Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Đầu xuân du lịch tâm linh thành phố Yên Bái

18/03/2015 16:01:04 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong tiết trời xuân ấm ấp, hoà cùng dòng người tấp nập đi lễ hội đầu xuân thành phố Yên Bái, chúng tôi xuôi theo dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, tới thăm quan, bái yết chùa Ngọc Am, một ngôi chùa nổi tiếng nằm trên địa bàn phường Hồng Hà.

Lễ cầu an tại Chùa Am

Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, nơi đây dược dân gian truyền lại là ngôi chùa rất linh thiêng, một số nhà buôn và chủ thuyền vận tải hàng hóa bằng đường sông đều dừng chân ghé nơi này để cầu bình an. Tháng 4/1900, tỉnh Yên Bái thành lập, được sự nhiệt tâm của các vị Bố chánh Bùi Bành Trần Gia Du, am được mở rộng, khang trang và có sư trụ trì.

Chùa làm lễ thụ danh lấy tên là Tùng Lâm Tự để ghi sự việc khởi đầu rước chân nhang từ chùa Cây Thông ở huyện Trấn Yên phía dưới am 14 km lên am Yên Bái. Chùa Tùng Lâm còn được gọi là chùa Am để kỷ niệm lễ chuyển nhập đồ thờ chân nhang ở Am Âm Hồn  phố Cao Su (nay là cuối phương Hồng Hà giáp sông) về chùa Tùng Lâm sau khi chính quyền Pháp xúc tiến việc dời nghĩa địa cũ, tọa lạc trên địa bàn phố Cao Su (chính phố Yên Thái) về khu nghĩa địa bên bờ hồ Yên Bái, nơi có mộ lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học.

Nhiều phật tử đến chùa hành lễ

Hành đạo được ngót thế kỷ, năm 1966 chùa bị không quân Mỹ bắn phá hủy hoại. Đầu năm 1996, thể theo nguyện vọng của các tăng ni, phật tử trong tỉnh và thị xã Yên Bái trước kia (nay là thành phố Yên Bái ), muốn xin được khôi phục lại nhà chùa. Và chiểu theo nghị định số 69/HĐBT, ngày 21/3/1991 của Hội Đồng Bộ Trưởng, ngày 22/4/1996, UBND tỉnh đồng ý cho phép tiến hành các thủ tục để khôi phục và xây dựng lại Chùa Ngọc Am trên địa điểm cũ… Chùa được thi công năm 1997- 1998 và hoàn thành vào năm 1999.

Rời Chùa Ngọc Am, xuôi theo dòng sông Hồng về phía Đông Nam của thành phố, chúng tôi đến tham quan, bái yết Đền Tuần Quán.

Toạ lạc bên bờ sông Hồng hiền hoà, Đền Tuần Quán lâu nay không chỉ được biết đến là điểm cúng lễ, cầu an lành của tín đồ phật tử thập phương, mà còn được xem như một trong những điểm đến không thể thiếu trong hành trình tâm linh cầu tài cầu lộc của du khách xa gần trong những dịp đầu xuân.

 

Đầu xuân, du khách thập phương đến đền Tuần Quán cầu bình an, tài lộc

Theo sử sách, đền Tuần Quán có từ thời Trần, khởi đầu thờ Thần Diệp phu nhân ở xã Bách Lẫm, huyện Trấn Yên (cũ)– người đã có công “Hộ quốc tý dân” nên được nhân dân suy tôn là Thánh Ân và gọi đền thờ bà là đền Vệ Quốc. Đến triều Lê (đầu thế kỷ thứ XV), Mẫu Liễu Hạnh hạ trần ở đền giúp cho quan và dân rất nhiều trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước nên được vua Lê Hiển Tông ban cho sắc phong là “Đức chúa Quốc Mẫu Hoàng Ân Phương Dung”. Kể từ đó, đền phối thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và chính thức được đổi tên thành “Đền Quốc Mẫu Thánh Ân Bách Lẫm”. Tuy nhiên, do vị trí của đền nằm gần với Quán Tuần (chỉ nơi tuần hành thu thuế) nên từ lâu nhân dân quanh vùng đã quen gọi là đền Tuần Quán.

Theo thời gian, do chiến tranh và những biến cố thăng trầm của lịch sử đã khiến cho ngôi đền bị tàn phá và hư hại nhiều. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc, năm 1998, đền Tuần Quán đã được UBND tỉnh cho phép trùng tu, tôn tạo và xây dựng lại trên nền đất cũ, có tổng diện tích khuôn viên 1.660m2. Năm 2005, đền được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh. Ngày nay, ngoài thờ hai nữ thần nói trên, đền còn lập thêm các ban thờ những vị thần thánh linh thiêng khác như: Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn, Mẫu Đệ tam Thuỷ Phủ, Đức Thánh Trần, Bà lớn Tuần, Quan lớn Tuần, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười… Đền Tuần Quán nay đã trở thành điểm du lịch, nơi hoạt động văn hóa tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.

Rời Đền Tuần quán, chúng tôi đến tham quan quần thể di tích Đình - Đền - Chùa xã Nam Cường, theo những cụ cao niên trong xã, vùng đất Nam Cường xưa kia vốn là nơi rừng thiêng nước độc. Để cầu phúc an dân, năm 1923, Đền Mẫu được xây dựng, thờ Thánh Mẫu Linh Từ. Năm 1933, Hội đồng các cụ cao niên trong xã đã về Đền Kiếp Bạc tỉnh Hải Dương rước chân nhang Trần triều hiển thánh Hưng Đạo Đại Vương và chân nhang Công chúa Liễu Hạnh ở Đền Phủ Giầy - Nam Định về thờ tại Đền Mẫu Nam Cường. Ngôi đền này được các bậc tiền bối chiêu dân lập xã Nam Cường xây dựng để tôn thờ Thánh Mẫu, tỏ lòng tôn kính đối với đất mẹ hiền từ.

 

Lễ thả chim bồ câu tại lễ hội đền Nam Cường

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, các công trình bị bom đạn giặc tàn phá nặng nề. Năm 1998, theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, Đền Thánh Mẫu được tôn tạo. Tiếp đó,  Đình làng, Chùa Vạn Thắng cũng được nhân dân đóng góp xây dựng, tôn tạo lại kiên cố và vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc của Đền - Đình xưa kia. Đền Mẫu - Đình Nam Cường - Chùa Vạn Thắng nằm trong cụm di tích lịch sử văn hoá tâm linh của xã Nam Cường và trở thành các thiết chế văn hóa, gắn liền với đời sống nhân dân. Ở đây diễn ra nhiều hoạt động văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là Lễ hội Đền Mẫu được tổ chức vào rằm tháng Giêng hàng năm.

2740 lượt xem
Hiền Trang

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h