Đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực, cung cấp
trực tiếp cho các ngành kinh tế mũi nhọn, tạo việc làm mới và khả năng tự tạo
việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt đội ngũ
lao động trực tiếp tại các tỉnh vùng Tây Bắc, giảm tỷ lệ thất nghiệp... đồng
thời là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện chiến lược quốc gia về xóa đói giảm
nghèo, cải thiện đời sống nhân dân là một trong những hiệu quả rõ nét của Dự án
"Đầu tư phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020" của
Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã và đang mang lại.
Khái quát nhanh tình hình triển khai thực
hiện Dự án, ông Lê Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhằm
đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực, phấn đấu tới năm 2020 xây
dựng trường trở thành trường nghề chất lượng cao, nhà trường đã và đang được
đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở mới với các hạng mục: giải phóng và san ủi tạo
mặt bằng, xây dựng nhà lớp học lý thuyết, nhà xưởng thực hành, nhà làm việc của
cán bộ, giáo viên, nhà đa năng, nhà ăn tập thể, ký túc xá, các công trình phụ
trợ khác theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và mua sắm trang bị, thiết bị hiện đại
bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, công nghệ mới của khu vực và quốc tế, đáp ứng quy mô
đào tạo cho 5.000 học sinh, sinh viên trong tương lai.
Hiện nay, nhà trường đã triển khai hơn 60%
các hạng mục được đầu tư của Dự án và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả từ
tháng 8/2012, Trong đó, ưu tiên đầu tư cho các nghề trọng điểm: công nghệ ô tô,
điện công nghiệp, gia công và thiết kế sản phẩm mộc, chế tạo thiết bị cơ khí và
vận hành máy thi công nền... song song với việc duy trì đào tạo các hệ trung
cấp, sơ cấp nghề, bồi dưỡng nâng bậc, dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhà
trường đặc biệt quan tâm đến công tác tuyển sinh các hệ đào tạo, chú trọng
tuyển sinh đối với các nghề trọng điểm".
Để thực hiện Dự án hiệu quả, trước hết, đội
ngũ phải bảo đảm chất lượng và số lượng. Hiện nay, nhà trường có 160 cán bộ,
giáo viên, công nhân viên, trong đó cán bộ, giáo viên có trình độ đại học và
trên đại học chiếm phần lớn. Với 14 phòng, khoa, trung tâm, nhà trường phát
triển đào tạo 12 ngành nghề của hệ trung cấp, cao đẳng: công nghệ ô tô, điện công
nghiệp, công nghệ thông tin - điện tử, cơ khí…
Trước nhu cầu cấp bách hiện nay về đào tạo
nguồn nhân lực cho địa phương, nhà trường tập trung lãnh đạo và thực hiện 2
nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên làm nền
tảng và đào tạo lao động kỹ thuật cao làm khâu đột phá. Nhận thức rõ sự nghiệp
dạy nghề hiện nay đang đứng trước những cơ hội và thách thức, để đáp ứng yêu cầu
ngày càng cao của thị trường lao động, sự nghiệp dạy nghề, đào tạo lao động kỹ
thuật trình độ cao của thị trường lao động, công tác đào tạo lao động cần được
phát triển trên cơ sở đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng tiếp cận nền kinh
tế thị trường, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, công nghệ và hội
nhập.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, nhà
trường luôn coi trọng nâng cao chất lượng chuẩn hóa cho đội ngũ giảng viên nhằm
xây dựng đội ngũ giảng viên dạy nghề theo hướng bảo đảm đủ số lượng, đồng bộ về
cơ cấu, có trình độ năng lực, phẩm chất đáp ứng điều kiện mới. Hàng năm, đội
ngũ giáo viên bắt buộc phải thực hiện đan xen tổ chức dự giờ, bình giảng, hội
giảng cấp khoa, cấp trường.
Ngoài việc bồi dưỡng tại chỗ, rút kinh
nghiệm thực tiễn từ giảng dạy, giáo viên nhà trường còn tham gia các chương
trình tập huấn nâng cao trình độ do Tổng cục Dạy nghề tổ chức. Trong 5 năm trở
lại đây, thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, bảo đảm các chế độ khác, nhà
trường đã khuyến khích giáo viên tham gia các khóa học nâng cao trình độ trên
đại học.
Bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao chuyên môn
nghiệp vụ, nhà trường thường xuyên tổ chức nghiên cứu đổi mới nội dung, chương
trình dạy nghề. Cán bộ, giáo viên luôn chủ động rà soát, điều chỉnh, biên soạn
lại các chương trình dạy nghề theo hướng gắn với thực tế môi trường lao động
sản xuất, tiếp cận với kỹ thụât, công nghệ tiên tiến; liên thông giữa các trình
độ đào tạo nghề phù hợp thực tiễn trên địa bàn tỉnh và hội nhập với quốc gia.
Song song với nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học,
trường đã liên kết với hệ thống các trường đại học đáp ứng nhu cầu cho học sinh
sinh, viên hiện nay.
Hàng năm, đã có trên 90% học sinh của nhà
trường khi tốt nghiệp có việc làm tại các doanh nghiệp, trong và ngoài tỉnh và
đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động. Đó chính là những tín hiệu khả quan cho
thấy sự đúng hướng trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của
Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.
Những năm tiếp theo, nhà trường tiếp tục mở
rộng quy mô, đối tượng đào tạo, đa dạng hóa hình thức dạy nghề, trình độ đào
tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, liên kết đào tạo,
nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên cả về lý luận chính trị, chuyên
môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm theo chuẩn của Tổng cục Dạy nghề. Đặc biệt là bám
sát hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về xây dựng nhà trường
trở thành trường chất lượng cao, đạt chuẩn ASEAN và quốc tế.
(Theo Báo Yên Bái)