Kết quả đó có được là nhờ những giải
pháp "kích cầu" trong sản xuất, kinh doanh của các bộ, ngành, UBND
tỉnh và "hiệu ứng" tích cực trong hoạt động xúc tiến thương mại
(XTTM), giúp các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến mọi
tầng lớp nhân dân và các bạn hàng trong nước cũng như quốc tế.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những năm
qua, Yên Bái đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh và
chế biến trong lĩnh vực nông - lâm sản. Đặc biệt, với trên 12.000ha chè, sản
lượng đạt gần 100 ngàn tấn búp; diện tích rừng kinh tế trên 200.000ha, sản
lượng khai thác mỗi năm trên 300.000m3; vùng quế gần 30 nghìn héc-ta với sản lượng
thu hoạch hàng năm khoảng 5 nghìn tấn quế vỏ từ 150 - 200 tấn tinh dầu...; các
sản phẩm từ gỗ rừng trồng, chè, tinh dầu quế, tinh bột sắn đã trở thành những
mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Yên Bái. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nguồn tài
nguyên khoáng sản phong phú với 257 điểm mỏ cùng nhiều loại khoáng sản, trong
đó, một số loại khoáng sản có trữ lượng cao và chất lượng tốt như cao lanh,
Fenspat, đá vôi trắng, quặng sắt… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hoạt động
sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; sản phẩm xuất
khẩu giá trị thấp, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng…
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo
các ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh
nghiệp, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác XTTM nhằm giúp doanh nghiệp hoạch
định chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh... Theo đó, các hội
chợ, triển lãm đã triển khai đồng bộ, rộng khắp, thu hút sự quan tâm của nhân dân
và doanh nghiệp.
Ông Đoàn Lê Khoa - Giám đốc Trung tâm Thông
tin - XTTM (Sở Công thương) cho biết: "Bên cạnh việc phối hợp với các công
ty tổ chức sự kiện tổ chức thành công 17 phiên chợ và hội chợ thương mại tại
các địa phương, Trung tâm còn thực hiện hỗ trợ gian hàng cho các doanh nghiệp tham
gia 8 hội chợ thương mại quốc tế, 14 hội chợ khu vực miền Bắc và 1 hội chợ quốc
tế Trung - Việt tại Hà Khẩu (Trung Quốc)".
Song song với đó, ngành công thương tổ chức
4 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Yên
Bình, Lục Yên. Người dân qua đó được tiếp cận với nhiều mặt hàng Việt chất
lượng cao, giá cả phải chăng; đồng thời, các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá
sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, tăng thị phần, phát triển thị trường nội địa,
khuyến khích người dân dùng hàng sản xuất trong nước. Qua đây, nhiều sản phẩm
đã được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến và quan tâm như: chè Suối Giàng,
chè Bát Tiên, chè Ô Long, tranh đá quý, tinh dầu quế…
Bên cạnh đó, công tác xây dựng thương hiệu,
tìm kiếm đối tác cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn được triển
khai thường xuyên. Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, cán bộ Trung tâm Thông tin -
XTTM, trong năm qua, Trung tâm đã kết nối cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến
làm việc và giao dịch với các doanh nghiệp trong tỉnh như: giới thiệu 3 doanh
nghiệp của Đài Loan, Ấn Độ, Pakistan đến làm việc và ký hợp đồng với Công ty
TNHH chè Hữu Hảo mua các sản phẩm chè xanh (36 tấn, trị giá 74 nghìn USD), quế
chẻ thanh (15 tấn, trị giá 28 nghìn USD); giới thiệu Công ty Amphi Pte Ltg
Represtative của Singapore tìm hiểu về sản phẩm quế vỏ; hỗ trợ và tư vấn cho
doanh nghiệp đăng ký bảo hộ và quảng bá các sản phẩm (gạo nếp Tú Lệ và rượu táo
mèo Mù Cang Chải); hỗ trợ huyện Trạm Tấu xây dựng và triển khai Dự án phát
triển vùng chè Shan Phình Hồ...
Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử cũng
được đẩy mạnh; năm 2014, 164 doanh nghiệp đã đăng ký thành viên và 678 sản phẩm
chào bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Từ đó, nhiều bạn hàng, đối tác
đã biết đến và tìm mua các sản phẩm. Điều này thể hiện qua số truy cập trên trang
thông tin điện tử sctyenbai.com đã lên đến trên 70.761 lượt. Các sản phẩm chủ
lực vẫn được tìm hiểu nhiều nhất là: tinh bột sắn (4.000 lượt), chè các loại
(3.000 lượt), quế, tinh dầu quế (3.300 lượt)...
Có thể nói, nhờ đẩy mạnh hoạt động XTTM và
giải pháp "kích cầu" của các ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp đã
có cơ hội quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm, mở rộng thị trường. Bức tranh sản
xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu của tỉnh đã có nhiều điểm sáng. Cụ thể, kết
thúc năm 2014, tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 7.100 tỷ đồng. Đặc
biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt 50 triệu USD, bằng 102% kế hoạch; thị trường xuất
khẩu được mở rộng, trong đó, ghi nhận sự tăng giá, số lượng và chủng loại các
mặt hàng xuất khẩu như đá CaCO3 bột, hạt, đá xẻ, đá block, tinh bột sắn, giấy
vàng mã, sản phẩm may mặc, sứ điện, tinh dầu quế…
(Theo Báo Yên Bái)