Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thắng cảnh du lịch >> Văn hóa - Xã hội

Du lịch Lục Yên - Yên Bái

24/07/2019 14:44:40 Xem cỡ chữ Google
Huyện Lục Yên, cách Hà Nội khoảng 250km, cách thành phố Yên Bái hơn 90km về phía Đông Bắc. Lục Yên có những nét đặc trưng riêng biệt, trùng điệp với những dãy núi đá vôi, những dải đồi trầm mặc. Đến với Lục Yên, khách du lịch không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp về các tác phẩm đá quý mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp làng quê, truyền thống văn hóa của dân tộc Tày nơi đây.

Lục Yên được nhiều người biết đến là nhờ các di tích lịch sử và văn hóa.

Huyện Lục Yên là vùng đất có nhiều dấu tích lịch sử và danh lam thắng cảnh chứa đựng trong đó biết bao truyền thuyết, mang đậm màu sắc văn hóa của các dân tộc anh em Tày, Nùng, Dao, Kinh… cùng sinh sống với bức tranh đa sắc màu về phong tục tập quán, các di tích lịch sử văn hóa xã hội, thế mạnh tiềm năng kinh tế và sự phong phú của các di tích lịch sử, lễ hội, danh lam thắng cảnh.

Đến thăm Lục Yên, qua cầu Tô Mậu bắc ngang con sông Chảy hiền hòa, du khách sẽ bắt gặp ngay một quần thể di tích lịch sử văn hóa linh thiêng và độc đáo. Đó chính là quần thể Di tích chùa Tháp Hắc Y - đền Đại Cại nằm ở xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, nơi đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích  lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Tương truyền rằng, đền Đại Cại thờ Bà Chúa quân lương Vũ Thị Ngọc Anh, là con nhà dòng dõi, tướng lĩnh, tinh thông văn võ, lại am hiểu nghề nông. Tướng Vũ Văn Mật đã tiến cử Bà lên nhà vua và được phong chức Phó tướng, phụ trách quân lương. Hàng chục năm với cương vị của mình Bà đã giữ trọn việc quân lương ở vùng rừng núi hiểm trở. Trong lúc khó khăn Bà đã đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi phổ biến cho nhân dân và quân binh trong vùng khai khẩn đất đai trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, hàng chục cánh đồng ở Châu Thu Vật, Châu Lục Yên xưa đều có công của Bà.

Đã trở thành thông lệ, hàng năm cứ vào ngày rằm tháng Giêng, lễ hội Đền Đại Cại thu hút hàng nghìn du khách và nhân dân các dân tộc trong vùng tới dâng hương, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh… và thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, để tưởng nhớ đến công ơn những danh nhân một thời đã có công khai sơn, phá thạch, chiêu dân, lập làng mở chợ, xây dựng thành luỹ, giữ yên bờ cõi từ thời các Vua Lý - Trần.

Du khách có thể ghé thăm Di tích lịch sử - văn hóa Hang Hùm, tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện răng của người Khôn Ngoan cùng các hóa thạch thuộc họ đười ươi, voi răng kiếm thuộc sơ kỳ đồ đá cũ. Trên đất Lục Yên, các nhà khảo cổ còn phát hiện nhiều dụng cụ đồ đá thuộc nền văn hóa Sơn Vi có niên đại cách đây 30 vạn năm cùng nhiều dụng cụ đồ đá, đồ đồng có niên đại khác nhau. Những kết quả khảo cổ trên đất Lục Yên làm sáng tỏ thêm nhận định Yên Bái là một trong những chiếc nôi của người Việt Cổ.

Đi dọc hai bờ sông Chảy ghé thăm nhiều tháp, miếu, đình, đền, chùa đã được ghi trong sử sách và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào nơi đây như: Khu khảo cổ học Hắc Y; danh thắng chùa Hang São (động Hương Thảo) thuộc địa bàn xã Tân Lập, động Cảm Dương nằm ở lưng chừng núi Bạch Ngọc, thuộc địa phận thôn Chính Quân, xã Liễu Đô; thành cổ Pắc Pha một trong những dấu tích còn lại của họ Vũ trong công cuộc phù Lê, diệt Mạc, thuộc địa phận thôn Trần Phú, thôn Trang Thành, xã Minh Xuân và  thôn Thâm Pồng, thôn Làng Già, xã Yên Thắng…

Cùng với phần lễ tưởng nhớ công đức những bậc tiền nhân, phần hội được nhân dân địa phương tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc của nhân dân các dân tộc Lục Yên như: đánh quay, đấu vật, đẩy gậy, bóng chuyền, cờ tướng… đặc biệt màn kéo co được đông đảo quần chúng tham gia với sự cổ vũ nhiệt tình của hàng ngàn du khách, góp phần làm cho không khí lễ hội càng thêm tưng bừng, hấp dẫn.

