Tròn 30 năm làm công tác thi hành án dân sự nhưng điều người ta cảm nhận được ở vị Cục trưởng này là chưa bao giờ trong anh vợi đi tình yêu và nỗi trăn trở với nghề...
Cái “duyên” với nghề
Anh Hải nói mình đến với nghiệp thi hành án dân sự (THADS) như một cái duyên. Sau khi xuất ngũ trở về, anh được nhận vào làm Thư ký TAND TX.Yên Bái. Và chỉ vẻn vẹn 1 năm sau, anh Hải đã được bổ nhiệm Chấp hành viên Trưởng TAND TX.Yên Bái.
Giai đoạn thực hiện Pháp lệnh THADS 1993, Thi hành án (THA) tách ra khỏi ngành Tòa án, như một lẽ đương nhiên, anh trở thành người đứng đầu Đội THADS cấp thị xã thuộc tỉnh… rồi kinh qua nhiều chức vụ như Chấp hành viên Phòng THA, Phó trưởng THA rồi Trưởng THADS tỉnh.
Năm 2008 Luật THADS ra đời ghi dấu một sự chuyển biến có tính chất bước ngoặt: THA được tổ chức theo ngành dọc. Có thể nói, chưa bao giờ các cơ quan THADS từ Trung ương đến địa phương được quan tâm, đầu tư trên mọi phương diện như thời điểm này. Nhận quyết định Cục trưởng, anh Hải cũng không khỏi lo lắng làm sao để khẳng định vị trí của ngành trong giai đoạn mới...
“Khi mới đi vào hoạt động, công tác quản lý chỉ đạo điều hành còn gặp không ít khó khăn do đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chấp hành viên còn thiếu, kinh nghiệm chưa nhiều; các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật THADS ban hành còn chậm; trụ sở làm việc chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ” - anh Hải nhớ lại.
Thêm nữa, với đặc thù của Yên Bái có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn, hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo chiếm tỷ lệ lớn, do vậy nhận thức của người dân nhiều nơi về công tác THADS còn rất hạn chế, ngay cả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, nhất là cấp cơ sở còn chưa được chặt chẽ, thường xuyên,... điều đó ảnh hướng rất lớn đến hiệu quả công việc.
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm công tác THADS, anh Hải xác định khâu đầu tiên phải làm là kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, chấp hành viên. Anh đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyển dụng, bố trí nhân sự, kiện toàn bộ máy từ Cục đến các Chi cục; có những định hướng mang tính chiến lược trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, khen thưởng,... cán bộ, công chức trong Ngành; đã quan tâm đến việc bổ nhiệm các chức danh tư pháp, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo.
Đặc biệt, sâu sát đến từng cán bộ, chấp hành viên, anh Hải luôn chủ động xem xét, nghiên cứu, sắp xếp đội ngũ, cán bộ, công chức theo trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường để bố trí công việc cho phù hợp.
Bằng nhiều giải pháp, đến nay THADS Yên Bái đã có 116 công chức, cơ bản các chức danh lãnh đạo, chấp hành viên đã được kiện toàn từ tỉnh đến huyện. Cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, Cục trưởng Nguyễn Huy Hải cũng là người nghiêm khắc trong việc “rèn” cán bộ. Chính vì thế nhiều năm qua, Yên Bái không có cán bộ vi phạm kỷ luật, bị xử lý hình sự.
|
Cục trưởng Nguyễn Huy Hải |
Phải lắng nghe dân
Chú trọng công tác chuyên môn, ngoài việc ban hành các văn bản có tính chất nội bộ như các nội quy, quy chế hoạt động, anh Hải còn thường xuyên đi cơ sở, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, … để kịp thời nắm bắt khó khăn, có giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt đối với các vụ án phức tạp, anh Hải cho rằng “phải biết lắng nghe dân”.
Với phương châm đó, anh chỉ đạo các phòng chuyên môn, các Chi cục dành nhiều thời gian đối thoại trực tiếp với người dân, vận động, thuyết phục để người dân tự nguyện chấp hành, hạn chế đến mức thấp nhất việc tổ chức cưỡng chế THA, đơn thư khiếu nại, tố cáo về THA. Để tạo thuận lợi cho người dân, anh Hải cũng chỉ đạo thực hiện công khai thủ tục hành chính, thiết lập số điện thoại đường dây nóng...
Nhiều năm làm công tác THADS, với đặc thù của Yên Bái, điều làm anh Hải luôn trăn trở là nhận thức của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn rất hạn chế. Năm 2012 anh đã cho xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật THADS cho các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 2012 đến 2016”.
Đề án được triển khai đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đề cao trách nhiệm của các cơ quan THADS. Đặc biệt, đề án đã huy động nhiều nguồn lực tại địa phương tham gia.
Tuy công tác THADS Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực song Cục trưởng Hải vẫn đau đáu “làm sao tiếp tục nâng cao vị thế của ngành, nâng cao năng lực cán bộ; nhận thức của nhân dân về công tác THADS; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các ngành; tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, cấp ủy, chính quyền địa phương...”. Có lẽ đó là những vấn đề cụ thể, thiết thực nhưng đòi hỏi không ít công sức.
Với sự nỗ lực trong nhiều năm, Cục THADS Yên Bái đã nhận Cờ thi đua của Chính phủ, của ngành, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh... Cá nhân Cục trưởng Nguyễn Huy Hải đã từng nhận Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2014 anh đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Sự ghi nhận này, theo anh Hải là động lực để cán bộ, chấp hành viên THADS Yên Bái tiếp tục vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Thành công lớn nhất của Cục THADS tỉnh Yên Bái trong phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” là việc cử cán bộ trực tiếp xuống xã La Pán Tẩn phối hợp với chính quyền cơ sở vận động đồng bào dân tộc Mông bỏ tục lệ đón tết Mông, tổ chức đón tết theo tết cổ truyền của cả nước, đây là một hoạt động thiết thực đã giúp cho đồng bào dân tộc Mông tiết kiệm được tiền của, thời gian, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
(Theo Báo Pháp Luật)