P.V: Xin đồng chí cho biết đôi nét về việc chuẩn bị cho
công tác tuyển quân năm 2015?
Đại tá Nông Hồng Lai: Số lượng giao
quân đợt 1 năm 2015 tương đương so với mọi năm nhưng đòi hỏi cao hơn về chất lượng,
sức khỏe, trình độ văn hóa và độ tuổi. Ngay từ cuối năm 2014, Phòng Tham mưu Bộ
CHQS tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 3201/HD-PTM hướng dẫn cụ thể, chi tiết về
việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2015.
Với mục tiêu "tuyển người nào, chắc
người đó", Bộ CHQS tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Hội
đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) tỉnh chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức tuyển chọn theo
đúng quy trình, dân chủ, công bằng, công khai, đúng Luật NVQS; tổ chức kiện
toàn và củng cố hội đồng NVQS các cấp, đồng thời chỉ đạo ban CHQS các huyện,
thị xã, thành phố tổ chức chặt chẽ các bước từ đăng ký, phúc tra nguồn sẵn sàng
nhập ngũ, thực hiện tốt các bước sơ tuyển, khám tuyển theo đúng Thông tư số
36/2011/TTLT-BYT-BQP của liên Bộ Quốc phòng - Y tế; tổ chức xét duyệt chính trị
cho thanh niên sẵn sàng nhập ngũ bảo đảm chất lượng về lai lịch chính trị, phẩm
chất đạo đức đủ điều kiện nhập ngũ.
Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp chặt
chẽ với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân
về Luật NVQS, về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền
thống quê hương trên các phương tiện thông tin đại chúng và làm tốt công tác
chính sách hậu phương quân đội. Đặc biệt, về địa bàn tuyển quân năm 2015, tất cả
các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều phải có công dân nhập ngũ, tuyệt đối
không địa phương nào được để xã, phường, thị trấn không có người nhập ngũ.
P.V: Điểm mới trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập
ngũ là không thực hiện việc bù đổi, cơ quan quân sự các cấp đã thực hiện vấn đề
này như thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Nông Hồng Lai: Điểm mới đáng chú
ý trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ từ năm 2013 đến nay là Bộ
Quốc phòng chỉ đạo sau khi các đơn vị nhận quân sẽ tiến hành phúc tra, nếu
trường hợp không đủ tiêu chuẩn phải loại trả thì không thực hiện việc bù đổi
như trước. Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu mà vẫn bảo đảm chất lượng thanh niên
nhập ngũ, cơ quan quân sự các cấp phải thể hiện rõ hơn vai trò tham mưu cho cấp
ủy, chính quyền, hội đồng NVQS các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực
hiện “tròn khâu” trong công tác tuyển quân, đồng thời là trung tâm phối hợp,
hiệp đồng chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt “3 gặp, 4 biết”;
đặc biệt coi trọng công tác xét duyệt, tuyển chọn; triển khai đúng quy trình,
nội dung xét duyệt tiêu chuẩn nhập ngũ; trong đó, cấp xã, phường trực tiếp
tuyển chọn “tròn khâu” thông qua kết quả bình cử, bình tuyển dân chủ, công khai
từ thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư…
Việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập
ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đang từng bước
được cụ thể hoá. Bên cạnh đó, các địa phương đã quan tâm thực hiện tốt chính
sách hậu phương giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn về nguồn công dân nhập ngũ...
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt, giải pháp quan trọng nhất vẫn
phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa
phương; huy động sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức
quần chúng trong tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân và con em thực hiện
tốt NVQS.
P.V: Để công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đạt
chất lượng cao hơn nữa, cần có những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đại tá Nông Hồng Lai: Trước hết, các
cấp, các ngành cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận
thức, trách nhiệm của toàn dân, trước tiên là của cấp ủy, chính quyền, hội đồng
NVQS các cấp và đối tượng công dân trong độ tuổi nhập ngũ về công tác tuyển
quân. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác tuyên
truyền về Luật NVQS, chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sỹ quan, binh sỹ
tại ngũ và truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam sâu rộng cho mọi tầng lớp
nhân dân, nhất là thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ có ý thức trách
nhiệm về công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đưa nội dung của Luật NVQS vào
chương trình bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất
là học sinh các trường trung học phổ thông; nâng cao năng lực làm tham mưu cho cấp
ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyển
quân.
Cơ quan quân sự các cấp phải tăng cường cán
bộ, bám cơ sở, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, tham
mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ thị, kế
hoạch thực hiện, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đúng luật; bên cạnh đó,
tổ chức nhiều lớp tập huấn, thống nhất về chủ trương, quan điểm, nội dung, quy
trình tuyển quân cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ
cấp cơ sở, thành viên hội đồng NVQS và cán bộ chuyên trách; phát huy vai trò
của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố trong kiểm tra, đôn đốc,
triển khai thực hiện; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, xây dựng
nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho các chiến sỹ có điều kiện khó khăn về nhà ở;
đặc biệt, kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm như: chống, trốn, đào bỏ ngũ
và các hành vi vi phạm, bao che trong việc thực hiện công tác tuyển chọn gọi
thanh niên nhập ngũ.
Cùng với các nội dung, biện pháp trên, Bộ
CHQS tỉnh cũng chú trọng chỉ đạo và phối hợp cùng các địa phương, đơn vị chủ
động làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức lễ giao nhận quân, đảm bảo trọng thể,
trang nghiêm, thực sự là “Ngày hội tòng quân” của địa phương. Thông qua đó, tiếp
tục xây dựng niềm tin, niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm đối với các tầng lớp
nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
(Theo Báo Yên Bái)