Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Tiền đề giúp phụ nữ thoát nghèo

04/01/2015 09:30:46 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Đây là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả giúp phụ nữ nông thôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đồng thời tạo cơ hội cho chị em nâng cao vị thế trong xã hội.

Các hội viên phụ nữ tham gia lớp sản xuất mây tre song đan tại xã Yên Thắng, Lâm Thượng, Vĩnh Lạc, An Phú (Huyện Lục Yên).

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956) và Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015 (gọi tắt là Đề án 295) là những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tổ chức hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và cho phụ nữ nông thôn nói riêng. Giai đoạn 5 năm (2010-2014), các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về học nghề, tạo việc làm tới hội viên, phụ nữ, người lao động, trong đó tập trung các chế độ chính sách đối với lao động nông thôn, hộ nghèo, dân tộc thiểu số kịp thời, sâu rộng. Đặc biệt, Tỉnh hội phụ nữ đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 62/QĐ – UBND về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”; đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”; đề án “ Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015. Hàng năm, Hội tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức các lớp học nghề gắn với tạo việc làm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của địa bàn. Định kỳ 6 tháng, 1 năm  tổ chức các hội nghị đánh giá sơ kết, tổng kết phong trào hoạt động của Hội, lồng ghép đánh giá hoạt động dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm tại địa phương nhằm triển khai công tác ngày càng hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của Hội LHPN tỉnh, từ năm 2010 đến năm 2014, các cấp Hội Phụ nữ đã phối hợp với Phòng dạy nghề của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, Phòng Lao động Thương binh Xã hội các huyện đào tạo cho 1.985 lao động nữ, lao động nông thôn tại cơ sở trong đó có 03 lớp bảo quản và chế biến quả Sơn tra (Mù Cang Chải); 07 lớp sản xuất rau an toàn tại xã Vĩnh Kiên, Minh Tiến, Nghĩa An, Báo Đáp, Tân Thịnh, phường Pú Trạng; 07 lớp Kỹ thuật nấu ăn tại xã Hợp Minh, xã Báo Đáp, Xã Minh Tiến, Thị trấn Yên Bình, Thị trấn Thác Bà, xã Vũ Linh; 01 lớp giúp việc gia đình tại thị trấn Thác Bà; 09 lớp sản xuất mây tre song đan tại xã Yên Thắng, Lâm Thượng, Vĩnh Lạc, An Phú (Huyện Lục Yên); 06 lớp may tại xã Bảo Hưng, Trung tâm, Đại Đồng, thị trấn Thác Bà, thị trấn Cổ Phúc; 07 lớp chăn nuôi thú y tại xã Lâm Thượng, Liễu Đô, Tân Đồng, Việt Cường, Vũ Linh, Yên Bình, Nghĩa Lợi; 04 lớp trồng nấm tại xã Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Phúc Lợi, Đại Minh; 01 lớp dịch vụ chăm sóc gia đình tại thị trấn Thác Bà.... Qua các lớp đào tạo nghề, nhiều chị em đã biết áp dụng kiến thức vào lao động sản xuất, tiết kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, chất lượng, giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, những năm qua, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên thấy được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc học nghề, tạo việc làm đối với người lao động. Cùng với đội ngũ cán bộ Hội nhiệt tình, trách nhiệm, năng động tận tụy với công việc đã thu hút nhiều chị em tham gia các lớp đào tạo nghề; góp phần nâng cao năng lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em và vươn lên làm giàu chính đáng”.

Không chỉ mở lớp, đào tạo nghề cho chị em, các cấp Hội đã còn tăng cường hoạt động hỗ trợ tạo việc làm sau học nghề. Trong 5 năm, 963 học viên sau học các nghề như: trồng rau an toàn, kỹ thuật nấu ăn, nuôi tằm và sơ chế kén tằm, chăn nuôi thú y, chăn nuôi lợn thịt hướng nạc, trồng và sơ chế măng tre bát độ, sản xuất mây tre song đan có việc làm và tự tạo việc làm ổn định. Riêng năm 2014, Hội LHPN tỉnh đã giới thiệu 400 lao động sau học nghề May mặc cho doanh nghiệp và được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, các chị em không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều chị em phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống thông qua các hình thức da dạng như: hỗ trợ giống, thành lập câu lạc bộ, gây quỹ, góp tiền cho nhau vay vốn ko tính lãi xuất, 100% chị em thuộc hộ đói nghèo sau học nghề được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được vay vốn và duy trì hoạt động các tổ, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh đã chú trọng tới việc xây dựng các mô hình sau đào tạo nhằm giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Như mô hình bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho phụ nữ sau học nghề đã được triển khai đi vào hoạt động tháng 12 năm 2013 với 30 thành viên tham gia, đây là mô hình đầu tiên của tỉnh Yên Bái hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của người lao động sau học nghề sản xuất ra. Qua gần 1 năm thực hiện đã khẳng định được mô hình đi đúng hướng, được các cấp các ngành đánh giá cao về đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.

Chị Trần Thị Tuyền - Chi hội Trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 13, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên tham gia mô hình trồng rau an toàn chia sẻ: “Mô hình trồng rau theo quy trình kỹ thuật do Hội Phụ nữ tỉnh tập huấn được chị em trong thôn áp dụng khá hiệu quả. Trồng rau không cần nhiều vốn và đất, điều quan trọng là phải đảm bảo nguồn nước tưới và vệ sinh, cải tạo đất trồng thường xuyên, thâm canh đa dạng tất cả các loại rau theo mùa nào thức nấy, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, Tỉnh hội phụ nữ đang áp dụng hỗ trợ bao tiêu sản phẩm càng giúp chúng tôi yên tâm phát triển mô hình ”.

Thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến 180/180 xã phường chủ trương, chính sách về học nghề, việc làm; tổ chức các lớp học nghề cho lao động đặc biệt là lao động nữ, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động; chú trọng chỉ đạo Hội phụ nữ 9/9 huyện, thị, thành phố triển khai công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện tốt Quyết định 1956/QĐ-TTg về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 – 2020 và tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nông thôn.

Có thể thấy, công tác đào tạo nghề và việc làm cho phụ nữ nông thôn thời gian qua đã được các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện, là đòn bẩy tạo đà cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng./.

6708 lượt xem
Thanh Hoa

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h