Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Yên Bái - Ninh Thuận thắm đượm nghĩa tình

23/03/2015 10:10:09 Xem cỡ chữ Google
Sau 40 năm kể từ Đại thắng mùa xuân năm 1975, "Bắc Nam sum họp một nhà". Yên Bái đã có nhiều đổi thay nhưng những đường, phường, rạp, trường học... mang tên "Yên Ninh" trên địa bàn thành phố Yên Bái luôn gợi trong mỗi người nhớ về những tình đoàn kết gắn bó anh em giữa hai tỉnh Yên Bái - Ninh Thuận và những người lính của các tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa, theo tiếng gọi của non sông lên đường vào Nam đánh Mỹ.

Những chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa.

Thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ở miền Bắc Việt Nam cùng với các phong trào thi đua như "Sóng Duyên Hải" trong công nghiệp, "Gió Đại Phong" trong nông nghiệp, "Cờ ba nhất" trong lực lượng vũ trang, "Hai tốt" trong trường học, "Thầy thuốc như mẹ hiền" trong ngành y tế, "Ba cải tiến" trong các cơ quan, "Ba đảm đang" trong phụ nữ, "Ba sẵn sàng" trong thanh niên, miền Bắc còn tổ chức các phong trào "Vì miền Nam ruột thịt" gắn bó hậu phương - tiền tuyến lớn, thắm đượm nghĩa tình Bắc - Nam để làm nên sức mạnh núi sông liền một dải đi đến ngày toàn thắng của dân tộc. Nổi bật là phong trào kết nghĩa Bắc - Nam giữa các thành phố, các tỉnh miền Bắc với các thành phố, các tỉnh miền Nam như: Hà Nội - Huế - Sài Gòn đã đi vào câu ca "Hà Nội - Huế - Sài Gòn như cây một gốc, như con một nhà", Hải Phòng - Đà Nẵng (Hải Phòng - Đà Nẵng - nặng lòng tình nghĩa)... Tác dụng thiết thực của phong trào kết nghĩa Bắc - Nam là động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam theo tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Miền Bắc đưa vào 50 vạn bộ đội, 25% số lương thực phục vụ chiến đấu, học tập và cổ vũ tinh thần hy sinh chiến đấu của quân, dân miền Nam thi đua giết giặc lập công giải phóng miền Nam, giữ vững thành trì của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Cùng với cả nước, sau lời tổng động viên của Bác Hồ tháng 7/1967: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người...", "Tất cả chi viện cho tiền tuyến...", "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập...", chỉ trong 2 năm (1967 - 1968) cùng một lúc Yên Bái xây dựng 4 tiểu đoàn gồm: Yên Ninh I, Yên Ninh II, Yên Ninh III và Yên Ninh IV, với gần 3.000 quân mang tên "Yên Ninh" lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Cái tên Yên Ninh của các tiểu đoàn được kết lại từ chữ "Yên" của tỉnh Yên Bái và chữ "Ninh" của tỉnh Ninh Thuận, thể hiện tình đoàn kết gắn bó máu thịt Bắc - Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy cam go, khốc  liệt ấy, các chiến sỹ của các tiểu đoàn Yên Ninh đã anh dũng chiến đấu bám trụ kiên cường, tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh lớn, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, các tiểu đoàn Yên Ninh giờ đây người còn người mất. Nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Các anh ra đi mang theo ý chí của quân và dân Yên Bái, mang theo lòng căm thù giặc Mỹ và ý thức trách nhiệm với miền Nam. Hôm nay, sống trong hòa bình, chúng ta vẫn luôn nhớ tới các anh - những người lính của các tiểu đoàn Yên Ninh, những người con của nhân dân các dân tộc Yên Bái đã đóng góp và hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường trong chiến tranh cách mạng, đem hết sức lực, trí tuệ vượt qua khó khăn, chiến đấu bảo vệ quê hương, khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng cả nước chi viện cho miền Nam, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong bộn bề khó khăn cả trong nước và quan hệ quốc tế vào thời điểm đó, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân từng bước giành được những thành tựu quan trọng, đẩy lùi khủng hoảng kinh tế - xã hội, góp phần cùng cả nước đưa cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Sau 40 năm kể từ Đại thắng mùa xuân năm 1975, "Bắc Nam sum họp một nhà". Yên Bái đã có nhiều đổi thay nhưng những đường, phường, rạp, trường học... mang tên "Yên Ninh" trên địa bàn thành phố Yên Bái luôn gợi trong mỗi người nhớ về những tình đoàn kết gắn bó anh em giữa hai tỉnh Yên Bái - Ninh Thuận và những người lính của các tiểu đoàn Yên Ninh năm xưa, theo tiếng gọi của non sông lên đường vào Nam đánh Mỹ.

Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cũng kể từ đó cho đến hôm nay, mối tình kết nghĩa thâm giao giữa hai địa phương vẫn duy trì và phát huy ngày càng bền chặt, thắm thiết hơn. Mặc dù, có khoảng cách khá xa về mặt địa lý song hai tỉnh thường xuyên duy trì mối quan hệ hợp tác, cùng nhau trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác lãnh đạo xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những biểu tượng của tình đoàn kết gắn bó keo sơn Yên Bái - Ninh Thuận đang hiện hữu hôm nay trong mối quan hệ hợp tác phát triển kinh tế hai địa phương là năm 2012, Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành, là một doanh nghiệp của tỉnh Ninh Thuận đã triển khai xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải;  sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại thôn Ngòi Sen, xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái, được xây dựng trên diện tích 32ha, tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng.

 Với dây chuyền xử lý rác chưa phân loại khép kín, sản phẩm trí tuệ độc quyền của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành có công suất xử lý 200 tấn rác/ngày được thu gom tại thành phố Yên Bái và các huyện lân cận sẽ góp phần giải quyết căn bản vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra trên địa bàn thành phố Yên Bái và các huyện lân cận trong tỉnh. Với lượng phân hữu cơ lớn từ 50 - 70% có trong rác thải sinh hoạt, Nhà máy xử lý rác thải, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh đi vào hoạt động còn cho ra các sản phẩm phân hữu cơ vi sinh cải tạo đất nông nghiệp và nhiều sản phẩm có ích khác như: hạt nhựa, phôi nhựa, bao bì, ván cốp pha, gạch cao su...

Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, Nhà máy xử lý rác thải, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại tỉnh Yên Bái đi vào hoạt động, giải quyết lao động việc làm mới cho khoảng hơn 300 lao động địa phương, có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra trên địa bàn thành phố Yên Bái, các huyện lân cận, mang lại hiệu quả về lợi ích kinh tế, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường của tỉnh.

Cùng với đó, trong những năm qua, các tổ chức chính trị xã hội, các ban, ngành, đoàn thể hai tỉnh Yên Bái - Ninh Thuận thường xuyên tổ chức gặp gỡ, giao lưu nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, ý nghĩa lịch sử của phong trào kết nghĩa hai miền Nam - Bắc những năm 60 của thế kỷ trước, tình đồng chí gắn bó keo sơn đoàn kết của thế hệ cha anh đi trước trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước thời kỳ đổi mới. Hai tỉnh tăng cường hoạt động giao lưu, học tập và trao đổi chia sẻ kinh nghiệm công tác, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội giữa hai tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái - Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.      

2778 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h