Kinh tế phát triển, từng bước tăng trưởng
Vượt qua nhiều khó khăn cả chung và riêng phải đối mặt, kinh tế của tỉnh giữ được sự ổn định, có bước phát triển. Toàn bộ 33 chỉ tiêu chủ yếu đều hoàn thành, có 25 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,07% xếp thứ 4 trong khu vực, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 23,1 triệu đồng.
Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, đạt kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2014, phát triển mô hình chăn nuôi, thuỷ sản; thực hiện chuyển đổi căn bản diện tích lúa nương sang trồng ngô. Sản lượng vật nuôi, cây trồng đều tăng, nhất là sản lượng lương thực có hạt đạt 285.920 tấn, vượt 4,16% kế hoạch, tăng 1,04%. Tổng đàn gia súc chính tiếp tục tăng 5,69% so với cùng kỳ (kế hoạch là là 4%); diện tích rừng trồng mới là 15.507 ha, tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 61,2%. Chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích cao su, hiện có là 2.106 ha.
Tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và tập trung đầu tư thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó hoàn thành các tiêu chí của 3 xã: Tuy Lộc, Báo Đáp, Mông Sơn trong năm 2015 (hiện nay xã Tuy Lộc đã hoàn thành 19 tiêu chí); xây dựng nhiều mô hình sản xuất mới, tạo sự chuyển biến tích cực về sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành sự liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay số xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên là 37 xã, gấp 2,46 lần so kế hoạch, tăng 25 xã so năm 2013.
Sản xuất công nghiệp giữ được tốc độ tăng trưởng; Năm 2014 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,1%. Giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 đạt 7.062 tỷ đồng, tăng 9,97% so với cùng kỳ. Do được tháo gỡ khó khăn, một số doanh nghiệp chế biến đá xuất khẩu đạt mức tăng trưởng khá, cùng với 8 nhà máy thủy điện, tổng công suất 123 MW đã hoàn thành thủy điện Ngòi Hút 2 công suất 48MW đang chuẩn bị khánh thành góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2015. Việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục được quan tâm; số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng. Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như xi măng, gạch xây, đá bột cơ bản duy trì được thị trường tiêu thụ, tăng so cùng kỳ.
Tích cực huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tổng vốn trong năm, toàn tỉnh ước đạt 9.533 tỷ đồng. Ưu tiên vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện 30a, các công trình trọng điểm chuyển tiếp, như: đường tránh ngập thành phố Yên Bái, công trình đường Yên Bái - Khe Sang, Bệnh viện đa khoa 500 giường, Đường Hoàng Thi, Đường Yên Thế - Vĩnh Kiên, cũng như tập trung giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn phát sinh, đảm bảo tiến độ thi công những công trình này. Đề án phát triển giao thông nông thôn tiếp tục thu hút được sự tham gia của cộng đồng, tính đến hết tháng 11/2014 toàn tỉnh đã mở mới được 66 km đường bê tông xi măng/kế hoạch giao 120 km, bằng 55% (dự kiến hết năm 2014 hoàn thành 100% kế hoạch; mở mới, mở rộng được 161 km đường đất/kế hoạch giao 150 km, bằng 107,3%. Một số địa phương có tiến độ thực hiện tốt như huyện Văn Yên, Trạm Tấu, Yên Bình. Đến hết năm 2014 toàn tỉnh hoàn thành được 430 km đường bê tông xi măng và mở mới, mở rộng được 825 km đường liên thôn bản.
Kinh tế của tỉnh giữ được sự ổn định, có bước phát triển. Toàn bộ 33 chỉ tiêu chủ yếu đều hoàn thành, có 25 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Kinh tế đối ngoại và thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả; thu hút 4 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy may, tạo việc làm cho người lao động (hiện nay 01 nhà máy may đã chuẩn bị đi vào hoạt động). Tổng nguồn vốn ODA và NGO ước thực hiện đạt 502,71 tỷ đồng, trong đó vốn ODA ước đạt 432,71 tỷ đồng, tăng 25,7% so cùng kỳ năm 2013, trong đó vốn nước ngoài ước đạt 386,66 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ 2013. Vốn NGO ước đạt 70 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch và bằng 89,7% so cùng kỳ năm 2013.
Hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển và đạt mức tăng khá, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của người dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 10.396,14 tỷ đồng, tăng 16,9% so năm 2013; kim ngạch xuất khẩu đạt 107,39%, đạt 52.625 ngàn USD; dịch vụ vận tải tiếp tục phát triển; vùng phủ sóng và tiện ích được mở rộng, mật độ điện thoại đạt 62 thuê bao/100 dân.
