Nhận thức rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng
của Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17/4/2009 của Ban Bí thư TW Đảng về “Tăng cường
cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư
tưởng, văn hoá”, tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban chỉ đạo chống “diễn biến hòa
bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Cùng với đó, Tỉnh uỷ đã ban hành nhiều
văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, Đảng bộ tập trung thực hiện các
nội dung trọng tâm trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lối sống.
Tỉnh ủy đã có nhiều giải pháp nâng cao chất
lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng bộ tỉnh Yên Bái hiện
nay có 13 Đảng bộ trực thuộc, 621 tổ chức cơ sở Đảng, trên 3.200 Chi bộ trực
thuộc Đảng ủy cơ sở và trên 47.500 đảng viên. Đến nay, đã xây dựng được Chi bộ
bền vững ở 100% thôn, bản trong tỉnh. Hàng năm có trên 86% tổ chức cơ sở Đảng
đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, mỗi năm kết nạp trên 1.800 đảng viên.
Công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ được thực hiện theo đúng sự chỉ
đạo, định hướng của Trung ương.
Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã
tập trung làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, mở các lớp bồi dưỡng lý luận
chính trị để giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, phòng chống âm mưu
diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Cụ thể, đã mở được 734 lớp bồi
dưỡng ở các loại hình cho trên 77.000 học viên.
Cùng với đó, công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội cũng
được cấp ủy các cấp tăng cường bằng nhiều biện pháp. Tỉnh ủy đã thành lập đội
ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. Hàng năm tổ chức từ 2 - 3 cuộc điều tra nắm
bắt dư luận xã hội về các lĩnh vực đời sống xã hội. Công tác tiếp dân được đảm
bảo theo đúng quy định. Đến nay, 180 xã, phường, thị trấn; 840/1.004 cơ quan,
đơn vị hành chính sự nghiệp trong tỉnh có Ban thanh tra nhân dân, 125 Ban giám
sát đầu tư của cộng đồng, 2.100 tổ hòa giải. Trong 5 năm đã xem xét giải quyết
5.725 vụ việc, tiến hành hòa giải 2.900 vụ, giúp chính quyền ngăn chặn kịp thời
những bức xúc ở cơ sở và khu dân cư.
Công tác giáo dục, phát huy
truyền thống cách mạng của dân tộc và địa phương trên cơ sở chỉ đạo tổ chức tốt
các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của địa phương nhằm giáo dục lòng tự hào, tự
tôn dân tộc; ý chí nghị lực vươn lên thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xoá
đói, giảm nghèo, xoá bỏ dần những thói quen, tập quán lạc hậu trong sinh hoạt
và sản xuất; Công tác giáo dục về chủ trương, đường lối đổi mới toàn diện của
Đảng, thực hiện CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa... thông qua các lớp học tập, bồi dưỡng
chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, công chức viên
chức cũng được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác tôn giáo. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 tôn giáo được Nhà nước công
nhận và một số tín ngưỡng dân gian khác với tổng số khoảng trên 51.200 tín đồ
cư trú tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố chiếm 8% dân số trong toàn tỉnh. Trong
những năm qua, công tác tôn giáo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm,
thể hiện rõ bằng các Chỉ thị, Nghị quyết cụ thể. Những chủ trương của
Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo được tỉnh cụ thể hóa
bằng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo cho các hoạt động tôn
giáo diễn ra bình thường. Các hoạt động tôn giáo diễn ra đều được các
cấp chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quan tâm, giúp đỡ. Những nhu
cầu chính đáng của đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo như tách lập tổ chức
tôn giáo trực thuộc; đào tạo bồi dưỡng chức sắc, chức việc; thuyên
chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành; cấp quyền sử
dụng đất, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự… đều được tỉnh quan tâm, xem
xét, từng bước giải quyết phù hợp với tình hình thực tế, theo quy định
của pháp luật. Nhờ vậy, trong những năm qua, hoạt động tôn giáo nói
chung cơ bản ổn định, các sinh hoạt tôn giáo được đảm bảo, các chức sắc,
tín đồ tôn giáo cơ bản tuân thủ các chủ trương của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Các tín đồ có
tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, tích cực tham gia các phong trào
thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh
phúc. Từ đó,
góp phần ngăn chặn có
hiệu quả âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn
hoá. Nhờ vậy, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình huống bất ngờ,
“điểm nóng” phức tạp về lĩnh vực tư tưởng, văn hoá.
5 năm qua, từ triển khai thực hiện Chỉ thị
34 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng
viên và nhân dân trên địa bàn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của việc
tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên
lĩnh vực tư tưởng, văn hoá được nâng lên. Cùng với đó, cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh
đến cơ sở và MTTQ, các ngành, đoàn thể đều làm tốt công tác quản lý, nêu cao
tinh thần đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực
tư tưởng, văn hoá, văn nghệ. Các phong trào, hoạt động giữ vững an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều bước phát triển mới.
Thời gian tới, Tỉnh uỷ sẽ tiếp tục đẩy mạnh
công tác lãnh đạo, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà
nước đối với nhiệm vụ tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn
biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá. Đồng thời, mở nhiều lớp bồi
dưỡng, tập huấn cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, cán bộ chuyên
môn về lĩnh vực này, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và nhiệm vụ
có tính đặc thù của cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình”
trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá trong đời sống xã hội. Cấp uỷ các cơ sở Đảng sẽ
chủ động nắm tình hình, bám sát địa bàn, phát huy quyền làm chủ của nhân dân,
không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, chủ động đấu tranh,
phòng ngừa loại trừ ngay từ cơ sở các âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo
để thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá.