Nâng cao chất lượng cán bộ
Văn Chấn đất rộng, người đông nhưng có tới
17 xã đặc biệt khó khăn và 51 thôn, bản thuộc diện này. Tiềm năng phát triển
kinh tế - xã hội lớn nhưng thoát nghèo vẫn là một đòi hỏi cấp thiết sau gần 30
năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đổi mới tư duy lãnh đạo, tư duy phát triển
kinh tế không là vấn đề mới nhưng Đảng bộ tiếp tục quan tâm và quan tâm đặc
biệt; coi đó vừa là cơ sở, vừa là nền tảng có tính quyết định để tạo ra những
đột phá căn bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh, sớm đi đến thoát
nghèo.
Với quan điểm như vậy, Ban Thường vụ Huyện
ủy chú trọng quan tâm công tác quy hoạch cán bộ; chủ động đào tạo, bồi dưỡng cho
từng đối tượng, từng chức danh cán bộ. Đảng bộ quan tâm làm tốt công tác đào
tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ.
Trong nhiệm kỳ, 27 đồng chí tham gia các
lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị, đại học chính trị (văn bằng 2); 15 đồng
chí tham gia đào tạo trình độ thạc sỹ; 60 đồng chí được đào tạo theo Đề án số
11-ĐA/TU của Tỉnh ủy. Huyện liên kết mở các lớp đại học nông nghiệp, đại học
luật và trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ.
Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ, bố
trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ theo quy trình chặt chẽ, dân
chủ, công khai; công tác luân chuyển cán bộ gắn với quy hoạch, kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng và định hướng phát triển lâu dài; tuyển dụng cán bộ, công chức,
viên chức có đổi mới và nâng cao chất lượng.
Trong nhiệm kỳ, đã bầu bổ sung 4 ủy viên
Ban Thường vụ Huyện ủy, 9 ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, 2 ủy viên Ủy ban
Kiểm tra Huyện ủy, 4 phó chủ tịch UBND huyện; điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại
85 trưởng, phó các phòng, ban và tương đương; chỉ định, phân công, giới thiệu
ứng cử, bổ nhiệm 299 đồng chí giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở; luân
chuyển, điều động 15 lượt cán bộ từ huyện về các xã, từ xã về huyện và từ xã
sang xã. Đội ngũ cán bộ được nâng cao một bước về trình độ chuyên môn, trình độ
lý luận chính trị, từng bước được trẻ hóa đã tạo ra những năng lực tư duy mới.
Cán bộ trưởng thành nhanh về năng lực thực tiễn, tạo ra những chuyển biến rõ
rệt hơn về chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ từ huyện xuống cơ
sở.
Đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Phát triển công nghiệp và đầu tư xây dựng
kết cấu hạ tầng là hai khâu đột phá để tăng trưởng kinh tế nhanh và thúc đẩy
nhanh hơn sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế. Sản xuất công nghiệp của địa phương
tiếp tục phát triển cả về quy mô và năng lực. Các sản phẩm chè chế biến, gạch
nung, chế biến chì, kẽm, sắt, điện thương phẩm… sản lượng tăng và chất lượng ổn
định. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn tiếp tục phát triển với các
ngành nghề chế biến nông lâm sản, dịch vụ cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Văn Chấn tạo điều kiện thuận lợi thu hút
các doanh nghiệp đầu tư vào Cụm công nghiệp Sơn Thịnh. Tới nay đã có 5 đơn vị
đăng ký với tổng số vốn trên 1.500 tỷ đồng, trong đó có 3 đơn vị đã xây dựng xong
nhà xưởng và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giá trị sản xuất công
nghiệp năm 2015 dự ước đạt 504 tỷ đồng, vượt 104 tỷ đồng so với mục tiêu Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đề ra, tăng 279 tỷ đồng so với năm
2010. Đảng bộ huyện cũng lãnh đạo, chỉ đạo huy động và sử dụng hiệu quả các
nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển.
Công tác quản lý quy hoạch, chuẩn bị đầu
tư, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được các cấp, các ngành quan tâm; việc huy
động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư đã tập trung ưu tiên phát triển hệ thống cơ
sở hạ tầng vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống
giao thông vùng thấp, vùng trọng điểm kinh tế của huyện.
5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng
cơ bản đạt 5.009 tỷ đồng (tăng 25,23% so với mục tiêu Đại hội đề ra). Trong đó,
nguồn vốn huyện làm chủ đầu tư 615 tỷ đồng; vốn bộ, ngành trung ương quản lý
428 tỷ đồng; vốn đầu tư của doanh nghiệp 3.286 tỷ đồng; vốn đầu tư trong dân
680 tỷ đồng. Các nguồn vốn trên đã đầu tư xây dựng trên 400 công trình, trong
đó có 193 công trình xây dựng dân dụng, 167 công trình giao thông, 38 công
trình thủy lợi, 5 công trình thủy điện. Nguồn lực trên đã tạo điều kiện thuận
lợi thúc đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm
của Văn Chấn đạt 15%, trong đó nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,2%; công nghiệp
- xây dựng đạt 18,6%; thương mại - dịch vụ đạt 17%. Tổng sản phẩm (GDP) năm
2015 dự ước đạt 3.372 tỷ đồng, tăng 1.974 tỷ đồng so với năm 2010. Cơ cấu kinh
tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại -
dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản. Năm 2015, dự ước giá trị
công nghiệp - xây dựng chiếm 42,2%; thương mại - dịch vụ 29%; nông - lâm nghiệp
- thủy sản 28,8%. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai tại 28 xã trên
địa bàn, 16 xã đạt được từ 5 tiêu chí trở lên, trong đó 8 xã đạt từ 8 đến 10
tiêu chí, nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới bình quân trên 100 tỷ
đồng/năm.
Một tầm nhìn, ba đột phá
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ
2015 - 2020 sẽ tiến hành trong tháng 6 tới. Mục tiêu đề ra là tiếp tục xây dựng
huyện phát triển nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Yên Bái.
Ba đột phá là phát triển công nghiệp; xây
dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực
đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Phát triển công nghiệp, tiếp tục tập trung
vào chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến
khoáng sản, phát triển thủy điện, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm
2020 đạt 1.700 tỷ đồng trở lên.
Văn Chấn tiếp tục thu hút các nguồn vốn và
các nhà đầu tư để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng và lấp đầy Cụm công nghiệp Sơn Thịnh;
thành lập các cụm công nghiệp vùng thượng huyện và vùng ngoài huyện theo quy
hoạch đã được tỉnh phê duyệt; tập trung khai thác vật liệu xây dựng; chế biến
nông, lâm sản thực phẩm, chế biến khoáng sản chì, kẽm, sắt tinh tuyển; khuyến
khích đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su; chế biến gỗ ván ép; sản xuất
gạch; phân vi sinh; các cơ sở xay xát gạo xuất khẩu, chế biến hoa quả tươi; đầu
tư xây dựng các nhà máy thủy điện. Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
nhanh và bền vững, huyện tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là
giao thông nông thôn, phấn đấu là đến năm 2020 có 50% các tuyến đường liên thôn
bản thuộc các xã vùng cao được rải cấp phối hoặc đường bê tông xi măng; 100%
các tuyến đường liên thôn, bản các xã vùng thấp được bê tông hóa hoặc rải cấp
phối; 90% các tuyến đường huyện đến các xã được cải tạo nâng cấp bê tông xi
măng, nhựa.
Nhân tố con người, nguồn nhân lực, tập
trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục vùng cao; đầu tư
xây dựng cơ sở vật chất ngành giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào
sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề, địa bàn là nông thôn, đối tượng là nông dân.