Nói đến Yên Bái, người ta nghĩ ngay đến hồ Thác Bà. Tương
truyền từ đời các vua Hùng đã chọn cử các công chúa xinh đẹp, nết na nhất đi
trông coi cai quản các cửa sông, cửa rừng, giúp dân cách làm ăn sinh sống. Công
chúa Minh Đạt được cắt đặt lên Yên Bái. Bà đã sống trọn đời trinh bạch, khi mất
hiển linh, phù hộ mọi nhà bình yên, no đủ. Minh Phú, Yên Bình, những tên làng,
tên đất còn truyền đến đời nay.
Ghi nhớ công ơn bà, đền Thác Bà được xây dựng quanh năm
nhang khói. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, từ đền Thác Bà phóng tầm
mắt nhìn ra, hồ Thác Bà giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, với động Thủy tiên say
đắm lòng người bởi nhũ đá muôn hình vạn trạng. Đi giữa mênh mang biển hồ, du
khách được chiêm ngưỡng phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, được tận hưởng không khí
trong lành giữa làn gió mơn man mạn thuyền sóng vỗ để tạm quên đi những ồn ào
phố xá nơi thị thành.
Đền đài, lăng tẩm trong tâm thức người Việt là nơi thành
kính tri ân với tổ tiên, với người có công phò đời giúp nước. Cũng như đền Thác
Bà, đền Tuần Quán tại thành phố Yên Bái thờ Thánh Ân có công bảo vệ Tổ quốc nên
còn gọi là đền Vệ Quốc. Đền còn thờ bà chúa Liễu Hạnh và bà chúa thượng ngàn La
Bình, con gái của Tản Viên sơn thánh.
Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên nổi tiếng là ngôi đền linh
thiêng, thờ Mẫu Thượng Ngàn, hàng năm thu hút đông đảo nhân dân cả nước đến dâng
hương, vãng cảnh, cầu nguyện cho mình và người thân một năm gặp nhiều may mắn…
Chùa Ngọc Am (còn gọi là chùa Am ) thành phố Yên Bái có lịch sử hơn 100 năm,
được dựng lên vào cuối triều Nguyễn, thờ Phật (theo Phật Giáo đại thừa), thờ
Tam Phủ và thờ Đức Thánh Trần. Ngày nay, chùa Am là nơi sinh hoạt văn hoá tinh
thần của nhân dân, hàng năm đón hàng ngàn khách thập phương đến chiêm bái và
tham quan.
Có thể nói, chưa bao giờ những đền, chùa thiêng ở
thành phố Yên Bái lại được tôn tạo, tu sửa khang trang như thời gian vừa qua.
Chùa Ngọc Am, ngoài đền chính, nhà thờ Mẫu, thờ Tổ còn xây dựng được tháp
chuông. Chùa Nam Cường, chùa Rối, chùa Bách Lẫm cũng được hoàn thiện các cung, ban
thờ với tượng Phật uy nghiêm, trang hoàng lộng lẫy làm thỏa ước nguyện của con nhang,
đệ tử. Đền Tuần Quán, được xây kè bảo vệ phía bờ sông Hồng, các tài liệu thành
văn về di tích cũng được sưu tầm làm cho việc tế lễ ngày càng trang trọng, đáp
ứng nhu cầu tâm linh và du xuân của du khách thập phương.
Thành phố Yên Bái và những vùng phụ cận, dọc theo hai bờ tả
hữu sông Hồng là một “dòng chảy” văn hóa với nhiều danh thắng và di tích. Khu
di tích lịch sử Nguyễn Thái Học đặt tại công viên Yên Hoà. Mặt hồ thanh thản và
bình lặng vinh danh một con người dù không thành công nhưng đã “thành nhân”, dù
cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị dìm trong biển máu nhưng đã để lại tiếng vang khắp
cõi Đông Dương. Có một ngày hơn 70 năm trước, dòng Hồng Hà ngời lên sắc đỏ.
Lãnh tụ Nguyễn Thái Học ung dung bước lên đoạn đầu đài với niềm tin mãnh liệt:
chết vì Tổ quốc chết vinh quang.
Tiếp theo hành trình, du khách nương theo câu hát mời gọi về
Mường Lò- miền Tây rực rỡ sắc màu. Du khách được hoà mình vào thiên nhiên, tận hưởng
phong cảnh hoang sơ khu du lịch sinh thái Suối Giàng, thưởng thức hương vị chè
Shan Tuyết được các cô gái Mông hái từ thân cây trăm năm cổ thụ.
Mọc ở độ cao gần 1.400 mét, khí hậu và đặc điểm địa hình đã
tạo nên hương vị đặc biệt của chè Suối Giàng - Văn Chấn. Những cây chè cổ thụ cao
tới 3 mét, thân cây to có đường kính tới 1 mét, tuổi thọ 300 năm có lẻ. Những
búp chè to, xanh, dầy dặn càng đậm đà hương vị vùng cao. Thưởng thức chén trà
nóng đặc sản của đồng bào vùng cao làm ấm lòng du khách trong gió lạnh sương
dày vùng cao. Đó cũng là một phần trong các tour du lịch cộng đồng để bạn được
"ba cùng" với đồng bào, hoà mình vào sinh hoạt dân gian truyền thống,
giàu bản sắc, sự hoà quện của quá khứ - hiện tại - tương lai, của đất trời và
của lòng người Yên Bái mộc mạc, thuỷ chung.
Nghĩa Lộ -thị xã miền Tây nhỏ bé giữa cánh đồng Mường Lò bao
la. Mảnh đất rộng chưa đầy 3.000 ha này là nơi quần tụ của 17 dân tộc anh em
với dân số trên 27 nghìn người, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 44%. Là nơi mở
màn chiến dịch Tây Bắc hơn 60 năm trước, lịch sử và văn hóa mảnh đất ban trắng
luôn hòa quyện du khách được bày tỏ lòng kính yêu với Bác tại Khu tưởng niệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Căng và Đồn Nghĩa Lộ - nơi ghi dấu những chiến
công oanh liệt góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu,
chấn động địa cầu”. Cũng ở mảnh đất này, du khách còn được thả mình thư giãn
trong làn nước nóng bản Hốc, bản Bon và thưởng thức các món đặc sản và thứ rượu
nấu từ gạo ngon Mường Lò, để rồi tay trong tay, nối bước vào vòng xòe bất tận
cùng người dân bản địa.
Đến với Mù Cang Chải, du khách sẽ cảm nhận được sự giàu có
của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp của tình người. Mù Cang Chải
có 700ha ruộng bậc thang (trong đó hơn 47% tập trung ở 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu
Nha, Dế Xu Phình). Đó là sản phẩm hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của
một tộc người. Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã này đã được Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch xếp hạng là di tích Danh thắng cấp quốc gia.
Hồ Thác Bà - điểm đến lý tưởng trong
mùa xuân này. (Ảnh: Thanh Miền)
Yên Bái - cũng là quê hương của sắc màu đá quý. Đất Ngọc Lục
Yên với tranh đá quý nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế. Tranh đá được sản xuất
hoàn toàn thủ công. Tay nghề điêu luyện của những người thợ và sắc màu của đá
thiên nhiên khiến tranh đá quý Yên Bái có thế mạnh vượt trội so với các dòng
tranh khác trên thị trường.
Mang trong mình vẻ đẹp tiềm ẩn miền văn hóa đậm đà sắc màu
Tây Bắc với văn hóa tâm linh đặc sắc, sẽ là tuyệt với nếu bạn đến với Yên Bái mùa
xuân này, nhất là khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã chạy thông toàn tuyến.
(Theo Báo Yên Bái)