Từ chiều hôm trước ngày diễn ra lễ chính của lễ hội năm nay, khách thập phương từ khắp mọi nơi đổ về đền rất đông. Do đó, công tác bảo đảm ANTT được tăng cường. Dọc tuyến đường chính vào đền, lực lượng công an luôn bảo đảm không để xảy ra ùn tắc, không có cảnh chèo kéo khách tại các điểm giữ xe.
Đồng chí Đào Ngọc Thủy - Đội trưởng Đội Quản lý hành chính và phụ trách xã, Công an huyện Văn Yên, chịu trách nhiệm chính trong việc điều động các lực lượng nghiệp vụ tại các khu vực diễn ra lễ hội cho biết: "Công an huyện đã bố trí 8 tổ bảo đảm ANTT cho từng khu vực như: 7 đồng chí tại khu vực sân khấu, nhà ăn, chợ quê; 9 đồng chí khu vực bãi để xe và hướng dẫn khách vào khu vực đền; 9 đồng chí tại bãi sông Hồng, nơi diễn ra các trò chơi dân gian; 8 đồng chí làm nhiệm vụ tuần tra, hướng dẫn, xử lý trật tự giao thông.
Cùng với đó, lực lượng cảnh sát cơ động Công an tỉnh tăng cường gần 20 đồng chí bảo đảm ANTT trong thời gian mổ trâu và rước Mẫu sang sông. Do chủ động tăng cường công tác bảo đảm ANTT, trước, trong và sau lễ hội, tình hình ANTT từ ngày khai mạc lễ hội đến nay đảm bảo không xảy ra các vụ việc về trộm cắp, cờ bạc, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng".
Đông đảo du khách đến với lễ hội Đền Đông Cuông.
Trưởng ban Công an xã Đông Cuông Hà Văn Nghĩa cho biết thêm: "Xã cũng huy động 15 đồng chí công an viên cùng với Công an tỉnh, huyện tham gia giữ gìn ANTT. Khu vực đền có 2 nhà nghỉ và 4 điểm kinh doanh ăn uống. Công an xã đã tổ chức cho ký cam kết với các hộ không lôi kéo, tăng giá, bắt chẹt khách và các hành vi đánh bạc, đổi tiền lẻ và không để người ăn mày, ăn xin trong khu vực tổ chức lễ hội".
Trong vai khách có nhu cầu đổi tiền lẻ, chúng tôi đã ghé vào trên 10 quầy hàng dọc tuyến đường vào đền. Khi trình bày mong muốn được đổi tiền lẻ để vào thắp hương, đều nhận được những lời từ chối. Nhiều hộ kinh doanh ở đây còn cho biết thêm, trước đây thì có nhưng 2 năm gần đây, trong khu vực đền, việc đổi tiền lẻ cho du khách đã được cấm hoàn toàn. Hộ nào bị lực lượng chức năng phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng và cấm không cho kinh doanh, bởi vậy 100% hộ đã chấp hành nghiêm chỉnh quy định trên.
Khi được hỏi về cảm nhận về lễ hội Đền Đông Cuông năm nay, chị Nguyễn Thị Hoa ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Đến với Đền Đông Cuông, tôi thực sự yên tâm khi dự lễ hội, không có hiện tượng chen lấn, xô đẩy. Công tác vệ sinh môi trường khá tốt, các đồng chí công an làm nhiệm vụ đã nhiệt tình trong việc hướng dẫn du khách".
Chị Nguyễn Thị Nga ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng cho hay: "Đây là lần thứ 2 tôi đến với lễ hội Đền Đông Cuông, tôi thấy mổ trâu trắng hiến tế theo tập tục của địa phương là một nghi lễ rất độc đáo đối với Đền Đông Cuông. Trong lễ hội có nghi lễ rước kiệu tượng Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn và kiệu Hoàng Báo qua sông, sang Ghềnh Ngai thăm Đức Ông với trang trí khá lộng lẫy với nhiều điệu múa hát dân tộc và văn chầu Đệ nhị Thượng Ngàn rất hay. Công tác ANTT cũng được bảo đảm, sang năm, tôi sẽ tiếp tục cùng với bạn bè và gia đình đến với lễ hội".
Văn minh trong lễ hội, văn hóa trong tín ngưỡng, ANTT được bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách, đó là những việc lễ hội Đền Đông Cuông năm 2015 đã làm được. Đây sẽ là điểm nhấn quan trọng để Đông Cuông trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Theo Thạch Phong - Lộc Hằng/Báo Yên Bái