Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Sắc xuân trên những cánh rừng

22/02/2015 07:50:32 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm qua, nhận thức rõ về vị trí, tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế, Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Phong trào trồng cây, trồng rừng ở tỉnh Yên Bái đã có tác dụng thiết thực trong việc góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tạo động lực cho kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng rừng.

Trấn Yên là địa phương phát triển mạnh kinh tế đồi rừng của tỉnh Yên Bái, với tổng diện tích đất diện tích đất lâm nghiệp trên 43.000 ha. Xác định, phát triển kinh tế rừng là một trong những mũi nhọn nhằm phát huy tối đa lợi thế quỹ đất rừng, huyện đã tiến hành điều chỉnh, hoàn thiện việc quy hoạch đất lâm nghiệp, thực hiện giao đất giao rừng, khoán bảo vệ rừng, đồng thời tạo động lực để người lao động gắn bó chặt chẽ với rừng, yên tâm sản xuất. Những năm qua, trồng rừng đã trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân và một nghề đem lại thu nhập ổn định cho người dân trong huyện. Năm 2014, Trấn Yên trồng được 2.742,7 ha rừng bằng 114% kế hoạch, tăng 238,7 ha so với năm 2013. Trong đó trồng rừng tập trung 2.109,2 ha, trồng cây phân tán 633,5 ha. Một số địa phương có diện tích trồng rừng mới tập trung lớn như Hồng Ca, Việt Cường, Lương Thịnh.

Đến thôn 1, xã Việt Thành huyện Trấn Yên men theo những sườn núi trải dài ngút tầm mắt là những cánh rừng quế, keo lai, mỡ, bồ đề, tre măng Bát Ðộ...Dẫn chúng tôi đi thăm quan các đồi quế trong thôn, chị Đinh Thị Hưng - Trưởng thôn 1 xã Việt Thành, huyện Trấn Yên cho biết: Thôn có 60 hộ gia đình thì chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân ở đây được đổi thay là nhờ trồng rừng, nhiều hộ đã xây dựng được nhà cửa khang trang và mua sắm được những vật dụng hiện đại đắt tiền phục vụ sinh hoạt gia đình.

Gia đình anh Trương Văn Phúc ở thôn 1 xã Việt Thành là một trong những hộ đầu tiên ở trong thôn tham gia trồng rừng. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách anh đã làm giàu thành công với mô hình kinh tế đồi rừng, trở thành một tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Hiện gia đình anh có tổng số 10 ha quế, trị giá rừng quế của gia đình anh ước khoảng 2 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi năm tỉa thưa rừng quế, nhà anh Phúc thu nhập được 150 triệu đồng. Bên cạnh việc trồng rừng gia đình anh còn kết hợp chăn nuôi thêm lợn, nuôi gà thả vườn. Với mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi này, những năm gần đây thu nhập gia đình anh Phúc luôn ổn định và ngày càng phát triển. Bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng

Từ nguồn vốn đó, gia đình anh đã sắm được nhiều vật dụng có giá trị như: ti vi, xe máy… Năm 2012, gia đình anh Phúc đã xây dựng được căn nhà khang trang. Tâm sự với chúng tôi anh Phúc chia sẻ: Muốn thoát nghèo thì phải trồng rừng, trồng rừng không khó, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần nắm vững được đặc tính của từng cây, từng vùng đất để có mật độ trồng thích hợp. Đặc biệt, cây giống rất quan trọng, phải chọn được cây giống tốt và người trồng rừng cũng phải có lòng đam mê, phải quan tâm chăm sóc thì mới có kết quả.

Đi dưới những tán rừng thơm mùi hương quế, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, niềm phấn khởi đang hiện rõ trên từng nét mặt của những người dân nơi đây. Họ đã đến với rừng, trồng rừng, sống với rừng, bảo vệ rừng và rừng đã không phụ công người chăm sóc.

 

Gia đình anh Trương Văn Phúc trở thành hộ khá giàu nhờ trồng quế 

Cũng giống như gia đình anh Phúc, từ một chủ hộ nghèo giờ đây gia đình anh Lê Tiền Phương ở thôn Đào Kiều xã Thịnh Hưng huyện Yên Bình đã trở hộ khá giàu nhờ trồng rừng. Nhận thấy việc trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, năm 1992, gia đình anh Phương đã mạnh dạn đứng ra nhận đất để trồng rừng với mục đích phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Từ đó đến nay anh Phương liên tục mở rộng diện tích rừng bằng việc mua lại đất rừng của những hộ gia đình có nhu cầu bán, đồng thời anh dần thay thế diện tích bạch đàn hiệu quả kinh tế thấp bằng cây keo lai nhanh lớn và hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, gia đình anh đã có trên 20ha rừng chủ yếu là bạch đàn mô và keo tai tượng, bồ đề. Bình quân mỗi năm thu nhập từ trồng rừng kết hợp với chăn nuôi bò, nuôi dê và nuôi cá lồng gia đình anh Phương thu về trên 200 triệu đồng. Năm 2014, gia đình anh khai thác 4 ha bạch đàn mô, thu về 380 triệu đồng. Theo anh Phương muốn trồng rừng chất lượng và hiệu qua phải có cây giống chất lượng tốt và phải có tiềm lực kinh tế để đầu tư. Ví dụ trồng giống keo tốt thì 6 - 7 năm là khai thác được, còn trồng giống keo kém chất lượng thì có khi đến hàng chục năm mới được khai thác.

