Xuân
đất trời - Thiên thời, địa lợi…
Nói đến mùa xuân là nói đến khí thiêng của
đất trời, sông núi, đến sự giao thoa của vạn vật sinh sôi, đâm chồi nảy
lộc. Hơn ở đâu hết, mùa xuân ở miền đất Ngọc này còn đậm đà hơn, bởi khí
thiêng cội nguồn lan tỏa. Mùa xuân về đất Ngọc, ta không chỉ được bước trên
vùng đất nổi tiếng vị cam sành vàng ngọt mà còn được hòa tâm hồn thanh thản của
mình vào lễ hội Đền Đại Cại - một địa điểm trong quần thể di tích lịch sử văn
hóa - Chùa tháp Hắc Y - Đại Cại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên đã được Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia. Theo dân gian truyền
lại, cũng như sử sách từ lâu đời, đền Đại Cại thờ bà Chúa quân lương Vũ Thị
Ngọc Anh, là con nhà dòng dõi, tướng lĩnh, tinh thông văn võ, lại am hiểu nghề
nông. Tướng Vũ Văn Mật tiến cử bà lên nhà vua và được phong chức phó tướng, phụ
trách quân lương.
Hàng chục năm với cương vị của mình, bà đã
giữ trọn việc quân lương ở vùng rừng núi hiểm trở. Trong lúc khó khăn, bà đã
đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi phổ biến cho nhân dân và quân binh trong
vùng khai khẩn đất đai trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, hàng chục cánh đồng
ở Châu Thu Vật, Châu Lục Yên xưa đều có công của bà.
Đã trở thành thông lệ, hàng năm cứ vào mỗi
độ xuân về, Lễ hội đền Đại Cại thu hút hàng nghìn du khách và đồng bào nhân dân
các dân tộc trong vùng đến dâng hương cầu phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa
màng tươi tốt, Quốc thái dân an, nhân khang, vật thịnh… và thể hiện truyền thống,
đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, để tưởng nhớ đến công ơn những danh
nhân một thời đã có công khai sơn, phá thạch, chiêu dân, lập làng mở chợ, xây
dựng thành luỹ, giữ yên bờ cõi từ thời các vua Lý - Trần.
Cùng với các lễ hội đặc sắc trong mùa
xuân, bà con nơi đây còn mang đến không khí xuân những món ăn truyền thống mà
ăn một lần nhớ mãi không quên. Đó là những sản vật của núi rừng như: Rau măng,
cá suối, chim thú, các món ăn như; cơm lam, măng chua nấu cá, thịt cò, thịt
trâu nướng, thịt mắm cơm đỏ, với ớt khô cùng với rượu bắp, rượu chuối, rượu
gấc, rượu ngô, rượu mật ong rừng...
Xuân
của lòng người - Nhân hòa
Và Tết này, vì đời sống kinh tế phát triển
mạnh, nên mọi người đều vui tươi, phấn khởi với những đổi thay trên quê hương
mình. Có được kết quả đó, phải kể đến sự đoàn kết một lòng của Đảng bộ, chính
quyền và nhân dân huyện và bằng sự lao động, sáng tạo không mệt mỏi của người
dân ở mảnh đất cần cù, cùng chung sức xây dựng cho mảnh đất này ngày càng đẹp
thêm, làm nên một diện mạo mới, một mùa xuân mới cho quê hương tươi trẻ.
Năm 2014 qua đi. Toàn huyện đã giành
được thắng lợi trên mọi mặt đời sống xã hội. Các chỉ tiêu về phát triển kinh tế
- xã hội năm 2014 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong 37 chỉ tiêu chủ yếu có
13 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 24 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Kinh tế của huyện năm 2014
giữ được sự phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt 16,4%. So với năm 2013,
cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng.
Với nỗ lực tự thân của bà con nông
dân trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo
hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn
và Khoa học kỹ thuật, kinh tế nông nghiệp của huyện đã có bước phát triển vượt
bậc.
Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng đạt
46,1% (tăng 0,4%), thương mại và dịch vụ đạt 30,9% (tăng 0,6%), tỷ trọng ngành
nông, lâm, ngư nghiệp đạt 23%. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong
năm 2014 giữ tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Giá trị sản xuất theo giá so
sánh năm 2010 đạt 915,008 tỷ động, bằng 100% kế hoạch, tăng 14,5% so với năm
2013. Một số doanh nghiệp khai thác, chế biến đá xuất khẩu đạt mức tăng trưởng
khá; số cơ sở chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện năm 2014 tăng 80% so
với năm 2013, từ 50 cơ sở lên 90 cơ sở.
