Cách đây khoảng 10 năm, tại xã Khánh Hòa,
các hộ gia đình trồng cam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù cây cam đã có mặt ở
đất Khánh Hòa khá lâu nhưng kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nhiều gia
đình vẫn còn hạn chế. Việc trồng cam thời gian đầu chỉ để có thêm thu nhập cải
thiện cuộc sống, còn thu nhập chính của người dân chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông
nghiệp. Vì thế, cái nghèo vẫn đeo bám đất Khánh Hòa. Thế nhưng 4-5 năm
trở lại đây, cây cam đã và đang làm thay đổi cuộc sống người dân.
Những triệu phú cam
Nói ông Nguyễn Văn Sơn, thôn 5 giàu nhất xã
Khánh Hòa cũng không phải là quá, khi nhìn vào vườn cam cả chục héc ta của ông,
tính sơ sơ cũng đem về ngót nghét cả tỷ đồng mỗi năm. Mặc dù là người giầu có
nhưng ông Sơn chưa bao giờ cho mình quyền được nghỉ ngơi. Ông luôn tự mình thồ
cam bằng xe máy từ vườn về nhà để vợ đóng thùng gửi đi khắp các tỉnh theo đơn
đặt hàng. Hơn 20 năm gắn bó với cam, cần mẫn, chăm chút ngay cả khi cam mất
giá, người người chặt bỏ ông cũng chưa bao giờ chán nản. Qua những giai đoạn
khó khăn, cuối cùng thì những trái cam vàng suộm cũng trả công xứng đáng cho
người nông dân. Vụ cam 2013 ông thu về 2,5 tỷ đồng, năm nay do nhiều yếu tố mà
việc tiêu thụ cam chậm hơn, giá cũng giảm nhưng cũng dự kiến thu về không dưới
2 tỷ đồng.
Ông Sơn tâm sự: "Khi bắt tay đầu tư
vào việc cải tạo lại khu đồi rừng để trồng cam, gia đình còn nhiều băn khoăn,
vì cây cam là "cây nhà giàu", nếu không chăm sóc cẩn thận, phòng trừ
sâu bệnh đúng cách thì cam sẽ cho năng suất, chất lượng thấp. Khi đó lãi chưa
thấy đâu mà còn thiệt hại thêm về kinh tế. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh
nghiệm, gia đình vừa trồng, vừa đi học hỏi thêm, sau 4 năm vất vả chăm bón, đầu
tư tiền của, vườn cam của gia đình cũng bắt đầu cho thu hoạch".
Một "đại gia" cam khác là anh
Trịnh Văn Hưng ở thôn 6. Trồng cam được khoảng 10 năm nay, anh đã có 3 héc ta,
thu hoạch và 1 héc ta mới trồng. Nhờ chăm sóc tốt, vườn cam của anh Hưng cây
nào cây nấy trĩu quả, cây to cho thu 2-3 tạ quả. Năm 2013, sau khi trừ chi phí,
anh Hưng thu về 910 triệu đồng, năm 2014 ước cũng không dưới 1 tỷ đồng.
Anh Hưng cho biết: "Bắt đầu từ năm
2009 tôi mới bắt đầu trồng cam thành vườn tập trung. Bắt tay vào làm, gia đình
gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, chăm sóc bảo vệ cây nhưng bằng việc không
ngừng học tập áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào từng giai đoạn phát triển của
cam nên năng suất mỗi năm một tăng. Đặc biệt, trong khi thu hoạch không sử dụng
bất kỳ một loại hóa chất bảo quản nào và tuân thủ đúng các quy định về an toàn
thực phẩm nên giữ được uy tín, khách hàng thường đến tận nhà để đặt hàng. Từ
đầu vụ đến nay, gia đình đã bán được 10 tấn, thu về 100 triệu đồng, số còn lại
trong dịp tết tới đây sẽ cơ bản tiêu thụ hết". Hiện nay, ở xã Khánh Hòa có
khoảng 30 hộ có từ 100 gốc cam trở lên, trong đó cũng không ít chủ vườn có diện
tích lớn mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng.
Vườn cam gia đình anh Trịnh Văn Hưng
thu về gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Mừng và … lo!
Sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của vùng
cam Khánh Hòa, huyện Lục Yên là một tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, cam sành Lục
Yên vốn đã là một thương hiệu nổi tiếng nhưng vì nhiều nguyên nhân mà những
vùng cam truyền thống ở Mường Lai, Tân Lĩnh đã không còn. Hiện nay, Khánh Hòa
lại là địa phương duy nhất còn giữ được vùng cam với diện tích 70ha và có thể
tiếp tục phát triển lên vài trăm ha. Tuy nhiên, khi đến vùng cam Khánh Hòa,
chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được các cấp chính quyền quan
tâm hơn nữa. Trước hết đó là giao thông qua các vùng cam của thôn 1, 3, 5, 6
cần được đầu tư mở rộng.
Ông Triệu Phúc Thanh - Bí thư Đảng ủy xã so
sánh: "Vùng cam nổi tiếng Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) có được lợi thế rất
lớn về giao thông. Ở đó giao thông được đầu tư rất tốt, xe ô tô có thể vào đến
tận gốc cam, giảm đáng kể chi phí nhân công, vận chuyển. Trong khi đó tại xã
Khánh Hòa, qua các vùng cam hầu hết là đường đất nhỏ, chi phí cho nhân công thu
hoạch, vận chuyển chiếm rất lớn nên giá thành cũng giảm đáng kể". Tiếp đến
là vấn đề tiêu thụ. Hiện nay với 70 ha, sản lượng cam hàng năm của xã Khánh Hòa
đạt khoảng 2.100 tấn, tiêu thụ chủ yếu ở một số tỉnh lân cận. Thị trường bó hẹp
cộng với việc đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác, lưu lượng xe
qua quốc lộ 70 giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ.
Bí thư Thanh - cho biết thêm: Vùng
cam ở đây có thể phát triển lên với diện tích khoảng 400ha. Do vậy, để có thị
trường tốt, huyện Lục Yên cần tăng cường việc quảng bá, mở rộng thị trường. Nếu
có thể thì trước mỗi vụ thu hoạch, huyện Lục Yên nên tổ chức khảo sát thị
trường, ký kết hợp đồng với các siêu thị lớn tại các tỉnh như Hà Nội, Hải
Phòng, thậm chí là các tỉnh phía Nam để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Để làm
được điều đó trước hết cần phải có sự liên kết giữa chính những nhà vườn để có
một quy trình trồng, chăm sóc hợp lý, thống nhất, có được những trái cam đẹp,
chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, Lục Yên cũng cần xúc tiến việc
xây dựng đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành; đồng thời cần bảo tồn,
lựa chọn và phục tráng nguồn gien quý của cây cam sành tạo ra nguồn giống chất
lượng tốt hơn, đem lại năng suất, giá trị kinh tế ngày càng cao; thực hiện tốt công
tác quy hoạch vùng cam, cơ cấu giống hợp lý; đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa
học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất.
(Theo Báo Yên Bái)