát hiện có chủ yếu là do trao truyền qua các thế hệ bằng phương thức truyền miệng; những người còn nhớ ghi chép lại và truyền dạy cho các nhóm học hát hoặc các thành viên tự thu thập, nghe và ghi lại.

Về trình tự lời hát trong nghệ thuật "Hạn khuống" có năm phần là hát chào hỏi nhau (xo tham khửn ỉn Hạn khuống, tham báo dú tang đaư); hát xin thang (khắp xo đay); hát hỏi mượn ghế ngồi (tham do dọn tắng); hát mượn điếu hút (dọn tùng quân). Bốn phần này là những bài hát bắt buộc, theo tuần tự mà các bên tham gia chơi phải hát trước khi đến phần năm là các lời hát giao duyên, gọi là "khắp báo xao". "Khắp báo xao" mang tính mở hơn, tùy theo cách ứng biến của các chàng trai, cô gái nhưng nội dung cơ bản vẫn được lấy trong các thiên tình sử của tộc người như tản chụ xiết xương, tản chụ xống xương, xống chụ xôn xao, …

Vào cuộc, nhóm "xao tổn khuống" ngồi vào vị trí của mình, họ vừa cán bông, kéo sợi, thêu thùa,... vừa thân mật chuyện trò vui vẻ. Trong đêm, "Hạn khuống", ngọn lửa sáng lung linh cả một góc bản, các cây "lắc xáyk" lấp lánh muôn màu, thanh niên trong vùng rủ nhau đến chơi "Hạn khuống", mỗi đoàn cử ra 1 - 2 người đàn hay, hát giỏi, am hiểu để đối đáp, chào hỏi và xin được lên sàn tâm sự.

Đứng ở dưới sân, trong số hàng ngàn người đang hào hứng theo dõi và nhiệt liệt cổ vũ, là nhóm các chàng trai (năm đến mười người, ứng với số lượng các cô gái trên sàn) nghe lời hát của các cô gái, sẽ đến bên sàn thổi "pí", thổi khèn, chơi "tính tẩu", hát đáp lời những câu ca của các cô gái. Khi nghe tiếng sáo vang lên, các cô cất tiếng:

…"Tiếng sáo anh bay lên rừng - chim lắng nghe

Bay xuống thung, suối ngừng chảy

Bay về hóa tiếng guồng em quay sợi

Tiếng ấm quấn quyện, lòng em xao xuyến bâng khuâng…"

Để được đến chơi "Hạn khuống", các chàng trai phải cất lời xin tham gia:

…"Thấy "Hạn khuống" dựng lộng lẫy muốn đến cậy nhờ lắm thay

Anh thấy khuống em khuống to, khuống vuông rộng

Sàn rộng mà rực rỡ lung linh

… Xin lên chơi cùng người thương phước rồng với nhé… "

Khi nghe thấy các chàng trai xin lên chơi "Hạn khuống", các cô gái không ngừng ra lời đố; các chàng trai có nhiệm vụ hát đối lại, cách sử dụng ca từ phải do phía các cô gái "quy định", thông qua ý tứ của lời khắp xướng. Nội dung chủ yếu để ướm hỏi các chàng trai từ đâu đến, đã có người yêu (hay vợ) chưa? Nếu có thì đừng tham gia mà "đi nương chệch đường, đi ruộng chệch lối".

Sau những cuộc hát đối đáp, thử thách khá kỹ lưỡng, khi nỗi ưu tư của các cô được "bạn tình" chung lòng chia sẻ, thì các cô gái sẽ đồng ý cho các chàng trai lên sàn, nhưng để lên được sàn, họ phải "khắp xin thang". Lúc này, các "xao tổn khuống" mới nhẹ nhàng thả thang xuống, kèm theo đó là lời mời các chàng trai lên chơi sàn hoa "Hạn khuống". Mỗi một hành động, một cách ứng xử trên sàn hoa "Hạn khuống" đều được thể hiện bằng những lời khắp tình tứ, tế nhị giữa hai bên nam nữ.

