Trải qua các thời kỳ lịch sử: năm 1891, Văn
Yên ngày nay thuộc tiểu quân khu Yên Bái trong đạo quan binh thứ ba; năm 1900,
thực dân Pháp lập tỉnh Yên Bái thì phần lớn vùng đất Văn Yên thuộc tổng Đông
Cuông và tổng Yên Phú, phủ Trấn Yên, còn lại một phần đất thuộc tổng Văn Bàn, châu
Văn Bàn. Từ đó đến năm 1964, địa dư hành chính này không có gì thay đổi.
Ngày 16/12/1964, Hội đồng Chính phủ đã ban
hành Quyết định số 177-CP về việc thành lập huyện Văn Yên trên cơ sở sáp nhập
19 xã của huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) và 6 xã của huyện Văn Bàn (tỉnh Lào
Cai). Ngày 1/3/1965, lễ bàn giao và tiếp nhận huyện được tổ chức tại hội trường
của Hợp tác xã Ba Soi (Thọ Lâm), nay là khuôn viên nhà văn hóa thôn 1 - Kim Yên,
xã Lâm Giang. Từ đây, huyện Văn Yên chính thức đi vào hoạt động và lấy ngày 1/3
hàng năm là ngày thành lập huyện.
Những ngày đầu thành lập, huyện có 25 xã và
25 tổ chức cơ sở Đảng, 673 đảng viên và 2,2 vạn dân với 1.500ha ruộng nước,
496ha quế, 72ha chè, 92ha mía. Đó là những nhân tố kinh tế đầu tiên, là cơ sở
để các thế hệ lãnh đạo và nhân dân huyện Văn Yên hình thành và xây dựng phương hướng
sản xuất theo 3 vùng kinh tế sau này. Đây cũng là thời kỳ mà đế quốc Mỹ mở rộng
chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc. Huyện Văn Yên là địa bàn có tuyến
đường sắt huyết mạch Hà Nội - Lào Cai nên đã trở thành một trong các trọng điểm
bắn phá ác liệt của không quân Mỹ. Toàn bộ các cơ quan, trường học, bệnh viện
phải chuyển vào nơi sơ tán, vừa sản xuất vừa sẵn sàng bắn trả máy bay địch và
ngăn chặn các hoạt động gián điệp, thổ phỉ chống phá Đảng và Nhà nước ta...
Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền,
nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã
phát huy truyền thống đoàn kết, tập trung phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống
cho nhân dân, cùng với quân và dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước. Trong giai đoạn này, Văn Yên đã thực hiện xuất sắc khẩu hiệu “Thóc không
thiếu một cân, quân không thiếu một người” và là huyện đầu tiên cũng là duy
nhất của tỉnh Yên Bái lúc đó đạt năng suất lúa bình quân trên 5 tấn/ha.
Bước vào thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 đến
nay, Đảng bộ huyện đã nắm vững phương châm lãnh đạo của Đảng, vận dụng sáng tạo
cơ chế của Nhà nước, đưa sản xuất nông, lâm nghiệp của toàn huyện tăng nhanh cả
về diện tích, năng suất và sản lượng, là huyện có nguồn hàng quế xuất khẩu lớn nhất
của tỉnh; quy hoạch và hình thành một số khu công nghiệp, xây dựng hai cầu qua
sông Hồng, mở mới và nâng cấp nhiều tuyến đường trọng điểm; chú trọng phát
triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến tại địa
phương nên đã thúc đẩy mạnh mẽ nhịp độ phát triển kinh tế và nâng cao đời sống
nhân dân.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa quê hương, đất nước, điểm nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế
của huyện luôn duy trì ở mức cao từ 12% - 14%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch
đúng hướng đi đôi với đẩy mạnh khai thác các nguồn thu ngân sách; phát triển,
mở rộng một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến tại
chỗ; duy trì độ che phủ của rừng đạt 65%; hoàn thành xây dựng chỉ dẫn địa lý
quế Văn Yên; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động
được sự vào cuộc tích cực của nhân dân.
Kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng,
đến hết năm 2014, trên 80% đường đến trung tâm xã đạt tiêu chuẩn cấp V miền
núi, trên 40% đường liên thôn đã được kiên cố hóa cùng với đường cao tốc Nội
Bài - Lào Cai chạy qua địa phận của huyện có 2 nút giao với đường Yên Bái - Khe
Sang. Văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế của huyện phát triển hài hòa với tăng trưởng
kinh tế; chương trình phát triển du lịch đạt được những kết quả bước đầu; an
ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thường xuyên được giữ
vững. Công tác xây dựng Đảng luôn được coi là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt là
kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ
thị số 06 của Bộ Chính trị (khóa X) và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị (khóa XI)
gắn với thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các đợt sinh hoạt chính trị
xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Đảng bộ thường xuyên chăm lo xây dựng đội
ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đội ngũ công chức, viên chức ngày càng
đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều
hành của chính quyền các cấp từng bước được nâng cao. Nội dung, phương thức,
chất lượng hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ huyện đến
cơ sở chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của
bộ máy, nhất là trên các lĩnh vực quản lý hành chính, quản lý xã hội, phát huy
dân chủ và điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương… Từ đó đã mở ra cho Văn Yên nhiều điều kiện mới và tiềm năng lớn để phát
triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Nhìn lại, lịch sử 50 năm chiến đấu, xây
dựng, phát triển và trưởng thành của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Văn
Yên đã ghi đậm bằng sự phấn đấu, hy sinh, những bước thăng trầm, những chiến
công và thành tựu mà các thế hệ cán bộ, nhân dân đã gây dựng nên. Trong sự
nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc,
hàng ngàn người con của Văn Yên đã hăng hái tham gia trực tiếp chiến đấu và phục
vụ chiến đấu trên các chiến trường, trong đó 642 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh,
cống hiến trọn cuộc đời mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của
nhân dân; hàng ngàn người là các cựu chiến binh từ các chiến trường trở về với
cuộc sống đời thường, nhiều đồng chí mang trên mình vết thương chiến tranh
nhưng vẫn một lòng sắt son với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Với những đóng góp quan trọng xuất sắc
trong 2 cuộc kháng chiến và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Hợp tác xã Cộng
Lực - xã Viễn Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh
hùng Lao động” năm 1985; Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân
các dân tộc huyện Văn Yên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2002 và danh hiệu “Anh hùng lao động thời
kỳ đổi mới” năm 2005; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Phác được Đảng,
Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1998;
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Mậu A được Đảng, Nhà nước phong tặng
danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2002; 01 cá nhân đã được
phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 38 bà mẹ được
phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 5
cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”; 3 cá nhân được phong tặng
danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”; 7.965 cá nhân được tặng thưởng huân chương, huy chương
kháng chiến các loại; 9 cá nhân được tặng thưởng huân chương lao động; 2.061
lượt đảng viên lão thành được trao tặng huy hiệu từ 30 năm đến 65 năm tuổi
Đảng; nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua và
bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành.
50 năm so với lịch sử mấy ngàn năm của dân
tộc Việt Nam và 115 năm của tỉnh Yên Bái là một khoảng thời gian không dài
nhưng với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên là một chặng đường rất
vẻ vang, rất đỗi tự hào và đầy ý nghĩa. Đây cũng là khoảng thời gian để đánh
giá và ghi nhận sự cố gắng vượt qua những điều kiện khó khăn, những cam go ác liệt
của thời kỳ chiến tranh chống giặc ngoại xâm, phòng chống thiên tai, địch họa
và chiến thắng nghèo nàn, tư tưởng lạc hậu, bảo thủ để đi lên và tiếp tục phát
triển toàn diện của nhân dân các dân tộc trong huyện.
Nhân dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân
dân các dân tộc huyện Văn Yên bày tỏ niềm tin và sự biết ơn sâu sắc đối với sự
lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự giúp đỡ có hiệu quả của các
sở, ban, ngành của tỉnh Yên Bái và các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh
cũng như mối tình sâu nặng, gắn bó, keo sơn của 2 huyện kết nghĩa (huyện Văn Bàn,
tỉnh Lào Cai và huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đã luôn động viên, sát cánh vì
sự phát triển, trưởng thành của huyện Văn Yên trong suốt những năm qua.
Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Yên trân
trọng và đánh giá cao công lao, đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng
viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện nhà trong suốt
50 năm qua đã đoàn kết, đồng cam cộng khổ, chung sức chung lòng trong chiến
đấu, trong xây dựng để tạo nên một Văn Yên anh hùng trong kháng chiến chống giặc
ngoại xâm và anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập huyện Văn Yên
vào đúng dịp toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kỷ niệm Đảng ta vừa tròn 85 tuổi,
chúng ta tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, tự hào về Chủ tịch Hồ Chí
Minh kính yêu, tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng. Với một huyện có truyền thống
cách mạng hào hùng, có nguồn lao động dồi dào, trong đó trên 50% số lao động đã
qua đào tạo cùng với những lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, hệ
thống giao thông đa dạng, thuận lợi, nối liền với các địa phương khác trong khu
vực, trong giai đoạn tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện
Văn Yên nhận thức đầy đủ và tiếp tục phát huy lợi thế, chọn những khâu trọng
tâm, đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ
XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
Yên Bái lần thứ XVII và Đại hội XI của Đảng đồng thời làm tốt công tác chuẩn
bị, tổ chức thành công đại hội Đảng cấp cơ sở và Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên
lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ
XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được
đồng thời quyết tâm khắc phục những hạn chế, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ
trang và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên nguyện suốt đời học tập và rèn
luyện theo gương Bác Hồ vĩ đại; đoàn kết, thi đua vượt qua khó khăn, thử thách,
quyết tâm xây dựng huyện Văn Yên trở thành huyện giàu về kinh tế, tiến bộ về
văn hóa, xã hội, ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng, an ninh, vì mục
tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(Theo Báo Yên Bái)