Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Hiệu quả chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2014

16/02/2015 11:10:46 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm qua, từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cùng với sự nỗ lực của toàn thể bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần đạt được những bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đổi mới nông nghiệp - nông thôn. Vì vậy, năm 2014 các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức mục tiêu Nghị quyết kỳ họp thứ IX của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII đã đề ra.

Nông dân Nguyễn Thị Giang (phải) ở Yên Bái trao đổi với cán bộ của SSC về giống ngô MAX 68 (Ảnh: Báo điện tử ĐCS)

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nông lâm nghiệp năm 2014 đạt 5,0%. Cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ, an ninh lương thực đã cơ bản được đảm bảo. Diện tích gieo trồng ngày càng được mở rộng, hệ số sử dụng đất canh tác năm 2014 là 2,03 lần, giá trị sản xuất ngành trồng trọt bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 50 triệu đồng. Giá trị và hiệu quả sản xuất được nâng lên; sản phẩm hàng hóa từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhờ có những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh mà bước đầu đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung như: Vùng trồng lúa chất lượng cao khoảng 5.000 ha, năng suất đạt trên 5 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt trên 50.000 tấn/năm tập trung tại các cánh đồng: Mường Lò, Đại Phú An, Đông Cuông, Mường Lai, Liễu Đô; vùng thâm canh chè khoảng 9.000 ha; vùng trồng măng tre Bát độ trên 3.000 ha; vùng trồng sắn cao sản 10.000 ha; vùng trồng quế đặc sản 27.000 ha; vùng trồng cây ăn quả 6.000 ha; vùng cây nguyên liệu giấy; phát triển các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn với trên 1.000 cơ sở... Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiến tiến trong các khâu sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp và xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được quan tâm đầu tư.

Các kết quả đạt được trong sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2014 thể hiện như sau:

Sản xuất lương thực

Để giành thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp thì yếu tố quan trọng cần quan tâm là tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, cùng với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng canh tác nông nghiệp của người dân tạo tiền đề vững chắc cho sự tăng trưởng bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đã tổ chức đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông xuân 2013-2014. Xây dựng kế hoạch đồng thời phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, đôn đốc bà con nông dân chủ động sản xuất cây trồng vụ Hè thu, vụ Đông 2014 trong khung thời vụ tốt nhất. Tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo tốt sản xuất vụ Đông xuân 2014-2015. Chỉ đạo công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư phục vụ sản xuất nhằm giúp bà con nông dân nắm bắt kịp thời các thông tin khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông lâm nghiệp.

Bên cạnh đó ngành đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách trong sản xuất nông nghiệp; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với việc sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Ngành Nông nghiệp và PTNT chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo phát triển sản xuất; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, từ đó giảm thiểu được những rủi ro của thời tiết, khí hậu và những diễn biến của dịch bệnh trong suốt quá trình sản xuất.

Có thể nói năm qua, nhiều tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác đã được áp dụng rộng rãi. Hệ thống các công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sản xuất và phòng chống thiên tai. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư sửa chữa, xây dựng mới đưa vào hoạt động phục vụ sản xuất tạo điều kiện cho việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và gia tăng hiệu quả kinh tế.

Cùng vào cuộc trong công tác chỉ đạo sản xuất còn có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động thực hiện nghiêm túc lịch gieo cấy, cơ cấu giống theo chỉ đạo của tỉnh. Hướng dẫn, tổ chức sản xuất phòng chống dịch bệnh có hiệu quả cho cây trồng, vật nuôi.

Bằng những giải pháp đồng bộ, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt năm 2014 đã đạt 69.390,9 ha, tăng 2.169 ha so với năm 2013, bằng 107,2% so với kế hoạch (diện tích lúa vụ Đông xuân tăng 325 ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích ngô tăng 1.757 ha so với năm 2013). Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2014 ước đạt 285.920 tấn, tăng 2.947 tấn so với năm 2013, đạt 104,2% so với kế hoạch, trong đó: Sản lượng thóc đạt 202.299 tấn, sản lượng ngô đạt 83.620 tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực đặc biệt là vùng cao; tổng sản lượng lương thực  vượt 4,16% kế hoạch năm.

