Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Hỗ trợ kịp thời, nông dân vượt khó

24/03/2015 16:01:32 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Từ chính sách nông nghiệp thực tế, hỗ trợ kịp thời và tích cực từ hội nông dân, những người nông dân với bản tính cần cù, siêng năng, sáng tạo đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.

Nhiều mô hình chăn nuôi lợn thịt của HVND huyện Trấn Yên cho hiệu quả kinh tế cao

Giúp nông dân có cái “cần câu”

Trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật có vai trò then chốt, giúp giảm tỷ lệ hao hụt, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng chất lượng sản phẩm. Nhận thức tầm quan trọng đó, hằng năm, hội nông dân các cấp phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên mở các lớp tập huấn, hội thảo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lớp học tại hiện trường, nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. 5 năm qua (2009 - 2014), Các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức được 7.574 lớp lớp tập huấn chuyển giao KH-KT cho 323.145 lượt HVND; xây dựng được 701 mô hình ứng dụng KH-KT mới vào sản xuất; tổ chức được 145 lượt thăm quan học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hàng năm Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố đã đứng ra tín chấp với Công ty Supe Lân Lâm Thao, công ty phân bón Apatit Lào Cai cung ứng 2.000 - 3.000 tấn phân bón trả chậm cho hàng chục nghìn HVND đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp...Bên cạnh đó phối hợp với Ngành Lao động thương binh xã hội tổ chức được 541 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 17.531 hội viên nông dân với chủ yếu là nghề trồng trọt, chăn nuôi thú y, xây dựng, sửa chữa xe máy...

Để nông dân có vốn sản xuất, Hội Nông dân tỉnh còn tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT tỉnh trên 184 tỷ đồng giúp cho gần 6 nghìn HVND mở rộng quy mô phát triển sản xuất; tín chấp với Ngân hàng CSXH tỉnh trên 506 tỷ đồng giúp cho gần 26 nghìn HVND nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm vốn đầu tư phát triển kinh tế hộ. Ngoài ra, từ quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, đã cho 106 hội viên nông dân vay vốn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Nhờ những chính sách và hỗ trợ kịp thời, người nông dân trên địa bàn tỉnh đã có động lực để phát triển sản xuất. Trong 5 năm, toàn tỉnh có 272.292 lượt hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và đã có 157.106 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Từ phong trào này, đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất như: Chăn nuôi cá lồng nước ngọt tại xã Phan Thanh, trồng cam sành tại xã Khánh Hòa, An Lạc, Mường Lai, huyện  Lục Yên; Sản xuất miến đao tại xã Phúc Lộc, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái; Sản xuất chổi chít hàng hóa tại phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ; Sản xuất lúa gạo chất lượng cao ở xã Phù Nham, xã Tú Lệ, vùng cam đường canh ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn; Chế biến gỗ rừng trồng tại xã Vĩnh Kiên, Yên Bình; Chế biến tre măng Bát Độ tại xã Kiên Thành, Trấn Yên; Chế biến tinh dầu quế tại xã Đại Sơn, Văn Yên. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đã xây dựng được thương hiệu như: Gạo nếp Tú Lệ, cam đường canh, chè Suối Giàng của huyện Văn Chấn; Tinh dầu quế của huyện Văn Yên; Miến đao của thành phố Yên Bái...

Những nông dân giàu nghị lực

Từ chính sách nông nghiệp thực tế, hỡ trợ kịp thời và tích cực từ hội nông dân, những người nông dân với bản tính cần cù, siêng năng, sáng tạo đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.

Gia đình anh Nguyễn Thành Thản, thôn 7 - thôn đặc biệt khó khăn của xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên là một trong những ví dụ điển hình trong việc vươn lên thoát nghèo.