Khi đã được lên sàn hoa thì cuộc vui văn nghệ bắt đầu và diễn ra đến tàn đêm. Lúc này, nhiệm vụ của các chàng trai là phải "khắp" thể hiện tài năng của mình để xin được ghế ngồi, xin điếu hút thuốc, xin nước để uống. Việc cho ghế hay không cho ghế, cho điếu hay không cho điếu của các cô gái cũng thể hiện bằng những lời hát thể hiện sự dịu dàng, khéo léo của mình trước các chàng trai cũng là để thử thách các chàng trai:

"Buồn thay, chiếc ghế gỗ đổi ngang con trâu

Chiếc ghế mây đổi ngang súc vải

Nghèo hay không mong anh nghĩ giùm với nhé.

Không có ghế ngồi thớt

Không có thớt ngồi khúc gỗ

Không có khúc gỗ thì ngồi xuống sàn anh ơi!..."

Họ cứ "khắp" như thế để thử thách nhau cho đến khi bên gái chấp nhận cho mượn ghế ngồi, cho mượn điếu hút, cho nước để uống thì các chàng trai mới tìm đến người con gái mà mình thích; từng cặp nam nữ ngồi sát bên nhau, thể hiện tâm tư, tình cảm, tìm hiểu nhau qua lời hát, qua tiếng đàn, tiếng sáo, qua tài năng lao động như thêu thùa, dệt vải, quay tơ (nữ), đan chài lưới, đan các vật dụng từ tre, nứa trong gia đình (nam),… Khung cảnh đó gợi cho người xem ý tưởng về một gia đình ấm êm, tràn đầy hạnh phúc trong tương lai của các đôi trai gái.

Khi đã đến bên người con gái mà mình thầm yêu, các chàng trai mạnh dạn hơn trong việc thể hiện tình cảm. Những câu hát lúc này tự do hơn, không còn theo một khuôn mẫu nhất định mà tùy thuộc vào tình cảm, cách biểu hiện cảm xúc của hai bên mà thể hiện; tất nhiên lời thơ vẫn được lấy trong các tác phẩm thơ ca truyền thống với lối hát giao duyên của cộng đồng. Nội dung các lời hát thể hiện sự quan tâm của mình đến bạn tình:

- Đi qua bao nhiêu thác, lội bao nhiêu suối mới đến được bản em?...

- Anh phải đi qua chín thác, lội chín suối mới đến được bản em…

Khi chàng trai thể hiện tình cảm, bao giờ các cô gái cũng hỏi xem có thật lòng không. Khi đã xác nhận tình cảm đó là thật thì các cô lại sợ mình không xứng, các chàng trai phải dùng lời hát của mình thể hiện sự quyết tâm, mong sẽ cùng nhau dựng xây cuộc sống hạnh phúc trăm năm:

- Quyết cùng em thành vợ thành chồng

Không lấy được em anh đành không làm nhà, làm cửa

Không lấy được em, anh thà không xây dựng gia đình…

Khi đã chấp nhận lời tỏ tình của các chàng trai, các cô gái không quên dặn dò chàng trai phải chung thủy, lòng "chắc như gỗ nghiến, gỗ lim trên rừng".

Khi đã xác định sẽ đến bên nhau, các đôi trai gái sẽ cùng nhau vẽ nên bức tranh về cuộc sống hạnh phúc trong tương lai qua các câu hát tình tứ, ví von:

- Đôi ta dựa vào nhau như cá với nước

Dựa vào nhau như lúa với ruộng

Dựa vào nhau như búi tóc với trâm cài

Như trăng rằm và ngôi sao mai

Như mạ ruộng cọn nước dựa mưa

Dựa vào nhau như gà rừng dựa cành cây…

Đêm càng về khuya, "Hạn khuống" càng bịn rịn, tình tứ, thế nhưng cũng đến lúc phải chia tay. Họ trao nhau những lời khắp "chia tay về nghỉ" và không quên dặn dò mùa sau gặp lại, hứa hẹn những ngày "Hạn khuống" ý nghĩa hơn.