Các chính sách hỗ trợ sản xuất

Với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và phát triển nông thôn. Trong năm 2014 đã tham mưu trình các cấp phê duyệt chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản giai đoạn 2015-2016.

Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành chương trình hành động thực hiện Đề án trên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, hoàn thiện và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái Chương trình hành động về thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2014 - 2020.

Đã xây dựng, hoàn thiện và trình Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập chung. Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 61-NQ/TU ngày 24/7/2014 Nghị quyết hội nghị lần thứ 20 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hoá tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2014-2020.

Sở Nông nghiệp và PTNT  đã làm tốt công tác thường trực, tổng hợp đề xuất của các địa phương, thông báo cụ thể danh mục các loại giống vật nuôi, giống cây trồng, vật tư hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và trong phạm vi nguồn kinh phí được Ủy ban nhân dân tỉnh giao để triển khai thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí hỗ trợ của các đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách. Định kỳ tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của tỉnh.

Các chính sách hỗ trợ nông lâm nghiệp đã phát huy tác dụng, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn như vùng lúa, ngô, măng tre Bát độ, sản lượng lợn, gia cầm các trang trại chăn nuôi hàng hoá đã được tiêu thụ với khối lượng lớn ở thị trường ngoài tỉnh đã khuyến khích mạnh nông dân đầu tư sản xuất.

Lĩnh vực chăn nuôi

Thực hiện Đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu bò cho hộ người có công với cách mạng có thu nhập thấp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 - 2016, đến nay toàn tỉnh đã có 189/240 hộ đủ tiêu chuẩn tham gia, với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.117/2.668 triệu đồng đạt 79,34% kế hoạch. Tiếp tục thực hiện đề án, ngày 13/11/2014, UBND tỉnh ra quyết định số 2148/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí hỗ trợ 4.177,6 triệu đồng. Trong đó: hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản: 3.730 triệu đồng, hỗ trợ làm chuồng: 373 triệu đồng, Hỗ trợ trồng cỏ (hoặc làm cây rơm): 74,6 triệu đồng. Hiện nay các đơn vị đang tiến hành triển khai thực hiện.

Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hoá theo Quyết định số 501/QĐ-UBND ngày 16/4/2014 của UBND tỉnh, các huyện đã triển khai thực hiện cho 140 cơ sở (59 cơ sở chăn nuôi lợn thịt, 48 cơ sở chăn nuôi lợn nái và 33 cơ sở chăn nuôi gia cầm), đạt 100% kế hoạch.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản; tổ chức sản xuất cá bột, cá hương giống các loại phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên Hồ Thác Bà; đồng thời làm tốt công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh thuỷ sản.

Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển. Công tác phòng trừ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được thực hiện tốt, các ổ dịch đã được phát hiện và phòng trừ kịp thời làm giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng. Kết quả năm 2014, tổng đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn) đạt 622.013 con, tăng 5,6 % so với cùng kỳ, đạt 101,6 % so với kế hoạch: đàn trâu tăng 1,93 %, đàn bò tăng 3,24 %, đàn lợn tăng 6,55 %, đàn gia cầm tăng 5,9 % so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt 28.000 tấn bằng 100% kế hoạch.

Lĩnh vực lâm nghiệp

Ngành đã tích cực đôn đốc các đơn vị, các huyện thị tiếp tục trồng mới rừng; chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, phòng chống việc khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp.

Triển khai tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, toàn tỉnh đã tổ chức giao khoán bảo vệ và khoanh nuôi 204.790,7 ha rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng tự nhiên sản xuất. Trong đó: Các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng tổ chức giao khoán bảo vệ và khoanh nuôi được 164.887,8 ha rừng phòng hộ, đặc dụng (Rừng tự nhiên: 140.051,2 ha; Rừng trồng: 23.889,1 ha; Rừng khoanh nuôi tái sinh: 947,5 ha). Chi cục Kiểm lâm làm chủ đầu tư giao khoán bảo vệ  39.902,9 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ nguồn ngân sách tỉnh; mức chi trả 50.000 đồng/ha/năm.

