Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Ẩm thực >> Văn hóa - Xã hội

Bánh dày người của người Mông Mù Cang Chải - Yên Bái

08/07/2019 16:52:31 Xem cỡ chữ Google
Đến mảnh đất vùng cao Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái vào khoảng tháng 9 hay tháng 10, du khách không chỉ được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín mà còn được hòa mình với các lễ hội, phiên chợ vùng cao và thưởng thức các món ẩm thực mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào nơi đây, trong đó có món bánh dày đặc sản của đồng bào dân tộc Mông Mù Cang Chải.

Những chiếc bánh dày đồng bào Mông hoàn chỉnh được bày trên mẹt tre

Với người Kinh, bánh Chưng là biểu tượng cho Tết, cho trái đất vuông tròn đầy đủ, còn với người Mông bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông, bánh dày còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên Trái đất.

Theo những già làng người Mông kể lại: Thủa xưa có chàng trai người Mông tên là  Nù Plai bị thần Hổ về bản bắt mất người yêu, Plai buồn lắm, chàng đau khổ đến quên ăn quên ngủ và quyết tìm gặp thần Hổ để đòi lại người yêu. Đường núi xa xôi hiểm trở, để đến nơi thần Hổ giam giữ người mình yêu, Plai phải lội qua bao thác ghềnh, vực sâu. Plai đã nghĩ ra cách nấu gạo nếp nặn thành bánh (nay gọi là bánh dày) làm lương thực để đi tìm lại người yêu. Qua bao gian nan khổ ải, Plai đã tìm được nơi ở của thần Hổ. Cảm động trước tình yêu của chàng trai người Mông, thần Hổ đã trả lại người yêu cho chàng. Từ đó, chiếc bánh dày đã trở thành biểu tượng của tình yêu thủy chung đôi lứa của trai gái người Mông. Sự tích về bánh dày biểu tượng cho tình yêu của trai gái Mông đã đi vào cuộc sống, trở thành nét đẹp văn hoá trong cuộc sống của đồng bào.

Đội xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải trong lễ hội thi giã bánh dày của đồng bào Mông

Bánh dày truyền thống của người Mông được làm từ gạo nếp nương thơm dẻo. Thóc nếp được chọn phải là nếp vùng cao không pha tạp. Gạo đồ xôi làm bánh dày được giã thủ công, do vậy khi thóc phơi cũng phải đủ nhiệt độ để khi xay sát hạt gạo không bị gẫy nát mà vẫn giữ được vị thơm ngon, còn nguyên lớp mịn bám ngoài hạt gạo để tăng hương thơm và và độ dẻo cho bánh.

Gạo nếp được vo qua, ngâm bằng nước suối nguồn từ 2 đến 3 tiếng sau đó vớt ra để ráo nước rồi cho vào chõ để đồ xôi. Chõ xôi được làm bằng gỗ, cối giã bánh dày cũng được làm bằng thân cây gỗ chắc thớ mịn và khoét rỗng ruột như chiếc thuyền độc mộc. Tranh thủ khi nóng phải giã thật nhanh cho thật mịn nếu để nguội thì khó thực hiện, yêu cầu là người giã phải khỏe mạnh và khéo léo, thường là hai thanh niên đứng hai bên máng để giã. Sau khi giã thật nhuyễn họ nặn thành từng nắm để cho vào mẹt, với bàn tay khéo léo và tỉ mỉ  thường là của người phụ nữ nặn thành từng cái hình tròn dẹt, khum khum và cho vào mẹt có quấn theo lá dong tươi hay lá chuối xanh để ngăn những chiếc bánh kết dính với nhau. Mùi thơm của lá dong, lá chuối càng góp phần làm cho món bánh thêm đậm chất đồng quê, gần gũi với những con người cần cù lao động, thật thà và chất phác. Trước khi đó các mẹt để chứa bánh giầy đã được rửa thật sạch và đươc bôi trơn bởi hỗn hợp mỡ và một ít sáp ong đun lên, khi cho bánh dày vào mẹt sẽ không bị kết dính mà dễ thực hiện động tác nặn hơn. Nhiều nơi khác, người ta còn cho quả trứng gà lăn đi lăn lại đều trong mẹt tránh để những chiếc bánh kết dính với nhau. Ở Mù Cang Chải, chủ yếu là sử dụng hỗn hợp mỡ và sáp ong đun nóng lên. Một điều đặc biệt là trong khi các chàng trai giã bánh thì thường các cô gái sẽ thầm lặng quan sát và có sự lựa chọn khôn khéo người bạn đời cho mình. Bởi vì, theo quan niệm của các cô gái người Mông phải lấy được anh chàng nào cao to vạn vỡ, khỏe mạnh thì mới có sức vác gỗ, cày bừa được mùa như ý, chăm lo được cho gia đình sau này.

Bánh dày của người Mông Yên Bái ăn ngon hơn khi còn nóng hổi mới làm xong, để thưởng thức trọn vẹn vị thơm ngon riêng biệt của miền sơn cước. Bánh có thể rán hay nướng lên để ăn và tuyệt vời hơn khi chấm với mía đường hoặc mật ong. Đến với Mù Cang Chải, mỗi du khách đều không  thể bỏ qua đặc sản bánh dày chấm với mật ong. Đây là một cách thưởng thức mà bất cứ ai cũng khó có thể quên về đặc sản bánh dày của dân tộc Mông. Đặc biệt là vào ngày tết của người Mông Mù Cang Chải, khi đến chơi nhà dù là người lạ hay người thân đều có quà bánh dày để mang về, mặc dù nhà nào cũng giã cho ngày tết nhưng đó là tấm lòng của gia chủ mong muốn người nhận có một năm mới an khang sung túc, làm ăn được mùa.

Với bánh dày, rất nhiều dân tộc khác cũng có, nhưng cách làm và hương vị của nó cũng rất khác và cũng thật khó để lý giải được mùi vị đặc trưng của nó. Vì vậy, bạn hãy đến với quê hương Mù Cang Chải để một lần được thưởng thức món quà của thiên nhiên và trực tiếp quan sát cách làm đầy nghệ thuật của đồng bào dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

 

 

6844 lượt xem
Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h