Cách quần thể Di tích  lịch sử - văn hóa chùa tháp đất nung Hắc Y, đền Đại Cại không xa là đền Suối Tiên, xã Tô Mậu. Theo sử sách, đền Suối Tiên xây dựng khoảng năm 1928 - 1929. Di tích đền Suối Tiên, với khuôn viên gần 6.000m2, nằm trong không gian đậm nét văn hóa các dân tộc huyện Lục Yên, gắn với những truyền tích huyền thoại xa xưa và hệ thống Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia đền Đại Cại - Hắc Y, khu khảo cổ tháp chùa Thượng Miện thời Lý - Trần. Xung quanh có núi Thắm, núi Hắc Y, núi Bạch Mã với nhiều hang động và thảm thực vật, động vật, vi sinh vật đa dạng, phong phú, phía trước đền là giếng nước quanh năm trong mát, có loài cá bỗng bản địa (dân gọi là cá thần), tạo cho đền cảnh tĩnh lặng, huyền bí. Đặc biệt, trong những năm 1965 - 1966, các hang động ở khu đền Suối Tiên là nơi cất giấu vũ khí, lương thực phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Với những giá trị lịch sử quan trọng, ngày 04/7/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định công nhận đền Suối Tiên là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Qua đây, góp phần tạo điều kiện cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Lục Yên còn được mệnh danh là vùng đất Ngọc bởi có thứ đá ruby quý hiếm và núi đá vôi trắng với trữ lượng lớn, cùng với công nghiệp khai thác, chế tác đá trắng mỹ nghệ, là nghề làm tranh đá quý là những điểm đến đầy hấp dẫn. Nếu trong tour du lịch tới Yên Bái, bạn dành thời gian khoảng nửa ngày tới Chợ đá quý Lục Yên thì chuyến đi của bạn sẽ thật hoàn hảo. Bởi lẽ, không chỉ được biết đến là vùng mỏ đá quý, đất Lục Yên còn có nghề làm tranh đá quý nổi tiếng với những bức tranh đá quý tinh xảo đã trở thành một sản phẩm có thương hiệu lớn trên thị trường. Du khách tới đây sẽ có dịp quan sát cận cảnh quá trình làm ra những tác phẩm tranh đá quý đẹp mắt và thỏa sức mua sắm các sản phẩm ưng ý.

Để hiểu về văn hóa và cuộc sống con người vùng cao Lục Yên - Yên Bái, du khách hãy đến với bình nguyên xanh Khai Trung để được trải nghiệm, khám phá thú vị, ấn tượng sâu sắc với những sản phẩm du lịch độc đáo và các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, đó là những cánh rừng sồi nguyên sinh và quần thể hang động huyền ảo, kỳ vĩ hiếm có.

Nằm trên độ cao 700m so với mực nước biển, xung quanh có núi đá cao bao bọc, xã Khai Trung là một bình nguyên giữa miền rừng núi trùng điệp của huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái, nơi được mệnh danh là bình nguyên xanh, gặp những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn để thưởng ngoạn cảnh vật hữu tình cùng hương vị ẩm thực bản địa.

Điều đầu tiên đến Khai Trung có thể cảm nhận được ngay chính là khí hậu. Trước khi đến với bình nguyên này, những cơn gió trời phải hòa quyện với khí núi đá trên độ cao lưng chừng, tạo nên cái mát dịu.

