Cùng với chỉnh trang đô thị, nâng cấp các
tuyến đường hiện có, tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, vườn
hoa công viên… một số tuyến đường lớn được đầu tư mở mới, khang trang, hiện
đại. Như vậy, cùng với đường Nguyễn Thái Học, đường Hoàng Hoa Thám, Điện Biên,
Đinh Tiên Hoàng - những tuyến đường chính chạy dọc thành phố và đường Ngô Minh
Loan chạy qua phường mới Hợp Minh phía hữu ngạn sông Hồng, đường Trần Phú,
Quang Trung, đường Yên Ninh - từng tham dự cuộc thi “Con đường đẹp Việt Nam”
thì nay đã có thêm đường Nguyễn Tất Thành, nối trung tâm tỉnh lỵ với thị trấn
Yên Bình và cả tuyến đường ven sông xinh xắn chạy từ chân cầu Yên Bái xuống đến
đền Tuần, nơi lý tưởng dành cho những ai thích dạo bộ ngắm cảnh bình minh trên
dòng Thao Giang đã đi vào lịch sử.
Tuy nhiên cũng phải nói rằng, bên cạnh lợi
về ích kinh tế - xã hội, sự thuận tiện cho giao thương phát triển, rồi cả ý
nghĩa giáo dục và dấu ấn lịch sử gắn với mỗi tên đường thì để có những con
đường thật sự đẹp về cảnh quan, mang lại cảm xúc và dấu ấn riêng về thành phố
cửa ngõ vùng Tây Bắc quả là rất hiếm. Cùng với kết cấu kỹ thuật: mặt đường,
boóc đuya, hành lang, hệ thống thoát nước, biển hiệu phân luồng hướng dẫn giao
thông và điện chiếu sáng thì vấn đề thảm cỏ, hoa trang trí và cây xanh đường
phố cũng luôn có ý nghĩa quan trọng, mang lại thẩm mỹ và dấu ấn riêng cho mỗi
tuyến đường.
Một đồng nghiệp của tôi ở Hà Nội có dịp đến
với đất nước Nhật Bản đúng dịp lễ hội Hoa anh đào năm nay. Anh bảo, quả không
thể tả hết được vẻ đẹp và cảm xúc khi được dạo bước dưới những tuyến đường rực
rỡ màu hoa anh đào ở Tokyo.
Hầu như các đường phố chính ở đây đều được trồng duy nhất loài cây vốn đã trở
thành biểu tượng của xứ sở Mặt trời mọc này.
Để mang lại cảm xúc mạnh cho mỗi tuyến phố
hoa anh đào mà người Nhật gọi là Sa-ku-ra, từ nhiều năm trước, các quan chức
thành phố này đã đặc biệt quan tâm và chỉ chọn một trong sáu giống hoa anh đào
trên khắp đất nước, loại cây cho hoa màu phấn hồng, khi làm nụ và nở hoa, cành
cây chưa bật chồi lá để nhân giống và trồng ở thủ đô. Chính vì thế mà mỗi dịp
lễ hội hoa anh đào kéo dài từ cuối tháng Ba cho đến hết mười ngày đầu của tháng
Tư, Tokyo luôn
rợp trời sắc hồng mỏng manh, tinh khiết và đầy xao xuyến của hoa anh đào. Cũng
trong dịp này, anh bạn tôi còn có may mắn được thăm quan đại lộ Su-ki ở thành
phố Nikko, với
20.000 cây tuyết tùng bốn trăm năm tuổi, sóng đôi dọc hai bên đường trải dài
hơn 37 km.
Tôi cũng đã có dịp được thăm quan thành phố
Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và từng chứng kiến những con đường
với cả ngàn cây hoa anh đào trồng tăm tắp dọc hai ven đường. Ở thành phố nằm
giữa cao nguyên Vân Nam
và cao nguyên Quý Châu cao trên 1.800m này, đâu đâu cũng rực rỡ sắc hoa. Hoa
trên hè phố, hoa trang điểm cho những dải phân cách làm duyên dáng thêm cho các
tuyến đường, hoa len lỏi cả vào những con phố nhỏ nên thơ. Hay qua phim ảnh, ta
cũng dễ dàng bắt gặp những con đường ở châu Âu, châu Mỹ đẹp mê hồn, cứ mỗi độ
thu sang lại vàng xuộm một màu lá sồi trong mùa thay lá. Đó là đường sồi
Bregagh ở Ireland hay đường sồi
đầy lãng mạn của bang Louisiana
- nước Mỹ…
Không đâu xa, ngay trên đất nước mình cũng
đã có những con đường ở một vài đô thị đã để lại dấu ấn bởi những hàng cây đồng
loạt khoe sắc, làm nên vẻ đẹp thân thương của từng tuyến phố. Về thủ đô Hà Nội,
đi trên đường Nguyễn Du, đường Quán Thánh vào dịp tháng Mười, khi hoàng hôn dần
buông trên thành phố, lòng ta bất chợt xao xuyến bởi hương thơm nồng nàn lan
tỏa khắp đất trời của những dãy phố dài, biếc xanh màu hoa sữa. Thứ hoa nhỏ
xinh như chiếc đèn lồng ẩn hiện sau vòm lá, tỏa hương vào từng con phố nhỏ của
thủ đô. Hay nếu có dịp đến với thành phố biển Phan Thiết, bạn không khỏi xuýt
xoa: “Trời ơi, sao mà ở đây nhiều hoa giấy làm vậy!”.
