1. Cử tri huyện Trấn Yên phản ánh: Các điểm khai thác mỏ tại xã Lương Thịnh
huyện Trấn Yên gây ô nhiễm môi trường, làm nguồn nước Ngòi Lâu bị ô nhiễm nghiêm
trọng. Vấn đề này đã xảy ra trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý.
Sở Tài nguyên và môi trường trả lời
như sau:
Trên cơ sở kết quả làm việc với Ủy ban nhân dân xã Lương Thịnh, Ủy ban nhân
dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên và quá trình kiểm tra, giám sát môi trường nước
ngòi Lâu, Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá nguyên nhân, thời gian gây ra ô
nhiễm nguồn nước ngòi Lâu và việc khắc phục của các đơn vị đang hoạt động sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ có thải chất thải ra ngòi Lâu (đặc biệt là các cơ sở
tuyển quặng sắt) như sau:
1.1. Nguyên nhân làm nguồn nước ngòi
Lâu bị ô nhiễm
Qua công tác kiểm tra, giám sát của
Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua và phản ánh của Ủy ban nhân dân
các xã Lương Thịnh, Ủy ban nhân dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên thì nguyên
nhân gây ô nhiễm nước ngòi Lâu là do các nguyên nhân như: Hoạt động tuyển quặng
sắt tại Nhà máy tuyển quặng tại xã Lương Thịnh của Công ty TNHH Tân Tiến, Nhà
máy chế biến quặng sắt tại xã Hưng Thịnh của Công ty Cổ phần Cmistone Việt Nam;
sự cố vỡ đập hồ xử lý bùn thải quặng đuôi tại Nhà máy tuyển rửa quặng sắt tại
Núi 409, xã Lương Thịnh của Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Tây Bắc; khi mưa
to thì có hiện tượng nước lũ cuốn đất đá từ các mỏ quặng sắt đang khai thác như
mỏ Tiên tinh, núi Léc của Công ty Cổ phần Khoáng sản Hòa Yên, mỏ Cận Còng của
Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Tây Bắc;
ngoài ra còn có một phần đất đá phát sinh trong hoạt động san tạo đất làm nhà
của các hộ dân, hoạt động làm đường giao thông trong lưu vực ngòi Lâu...
1.2. Thời gian gây ô nhiễm
Qua công tác kiểm tra, giám sát của
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Lương
Thịnh, Ủy ban nhân dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên thì tình trạng đục nước
ngòi Lâu đã diễn ra tại một số thời điểm từ cuối năm 2013 nhưng tình trạng này
gia tăng từ khoảng tháng 9 đến đầu tháng 11 năm 2014. Trong khoảng thời gian
này nước ngòi Lâu thường xuyên có mầu đỏ đục, gây bức xúc trong dư luận và nhân
dân.
1.3. Công tác quản lý của các cơ
quan nhà nước
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được
giao, ngay từ khi nước ngòi Lâu có hiện tượng bị đục do các hoạt động tuyển
quặng sắt gây ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo và yêu cầu Chi cục Bảo
vệ môi trường chủ động cử cán bộ có sự phối hợp của các đơn vị chuyên môn của
huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái, Ủy ban nhân dân các xã trong phạm vi hoạt
động của các cơ sở sản xuất, thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát tại thực
địa hoạt động sản xuất của các cơ sở, đặc biệt là đối với các Nhà máy tuyển
quặng sắt trên địa bàn huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái để yêu cầu các đơn
vị chấp hành quy định, nhằm ngăn chặn tình trạng xả thải không qua xử lý hoặc
xử lý chưa bảo đảm quy chuẩn ra ngòi Lâu.
Đồng thời với việc kiểm tra, giám
sát, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, yêu
cầu các cơ sở chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể:
- Ngày
30 tháng 10 năm 2014 Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số
2421/STNMT-BVMT về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nước Ngòi Lâu
gửi các cơ sở có phát sinh chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngòi Lâu
và Ủy ban nhân dân các xã có các cơ sở đóng trên địa bàn quản lý. Nội dung yêu
cầu tất cả các cơ sở phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật trong
việc xử lý và xả chất thải để không ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước ngòi
Lâu. Đồng thời cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các xã, nơi các cơ sở hoạt động,
thường xuyên giám sát việc chấp hành của các cơ sở và kịp thời thông báo với Sở
Tài nguyên và Môi trường khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, xử lý.
