Với những chính sách này, tổng nguồn vốn
đầu tư trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2014 của Chương trình 135 đạt
67.447.183.000 đồng để xây dựng 42 công trình, trong đó có 15 công trình giao
thông, 26 công trình thủy lợi và 1 công trình kiên cố hóa kênh mương. Thực hiện
duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ 700 triệu đồng
để sửa chữa 18 công trình.
Hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất thu hút
nguồn vốn trên 9 tỷ đồng đầu tư cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo mua
sắm máy cày, máy bừa, tuốt lúa; hỗ trợ mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón,
thuốc bảo vệ thực vật và nhiều vật tư khác phục vụ sản xuất. Hợp phần đào tạo
có nguồn vốn gần 2 tỷ đồng mở 74 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát công trình
xây dựng cơ bản; duy tu, bảo dưỡng các công trình; dạy nghề sửa chữa điện dân
dụng, sửa chữa xe máy, học may, thêu; bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng...
Chương trình 134 hỗ trợ nước sinh hoạt đối
với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được đầu tư gần 6 tỷ đồng xây dựng 6 công
trình nước sạch. Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo với
trên 8 tỷ đồng đã hỗ trợ cho 81.161 khẩu nghèo. Ngoài ra, các nguồn vốn vay ưu đãi
hộ vay vốn, hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, cấp báo và tạp chí, thực hiện chính sách
đối với người có uy tín cũng đã thu hút hàng tỷ đồng và cấp được 85.423 thẻ bảo
hiểm y tế cho đối tượng là người dân tộc thiểu số nghèo.
Sự đầu tư, hỗ trợ từ các chính sách dân tộc
đã tác động mạnh đến sự phát triển chung về kinh tế, xã hội của Trạm Tấu từ một
huyện còn nghèo nàn, lạc hậu với nền kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp đến nay đã
có chuyển biến rất rõ nét; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; công
tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được tăng cường. Các công trình
đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông bảo đảm ô tô đi đến các
trung tâm xã và thuận tiện trong đi lại giao lưu kinh tế, xã hội.
Hệ thống thủy lợi được cải thiện đã góp
phần quan trọng thúc đẩy tăng vụ, đưa giống lúa mới vào sản xuất, khai hoang mở
rộng ruộng nước nên cùng với cây ngô, Trạm Tấu cơ bản ổn định lương thực. Hệ
thống điện, trường học đều phát huy hiệu quả tốt, nhất là hệ thống trường học
nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với hệ thống trường phổ thông dân tộc
bán trú đã thu hút 99% học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong độ tuổi được đi
học và tỷ lệ chuyên cần đạt cao.
Sức khỏe của học sinh, chất lượng giáo dục
ngày càng được cải thiện qua mỗi năm học. Các gia đình có từ 2 đến 3 con đi học
bán trú ở cấp tiểu học, trung học cơ sở đã giảm nhẹ được gánh nặng về kinh tế.
Đối với Hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, đã hỗ trợ nhiều công
cụ, máy móc, vật nuôi, giống cây trồng cho người dân và người dân được tham gia
trực tiếp vào các mô hình sản xuất; được tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh
nghiệm sản xuất.
Qua đó, người dân từng bước thay đổi tập
quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận hành thành thạo máy
móc để hiệu quả lao động ngày một tăng lên. Hợp phần đào tạo cán bộ xã, thôn
bản, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã có tác động mạnh đối với việc tăng cường
năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế cho cán bộ cơ sở và nâng cao kiến thức khoa
học kỹ thuật, tư duy phát triển kinh tế của nhà nông đối với từng loại cây
trồng, vật nuôi.
Hiệu ứng mạnh mẽ từ việc tổ chức thực hiện
những chính sách dân tộc đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn về hạ tầng cơ
sở: điện, đường, trường, trạm ở vùng cao Trạm Tấu - nơi có tới trên 70% đồng
bào dân tộc Mông sinh sống. Từ một huyện thiếu đói thì nay đã ổn định được
lương thực tại chỗ và đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều hộ dân
đã bắt đầu làm giàu theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương như
phát triển chăn nuôi gia súc, trồng sơn tra, kinh doanh vận tải, nuôi ong mật,
sản xuất và làm dịch vụ bao tiêu lúa gạo đặc sản.
Các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát giáo dục
thực sự là điều kiện cơ bản để nâng cao dân trí trong thời gian tới. Một hiệu
ứng vô cùng quan trọng nữa là thành công trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã
hội thông qua những chính sách dân tộc đã mang lại niềm tin lớn lao của người
dân với Đảng để người dân ngày càng tích cực hơn với việc đưa các chủ trương,
đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vận dụng vào điều kiện thực tế ở cơ sở.