Công tác phát triển rừng đã gieo ươm được 59.212.400 cây giống lâm nghiệp, đảm bảo đủ lượng cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng. Năm 2014 toàn tỉnh đã trồng được 15.506,5 ha, đạt 103,4 % kế hoạch năm, bao gồm: Rừng trồng sản xuất tập trung 10.933,7 ha; Rừng trồng phòng hộ 1.200,0 ha; Cây trồng phân tán 5.401.260 cây, quy diện tích 3.372,8 ha. Toàn tỉnh khai thác và tiêu thụ được trên 280.000m3 gỗ rừng trồng các loại và hơn 99.485 tấn tre, nứa, vầu phục vụ chế biến trong và ngoài tỉnh..

Diện tích rừng được bảo vệ và quản lý tốt, tình trạng cháy rừng, khai thác và buôn bán lâm sản trái phép đã được hạn chế.

Năm 2014, tiếp tục thực hiện đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp năm 2014 của tỉnh và của cấp huyện. Tổng diện tích dự kiến giao, cho thuê giai đoạn (2012-2015) theo đề án là 88.574 ha, bao gồm các đối tượng rừng và đất rừng sản xuất nhận bàn giao từ các lâm trường về địa phương quản lý (sau sắp xếp đổi mới lâm trường) là 51.835 ha;rừng và đất rừng phòng hộ đã chuyển sang sản xuất là 36.739 ha. 

Tập trung hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2015

Năm 2015, sản xuất nông nghiệp dự báo còn gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động của thị trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng phức tạp, khó lường. Mặc dù dự báo khó khăn còn nhiều nhưng ngành nông nghiệp vẫn xác định mục tiêu năm 2015 là: tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 277.000 tấn (sản lượng thóc 197.000  tấn, sản lượng ngô 80.000 tấn); tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thu hái chè búp tươi nhằm đạt sản lượng chè búp tươi 85.000 tấn; tổng đàn gia súc chính đạt 640.600 con, tăng 3% so với năm 2014, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính đạt trên 31.200 tấn; trồng mới 15.000ha rừng (trồng rừng phòng hộ 1.100ha; trồng rừng sản xuất 13.900ha); tiếp tục thực hiện Đề án Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp.

Với quyết tâm cao, ngành Nông nghiệp xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, trong đó tiếp tục đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh như: lúa cao sản, chè sắn, nguyên liệu giấy, gỗ rừng trồng, chè, quế, măng tre, cây ăn quả có quy mô lớn về diện tích và sản lượng; tiếp tục xây dựng các mô hình tổ chức mới trong nông nghiệp, trọng tâm là mô hình cánh đồng mẫu lớn; xây dựng các cơ sở chế biến nông lâm sản gắn với các vùng sản xuất chuyên canh; đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tiếp tục đầu tư nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư nâng cao giá trị nông, lâm sản; chú trọng ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, quy trình công nghệ, biện pháp canh tác vào đồng ruộng; đồng thời xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực như: gạo, quế Văn Yên, chè. Phát triển mạng lưới dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp ở nông thôn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ và chế biến nông lâm sản.

Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, kết hợp chăn nuôi trang trại và hộ gia đình. Đẩy mạnh thực hiện giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp. Tăng cường trồng rừng, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên rừng. Tiếp tục đầu tư cho phát triển nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn 3 xã: Tuy Lộc, Báo Đáp, Mông Sơn.

CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NGÀNH NÔNG NGHIỆP NĂM 2015

- Tăng trưởng kinh tế Nông, lâm nghiệp 5,4%;

- Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 277.000 tấn, trong đó thóc 197.000 tấn, ngô 80.000 tấn;

- Sản lượng chè búp tươi đạt 85.000 tấn;

- Trồng mới 900 ha cây cao su;

- Tổng đàn gia súc chính đạt 630.200 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 33.600 tấn trong đó: sản lượng thịt hơi xuất chuồng gia súc chính là 29.800 tấn;

- Sản lượng thuỷ sản đạt 7.500 tấn;

- Trồng mới 15.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 62%;

- Tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 85%;

- Tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 56%;

- Tổng số xã đạt 5 tiêu chí nông thôn mới trở lên là 120 xã, trong đó số xã đạt từ 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên là 50 xã và có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Phạm Văn Lái

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2968 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h