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp như
sản xuất tranh đá quý, tượng đá, đá cảnh…duy trì được thị trường tiêu thụ. Do
đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện tiếp tục ổn
định và tăng trưởng khá. Việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất thông qua dự án khuyến
công được chú trọng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển
sản xuất kinh doanh. Đến nay số hộ giàu đã tăng lên hàng năm, và bộ mặt nông
thôn cũng trở nên khang trang hơn. Hiện nay, mức thu nhập của nhiều hộ dân nơi
đây đã được nâng lên khá cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20,2 triệu đồng,
tăng 2,2 triệu đồng so với năm 2013. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 là 22,46%, giảm
5,36% so với năm 2013, vượt 0,76% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Cùng với việc phát triển kinh tế,
lãnh đạo huyện Lục Yên còn chỉ đạo tốt việc thực hiện các chỉ tiêu về văn hóa -
xã hội. Trong năm qua, giáo dục đào tạo được quan tâm, đầu tư đúng mức. Hiện nay,
toàn huyện có 84 đơn vị trường học với tổng số 901 lớp, nhóm lớp với trên 24
nghìn học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ huy động học sinh
vào lớp 6 đạt 99,71%. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 95,7%, đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Hiện nay có 27 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 100% kế hoạch.
Vấn đề sức khỏe của người dân ngày càng
được cải thiện và nâng cao khi cơ sở hạ tầng được thay đổi. Y tế được quan tâm,
trong năm đã kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh ở người; duy trì
thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, thường trực cấp cứu tại Trung tâm Y tế
huyện, phòng khám khu vực và các cơ sở y tế. Trong năm đã cấp trên 103 nghìn
thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo luật định; tỷ lệ dân số tham gia bảo
hiểm y tế đạt 93,9%, vượt 0,9% kế hoạch. Trong năm đã công nhận thêm 2 xã đạt
tiêu chí quốc gia về y tế theo bộ tiêu chí giai đoạn 2011 - 2020, nâng tổng số
lên 6 xã, đạt 100% kế hoạch.
Đời sống kinh tế của nhân dân phát
triển, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng được đẩy mạnh.
Đến nay, phong trào xây dựng thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn
văn hóa, gia đình văn hóa đã phát triển rộng khắp và tạo được sự tham gia nhiệt
tình của bà con nhân dân. Năm 2014 tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn
văn hóa 78%, vượt 10% kế hoạch; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa 73%,
đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Không chỉ chú trọng đến phát triển kinh
tế - xã hội nâng cao đời sống của người nông dân, Đảng bộ và chính quyền huyện
còn quan tâm đến xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, tươi đẹp. Sau 4 năm triển khai thực hiện (2011 - 2014), cùng với sự lãnh, chỉ đạo
quyết liệt của các cấp, ngành và Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở, sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng thuận của các
tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn huyện và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng nông thôn mới huyện, đến nay toàn huyện có 23/23 xã đạt 5 tiêu chí trở lên; trong đó có 5 xã đạt từ 10
tiêu chí trở lên (Liễu Đô, Tân Lĩnh, Tô Mậu, Yên Thắng, Vĩnh Lạc) bằng 21,7%. Bình quân toàn huyện đạt 8,6 tiêu chí/xã; các xã đã tăng được từ 2-3 tiêu
chí/năm. Trong 4 năm, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho Chương trình xây dựng nông
thôn mới của huyện là 310 tỷ 654 triệu đồng, bao gồm nguồn vốn Chương trình
MTQG xây dựng nông thôn mới, các nguồn vốn Chương trình MTQG và các nguồn vốn
khác lồng ghép triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện đã đầu
tư xây mới và nâng cấp, bê tông hóa mặt đường liên xã, trục xã theo tiêu chuẩn
cấp V miền núi được 160,5 km/tổng số 180,6 km, bằng 89%; cứng hóa 239,66 km/804
km đường trục thôn, liên thôn, bằng 27%; xây dựng và nâng cấp 131 công trình
thủy lợi; tu sửa, nâng cấp 37 nhà văn hóa và khu thể thao của các thôn, bản; hỗ
trợ xây dựng 1282 nhà ở dân cư theo tiêu chuẩn qui... Đại đa số các thôn, bản
trong huyện đều được hưởng lợi từ chương trình, cuộc sống của đa số người dân
nông thôn được cải thiện. An ninh trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo; diện
mạo làng, xã đã có nhiều khởi sắc.
Một mùa Xuân nữa lại về với vùng đất Lục
Yên. Mùa xuân của những mùa xuân, được hội tụ bởi các yếu tố "thiên thời,
địa lợi, nhân hòa" đã và đang tô điểm để hoàn thiện một bức tranh toàn
diện về vùng kinh tế động lực của tỉnh Yên Bái trong thời gian tới. Xuân của
đất trời, xuân của lòng người đã và đang lan tỏa trên vùng đất Ngọc…