Về lời hát (khắp) "Hạn khuống": sưu tầm được khá nhiều, nội dung khá phong phú. Do sưu tầm, lại từ truyền miệng nên câu từ khá đa dạng, hình thức biểu cảm cũng phong phú nhưng lại có cùng một nội dung, chủ yếu xoay quanh việc trai gái tế nhị tìm hiểu nhau xem liệu mình có hợp nhau không; những lời hát cũng thể hiện ước mong của các bạn trẻ về một mái ấm gia đình hạnh phúc, bình an, no ấm.

Về làn điệu, lối khắp Hạn khuống ở Mường Lò sử dụng làn điệu "Hăn nê" - một lối hát đặc trưng chỉ có ở Mường Lò (khác với người Thái vùng Sơn La sử dụng làn điệu "Hà ơi"). Làn điệu "Hăn nê" dùng để chỉ lối hát luyến láy, uyển chuyển; trong câu từ thì chau chuốt, nhẹ nhàng hơn những lối hát khác. Trước khi thể hiện lời hát nào đó, cả nam và nữ đều bắt đầu bằng hai từ "Hăn nê", sau đó mới tiếp tục thể hiện tâm tư, tình cảm của mình. Trong hát giao duyên nói chung ở Mường Lò, đồng bào vẫn thường dụng lối hát "Hà ơi", duy chỉ có hát trong hội Hạn khuống là sử dụng làn điệu "Hăn nê".

Trong quá trình thực hiện đề tài khoa học, tháng 10/2015, nhóm thực hiện đề tài đã tổ chức thu thập, biên soạn, dịch thuật xong lời hát "khắp Hạn khuống" với ba mươi khổ thơ (trong đó có cả lời hát của bên nam và nữ). Nghệ thuật "Hạn khuống" tổ chức năm 2016 có kịch bản dựa vào kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học này.

Khi tham gia "Hạn khuống", ngoài hát đối đáp, biểu diễn nhạc cụ (tính tẩu, khèn bè, các loại "pí"), người con gái và người con trai còn phải thể hiện sự khéo léo, đảm đang trong lao động sản xuất. Con trai thì đan lát (đan chài, lưới, ớp, đan giỏ, đơm, đó), con gái thì may vá, thêu thùa, quay xa, dệt vải. Việc thể hiện tài năng trong đời sống, trong lao động sản xuất này cũng được coi là một tiêu chuẩn để lựa chọn bạn tình mà sau này là chồng, là vợ của nhau.

Trên sàn Hạn khuống, họ đứng từng đôi, từng đôi một để đối đáp được với nhau. Ngoài việc biết nhiều bài hát và cách thể hiện bài hát thì sự am hiểu về phong tục tập quán truyền thống, về kinh nghiệm trong lao động sản xuất, kinh nghiệm trong đời sống xã hội, trong ứng xử của cộng đồng cũng là một tiêu chuẩn không thể thiếu. Có hiểu về phong tục, biết về kinh nghiệm dân gian thì mới có thể đáp lại lời của nhau và ra vế đối cho đối phương.

Cứ như thế, các đôi ngồi bên nhau, vừa thêu thùa, vừa đan ớp, đan chài vừa đối đáp tìm hiểu nhau. Các câu hát đối cứ thế kéo dài tới tận đêm khuya. Càng về khuya, Hạn khuống càng đi vào chiều sâu của tâm lý, ý tứ. Các cô gái quây quần bên bếp lửa, trò chuyện, đối đáp với các chàng trai nhưng cuối cùng, các câu khắp phải nói lên sự hẹn ước giữa các cặp, rồi về nhà xin bố mẹ đồng ý và chọn ngày lành tháng tốt sẽ cưới cô gái về làm vợ.

* Nhạc cụ dùng trong nghệ thuật “Hạn khuống”: Nhạc cụ sử dụng trong nghệ thuật trình diễn dân gian "Hạn khuống" gồm: khèn bè, sáo, nhị, các loại pí (pí thiu, pí ló, pí pặp), tính tẩu.

