Là địa phương nghèo vùng núi nên huyện Lục
Yên được thụ hưởng rất nhiều nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Trung
ương và tỉnh cho công tác xóa đói giảm nghèo như: Dự án giảm nghèo các tỉnh
miền núi phía Bắc, Chương trình 134, 135, chương trình làm nhà theo Quyết định 167,
các chương trình hỗ trợ trực tiếp, chính sách bảo hiểm y tế, chính sách cho học
sinh nghèo, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết của
HĐND tỉnh, chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, tín dụng ưu
đãi... Tất cả đã góp phần nâng cao đời sống của đồng bào nghèo, người dân tộc
thiểu số trên địa bàn huyện.
Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc
giai đoạn II ở Lục Yên từ năm 2010 đến nay đã đầu tư cho huyện trên 75,8 tỷ
đồng, trong đó đầu tư nâng cao kết cấu hạ tầng nông thôn chiếm 84% tổng kinh
phí, còn lại là cho các dự án, tiểu dự án sản xuất nông nghiệp. Thông qua việc
tập trung hỗ trợ người dân nghèo về nguồn vốn, giống cây, con mới, chuyển giao khoa
học kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế..., Dự án Giảm nghèo đã giúp người
nghèo Lục Yên có hướng phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế để vươn
lên thoát nghèo.
Ao Sen là một trong những thôn khó khăn
nhất của xã Tân Lập, chưa có đường, điện lưới quốc gia nên mọi hoạt động phát
triển kinh tế - xã hội của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Được Dự án Giảm nghèo
đầu tư, tuyến đường vào thôn hoàn thành không chỉ là niềm vui của bà con khi
giao thông thuận tiện hơn mà còn là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, nâng
cao đời sống. Đối với Tân Lập, tuyến đường góp phần nâng tổng số chiều dài
đường liên thôn, bản được cứng hóa của xã lên 8,3km.
Là đơn vị có nhiệm vụ thực hiện chính sách
tín dụng cho người nghèo và các đối tượng khó khăn, Phòng Giao dịch Ngân hàng
Chính sách Xã hội huyện Lục Yên đã thực hiện chính sách tín dụng của Chính phủ
đến 100% các xã, thị trấn, giúp các đối tượng chính sách có vốn phát triển kinh
tế. Nếu như năm 2010, tổng dư nợ mới đạt 172 tỷ đồng thì đến tháng 11/2014 đã
tăng lên 266,7 tỷ đồng, giúp trên 22 nghìn lượt hộ dân được tiếp cận đồng vốn
chính sách để phát triển kinh tế. Vốn tín dụng đã góp phần giúp hàng nghìn hộ
thoát nghèo, cải thiện đời sống, trên 300 lao động có việc làm, tạo điều kiện
cho 9,5 nghìn sinh viên có tiền trang trải chi phí học tập và trên 2,5 nghìn hộ
dân có cơ hội sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường...
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Tươi ở thôn
Khe Phay, xã Khánh Thiện trước đây là hộ nghèo nhiều năm liền. Năm 2010, được
vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị đã mua 1 con trâu nái.
Sau 3 năm, gia đình đã bán được 2 con và đến nay chị còn 1 con để làm giống.
Ngoài ra, gia đình chị còn được vay 8 triệu đồng để làm nhà theo Quyết định 167
của Chính phủ. Tất cả số tiền vay, đến nay gia đình đã hoàn trả cho ngân hàng
và thoát nghèo.
Tập trung cho công cuộc xóa đói giảm nghèo
trên địa bàn, Huyện ủy, UBND huyện Lục Yên luôn chú trọng chỉ đạo lồng ghép các
chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với chương trình
mục tiêu giảm nghèo; tranh thủ tối đa các nguồn đầu tư; đồng thời tạo điều kiện
cho người nghèo, đặc biệt là đối tượng nghèo ở các vùng khó khăn tiếp cận với
các dịch vụ hỗ trợ y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế, dịch vụ trợ giúp pháp lý,
hưởng thụ văn hóa thông tin...
