Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện duy
trì 14,1%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông -
lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 21,2 triệu đồng/năm. Để có được kết quả đó, có
thể nói, những năm qua, Văn Yên đã tập trung ưu tiên cho triển khai các cơ chế,
chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển.
Việc thu hút đầu tư được thực hiện trên
tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư vào địa phương
nhưng bảo đảm sự hài hòa với quyền và lợi ích của người dân. Với cơ chế mở,
thông thoáng, Văn Yên đã thu hút nhiều dự án đầu tư vào địa bàn, kịp thời
tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã; đẩy nhanh tiến độ thực
hiện các dự án công nghiệp trọng điểm bằng cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về
thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và những vấn đề thuộc trách nhiệm của
địa phương liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đẩy
mạnh sản xuất kinh doanh. Do đó, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
trên địa bàn tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển. Giá trị sản xuất công
nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 669,5 tỷ đồng.
Bên cạnh phát triển công nghiệp, trên cơ sở
phát huy lợi thế của địa phương, huyện đã có nhiều giải pháp để tạo sự chuyển
biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Từ nền sản xuất nông nghiệp tự cung,
tự cấp, huyện đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư thâm
canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để nâng cao năng suất,
chất lượng và hiệu quả kinh tế, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa.
Nổi bật là đã xây dựng được các vùng chuyên
canh tập trung, các sản phẩm chủ lực quế, sắn đã khẳng định vị thế trên thị
trường trong và ngoài nước, góp phần đưa kinh tế Văn Yên phát triển bền vững.
Trong sản xuất lương thực, huyện đã quy hoạch được vùng chuyên canh sản
xuất lúa hàng hóa với diện tích trên 1.000ha cho thu nhập cao tập trung ở vùng Đại
- Phú - An, Đông Cuông; xây dựng thành công thương hiệu gạo Chiêm Hương ở vùng
Đại - Phú - An.
Khuôn mặt rạng ngời bên chiếc máy gặt liên
hợp và những chiếc bao tải căng tròn đầy thóc vàng, chị Nguyễn Thị Huyền phấn
khởi bảo rằng: “Nhà nông chúng tôi bây giờ không chỉ lo có đủ hạt thóc, bắp ngô
mà còn hướng tới sản xuất hàng hóa nhờ đưa giống lúa chiêm hương vào sản xuất
cho thu nhập gấp gần 2 lần so với trước đây”.
Cùng với cây lúa, đến nay, huyện đã hình
thành vùng sản xuất sắn công nghiệp tập trung với diện tích hàng năm khoảng
6.000ha. Canh tác sắn bền vững đã góp phần đưa cây sắn trở thành cây xóa nghèo
của nhiều địa phương. Tuy nhiên, đứng đầu trong tốp cây làm giàu của Văn Yên
phải là cây quế. Những năm qua, huyện Văn Yên đã chỉ đạo các ngành, các xã và vận
động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cây quế.
Để nâng tầm quế Văn Yên, huyện đã
thành lập Hội Sản xuất, chế biến và kinh doanh quế Văn Yên để liên doanh, liên
kết từ khâu trồng, khai thác, chế biến và bán quế, góp phần nâng cao giá trị
sản phẩm quế. Bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay, Văn Yên đã trở thành vùng
chuyên canh quế lớn nhất cả nước với trên 16.000ha. Hàng năm, địa phương bán ra
thị trường khoảng từ 7.000 tấn vỏ quế khô, 300 tấn tinh dầu quế cùng nhiều sản
phẩm đa dạng liên quan đến quế, thu về 60 tỷ đồng. Nội ngành nông nghiệp cũng
đã có sự phát triển cân đối giữa chăn nuôi và trồng trọt. Những năm gần đây,
Văn Yên từng bước mở rộng quy mô trang trại, hình thành vùng chăn nuôi tập
trung theo hướng hàng hóa.
Huyện cũng có chính sách khuyến khích chăn
nuôi đại gia súc theo hướng bán công nghiệp, đã tạo đòn bẩy cho chăn nuôi phát
triển. Hàng năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 8.000 tấn, đưa chăn
nuôi đạt giá trị sản xuất ngày càng cao, từng bước khẳng định là ngành sản xuất
chính trong nông nghiệp.
Hôm nay, đi trên các vùng quê đều nhận thấy
cách làm mới của người Văn Yên, quế và cây lâm nghiệp đã phủ kín màu xanh bạt
ngàn, những khu chăn nuôi khép kín bên cạnh những ngôi nhà khang trang. Vui hơn
cả là những con số luôn ở đà phát triển, tạo nên bức tranh với những gam màu sáng
trong phát triển kinh tế của huyện. Điều đó vừa thể hiện sự sáng tạo trong lãnh
đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, sự nỗ lực to lớn của nhân dân vừa là tiền đề để kinh
tế Văn Yên tiến lên những bước mới trong những năm tới.
(Theo Báo Yên Bái)