* Lễ hội Cầu mùa của đồng bào dân tộc Tày Thượng Bằng La:
Mâm cỗ cúng thần linh bản thổ theo phong tục của người Tày Thượng Bằng La.
Lễ cúng khai còn
Thường được tổ chức vào ngày đầu
xuân, sau Tết Nguyên đán, Lễ hội Cầu mùa thể hiện một nét đẹp văn hoá trong đời
sống tinh thần, vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa hàm chứa những giá trị nhân văn
sâu sắc.
Tham gia lễ hội cầu mùa các thôn bản
trong xã chuẩn bị một mâm cúng tế thần linh, trên các mâm cúng là hoa quả và
các món ẩm thực của người Tày được chế biến từ các sản vật thiên nhiên của địa
phương. Dân làng phải dâng cả lễ tạp và lễ chay, mâm cỗ cúng phải được các
thanh niên trai tráng nhất trong làng khiêng. Mở đầu cho lễ hội là nghi thức
cúng Thần Hoàng bản thổ cầu cho mưa thuận gió hoà cầu cho lúa ngô tốt tươi, sau
lễ cúng chính là lễ cúng thần linh bốn phương, phần lễ được chuẩn bị chu đáo diễn
ra trong không khí trang nghiêm và thành tâm. Sau phần lễ là phần hội với những
trò chơi dân gian. Mở đầu phần hội là trò chơi ném còn, tham gia trò chơi này
không chỉ để các chàng trai, cô gái thi tài mà còn là dịp se duyên cho
các đôi lứa. Tiếp đó là màn biểu diễn 6 điệu Dậm Thuông cổ dưới sự biểu diễn thuần thục nhuần nhuyễn của các nghệ nhân và nhân dân trong
xã, điệu Dậm Thuông đã để lại trong lòng du khách gần xã những ấn tượng tốt đẹp.
Màn biểu diễn điệu Dậm Thuông cổ.
* Lễ hội xuân dân tộc Mông xã Suối Giàng:
Lễ cúng cây chè tổ
Theo nghi lễ truyền thống vào dịp đầu xuân người Mông ở Suối Giàng lại tổ chức Lễ cúng cây chè tổ để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây chè shan. Mâm lễ vật cúng gồm: rượu, hương, cơm nếp, giấy vàng, giấy đỏ và một con gà trống… Lời cúng với nội dung tôn vinh cây chè, nêu lên giá trị của cây chè trong đời sống kinh tế gắn với cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông và sự gắn kết bốn phương của cây chè xưa kia và hiện nay. Cùng với phần lễ là phần hội, dưới chân cây nêu, mọi người cùng tham gia các trò chơi dân gian đặc sắc như: ném pao, đẩy gậy, đánh quay, bắn nỏ, thổi khèn…
Thi giã bánh dày
* Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú Nghĩa Sơn:
Lễ tôn vinh Thần lúa, Thần màu
Lễ hội Cầu mùa ở Nghĩa Sơn được tổ
chức với ý nghĩa tôn vinh các vị thần đã giúp con người tạo ra lương thực, cầu
khấn trời đất, và các vị thần linh, tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa
màng tươi tốt, đồng thời thể hiện tinh thần lao động chăm chỉ, sáng tạo của
người dân Khơ Mú. Cũng giống như những lễ hội khác, Cầu mùa của người Khơ Mú
gồm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ gồm có 4 lễ nhỏ: Lễ cúng các Ma, các
Thần; Lễ tôn vinh Thần lúa, Thần màu; Lễ cầu mưa và cuối cùng là Lễ Chọc lỗ tra
hạt. Phần hội được diễn ra sau khi phần lễ đã kết thúc, bao gồm các trò chơi
dân gian như đẩy gậy, ném còn, múa ngửa người chui dây…
Lễ Chọc lỗ tra hạt của người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn
* Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc Thái ở Tú Lệ:
Mâm cỗ cúng trong Lễ hội Xuống đồng ở Tú Lệ
Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là Lễ
hội xuống đồng là một trong những hoạt động vui xuân của cộng đồng dân tộc Thái
ở Tú Lệ, lễ hội được xã Tú Lệ duy trì tổ chức 5 năm 1 lần. Lễ hội gồm 2 phần
chính: Phần lễ là nghi thức quan trọng cầu Thần nông, Thần núi, Thần suối do
thầy cúng hoặc người già nhất làng thực hiện. Mâm lễ cúng được người dân
trong làng chuẩn bị rất chu đáo gồm: một đầu lợn, một con gà, xôi, mâm ngũ quả,
rượu, những quả “còn” nhiều màu sắc và một cụm lúa. Tất cả sản vật cúng đều là
do người dân tự làm ra, thể hiện lòng thành kính với các vị thần đã bảo hộ cho
bản làng.
Lễ hội lồng tồng là
một trong những lễ hội đầu năm quan trọng của đồng bào dân tộc Thái xã Tú Lệ,
lễ hội có ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Sau phần lễ là phần
hội với các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Thái như: Ném còn, đẩy
gậy, kéo co, bắn nỏ, xèo trống chiêng….Các trò chơi dân gian đã thu hút đông
đảo người dân và du khách thập phương tham gia.