- Tiếp theo đó,
ngày
05 tháng 11 năm 2014 Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra Quyết định số
2454/QĐ-STNMT thành lập Đoàn kiểm tra các công trình đập và việc chấp hành pháp
luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của các Nhà máy tuyển quặng tại
tỉnh Yên Bái. Ngay sau khi có Quyết định thành lập, Đoàn kiểm tra đã tiếp tục
thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất đối với các Nhà máy tuyển
quặng sắt trên địa bàn huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái.
- Để tiếp tục
kiểm soát ô nhiễm môi trường nguồn nước ngòi Lâu, ngày 20 tháng
11 năm 2014, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2626/QĐ-STNMT
về việc thành lập Đoàn kiểm tra,
giám sát môi trường nước ngòi Lâu tại huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái. Đoàn
kiểm tra có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát (kể cả ngoài giờ hành
chính) việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt
động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên lưu vực Ngòi Lâu và xả chất thải gây
ảnh hưởng đến nguồn nước Ngòi Lâu. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Chi cục Bảo vệ
môi trường đã phối hợp với các phòng trực thuộc Sở có liên quan, Phòng Tài
nguyên và Môi trường huyện Trấn Yên, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố
Yên Bái và Ủy ban nhân dân các xã tiếp tục cử cán bộ kiểm tra, giám sát hoạt
động sản xuất của các cơ sở.
- Riêng đối với sự cố vỡ đập của Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Tây Bắc tại mỏ quặng sắt Núi 409. Ngay
sau khi sự cố xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên
và Môi trường đã quyết định thành lập Đoàn công tác liên ngành với sự tham gia
của các Sở, ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận
tải, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Ủy
ban nhân dân huyện Trấn Yên. Đoàn đã kiểm tra xác định nguyên nhân vỡ đập; tham
mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công ty dừng mọi hoạt động khai thác, chế
biến khoáng sản và tập trung khắc phục sự cố, thực hiện các biện pháp khẩn
trương nhằm ngăn chặn sự cố tiếp tục xảy ra đối với các đập còn lại của Công
ty. Đến nay, sự cố đã cơ bản được khắc phục, không còn gây ảnh hưởng đến nguồn
nước ngòi Lâu.
1.4. Kết quả bước đầu đã đạt được
Những hoạt động
nêu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, địa phương đã đạt được
kết quả bước đầu rất tích cực. Từ đầu tháng 11 năm 2014 trở lại đây, việc chấp
hành của các cơ sở tuyển quặng sắt đã có bước chuyển biến đáng ghi nhận, hiện
nay tình trạng đục nước ngòi Lâu đã giảm mạnh, lòng ngòi Lâu đang dần thanh
thải bùn đất tồn lưu và nước ngòi Lâu đã từng ngày trong trở lại.
2.Cử tri
xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái có ý kiến: Công ty Cổ phần Khoáng sản Hòa Yên, trong
quá trình hoạt động đã làm ngập 5 ha đất hoa mầu của người dân và không canh
tác được. Đề nghị tỉnh kiểm tra và giải quyết.
Sở Tài nguyên và môi trường trả lời
như sau:
Ngày 02 tháng 12 năm 2014, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Phòng
Tài nguyên và Môi trường thành phố Yên Bái và Ủy ban nhân dân xã Âu Lâu tiến
hành kiểm tra xác minh nội dung trên. Qua kiểm tra thực địa, các tài liệu do Ủy
ban nhân dân xã Âu Lâu và Công ty Cổ phần Khoáng sản Hòa Yên cung cấp cho thấy:
2.1. Ảnh hưởng
từ hoạt động của Nhà máy tuyển quặng sắt Âu Lâu và kết quả khắc phục
Phản ánh về việc Nhà máy tuyển quặng
sắt Âu Lâu đã gây ảnh hưởng tới diện tích đất trồng hoa mầu của thôn Hai Luồng
và thôn Đắng Con là có thật. Nguyên nhân gây ảnh hưởng chủ yếu là khi mưa to,
nước mưa không tiêu thoát kịp và gây ra tình trạng úng ngập đến diện tích đất
trồng mầu của nhân dân tiếp giáp với hồ xử lý đuôi quặng tuyển thải của Nhà máy
tuyển quặng sắt Âu Lâu. Trong năm 2014 đã xảy ra 02 đợt ảnh hưởng và có nguy cơ
ảnh hưởng. Cụ thể:
- Đợt 1 vào
ngày 11 tháng 3 năm 2014: Có 20 hộ bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị ảnh hưởng, với
tổng diện tích đất là 6.923,1 m2 (trong đó: 230 m2 ao cá;
đất lúa (có lẫn một ít diện tích ngô trồng lẫn) đã bị ảnh hưởng là 2.930,5 m2
của 06 hộ dân và có nguy cơ bị ảnh hưởng là 3.992,6 m2 của 13 hộ dân).