8. Hiện trạng Di sản văn hóa nghệ thuật trình diễn dân gian "Hạn khuống":

Nghệ thuật "Hạn khuống" ngày nay đã được phục hồi và duy trì tổ chức hàng năm tại thị xã Nghĩa Lộ. Quay ngược lại thời gian, ta thấy loại hình nghệ thuật này cũng có những thăng trầm trong quá trình lịch sử, có thể "Hạn khuống" có lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển từ rất lâu trong đời sống cộng đồng nhưng trong thời kỳ nước ta bị thực dân Pháp chiếm đóng một thời gian khá dài khó khăn, sau đó thì "Hạn khuống" hầu như không được diễn ra. Đến năm 2002, lần đầu tiên loại hình nghệ thuật này được khôi phục nhưng do một thời gian dài không được diễn ra nên việc khôi phục gặp nhiều khó khăn.

"Hạn khuống" hiện nay dựa trên những sưu tầm trong dân gian theo trí nhớ của các cụ cao niên trong vùng, có tham khảo ý kiến của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc ở tỉnh Sơn La để dựng kịch bản nghệ thuật "Hạn khuống". Tuy nhiên, do thời gian mai một khá lâu và chưa có tài liệu chính thống nên kịch bản và nội dung còn hạn chế. Việc bảo tồn nghệ thuật dân gian "Hạn khuống" trong thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn và công tác bảo tồn chưa thực sự có chiều sâu, chưa có sự định hướng đầu tư; hình thức bảo tồn chủ yếu là tự nguyện trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng; việc khai thác các giá trị văn hóa của nghệ thuật "Hạn khuống" để phát triển du lịch còn hạn chế.

Về phần lễ khánh thành “Hạn khuống” cũng thu thập được một số ít thông tin, chủ yếu là" các lễ vật để cúng, những lời cúng của thầy mo, lời nhắc nhở, răn dạy của những người có uy tín, cao niên trong cộng đồng với các thành phần chính tham gia “Hạn khuống”. Riêng phần lời hát (khắp) của “Hạn khuống”, những lời đối đáp của thanh niên nam nữ thu thập được khá phong phú, được chắt lọc từ “Tản chụ chiết xương”,”Khắp báo xao”, “Xống chụ xôn xao”, các câu tục ngữ, câu đối của tộc người Thái nhưng so với truyền thống của những đêm "Hạn khuống" kéo dài cả mùa khô như trước kia thì có lẽ vẫn chưa đủ.

Đến năm 2015, Thị ủy thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn hội "Hạn khuống" của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ", bước đầu đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các bước để tiến hành khôi phục nghệ thuật "Hạn khuống" một cách bài bản. Nhóm thực hiện đề tài đã thành lập tổ xây dựng kịch bản "Hạn khuống" gồm các nghệ nhân, nhà sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Thái, người am hiểu về hội “Hạn khuống”, người cao tuổi trong cộng đồng, đại diện các cơ quan chuyên môn tại thị xã để tái hiện nghệ thuật “Hạn khuống” sao cho sát với truyền thống nhất có thể.

Khi đã có kịch bản, nhóm thực hiện đề tài tổ chức hội thảo về kịch bản, lời và dịch lời hát (khắp) "Hạn khuống" với ba mươi đại biểu tham dự, đóng góp ý kiến cho việc dựng lại sàn diễn, kịch bản và lời hát (khắp) “Hạn khuống” (bản tiếng Thái và tiếng Việt). Tiếp đó, các tổ đạo diễn, tổ thiết kế, phục dựng sàn, tổ giảng viên truyền dạy lời hát (khắp) "Hạn khuống", các đội văn nghệ được thành lập. Các học viên đã thành lập hai đội văn nghệ hát (khắp) "Hạn khuống", một đội nam, một đội nữ, mỗi đội gồm mười lăm người, dưới sự truyền dạy của ba giảng viên, là đồng bào dân tộc Thái, các nghệ nhân, nhà sưu tầm văn hóa dân tộc Thái, người am hiểu về các lời hát "Hạn khuống", hát tốt điệu “Han nê” của đồng bào Thái. Sau thời gian hai mươi ngày, các học viên đã thuộc và nắm vững nghệ thuật hát (khắp) “Hạn khuống”.