Hoạt động tài chính, ngân hàng tiếp tục giữ được sự ổn định; thu cân đối ngân sách vượt dự toán đạt 1.320 tỷ đồng, tăng 9,14% so với năm 2013. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường được quan tâm và có tiến bộ; hoàn thành quy hoạch sử dụng đất 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Tính đến hết tháng 11/2014 toàn tỉnh đã cấp được 24.929 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kịp thời điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cục bộ để phục vụ cho phát triển hạ tầng và tạo nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển.
Phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn được ưu tiên và thu được nhiều kết quả. Tổng vốn bố trí thực hiện năm 2014 cho huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải là 89.015 triệu đồng (trong đó: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 55.640 triệu đồng, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục đào tạo và dạy nghề 33.375 triệu đồng), tập trung vào hỗ trợ đời sống cho dân; xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp và làm mới các công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, hỗ trợ sản xuất; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo huyện Trạm Tấu giảm 8%, huyện Mù Cang Chải giảm 9% so với năm 2013.
Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ
Song song với những thành tựu phấn khởi trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Trong đó đã tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển toàn diện sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, tạo được bước chuyển biến khá rõ nét về chất lượng, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thành toàn bộ công tác rà soát, có phương án điều chỉnh căn bản trong việc xác định, từng bước ổn định qui mô trường lớp, bố trí giáo viên và học sinh phù hợp điều kiện của tỉnh, đáp ứng yêu cầu qui hoạch phát triển ngành. Cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới trường, lớp tiếp tục được củng cố, hoàn thiện. Toàn tỉnh có 568 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với 6.678 lớp; 186.509 cháu mầm non, học sinh phổ thông. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên, năm học 2013 - 2014 tỷ lệ tốt nghiệp khối Trung học phổ thông là 98,66%; khối giáo dục thường xuyên là 94,53% trong đó loại giỏi đạt 0,08%, loại khá đạt 2,42%. Kết quả chống mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì, giữ vững. Dự kiến năm 2014 có 175/180 xã, phương, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế thực hiện theo kế hoạch, hoạt động khám chữa bệnh, thường trực cấp cứu phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân có tiến bộ, công tác khám chữa bệnh ở các tuyến y tế đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Lao động việc làm, xoá đói giảm nghèo và thực hiện các chính sách xã hội được quan tâm và thu được kết quả tạo việc làm mới cho 18.174 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2014 đạt 42,8%. Tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,3%, vượt mục tiêu đề ra.
Các lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể thao, du lịch mở rộng hoạt động, chất lượng được nâng lên. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được củng cố theo tiêu chí mới, nâng lên về chất lượng; tiếp tục vận động đồng bào dân tộc Mông ăn chung một Tết nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2014 được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được ổn định, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc được đẩy mạnh. Tăng cường công tác thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo quá trình xem xét, thụ lý giải quyết các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, không chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Vững tin thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 2015
Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015. Năm 2015 cũng là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Dự báo năm 2015, kinh tế thế giới sẽ phục hồi, kinh tế trong nước sẽ tăng trưởng cao hơn. Song cùng với đó là không ít khó khăn do sự phục hồi của kinh tế thế giới còn yếu, chứa đựng nhiều rủi ro; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường; những khó khăn yếu kém vốn có của một tỉnh miền núi, điểm xuất phát đi lên của nền kinh tế còn thấp sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển của tỉnh ta.
Trên cơ sở đó và tình hình, kết quả đạt được của năm 2014, căn cứ vào sự phát triển chung của đất nước, sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2015 của tỉnh ta là: Duy trì tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý, phát triển kinh tế đi đôi với văn hóa xã hội. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, tỉnh sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản. Tiếp tục đầu tư cho phát triển nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp. Đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng tập trung, liên kết để khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung đầu tư phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào có thế mạnh của tỉnh.
Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm bố trí vốn tập trung, không dàn trải. Tăng cường vận động xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư cho các dự án trọng điểm của tỉnh. Tăng cường các hoạt động vận động tài trợ từ các nguồn ODA và NGO, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Tập trung vận động nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới (WB) để thực hiện các dự án.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Chỉnh phủ; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chú trọng các biện pháp hỗ trợ tiếp cận tài chính; hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực. Có cơ chế chính sách để hình thành một số doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao, đủ sức thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiên phong thực hiện những nhiệm vụ lớn của tỉnh. Phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng cao; hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại, tín dụng để phát triển kinh tế tập thể.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá trắng, vật liệu xây dựng quặng sắt... trợ giúp, hướng dẫn các dự án xây dựng nhà máy sản xuất chì kim loại; dự án xây dựng Sân gold; các dự án may mặc để đảm bảo tiến độ thi công hoàn hoàn thành đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Phát triển mạng lưới dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp ở nông thôn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ và chế biến nông lâm sản. Tăng cường quản lý thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Khai thác các tuyến du lịch truyền thống và một số lễ hội văn hoá truyền thống của các dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ. Các doanh nghiệp chủ động xây dựng thương hiệu hàng hoá và thực hiện liên doanh, liên kết trong lĩnh vực xuất khẩu. Phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính viễn thông, vận tải, tài chính, ngân hàng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác...
Tiếp tục thực hiện chính sách quản lý ngân sách nhà nước chặt chẽ. Thực hiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, cải cách chế độ tiền lương, các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững. Thực hiện chính sách lãi suất hợp lý để doanh nghiệp và hộ kinh doanh tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng.
Tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo bền vững. Chú trọng nâng cao năng lực xoá đói giảm nghèo cho người dân, tập trung vào vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, đặc biệt là 02 huyện nghèo của tỉnh.
Làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học, bậc học. Củng cố, duy trì kết quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Chú trọng phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc. Tiếp tục tăng cường đưa thông tin về cơ sở vùng núi, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện Đề án nâng cao chất lượng phát thanh truyền hình giai đoạn 2012 - 2015.
Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020. Tập trung vào các đề tài khoa học mới, có tính ứng dụng cao, nhất là chuyển giao ứng dụng giống mới, công nghệ sinh học trong nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức triển khai các đề tài nghiên cứu về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách công vụ công chức; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; hiện đại hóa nền hành chính nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành.
Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
Đất nước đã vào xuân. Hương hoa của đất trời hòa quyện với lòng người đang mở ra một tương lai tươi sáng cho quê hương Yên Bái – quê hương của những con người giàu truyền thống cách mạng, luôn đoàn kết gắn bó và tràn đầy ý chí, nghị lực. Trên con đường đi tới mở ra bao tiền đề và triển vọng mới mẻ, Đảng bộ và quân dân Yên Bái càng cần quyết tâm nỗ lực có bước đột phá mới trong nhiệm vụ mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo bước đột phá trong sản xuất công nghiệp, thu hút mạnh mẽ đầu tư để phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, củng cố, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt là huy động sức mạnh tổng hợp, tạo sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2015 và nhiệm kỳ 2010-2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015:
*Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) 12%.
*Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người 25 triệu đồng.
*Tổng sản lượng lương thực có hạt 277.000 tấn, trong đó thóc 197.000 tấn.
*Sản lượng chè búp tươi 85.000 tấn.
*Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính 29.800 tấn; tổng đàn gia súc chính tăng hàng năm 3%.
*Trồng mới rừng 15.000 ha.
*Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới 3 xã
*Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7% . Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) 7.500 tỷ đồng.
*Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11.300 tỷ đồng.
*Kim ngạch xuất khẩu trực tiếp 60 triệu USD.
*Thu ngân sách trên địa bàn 1.500 tỷ đồng.
*Tổng vốn đầu tư phát triển 8.500 tỷ đồng.
*Tạo việc làm mới cho 19.000 lao động.
*Tỷ lệ lao động qua đào tạo 45%.
*Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% so với năm 2014, riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 6,5% so với năm 2014.
*Tổng số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi 178.
*Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia 201 trường.
*Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 19%.
*Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng mở rộng 98,5%.
*Tỷ lệ dân số mắc bệnh sốt rét dưới 0,02%
*Tỷ lệ dân số mắc bệnh bướu cổ 6%.
*Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 10,86%o
*Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 83%.
*Tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 54
*Mật độ điện thoại 70,2 máy/100 dân.
*Tỷ lệ hộ dân được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, xem Truyền hình Việt Nam 95%.
*Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá 72%.
*Tỷ lệ làng, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa 48%.
*Tỷ lệ cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hoá 77%.
*Tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 85%.
*Tỷ lệ dân cư đô thị được dùng nước sạch 75%.
*Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh 56%.
*Tỷ lệ che phủ rừng 62%. |
Thanh Bình