Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Kinh tế Yên Bái tiền đề cho nhiệm kỳ mới

21/01/2015 14:26:25 Xem cỡ chữ Google
Năm 2014, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi và kéo dài; căng thẳng diễn ra ở biển Hoa Đông, biển Đông; kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo… Những tác động trên ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của nước ta cũng như tỉnh Yên Bái - một tỉnh có nền kinh tế chưa phát triển.

Nông dân Bảo Hưng (Trấn Yên) thu hoạch chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trong năm qua, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc, các thành phần kinh tế và sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với những giải pháp tích cực của Chính phủ, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh… đã giúp cho kinh tế Yên Bái đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp (giảm được 1,23%), tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ (tăng 0,4% và 0,84%). Tổng sản phẩm xã hội (GDP) theo giá so sánh 2010 đạt hơn 13.874 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013, đứng thứ 6/12 tỉnh vùng Tây Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế  đạt 11,07%, tăng 0,56% so với năm 2013, đứng thứ 3 trong vùng (năm 2013 đứng thứ 4). GDP bình quân đầu người đạt 25,07 triệu đồng, tăng 15% so với năm 2013, đứng thứ 4 so với các tỉnh trong vùng (năm 2013 đứng thứ 3).

Năm 2014, thời tiết trong sản xuất nông nghiệp không có nhiều diễn biến bất thường, nông dân trong tỉnh đã tăng cường đầu tư và thực hiện tốt việc chỉ đạo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương nên kết quả sản xuất nông nghiệp cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 285.920 tấn, vượt 4,2% kế hoạch, đứng thứ 6 trong vùng về sản lượng lương thực có hạt (năm 2013 đứng thứ 5); riêng sản lượng lúa đạt trên 202 ngàn tấn, vượt 3,7% kế hoạch, đứng thứ 6 trong vùng. Lương thực bình quân đầu người đạt 365,67kg, đứng thứ 10 (năm 2013 đứng thứ 11).

Yên Bái có diện tích chè nhiều thứ 3 trong vùng Tây Bắc (11.507ha) và sản lượng chè búp tươi đứng thứ 2 (đạt 87.908 tấn). Trong năm, đã trồng thay thế giống chè cũ bằng giống chè mới giá trị kinh tế cao được 758,8ha, vượt 51% kế hoạch; trồng mới, trồng cải tạo được 190ha chè, đạt 100% kế hoạch. Trồng mới được 819ha cao su, đưa diện tích cao su toàn tỉnh lên 2.109,8ha. 

Chăn nuôi có bước phát triển khá, tổng đàn gia súc chính đạt 622,01 ngàn con, tăng 5,6% so với năm 2013, đứng thứ 7 trong vùng (năm 2013 đứng thứ 5). Vài năm vừa qua, đàn trâu, bò liên tục giảm sút thì đàn trâu năm 2014 tăng 1,9%, đàn bò tăng 3,4%, đàn lợn tăng 6,6% so với năm 2013. Tổng đàn gia cầm đạt 3,57 triệu con, tăng 5,4% so với năm 2013, đứng thứ 6 so với các tỉnh trong vùng.

Diện tích rừng trồng mới ở Yên Bái luôn đứng thứ nhất các tỉnh trong vùng. Năm 2014, trồng mới 15.507ha, tăng 3,4% so với kế hoạch. Độ che phủ của rừng đạt 61,2% ( năm 2013 là 60,02%), đứng thứ 3 trong vùng.

