Những ngày đầu năm mới 2015, tôi có mặt ở
Tà Xi Láng, một xã có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống của
huyện Trạm Tấu. Lên đỉnh núi Tà bây giờ, không chỉ được nghe người dân nói
chuyện về hành trình mở đường ô tô của thanh niên tình nguyện hơn 10 năm trước,
chuyện xây dựng vùng ngô hàng hóa ở Làng Mảnh hay sự học ở xã vùng cao còn gặp nhiều
khó khăn này mà chuyện "nóng hổi" nhất, hay nhất là những cái được,
là niềm vui khi bước vào năm thứ ba thực hiện vận động đồng bào Mông ăn chung
một tết Nguyên đán.
Theo cán bộ văn hóa xã Hờ A Vư đi một vòng
từ Chống Chùa đến Bu Thấp, Bu Cao, đến đâu tôi cùng bắt gặp hình ảnh bà con ra
ruộng ngăn nước, giữ bờ để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân 2015. Anh Vư phấn khởi
nói với tôi: "Đây là cái lợi thứ nhất khi đồng bào mình ăn chung một tết
với các dân tộc đấy. Nếu vào thời điểm này của 4 năm về trước, bà con không tập
trung ra đồng đông như vậy đâu mà họ sẽ tập trung ở đầu bản hay một bãi đất
rộng để vui chơi tết của người Mông, nhà nào khá giả thì đi xuống phố huyện.
Thời gian đón tết của người Mông cũng dài, thường là mất một tháng lại vào thời
điểm sản xuất vụ xuân của tỉnh nên việc gieo cấy không theo khung thời vụ mà
ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn, nhiều diện tích ruộng chỉ còn làm một vụ nên
năng suất và sản lượng thóc của xã rất thấp. Nay thì đã khác rồi, bà con vui
chung một tết với đồng bào cả nước, thời gian ăn tết cũng chỉ từ 7 đến 10 ngày
nên có nhiều thời gian để chuẩn bị cho sản xuất, tích cực ra đồng làm vụ xuân.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng cử cán bộ phối hợp với các đoàn thể trong
xã trực tiếp ra đồng hướng dẫn nhân dân sản xuất theo đúng khung thời vụ".
Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động đồng bào
Mông ăn chung một tết, diện tích và sản lượng lương thực của xã ngày càng tăng.
Năm 2014, toàn xã đã gieo cấy được 150ha lúa hai vụ, sản lượng đạt gần 600 tấn.
Nhân dân trong xã còn trồng được trên 540ha ngô và cây rau màu các loại, góp phần
từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Chỉ tay về phía ngôi trường bán trú tiểu
học và trung học cơ sở 3 tầng với mái tôn lợp đỏ tươi, anh Vư bảo tiếp:
"Đấy là cái lợi thứ hai, ăn chung một tết thì bọn trẻ có thêm thời gian để
học, chất lượng được nâng lên. Nếu như trước, nhà nào có con đi học ở tỉnh xa
không được nghỉ tết Mông thì không được ăn tết cùng gia đình vì gia đình nào
đón tết Mông thì không đón tết Nguyên đán nữa, như vậy người đi học xa nhà sẽ mất
tết. Đó là còn chưa tính đến chuyện nghỉ tết Mông rơi vào thời điểm kiểm tra
học kỳ 1, các em phải nghỉ học thì không có bài kiểm tra, nhiều em về nhà ăn
tết vui quá còn quên luôn cả chuyện học, thậm chí sau tết thì không đến trường
học nữa".
Anh nói tiếp: "Những năm trước, cán bộ
huyện cũng đã nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con trong xã ăn tết cổ truyền
cùng các các dân tộc khác nhưng bà con chưa tin, chưa thấy được cái lợi đó nên
ít người làm theo. Trước khi thực hiện cuộc vận động theo chủ trương của tỉnh
thì một số gia đình cán bộ xã đã không tổ chức vui chơi, đón tết mà chỉ làm lễ cúng
thôi để ăn tết cổ truyền cùng dân tộc, dành thời gian cho sản xuất nên từ Tết
Nguyên đán Quý Tỵ 2013, tỉnh thực hiện chủ trương này thì bà con nghe và làm
theo ngay".
Theo anh Vư thì vui chung một tết, bà con
còn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền của; được tham gia các
chương trình văn nghệ của tỉnh, huyện tổ chức nhân dịp đón tết cổ truyền của
dân tộc; được giao lưu và có thêm nhiều bạn bè mới. Người Mông năm nay cũng sẽ
đón một cái tết vui vẻ, an toàn và tiết kiệm.
Tà Xi Láng bây giờ đã khác xưa rất nhiều,
trung tâm xã đã được xây dựng khang trang, điện lưới quốc gia đã về đến 4/5
thôn bản, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Bí thư Đảng ủy xã Vàng Nỏ
Dia cho biết: "Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước
bằng các chính sách thiết thực với vùng cao, nhờ sự tăng cường và luân chuyển cán
bộ kịp thời, hiệu quả cùng với đào tạo nguồn tại chỗ của Ban Thường vụ Huyện ủy
Trạm Tấu.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức xã cơ
bản là các cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn. Cán bộ chủ chốt của xã đều có
tuổi đời dưới 40. Nếu so sánh với các xã khác trong huyện thì Tà Xi Láng có số
lượng cán bộ trẻ nhiều nhất, nhì". Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội năm 2014 của địa phương là minh chứng rõ nhất để khẳng định
vai trò lãnh đạo, thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức xã và sự quyết
tâm của người dân nơi đây.
Những cây mơ, cây mận khẳng khiu, căng mình
chống rét ở Tà Xi Láng đã bắt đầu bung nụ, nẩy những chồi non, đón tia nắng ấm
trên rẻo đất vùng cao này. Sức xuân và sức trẻ trên đỉnh núi Tà tạo nên một sức
mạnh đoàn kết, thống nhất ý chí, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày
càng phát triển.
(Theo Báo Yên Bái)