Nghệ thuật trình diễn dân gian "Hạn khuống" là một nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng tiêu biểu của dân tộc Thái. Chính sự tinh tế, lôi cuốn của "Hạn khuống" nên mặc dù đã bị mai một nhưng khi khôi phục lại, các cụ cao niên trong cộng đồng mới hào hứng và nhớ được những bước tiến hành một cách khá thuần thục như vậy.  Hơn nữa, khi truyền dạy, được lớp trẻ tiếp thu nhanh và rất nhiệt tình.

Tháng 12/2015, nghệ thuật trình diễn "Hạn khuống" được tổ chức, có ghi hình bảo tồn theo đúng kịch bản đã xây dựng. Tuy vậy, nghệ thuật "Hạn khuống" đúng với nghĩa của nó thì đây là sân chơi của cả cộng đồng bản mường chứ không phải chỉ dành riêng cho nam nữ thanh niên. Mỗi ngày, khi màn đêm buông xuống là lúc mọi người dân trong bản (không kể già hay trẻ, nam hay nữ) cùng nhau đến sàn "Hạn khuống" vừa hát, vừa kể chuyện bản mường, vừa xòe, vừa đối đáp, vừa trao đổi kinh nghiệm cuộc sống, vừa truyền nghề, vừa răn dạy, giáo dục, vừa chơi các trò chơi dân gian,… Cho tới đêm khuya, khi người già và trẻ em về ngủ mới là lúc các đôi nam thanh nữ tú đối đáp, trao đổi tâm tình, tìm hiểu nhau. Đây là điều mà nghệ thuật "Hạn khuống" hiện nay chưa làm được, trong thời gian tới, để có thể bảo tồn một cách bền vững, loại hình nghệ thuật này rất cần tiến sát với truyền thống để "Hạn khuống" thực sự là sân chơi của tập thể cộng đồng, là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của chính các chủ thể văn hóa theo đúng nghĩa của nó. 

9. Giá trị của Di sản văn hóa nghệ thuật trình diễn dân gian "Hạn khuống":

* Giá trị lịch sử: Nghệ thuật trình diễn dân gian "Hạn khuống" có vị trí quan trọng trong văn hóa cộng đồng người Thái, nó phản ánh quá trình lịch sử của tộc người tương đối rõ nét. Thông qua sân chơi "Hạn khuống", từ cách dựng sàn đến những vật dụng, đồ dùng sử dụng trên sàn "Hạn khuống" cũng như những ý nghĩa của nó; từ những lời hát đối đáp giao duyên đến cách ứng xử trong giao tiếp, cách thể hiện tình cảm với nhau trong cộng đồng cũng như giữa những người bạn cùng trang lứa, giữa trai gái bản mường; từ cách thể hiện những am hiểu về phong tục tập quán đến những tri thức dân gian, các nghề thủ công truyền thống đã cho ta thấy được phần nào đặc điểm trong cư trú, đời sống sinh hoạt, sản xuất, cách ứng xử của tộc người Thái trong tiến trình phát triển của lịch sử, nhất là ứng xử của con người với con người, của con người với thiên nhiên và vạn vật xung quanh. Với những gì mà "Hạn khuống" thể hiện và phản ánh, ta thấy đây là một loại hình nghệ thuật đã tồn tại lâu đời trong đời sống tộc người và  được kế tục qua nhiều thế hệ.