Lên Khai Trung mùa nào cũng thú vị nhưng có lẽ đẹp nhất là vào mùa hè và mùa thu. Đó là khi bình nguyên Khai Trung bừng lên một màu xanh mỡ màng của lúa, của ngô và của gần 100 ha đậu tương trải dọc hai bên con đường bê tông dài tít tắp dẫn vào trung tâm xã. Sang thu, cả thung lũng ấy lại nhuốm đầy một màu vàng rực của đậu tương chín rộ. Nắng và gió nơi bình nguyên xanh yên ả này cũng thật khác lạ: Gió ở trên cao rì rào cùng cây rừng, còn nắng thì vàng trong đùa vui nơi kẽ lá. Cuộc sống của đồng bào nơi đây chưa thực dư dả, không sơn hào hải vị nhưng cũng đủ làm vui lòng bao khách thập phương.

Rời xa cuộc sống ồn ào náo nhiệt của phố xá, bứt khỏi nhịp sống hối hả gấp gáp với bao công việc thường nhật, trở về với bình nguyên xanh Khai Trung du khách sẽ cảm nhận được cái hồn quê mộc mạc, sự dung dị đến vô tư của người vùng cao thuần phác, để tìm lại cho mình chút bình yên nơi tâm hồn, tìm về những giá trị đích thực của cuộc sống. Du khách cũng sẽ được hòa mình cùng nhịp sống thường nhật của người dân bản địa với những tập quán sinh hoạt văn hoá còn mang đậm bản sắc riêng của từng tộc người; được thăm thú những cánh rừng tự nhiên với vẻ đẹp hùng vĩ của điệp trùng núi đá. Hoặc du khách cũng có thể thả bộ trong rừng sồi nguyên sinh rộng trên 2 ha, nhiều cây có đến cả trăm năm tuổi để tận hưởng trọn vẹn cái không gian thuần khiết của đất, của trời Khai Trung.

Khi đã thấm mệt, du khách có thể dừng chân nghỉ lại nhà sàn văn hoá hay bất kỳ một gia đình người Tày, người Dao nào trong xã để thưởng thức các món đặc sản: gỏi cá bỗng, món gà, thịt dê núi chế biến theo cách ăn của đồng bào Dao hoặc đơn thuần chỉ là những thứ rau rừng ngon đến lạ lùng... để rồi say mềm với chén rượu ngô thơm nồng từ chính tay chủ nhà chưng cất...

Không chỉ đẹp và quyến rũ bởi thiên nhiên hoang dã, Khai Trung còn rất nổi tiếng với hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi như hang Diêm, hang Dơi, hang Tắc Én... Ngoài ra, Khai Trung còn nổi tiếng bởi các sinh hoạt văn hóa đân tộc. Cũng là câu khắp, câu lượn nhưng âm sắc tiếng Tày của người Khai Trung làm cho câu hát thêm tình tứ thiết tha, điệu múa khăn, múa hoa thêm uyển chuyển.

Lục Yên còn là nơi văn hóa giàu bản sắc các dân tộc, với những điệu dân vũ và hát xướng “Khảm hải” của người Tày, hát giao duyên của người Nùng, với lễ  “cấp sắc” rất độc đáo của người Dao. Về thị trấn Yên Thế, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của huyện Lục Yên, du khách sẽ được hòa mình vào dòng người từ khắp nơi đang tấp nập đổ về xem Hội chọi trâu, lễ hội truyền thống mang đậm chất văn hóa của người dân đất Ngọc.

Lục Yên vươn lên trở thành một địa chỉ du lịch nhờ biết giữ gìn và phát huy những giá trị ẩm thực của quê hương. Suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông lúc nào Lục Yên cũng có đặc sản đãi khách: Hồng không hạt Vĩnh Lạc, cam Sành, quýt vỏ giòn Khai Xuân, khoai tím động Xiềng, nếp Mường Lai, gà Thiến Tân Phượng, Vịt bầu Lâm Thượng, nay có thêm tôm càng xanh nuôi trong ao hồ nước ngọt đã nhanh chóng đi vào danh mục giới thiệu các món ăn đặc sản ăn một lần nhớ mãi.

Với lòng hiếu khách, cùng sự đầu tư phát triển, Lục Yên luôn là nơi chào đón du khách và các tổ chức, cá nhân đến với địa phương, góp tài lực cùng Lục Yên tô thêm cảnh non xanh, nước biếc và thưởng ngoạn bức tranh non nước Lục Yên  thơ mộng.

Một số hình ảnh du lịch Lục Yên - Yên Bái

11072 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h