Bên cạnh đó, qua các lớp tập huấn, chuyển
giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, nhân dân các xã không ngừng
được nâng cao kiến thức, tích cực ứng dụng kỹ thuật, đưa giống mới vào sản
xuất. Huyện triển khai sát thực tế, phù hợp nguyện vọng của nông dân trong công
tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính
phủ, giúp nông dân, đặc biệt là các nông hộ nghèo có việc làm và thu nhập ổn
định. Từ năm 2010 đến nay, huyện tổ chức đào tạo nghề cho hơn 5.500 lao động,
đạt khoảng 10% tổng số lao động trong độ tuổi. Đa số lao động được đào tạo các
nghề nông nghiệp, do đó phần lớn sau đào tạo đều áp dụng được kiến thức đã học
vào thực tế để tăng năng suất lao động.
Huyện cũng chú trọng chỉ đạo chính quyền
các cấp, các cơ quan, đoàn thể bám sát nhiệm vụ của mình, nắm bắt các chính
sách hỗ trợ đối với người nghèo, từ đó triển khai kịp thời các chính sách đối
với hộ nghèo cũng như tổ chức lồng ghép có hiệu quả chương trình phát triển
kinh tế - xã hội ở địa phương.
Cùng với các mô hình giảm nghèo bền vững,
các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội trên địa
bàn liên tục có nhiều hoạt động hỗ trợ hộ nghèo như: đóng góp mỗi năm hàng trăm
triệu đồng vào Quỹ "Vì người nghèo"; hỗ trợ hộ nghèo làm nhà, hỗ trợ
vốn, giống và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất lương thực... cho người
nghèo. Lục Yên cũng là địa phương thực hiện kịp thời, có hiệu quả cao các chính
sách hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo như: Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ,
Đề án Hỗ trợ hộ gia đình có công khó khăn về nhà ở tỉnh Yên Bái....
Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành gần 500
nhà theo Quyết định 167 và hàng trăm ngôi nhà khác theo các chính sách hỗ trợ
làm nhà của các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương, tỉnh, huyện.
Nhiều địa phương thực hiện chính sách giảm nghèo hiệu quả như: Liễu Đô tỷ lệ hộ
nghèo giảm từ 10,84% năm 2013 xuống còn 5,88% năm 2014, Mường Lai từ 27,54%
xuống còn 21,54%, Trung Tâm từ 43,36% còn 36,58%, Tân Phượng từ 42,13 xuống còn
36,8%...
Nhờ triển khai và thực hiện tốt chính sách
hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo nên tỷ lệ giảm nghèo của Lục Yên hàng năm đều đạt
chỉ tiêu tỉnh giao. Đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 27,82%. Đặc
biệt, năm 2014, huyện được giao giảm 4,8% và thực tế đã giảm 5,36%, đưa tỷ lệ
hộ nghèo toàn huyện hiện còn 22,46%.
"Hiện nay, cùng với việc triệt để thực
hiện các dự án, chính sách thì việc thay đổi nhận thức, khơi dậy ý thức vượt
khó vươn lên thoát nghèo cho người nghèo cũng đang được huyện tập trung tháo
gỡ, bởi chỉ khi người nghèo có ý thức vươn lên thì sự hỗ trợ từ phía Nhà nước
mới thực sự hiệu quả, bền vững và không còn nguy cơ tái nghèo. Bên cạnh đó,
công tác chỉ đạo, từ huyện đến xã phải có sự phân công cụ thể, rõ ràng, có phụ
trách địa bàn, từng cán bộ địa bàn được phân công phải luôn theo sát từng hộ
dân giúp họ thực hiện đúng và đủ chính sách" - ông An Hải Nam - Phó chủ
tịch UBND huyện Lục Yên cho biết thêm về một số nhiệm vụ của huyện thời gian
tới.
Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Lục Yên tuy
đã gặt hái được những thành tựu hết sức cơ bản và quan trọng nhưng cấp ủy,
chính quyền địa phương cũng khách quan, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế nhất
định, đó là: một số nơi thực hiện chính sách còn chậm, công tác tuyên truyền chưa
sâu rộng, trình độ nhận thức của một số hộ nghèo còn hạn chế, đặc biệt vẫn còn
tâm lý ỷ lại, không nghèo nhưng muốn được xếp vào diện hộ nghèo để hưởng chế độ
chính sách của Nhà nước... Những tồn tại đó sẽ là kinh nghiệm thiết thực để Lục
Yên tiếp tục vững bước trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu, nâng cao
đời sống về mọi mặt cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn, xây dựng huyện ngày
càng phát triển bền vững.
(Theo Báo Yên Bái)