Một năm có bốn mùa nối tiếp
nhau, mùa nào cũng tươi đẹp và quyến rũ nhưng mùa xuân là tuyệt vời nhất. Đây
là mùa của các lễ hội văn hóa và tâm linh, đặc biệt, vào đầu xuân, chúng ta
được đón chào năm mới và tết cổ truyền của dân tộc. Tết Ất Mùi năm 2015 đã đến, đây là Tết thứ 3 tỉnh Yên Bái thực hiện chủ
trương vận động đồng bào Mông ăn chung một Tết Nguyên đán cùng các dân tộc khác
trong tỉnh. Sau hai năm triển khai cuộc vận động đã đạt được hiệu quả thiết thực, đồng bào phấn khởi, tự giác thực hiện,
100% đồng bào Mông ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã “ăn chung một tết” cổ truyền dân tộc.
Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Yên Bái có trên 9 vạn người, chiếm 11,1% dân
số toàn tỉnh. Cư trú tập trung chủ yếu ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang
Chải (tỷ lệ từ 76% - 91% dân số toàn huyện). Còn lại ở rải rác tại các xã,
thôn, bản của các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên và Yên Bình. Đồng
bào Mông ở tỉnh Yên Bái nói riêng cũng như đồng bào Mông của cả nước nói chung
có phong tục ăn tết của dân tộc mình vào tháng 12 âm lịch. Việc tổ chức tết
thường kéo dài hàng tháng, thậm chí đến một tháng rưỡi tháng. Do phải dành thời
gian tổ chức tết Mông nên bà con không tập trung cho sản xuất vụ đông xuân
trong khi đó thời vụ đã đến. Mặt khác, việc tổ chức tết của đồng bào đơn lẻ nên
không được giao lưu, sinh hoạt văn hóa giữa các dân tộc mà còn tạo điều kiện để
kẻ xấu lợi dụng gây mất ổn định an ninh trật tự xã hội.
Từ cuối năm 2012, tỉnh Yên Bái có chủ trương vận động đồng bào dân tộc
Mông ăn chung một tết Nguyên đán cùng với các dân tộc khác trong tỉnh cũng như
cả nước. Việc thay đổi nhận
thức của đồng bào Mông về một phong tục tập quán không còn phù hợp với nếp sống
hiện nay là chuyện không dễ. Năm đầu thực hiện vẫn còn một
số ít hộ đồng bào Mông tổ chức ăn tết theo tết cũ của dân tộc vào tháng 12 âm
lịch, nhưng đến năm 2014 thì 100% các hộ đồng bào dân tộc Mông ở tỉnh Yên Bái đã
tổ chức ăn chung một tết cùng với các dân tộc anh em khác của cả nước.
Đ/c Hoàng Đức Quế - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đang dân vận tới đồng bào
Mông
thực hiện việc ăn chung một Tết
Có thể nhận thấy, chủ trương vận động đồng bào dân tộc Mông ăn chung một
tết Nguyên đán cùng với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã mang lại
rất nhiều lợi ích. Lợi ích thứ nhất là về mặt kinh tế, đồng
bào Mông trước đây ăn tết rất là lâu, một tháng rưỡi đến hai tháng nên sản phẩm
phục vụ cho Tết tốn kém rất nhiều. Bây giờ người Mông ăn tết chỉ 5-10 ngày thì
sản phẩm phục vụ tết rất ít. Lợi ích thứ
hai là việc tổ chức ăn tết vào dịp Nguyên đán có rất nhiều
thuận lợi đó là sản xuất vụ Đông Xuân không bị cản trở, tạo sự đồng bộ ở tất
các các xã trên địa bàn, đồng bào Mông có điều kiện tham gia, thưởng thức các
hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cùng các dân tộc khác và quảng bá được tinh
hoa văn hóa của dân tộc mình. Lợi ích thứ tư là con em đồng bào
Mông đi học ở các trường rất đông đến Tết Mông bây giờ không về nữa mà đến Tết
Nguyên đán về một lần, đỡ tốn kém, lại không phải nghỉ học, được nghỉ học lâu hơn và được xum họp cùng gia đình ấm cúng hơn Ngoài ra,
lợi ích đặc biệt và vô cùng quan trọng là việc tổ chức ăn tết Nguyên đán tiết
kiệm được cả thời gian, vật chất mà không ảnh hưởng gì tới việc giữ gìn bản sắc
văn hóa dân tộc Mông. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững,
củng cố và tăng cường thêm mối đoàn kết các dân tộc ở địa phương.
Vậy là sau hơn 2 năm thực hiện cho thấy cuộc vận động đồng bào dân tộc
Mông ở tỉnh Yên Bái ăn chung một tết là chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng
dân được nhân dân ủng hộ, nên đồng bào dân tộc Mông đã tự giác thực hiện. Đại
đa số đồng bào đã tổ chức ăn tết vào dịp tết Nguyên đán cùng với các dân tộc
anh em khác ở địa phương, nhân dân phấn khởi, vui vẻ, đồng thuận và tự giác
thực hiện. Qua đó có thể khẳng định rằng, chủ trương của tỉnh là đúng đắn, kịp
thời. Việc vận động đồng bào dân tộc Mông ăn Tết Nguyên đán không những chỉ có
tác động trong địa phương mà còn sự lan tỏa, ảnh hưởng tích cực tới các địa
phương tỉnh bạn.
Đồng bào dân tộc Mông Yên Bái du
xuân
Theo ông Hoàng Đức Quế trưởng - Ban Dân vận Tỉnh ủy, để duy trì tốt việc
đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái ăn chung một tết vào dịp tết
Nguyên đán Ât Mùi - 2015 và trong những năm tiếp theo trở thành thông lệ, Ban
Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành công văn đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương
có đông đồng bào dân tộc sinh sống tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả
chủ trương của tỉnh. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban,
ngành, đoàn thể được phân công giúp đỡ các xã có đồng bào Mông sinh sống chủ
động xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ đến các địa phương có đồng bào dân tộc
Mông, để vận động, động viên, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát, nắm chắc tâm tư,
nguyện vọng của nhân dân.
Chú trọng tới việc phát huy
vai trò của người có uy tín trong đồng bào Mông. Tiếp tục đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về các chủ trương của
Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh
công tác xóa đói, giàm nghèo, từng bước cải thiện đời sống. Coi trọng xây dựng các điển hình tiên tiến,
điển hình "Dân vận khéo", thực
hiện có hiệu quả quy chế dân chủ để nhân ra diện rộng. Hàng năm sơ kết, tổng
kết, rút kinh nghiệm, động viên khen thưởng kịp thời những điển hình tốt trong
triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động. Tiếp sau đó,
vào dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi - 2015 đề nghị các ban, ngành, đoàn thể, các địa
phương phối hợp thăm hỏi, chia sẻ, động viên, tặng quà cho nhân dân. Đặc biệt
là đối với các hộ nghèo, hộ chính sách, những người có công, để mọi người, mọi
gia đình đều có tết và đón xuân vui vẻ.
Với chủ trương vận động đồng bào dân tộc Mông ăn chung một Tết Nguyên đán,
cùng với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh, đồng bào Mông tỉnh Yên Bái phấn khởi
đón một mùa xuân ấm no, giàu đẹp và văn minh hơn. Hi vọng rằng, những
năm tiếp theo, với quyết tâm mới, niềm tin mới và sự
đồng thuận cao của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, việc ăn
chung một Tết Nguyên đán cùng người dân cả nước sẽ trở thành nét văn hóa mới
của đồng bào Mông ở tỉnh Yên Bái nói riêng và miền núi Tây Bắc nói chung .