Đến tháng 7 năm 2014 Công ty đã hoàn thành việc chi trả cho nhân dân với sự
chứng kiến của Ủy ban nhân dân xã Âu Lâu với mức hỗ trợ: Diện tích đất trồng
lúa 02 vụ mùa là 400 kg thóc/360 m2, 200.000 đồng tiến giống
và phân bón và 8.000 đồng/kg lúa.
- Đợt 2 vào ngày 28 tháng 8
năm 2014: Có 17 hộ bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị ảnh hưởng, với tổng diện tích
8.291 m2 toàn bộ là đất trồng ngô (diện tích đã bị ảnh hưởng là 405
m2 của 01 hộ; diện tích chưa chịu ảnh hưởng 7.886 m2). Đến
ngày 15 tháng 10 năm 2014, Công ty đã hoàn thành việc chi trả cho nhân dân với
sự chứng kiến của Ủy ban nhân dân xã Âu Lâu với mức hỗ trợ 500 kg ngô/360 m2/03
vụ.
Như vậy, tổng diện tích đất hoa mầu của nhân dân khu vực thôn Đắng Con và thôn
Hai Luồng (trong 02 đợt nêu trên) đã chịu ảnh hưởng là 15.213 m2 (1,52
ha, không phải là 05 ha như phản ánh của cử tri xã Âu Lâu). Từ khi Công ty hoàn thành việc hỗ trợ, bồi
thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng đến nay nhân dân không có đơn kiến nghị,
phản ánh về ảnh hưởng do hoạt động của nhà máy tới đất hoa mầu của nhân dân.
Để tránh tái
diễn tình trạng đất sản xuất của nhân dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động của Nhà
máy, trong thời gian vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên phối
hợp với các cơ quan chuyên môn của thành phố, Ủy ban nhân dân xã Âu Lâu kiểm
tra, giám sát; Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành một số văn bản đôn đốc,
nhắc nhở đối với Công ty Cổ phần Khoáng sản Hòa Yên, yêu cầu thường xuyên nạo
vét bùn thải trong các hồ chứa để nâng cao khả năng lắng trong nước thải, đồng
thời không là ảnh hưởng đến đất sản xuất của nhân dân; trường hợp bất khả kháng
như có mưa lũ… làm ảnh hưởng thì phải kịp thời xem xét, bồi thường, hỗ trợ thỏa
đáng cho nhân dân, không được làm cho nhân dân bị thiệt hại và bức xúc. Bên
cạnh đó yêu cầu Công ty đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng nhà máy tại thôn Đồng
Bằng 3 xã Lương Thịnh để giảm công suất của Nhà máy tuyển quặng Âu Lâu, tiến
tới di dời Nhà máy khỏi khu vực xã Âu Lâu.
3. Cử tri huyện Văn Chấn và thị xã
Nghĩa Lộ phản ánh: Bãi rác thải tại xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) sử dụng
nhiều năm nay, số lượng rác thải chưa qua xử lý quá nhiều (bao gồm xác chết gia
súc, gia cầm gây mùi hôi thối...) đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc
sống sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân sông xung quanh khu vực. Đề nghị có biện
pháp xử lý.