Một đoạn đường Nguyễn Tất Thành
(thành phố Yên Bái) đang được trải dài bởi những hàng cây bằng lăng xanh bốn
mùa.
Dọc tuyến đường ven biển và cả những lối
lên các khu đền tháp Chăm, trên những gò cát trắng hay bên những khu nghỉ dưỡng
ven biển Mũi Né, đâu đâu cũng gặp sắc màu hoa giấy. Trên trời dưới hoa, đủ mọi
gam màu đua nhau khoe sắc. Màu son môi, xen lẫn màu tím, màu trắng, màu cá
vàng. Dường như ở thành phố biển đầy nắng gió và cát trắng này thì càng nắng, càng
gió lại càng tươi màu hoa giấy. Và những người thiết kế con đường ven biển cũng
đã thấy được cái duyên tình giữa hoa giấy và nắng gió biển trời, để mà làm đẹp
thêm cho mảnh đất này. Rồi Hải Phòng vốn nổi tiếng từ lâu là thành phố hoa
phượng đỏ. Dọc những tuyến đường trong thành phố cảng và trên con đường dẫn ra
bãi biển Đồ Sơn, cứ tăm tắp hai hàng phượng vĩ, được đốn tỉa cẩn thận để cây
không vươn quá cao, tán xòe đều xanh mát. Mỗi độ hè sang, từng hàng phượng vĩ
như những đụn hoa rực hồng sắc lửa – thứ hoa đã gắn liền với thành phố cảng
thân thương này.
Mỗi lần dạo trên những con đường thành phố
Yên Bái quê mình, tôi luôn thầm cảm ơn những con người ngày đêm tâm huyết, làm
nên những con đường mới khang trang và rộng mở. Cũng là phố núi, song so với đô
thị của các tỉnh trong khu vực, thành phố Yên Bái nhiều màu xanh hơn. Cây trên
đồi, cây bên các tuyến phố dọc ngang, cây trong khuôn viên công sở, trường học
và trong mỗi gia đình. Đặc biệt, tuyến đường nào cũng thấp thoáng màu xanh cây
lá.
Tuy nhiên, do trồng nhiều loại cây to, nhỏ,
cao, thấp khác nhau nên trông xa thì tạm gọi là “mát mắt” nhưng nhìn về tổng
thể và thực tế dạo bước trên đường thì thấy chưa thật sự “bắt mắt” và ít cảm
xúc về cảnh quan đô thị xanh. Lại nữa, cây ở đường phố, phần lớn trồng dưới
đường dây điện nên cứ hễ vươn cao chạm vào “hành lang an toàn” là bị đốn bỏ ngay
lập tức. Việc đốn tỉa, nhiều khi chỉ phục vụ cho an toàn lưới điện theo kiểu
“làm lấy được” nên vô tình làm mất đi cái hình hài, vẻ đẹp tự nhiên của mỗi
loại cây vốn trồng rất nhiều năm mới có được. Những năm qua, nhiều loài cây lạ
cũng đã được đem về đây với mong muốn tỏa bóng mát cho những ngả đường phố núi.
Nào là cau vua, tùng tháp, hoàng yến… nghe nói mua ở tận xứ người. Phải chăng
về nơi đất lạ, cây cứ trầm tư và có lẽ cũng chẳng nở nổi hoa, bởi thổ nhưỡng,
khí trời mỗi nơi một khác.
Vẫn biết rằng, việc đặt tên đường có những
tiêu chí cụ thể gắn với địa danh đã đi vào lịch sử và tiềm thức cộng đồng hay
những danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc… Dịp đầu xuân, mỗi lần dạo qua khuôn
viên Cục Thuế cũ, bắt gặp màu ban trắng tinh khôi bừng nở, hay trên đường ven
hồ Công viên Yên Hòa, thấp thoáng chùm hoa vàng anh (còn gọi là hoa mạ) rực vàng
trong nắng, lòng tôi lại bâng khuâng niềm cảm xúc, ước ao.
Tôi ao ước rằng cùng với những con đường
nhắc nhớ truyền thống lịch sử, mai này nơi thành phố trẻ Yên Bái thân thương,
sẽ có thêm những con đường rực rỡ hoa vàng anh và bừng sáng tinh khôi màu ban
trắng rồi cả những con đường mang tên gọi một loài cây đã làm nên thương hiệu
quê mình - Yên Bái: đường quế thơm hương mỗi độ thu về; đường lát, đường sồi,
đường long não, đường lộc vừng, xanh tươi màu xứ sở, làm nên dấu ấn riêng của
thành phố vốn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa lịch sử, đang từng ngày đổi
mới và phát triển, hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại, sinh thái, mang đặc
trưng riêng của mảnh đất nơi cửa ngõ vùng Tây Bắc để mai này, ai có dịp qua đây
sẽ nhớ mãi những con đường xanh thắm những hàng cây và rực rỡ sắc màu Yên Bái.
Và cho những người con nơi thành phố này, khi đi xa luôn mang trong mình cảm
xúc và kỷ niệm thân thương về những tên đường, tên phố đã đi vào tiềm thức và
ký ức tháng năm.
(Theo Báo Yên Bái)