Để có kết quả đó, ngay sau khi ban hành,
triển khai Nghị quyết số 24, các huyện, thị, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc, các
Đảng đoàn, ban cán sự Đảng, các sở, ban, ngành của tỉnh đã xây dựng kế hoạch và
triển khai bằng các đề án, kế hoạch, chương trình một cách đồng bộ từ tỉnh đến
cơ sở. Nhờ vậy, sau 3 năm thực hiện, đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên
địa bàn đã có tổng chiều dài 7.475km, tăng 1.749,4km, trong đó, đường đô thị
tăng 78,4km, đường giao thông nông thôn (GTNT) tăng 1.651km; xây dựng mới 16
cầu bê tông, 10 ngầm, tràn, 22 cầu treo dân sinh và 614 cống các loại. Bên cạnh
đó, tỉnh đã tập trung các nguồn vốn ngân sách của địa phương, vốn Trung ương hỗ
trợ và các nguồn vốn khác để xây dựng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ.
Trong giai đoạn 2011 - 2014, toàn tỉnh đã
đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới 5 dự án, chiều dài 188,5km với kinh phí 1.014 tỷ
đồng, trong đó, hoàn thành 141,5km; tiêu biểu như Dự án đường Yên Bái - Khe
Sang; tiểu dự án sửa chữa đường Yên Thế - Vĩnh Kiên; Dự án đường Khánh Hòa -
Minh Xuân... Nhiều tuyến đường sau khi tu sửa, nâng cấp mới không những tạo điều
kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại mà còn thu hút các nhà đầu tư đến với các
địa phương.
Người dân huyện Văn Chấn tích cực
tham gia làm đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Thanh Phúc)
Chị Nguyễn Thị Nga, chủ một doanh nghiệp
chế biến sắn ở Văn Yên vui mừng nói: “Trước đây, nhiều khách hàng ở xuôi rất
“dị ứng” khi lên đây để hợp tác làm ăn. Còn bây giờ, không những có đường cao
tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa bàn mà tuyến đường Yên Bái - Khe Sang đã
nâng cấp, sửa chữa, rất thuận lợi cho các phương tiện đi lại, hàng hóa không bị
đối tác ép giá nữa”.
Bộ mặt của thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa
Lộ và các trung tâm huyện có sự khởi sắc bởi tỉnh luôn quan tâm nâng cấp, cải
tạo nhiều tuyến đường đô thị, kết hợp với chỉnh trang hệ thống kỹ thuật hạ tầng
đô thị. Trong giai đoạn 2011 - 2014, tỉnh đã đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng
cấp 78,4km đường đô thị, nâng tổng số chiều dài đường đô thị lên 244,5km. Đặc
biệt, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, hệ thống
GTNT trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, chương trình,
mục tiêu do Trung ương hỗ trợ.
Nhờ vậy, 3 năm qua, đã đầu tư, cải tạo,
nâng cấp, mở mới 1.651km (mặt đường nhựa, bê tông xi măng 545km; mặt đường cấp
phối tăng 347km, mở mới đường xã, đường thôn bản 759km), nâng tổng số đường
GTNT trên địa bàn lên 6.386km, kiên cố hóa 1.725km, với tổng kinh phí 860 tỷ
đồng.
Đồng chí Đinh Hùng Vĩ - Chủ tịch UBND xã
Mông Sơn (Yên Bình) cho biết: “Chưa bao giờ phong trào làm đường GTNT tại địa
phương lại diễn ra sôi nổi, và được nhân dân trong xã tích cực hưởng ứng như
hiện nay. Người dân ủng hộ chủ trương làm đường giao thông của xã, của huyện
nên tự nguyện giải phóng mặt bằng, đóng gópngày công lao động để tu sửa, mở rộng
các tuyến đường liên thôn, bản. Năm 2014, chúng tôi làm 8 tuyến đường với 4km
đường bê tông, nâng tổng số đường bê tông toàn xã lên 7km”.
Có thể khẳng định, sau 3 năm thực hiện Nghị
quyết số 24, các tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ, nhất là với
đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ngoài ra, hệ thống GTNT phát triển sẽ là làm
thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu
xây dựng nông mới.
(Theo Báo Yên Bái)