Sở Tài nguyên và môi trường trả lời
như sau:
Ngày 03 tháng 12 năm 2014, Chi cục
bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Phòng Tài
nguyên và Môi trường thị xã Nghĩa Lộ, Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Sơn thuộc huyện Văn Chấn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã
Nghĩa Lộ và Công ty Môi trường đô thị thị xã Nghĩa Lộ, Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Phúc tiến hành kiểm tra thực địa việc xử lý rác thải
và tình trạng ô nhiễm môi trường tại Bãi rác.
3.1. Phản ánh
của Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Sơn huyện Văn Chấn
- Có tình trạng
đổ rác thải không đúng vị trí, đổ gần đường, làm rác thải lẫn phế thải như mảnh
thủy tinh, bơm kim tiêm… vương ra đường đi của nhân dân, ảnh hưởng đến cảnh quan khu
vực;
- Phát sinh nhiều ruồi, muỗi trong
khu vực nhân dân sinh sống (thôn Noong Khoang 1 và Noong Khoang 2 xã Nghĩa Sơn
huyện Văn Chấn và thôn Pá Làng, xã Nghĩa Phúc, thị
xã Nghĩa Lộ);
- Những ngày thời tiết mưa nắng thì
bãi rác bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến người dân;
- Xác gia súc,
gia cầm lẫn trong rác thải không được chôn lấp, khi gia súc tha lôi về khu dân
cư là nguồn gây dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của nhân dân.
3.2. Kết quả
kiểm tra thực tế
- Việc vận hành (chôn lấp, đổ rác) tại bãi rác là chưa đúng quy trình, đổ rác
không đúng vị trí (rác tràn ra đường gây ảnh hưởng tới đi
lại và mỹ quan) mặc dù đã được hướng dẫn, nhắc nhở. Bên cạnh đó, có tình
trạng đổ trộm rác xảy ra cũng gây ảnh hưởng tới việc quản lý,
vận hành của Công ty Môi trường đô thị thị xã Nghĩa Lộ.
- Hiện tại bãi rác không phải đã đầy, còn nhiều vị trí còn nhiều khả năng
tiếp nhận rác thải trong nhiều năm nữa nếu được vận hành đúng;
- Tại thời điểm kiểm tra trời không
mưa, không thấy có nước rỉ rác chảy ra môi trường và đất canh tác của nhân dân.
3.3. Nguyên
nhân của những tồn tại trong quản lý vận hành bãi rác
Những tồn tại
về việc đổ rác không đúng vị trí, đổ gần đường làm ảnh hưởng đến việc đi lại
của nhân dân và gây mất mỹ quan đã được Sở Tài nguyên và Môi trường nhắc nhở
ngay từ tháng 9 năm 2013. Đến nay, mặc dù bãi rác chưa đầy, vẫn còn nhiều khoảng
trống phía trong có thể tiếp nhận rác nhưng việc đổ rác không đúng vị trí và
gây ảnh hưởng việc đi lại của nhân dân, ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực vẫn tái
diễn ra. Theo báo cáo của Công ty thì nguyên nhân chính của tồn tại này là
trong thời gian dài vừa qua Công ty gặp khó khăn về kinh phí cũng như phương tiện
san ủi rác. Công ty chỉ có hai ô tô cũ, không đủ năng lực để vận chuyển với
khối lượng khoảng 50 tấn/ngày đêm và đổ rác đúng vị trí trong bãi rác; Công ty
không có máy xúc để đưa đẩy rác vốn không thể đổ đúng vị trí vào sâu phía trong
bãi rác, dẫn tới tình trạng rác thải ứ đọng gần đường không được khắc phục
triệt để (theo báo cáo của đại diện Công ty thì đơn vị này đã tìm thuê máy xúc nhưng rất khó khăn vì
rất ít đơn vị,
cá nhân nhận thực
hiện việc xúc ủi rác do ô nhiễm môi trường và kinh phí hạn chế).
- Theo báo cáo của đại diện Công ty
Môi trường đô thị thì Công ty thiếu kinh phí nên không có để mua và phun hóa
chất diệt ruồi, muỗi (từ tháng 9/2013 đến nay chỉ phun được 02 lần);
- Việc phân loại rác tại các hộ gia đình được thực hiện
chưa tốt nên tình trạng gia súc, gia cầm chết được đưa
vào bãi rác,
gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh (Tổng hợp)