Lập gia đình năm 2002, ra ở riêng nhưng vợ chồng anh Thản gặp vô vàn khó khăn do không có đất sản xuất, thiếu vốn, chỉ có 2 sào đất trồng lúa và 5.000 m2 trồng rừng. Mặc dù gia đình có nhiều cố gắng nhưng hàng năm vẫn lâm vào cảnh thiếu đói, địa phương và nhân dân đưa vào diện hộ nghèo của xã. Trước những trăn trở về thiếu vốn, thiếu lao động, vợ chồng anh đã bàn cách làm thế nào để thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Thông qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương và các vùng lân cận, năm 2010 anh đã mạnh dạn tham gia dự án chăn nuôi bò nái sinh sản cho hộ nghèo ở thôn đặc biệt khó khăn và được Ngân hàng CSXH cho vay 6 triệu đồng, anh em, láng giềng giúp đỡ anh mua một con bò với trị giá 15 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn vay mượn nuôi lợn nái, nuôi gà và trồng rừng… ngoài thời gian nông nhàn anh còn đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.

Anh Thản cho biết: “Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, tổ chức hội nông dân tôi đã được tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, qua đó đã giúp tôi nâng cao được nhận thức và kỹ thuật từ đó áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình ngày càng hiệu quả hơn”. Hiện nay, gia đình Thản đã thoát nghèo, mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/người/tháng.

Cũng giống như Thản, anh Nguyễn Văn Tươm, thôn Yên Định, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cũng xuất thân từ gia đình làm nông, nên cuộc sống cũng không có gì khá giả. Anh cũng phải đi làm thuê ăn lương công nhật ở khắp nơi trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Lang bạt khắp các địa phương, lại xa quê hương nên cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Nhiều đêm anh trằn trọc “nhiều người, nhiều hộ gia đình cũng chỉ sản xuất nông nghiệp tại gia đình mà cũng giàu có, mà gia đình mình có đất đai rộng rãi, có lao động sản xuất mà tại sao cứ nghèo mãi”. Từ suy nghĩ đó, anh quyết chí trở về quê hương và quyết tâm phát triển kinh tế ngay tại chính mảnh đất quê hương mình.

Anh Tươm cho biết: “Nghĩ thì như vậy thôi, nhưng lúc đó không biết làm bằng cách nào, tiền thì không có, kiến thức thì hạn chế, cây lúa, cây ngô cũng chỉ đủ ăn cho gia đình. May sao tôi được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT, được giới thiệu đi tham quan các mô hình điển hình tiên tiến về sản xuất kinh doanh trong huyện, trong tỉnh và các địa phương khác do Hội nông dân tổ chức. Từ đó gia đình tôi quyết tâm đưa hết sức vào lao động sản xuất.”

Những năm 2008 - 2009, nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách, gia đình anh bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi lợn. Năm 2010, sau khi được đi tham quan một số mô hình tại các địa phương, anh tiếp tục mở rộng ngành nghề sản xuất, lấy ngắn nuôi dài tập trung nuôi lợn, nuôi gà, nuôi cá, khi có vốn thì mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng trang trại tổng hợp. Sau hơn 5 năm tập trung cho sản xuất, đến nay gia đình anh đã xây dựng được trang trại nuôi lợn có quy mô lớn hằng năm xuất chuồng 400 con lợn thịt, doanh thu 280 triệu đồng/năm; 20 con lợn nái cho doanh thu 80 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, chăn nuôi gà hàng năm xuất chuồng 6 tấn gà thịt, doanh thu 50 triệu/năm. Sản xuất đào cảnh 1.300 gốc/năm, doanh thu 200 triệu đồng/năm. Nuôi cá và các phụ phẩm nông nghiệp cho doanh thu trên 50 triệu đồng/năm. Trừ chi phí sản xuất, trả lương nhân công, thu nhập hàng năm của gia đình khoảng 300 triệu đồng. Tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động chính và 5 - 10 lao động theo thời vụ thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay gia đình anh đã xây được nhà ở khang trang và mua sắm đầy đủ các loại phương tiện, trang thiết bị sinh hoạt cũng như máy móc, vật tư phục vụ cho sản xuất, nuôi dạy các con ăn học.

Câu chuyện của anh Thản, anh Tươm cũng là câu chuyện của hàng ngàn nông dân dám nghĩ dám làm khác trên khắp các địa phương trong tỉnh. Họ là những nhân tố quan trọng đóng góp công sức không nhỏ trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

2626 lượt xem
Hiền Trang

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h