* Giá trị văn hóa - xã hội: Nghệ thuật trình diễn dân gian "Hạn khuống" là một sinh hoạt văn hóa cổ xưa mang hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, là nơi để cộng đồng giao lưu, tâm sự, trao đổi kinh nghiệm trong đời sống sản xuất. Đặc biệt là sân chơi dành cho nam, nữ thanh niên tìm hiểu, kết duyên đôi lứa. Lời hát (khắp) giao duyên của thanh niên nam nữ thể hiện các cung bậc tình cảm diễn biến theo thời gian. Đây cũng là dịp để cộng đồng cùng thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, thử tài đối đáp, sự am hiểu về phong tục tập quán của cộng đồng. Qua cách thức thể hiện của loại hình nghệ thuật này, chúng ta thấy được đây là nơi hiện hữu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, là địa chỉ lưu giữ, bảo tồn, làm sống dậy các bài hát (khắp), các làn điệu dân ca của tộc người, nghệ thuật trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống, văn hóa ứng xử trong cộng đồng. Có thể thấy, "Hạn khuống" còn là di sản văn hoá có tính đại diện, hội tụ cả những giá trị vật chất (ăn uống, mặc, ở, đi lại) và tinh thần (nghệ thuật trình diễn, tri thức dân gian, tập quán xã hội, dân ca, nghề thủ công truyền thống,…) của cộng đồng, thể hiện những quan niệm của cộng đồng về thế giới quan, nhân sinh quan, thể hiện những cách ứng xử của con người với vạn vật, thể hiện sự thân thiện, tình đoàn kết gắn bó trong xã hội tộc người. Với bản chất là một nghệ thuật diễn xướng dân gian tổng hợp, "Hạn khuống" phản ánh sự đa dạng trong văn hóa cũng như sức sáng tạo của tộc người trong lịch sử. Đặc biệt, trong nghệ thuật "Hạn khuống", trai gái được tự do tìm hiểu, yêu đương và đi đến kết hôn. Quá trình này được diễn ra lành mạnh, trong sáng, có chiều sâu. Và đây cũng là một yếu tố quan trọng để khi đi đến hôn nhân tự nguyện, quyết định cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc, gắn bó bền chặt với nhau của các gia đình trong xã hội tộc người Thái.

* Giá trị khoa học:  Khi tham dự trọn vẹn nghệ thuật "Hạn khuống", chúng ta sẽ có thêm tri thức về lịch sử tộc người, về các giá trị văn hóa, vật chất và tinh thần của cộng đồng người Thái. Nghệ thuật "Hạn khuống" là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, đặc điểm kinh tế, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán, tri thức dân gian của người Thái vùng Mường Lò nói riêng và của người Thái Tây Bắc Việt Nam nói chung. Có thể thấy, nghệ thuật "Hạn khuống" là một di sản có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người.

* Giá trị nghệ thuật:  Nghệ thuật trình diễn "Hạn khuống" là hình thức sân khấu sơ khai nên nó mang tính nghệ thuật cao và khá độc đáo; thể hiện phong cách diễn xướng đầy cảm xúc và trữ tình, mang đậm yếu tố truyền thống. Lời đối đáp của thanh niên nam nữ đầy sáng tạo, chứa đựng tư duy, suy nghĩ, tình cảm và những khát vọng vươn tới cái chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng. Đó chính là cái đẹp, cái cao cả của giá trị sống, giá trị nghệ thuật đích thực mà sân chơi "Hạn khuống" mang lại.

* Giá trị giáo dục:  Nghệ thuật "Hạn khuống" thể hiện rất rõ giá trị giáo dục đối với đời sống cộng đồng. Thông qua các hoạt động diễn ra trong "Hạn khuống", những người cao tuổi, người có chức sắc răn dạy thế hệ trẻ về cách sống, cách ứng xử tốt đẹp, biết nhường nhịn, biết coi trọng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Qua các làn điệu dân ca cũng giáo dục đạo đức cho con cháu, khuyên răn con người làm điều hay, điều tốt; kết nối tình đoàn kết giữa các bản mường, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu lao động sản xuất, tôn trọng thành quả của mình tạo ra; đồng thời phải luôn tìm cách học hỏi và tiếp thu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Qua những giá trị trên cho thấy, sân chơi "Hạn khuống" đem lại rất nhiều ý nghĩa thiết thực cho con người. Đây là một hình thức nghệ thuật dân gian có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng tộc người Thái, mang yếu tố đặc sắc riêng của vùng văn hóa Mường Lò. Cho dù "Hạn khuống" đã bị mai một ít nhiều trong lịch sử nhưng đến nay, nghệ thuật này đã được khôi phục và sẽ phát huy trong tương lai. Di sản này cũng đã được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Việc bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian "Hạn khuống" này sẽ góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy các đặc trưng văn hoá dân gian của tộc người cũng như tính đa dạng của nó trong bức tranh văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

(Bài viết có sử dụng tài liệu do Trung tâm Quản lý di tích và phát triển Du lịch Yên Bái)

4967 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h