Hiện toàn tỉnh Yên Bái hiện có 471.460,0 ha chiếm 68,46% tổng diện tích tự nhiên, trong đó, đất có rừng gần 418.495,47 ha (rừng tự nhiên 238.976,13 ha, rừng trồng 179.519,34 ha). Trong những năm qua, Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Phong trào trồng cây, trồng rừng của tỉnh Yên Bái đã có tác dụng thiết thực trong việc góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng độ che phủ rừng đạt 61%.  

Trao đổi với chúng tôi, ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết: Trong những năm qua, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng về lợi ích to lớn cả trước mắt cũng như lâu dài của rừng và kinh tế rừng mang lại, người dân các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư để trồng rừng, phong trào trồng rừng phát triển rất mạnh, nhiều diện tích rừng đã được phủ xanh. Qua kiểm tra thực tế ở cơ sở cho thấy chất lượng rừng trồng đã được nâng lên. Đặc biệt, là ở các huyện vùng thấp, người dân có điều kiện làm chủ thực sự trên diện tích đất rừng, tích cực tham gia trồng rừng phủ xanh đất đồi trọc, nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ðể công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng có hiệu quả, những năm qua, các ban ngành từ tỉnh đến các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp phù hợp, gắn trách nhiệm và lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đã phối hợp các địa phương tổ chức triển khai tốt việc giao đất, giao rừng cho người dân; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nhân rộng các mô hình trồng rừng có hiệu quả để nâng cao đời sống của người dân và tỷ lệ độ che phủ của rừng...Năm 2014 toàn tỉnh đã trồng được 15.506,5 ha, đạt 103,4 % kế hoạch năm, trong đó rừng trồng sản xuất tập trung 11.126 ha gồm các loại cây như keo, quế, bạch đàn, bồ đề, mỡ…; Rừng trồng phòng hộ 1.200 ha; Cây trồng phân tán 5.042.620 cây, quy diện tích 3.179 ha. Khai thác và tiêu thụ được 400.000 m3 gỗ rừng trồng các loại, đạt 88,89% kế hoạch; khai thác 166.900 tấn tre, nứa, vầu phục vụ chế biến trong và ngoài tỉnh, đạt 166,9% so với kế hoạch. Ngoài ra còn khai thác và tiêu thụ 9.700 tấn vỏ quế khô; 280 tấn tinh dầu quế.

Trong năm 2015, Chi cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cơ sở thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất lâm nghiệp. Bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng hiện có, trong đó khoán bảo vệ 208.621 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng tự nhiên sản xuất. Thực hiện trồng mới 15.000 ha rừng các loại; chăm sóc tốt toàn bộ diện tích rừng trong độ tuổi; khai thác và tiêu thụ 450.000 m3 gỗ rừng trồng các loại, 100.000 tấn tre, nứa, vầu.

Để đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra, ngay từ cuối năm 2014, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, hoàn thành sớm việc thiết kế diện tích trồng rừng. Chủ động sản xuất đủ cây giống đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và đủ tiêu chuẩn xuất vườn, hướng dẫn các tổ chức cá nhân hộ gia đình, lập hồ sơ thiết kế trồng rừng theo đúng quy định, phân vùng từng loại cây lâm nghiệp phù hợp để nâng cao hiệu quả trồng rừng.

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết thêm: Ngành sẽ tăng cường công tác giám sát chặt chẽ chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, tăng cường công tác kiểm tra, cấp chứng chỉ nguồn gốc lô cây con tại các vườn ươm để đảm bảo 100%  số lượng cây giống đưa vào trồng rừng thuộc diện hỗ trợ đều được kiểm tra, đánh giá chất lượng. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp theo quy định hiện hành, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành cây giống. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để các hộ dân tự giác tiến hành chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng hiện có; đồng thời, hướng dẫn bà con tích cực trồng thay thế những diện tích rừng sau khi được khai thác để duy trì và phát triển tài nguyên rừng. Vận động nhân dân tận dụng đất đai để trồng rừng kinh tế có hiệu quả, nhằm tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, sạt lở đất…Tổ chức mở các lớp tập huấn về công tác phòng cháy, chữa cháy, từng bước nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Hôm nay cuộc sống của những công nhân lâm trường, những hộ trồng rừng ở khắp các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn đã khấm khá lên rất nhiều. Mùa xuân đã về trên những cánh rừng, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở rừng đều được đi học, những mái nhà khang trang, những giếng nước đã được khoan về tận các hộ gia đình…Màu xanh của rừng đã thực dự đem đến cuộc sống ấm no cho mỗi gia đình, sự trù phú trên mỗi bản làng. Tin rằng, kinh tế đồi rừng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và sẽ mãi là những mùa xuân no ấm trên quê hương Yên Bái thân yêu.

 

3080 lượt xem
Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h