Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Hiệu quả từ Dự án "Gia vị cuộc sống"

14/01/2015 16:04:54 Xem cỡ chữ Google
Để thúc đẩy ngành gia vị phát triển và hỗ trợ giảm nghèo cho cộng đồng dân tộc thiểu số, Chi cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) triển khai Dự án "Thúc đẩy ngành gia vị nhằm hỗ trợ giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số tại tỉnh Yên Bái".

Thu hoạch thảo quả ở Nậm Có (Mù Cang Chải). (Ảnh: A Mua)

Những năm qua, cây gia vị (cây quế, thảo quả) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Để thúc đẩy phát triển và tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số từ trồng và phát triển loại cây này, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan triển khai Dự án "Thúc đẩy ngành gia vị nhằm hỗ trợ giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số tại tỉnh Yên Bái".

Đến nay, tỉnh đã quy hoạch được vùng sản xuất quế đặc sản với diện tích trên 27.000ha tập trung ở các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên. Cây quế đang là cây trồng chủ lực ở nhiều vùng quê mà khó cây trồng nào sánh bằng. Thu nhập từ quế tăng từng năm đã góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê. Huyện Văn Yên có trên 16.000ha, trở thành vùng sản xuất chuyên canh quế lớn nhất nhì cả nước. Hiện cây quế có mặt ở 27 xã, thị trấn của huyện, trong đó trên 50% diện tích đến kỳ khai thác. Quế có chất lượng tốt nhất, diện tích nhiều nhất tập trung ở các xã nằm ở khu vực hữu ngạn sông Hồng.

Đi vào các xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm… thấy cơ man nào là quế, trên đồi quế xanh ngắt, hai lề đường phơi đầy vỏ quế. Đặc biệt, từ khi có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên, thị trường quế ổn định, giá quế tăng cao gấp 2 lần những năm trước. Cứ đến mùa thu hoạch, nhà nhà lên đồi bóc quế, phơi quế. Hàng năm, địa phương bán ra thị trường khoảng từ 4.000-5.000 tấn vỏ quế khô các loại cùng nhiều sản phẩm đa dạng liên quan đến quế, thu về cho địa phương hàng chục tỷ đồng.

Còn cây gia vị thảo quả được trồng ở các huyện vùng cao, trong đó tập trung ở huyện Mù Cang Chải. Thống kê chưa đầy đủ, hiện huyện Mù Cang Chải có gần 1.000ha thảo quả trồng rải rác ở các xã, trong đó trồng nhiều ở La Pán Tẩn, Cao Phạ, Nậm Có. Việc phát triển cây thảo quả mang lại giá trị kinh tế cao đã góp phần không nhỏ vào phong trào xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn vùng cao này.

Thời điểm cây thảo quả lên ngôi, giá 1kg khô là trên 300.000 đồng. Cây  thảo quả thật sự được ví là "cây vàng" làm thay đổi cuộc sống của nhiều bản làng người Mông. Tuy nhiên, năng suất còn thấp do nông dân còn thiếu kiến thức về kỹ thuật canh tác hiệu quả và bền vững, chủ yếu vẫn theo kinh nghiệm là chính.

Để thúc đẩy ngành gia vị phát triển và hỗ trợ giảm nghèo cho cộng đồng dân tộc thiểu số, Chi cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) triển khai Dự án "Thúc đẩy ngành gia vị nhằm hỗ trợ giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số tại tỉnh Yên Bái".

Dự án thực hiện 2 chuỗi giá trị gia vị, trong đó: chuỗi giá trị trồng quế được thực hiện tại 5 xã thuộc 3 huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn; chuỗi giá trị trồng thảo quả được thực hiện tại 2 xã thuộc huyện vùng cao Mù Cang Chải. Dự án tập trung vào các hoạt động kết nối từ người sản xuất, các hộ kinh doanh đến thị trường tiêu thụ và tập trung vào 4 khía cạnh: cải thiện năng suất và biện pháp canh tác quế, thảo quả; cải thiện chất lượng quế, thảo quả; phát triển thị trường và hỗ trợ phát triển môi trường sản xuất, kinh doanh quế, thảo quả. Sau một năm triển khai, Dự án đã hình thành 50 nhóm nông dân sở thích, trong đó có 30 nhóm nông dân sở thích quế, 20 nhóm nông dân sở thích trồng thảo quả.

Thông qua các buổi họp nhóm, các thành viên được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất (trồng chăm sóc, thu hái), giá bán, nơi tiêu thụ sản phẩm. Các hộ dân đã áp dụng kỹ thuật, được hướng dẫn vào sản xuất, trong đó trên 16.046ha quế và 740ha thảo quả được áp dụng sản xuất bền vững. Đặc biệt, thông qua Dự án đã bước đầu hình thành mối quan hệ từ tư thương với các hộ sản xuất, chia sẻ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy, trong  năm 2014, hiệu quả bước đầu của Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tăng năng suất thảo quả đạt 17 tạ/ha (tăng 6 tạ/ha), giá thành trung bình tăng 5.000 đồng/kg thảo quả tươi; giá vỏ quế tươi cũng tăng từ 2.000 đồng - 5000 đồng/kg.

Có thể nói, sau gần 1 năm triển khai Dự án "Gia vị cuộc sống" đã góp phần thay đổi tư duy, nâng cao trình độ cho 3.000 hộ nông dân trồng quế, thảo quả trên địa bàn tỉnh, từng bước cải thiện năng suất và sản lượng quế, thảo quả. Trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động như thành lập thêm các nhóm sở thích quế, thảo quả; tập trung vào việc quy hoạch vùng sản xuất quế tập trung; quảng bá và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từng bước đưa hai loại cây này thực sự trở thành  "cây vàng"  của bà con vùng cao.

4096 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h