Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nghĩa Lộ - Miền đất lịch sử và danh thắng

22/03/2015 07:32:34 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với một vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực Tây Bắc của Tổ quốc, Nghĩa Lộ bị các thế lực phong kiến, thực dân, đế quốc nhiều lần xâm chiếm. Nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ không chỉ cần cù trong lao động, sáng tạo các giá trị văn hóa mà còn có truyền thống đoàn kết đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước.

Trung tâm thị xã Nghĩa Lộ.

“Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng”

Cuối thế kỉ 19, dư Đảng của Thái Bình Thiên Quốc là bọn cờ vàng vượt biên giới sang cuớp phá nước ta. Năm 1872, bọn thoái binh cờ vàng do tên Dịp Tài chỉ huy ồ ạt tiến đánh Lục Yên, Mường Lò, mở đường đánh chiếm Sơn La. Cuộc chiến đấu của nhân dân Yên Bái, đặc biệt là nhân dân các dân tộc Mường Lò dưới sự chỉ huy của Cầm Ngọc Hánh diễn ra rất anh dũng, quyết liệt làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Song do không cân đối về lực lượng nên nghĩa quân bị thất bại, thủ lĩnh Cầm Hánh dùng thanh gươm chiến của mình tự sát để giữ tròn khí tiết. Cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm không thành nhưng đã khơi dậy ý chí đấu tranh quật cường của người Thái và bà con các dân tộc Mường Lò.

* Nguyễn Quang Bích

Nguyễn Quang Bích chính họ Ngô, tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, sinh ngày 8/4/1832, quê ở làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định đỗ tú tài năm Mậu Ngọ (1858), cử nhân năm Tân Dậu (1861). Ông là người tài năng đức độ xuất chúng nên được Vua, quần thân và nhân dân yêu mến khen là quan thanh liêm còn nhân dân gọi ông là “ Bụt sống”.

Khi thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Quang Bích đã tham gia chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương do vua Hàm Nghi ban chiếu, hoạt động trên một địa bàn khá rộng: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu. Năm 1886, Nguyễn Quang Bích quyết định xây dựng căn cứ tại vùng Nghĩa Lộ, Văn Chấn để chiến đấu với giặc lâu dài. Nghĩa quân của ông bao gồm người Kinh và các dân tộc ít người ở vùng Tây Bắc đã chiến đấu anh dũng và có nhiều trận đánh oanh liệt gây nhiều tổn thất cho giặc. Nhưng do thế yếu nên đã thua trận và rút lui về Quế Sơn (châu Yên Lập, Phú Thọ) rồi mất ngày 15 tháng Chạp năm Canh Dần (1890).

* Chiến thắng Nghĩa Lộ 18/10/1952 mở toang cánh cửa vào Tây Bắc, tạo bàn đạp cho quân ta giải phóng Điện Biên Phủ năm 1954

Chiến dịch Tây Bắc mở màn thắng lợi, Nghĩa Lộ, Văn Chấn và tỉnh Yên Bái được giải phóng hoàn toàn khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Chiến thắng Nghĩa Lộ có ý nghĩa hết sức to lớn: Đã đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của địch, mở thông đường vào Tây Bắc, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc; làm tiền đề thuận lợi cho các chiến dịch tiếp theo; tạo thế và lực cho trận quyết chiến, quyết thắng ở Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Nghĩa Lộ là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta,  là sức mạnh quật cường của một dân tộc khát khao độc lập, tự do, không cam chịu nô lệ. Chiến thắng Nghĩa Lộ là một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.

*Khu di tích lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ:

Khi thực dân Pháp chiếm đóng Nghĩa Lộ, đã cho xây dựng một hệ thống đồn, bốt dày đặc. Đồn Pú Chạng (Nghĩa Lộ đồi), đồn Nghĩa Lộ (Nghĩa Lộ phố) là một trong những cứ điểm mạnh của thực dân Pháp ở Tây Bắc. Năm 1952, chiến thắng Nghĩa Lộ đã san phẳng phân khu quân sự này, mở thông cánh cửa sang phòng tuyến sông Đà, góp phần vào chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu tại Điện Biên Phủ, chấm dứt cách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước ta.

*  Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: Với tấm lòng thành kính và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 1982, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc Văn Chấn – Nghĩa Lộ đã xây dựng công trình này. Ngày 14 tháng 7 năm 1997, Bộ Văn hóa thông tin đã ra quyết định công nhận Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thị xã Nghĩa Lộ thuộc hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh.

Với khuôn viên rộng hơn 2 ha, khu tưởng niệm bao gồm: Một ngôi nhà sàn mộc mạc, xinh xắn được thiết kế phỏng theo nhà sàn của Bác ở thủ đô Hà Nội; một ao cá rộng với vườn cây trái xanh tốt, trĩu quả đã gợi nhớ hình ảnh thân thương của Bác. Đây là nơi đảng bộ, chính quyền và bà con nhân dân các dân tộc trong khu vực thường xuyên thăm viếng, tỏ lòng thành kính và biết ơn Bác.

3075 lượt xem
Thanh Bình

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h