Sản xuất công nghiệp vẫn giữ được tốc độ tăng khá, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 7,1% so với năm 2013 (đứng thứ 6 trong vùng). Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 7.063 tỷ đồng,  vượt 0,9% kế hoạch, tăng 10% so với năm 2013, đứng thứ 5 trong vùng (năm 2013 đứng thứ 4). Nhiều sản phẩm có tốc độ tăng khá so với năm 2013, như đá xây dựng tăng 56,5%, đá phiến 16,3%, đá vôi 19,5%, clanhker xi măng 78,8%, đá lát các loại 72,4%, giấy làm vàng mã 10%... Trong năm đã khánh thành và đi vào hoạt động 8 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất 123MW, góp phần đáng kể vào tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, khai thác có hiệu quả thị trường trong tỉnh, nhất là vùng nông thôn. Quản lý thị trường được tăng cường, hạn chế được buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 10.406 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch, tăng 16,8% so với năm 2013, đứng thứ 6 trong vùng. Giá cả thị trường cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,56% so với năm 2013, đứng thứ 6 trong vùng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm nhưng với sự cố gắng của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của địa phương đã đạt 52,9 triệu USD, vượt 8% kế hoạch, đứng thứ 7 trong vùng (năm 2013 đứng thứ 6). Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là măng, chè chế biến, tinh bột sắn, sản phẩm may mặc, gỗ chế biến…Kim ngạch nhập khẩu đạt 20 triệu USD, chủ yếu là vật tư nông nghiệp, nguyên liệu may mặc, máy móc phục vụ công nghiệp khai khoáng…

Do sản xuất lấy lại đà phát triển và tăng cường chống thất thu thuế nên tổng thu ngân sách địa phương đạt 7.628 tỷ đồng, vượt 35% dự toán; trong đó thu cân đối đạt 1.249 tỷ đồng, vượt 16,7% dự toán, tăng 8,1% so với năm 2013, đứng thứ 5 trong vùng. Hết năm, tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại, các quỹ tín dụng đạt 11.815 tỷ đồng, tăng 21,6% so với năm 2013. Tỷ lệ nợ xấu là 1,29% so với tổng dư nợ, giảm 0,1% so với đầu năm.

Mặc dù đầu tư công của Chính phủ còn hạn chế nhưng với những giải pháp tích cực của tỉnh, sự cố gắng của các địa phương, các doanh nghiệp nên tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 9.533 tỷ đồng, vượt 6,5% kế hoạch, tăng 17,6% so với năm 2013, đứng thứ 4 trong vùng. Tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công đường Hoàng Thi, đường từ Km5 thành phố Yên Bái nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đường tránh ngập thành phố Yên Bái); bê tông hóa 120km đường, đưa số đường được kiên cố hóa bằng bê tông lên 420km; mở mới 175km đường đất…

Trong năm, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án với số vốn đầu tư trên 1.926 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn ODA năm 2014 đạt 432,7 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm 2013; vốn NGO ước đạt 70 tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào phát triển sản xuất trên địa bàn. Năm 2014, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 150 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký kinh doanh trên 1.000 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận hoạt động cho 20 chi nhánh và 5 văn phòng đại diện.

Toàn tỉnh hiện có 1.357 doanh nghiệp, 328 hợp tác xã và 20.781 hộ kinh doanh (tăng 111 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 1.688 hộ kinh doanh so với năm 2013). Kinh tế có bước phát triển nên đã giải quyết việc làm mới cho 18.174 lao động, tăng 1,7% so với năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,28% so với năm 2013; riêng hai huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải đều giảm được 9,8%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong phát triển kinh tế của Yên Bái còn những hạn chế. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa được cải thiện nhiều (PCI năm 2013 của tỉnh xếp thứ 59/63 tỉnh thành). Phần lớn doanh nghiệp của tỉnh quy mô nhỏ về nhiều mặt, năng lực quản lý và thích ứng với cơ chế thị trường có mức độ nên khó tạo ra những khâu đột phá trong phát triển kinh tế; tiến độ thực hiện Đề án Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa đạt yêu cầu; tiến độ thi công một số dự án trọng điểm của tỉnh chậm, nhất là đường tránh ngập thành phố Yên Bái; tình hình ô nhiễm môi trường ở một số nhà máy, cơ sở sản xuất chưa được giải quyết dứt điểm; một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp chưa đạt kế hoạch, như diện tích  nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản đánh bắt (bằng 96,6% và 92,7% kế hoạch), năng suất lúa (bằng 98,3%), diện tích trồng cao su (bằng 82%). Trong năm, còn xảy ra 9 vụ cháy rừng, thiệt hại 692ha rừng. Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được về kinh tế trong năm 2014 là cơ bản, là tiền đề rất quan trọng, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 và cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (2010 - 2015), mở ra những định hướng mới cho nhiệm kỳ 2015 - 2020.

 

3739 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h