5 năm, một chặng đường chưa hẳn đã là dài
đối với sự đi lên và phát triển của một huyện vùng cao như Trạm Tấu. Song,
trong 5 năm ấy, Trạm Tấu đã viết tiếp những huyền thoại về những con đường ý
Đảng, lòng dân, vươn lên những đỉnh non xanh cao vời vợi, từ đó, có điện, có
trường, có trạm, có những quán "cóc" mang hương vị phố huyện về nơi
thâm sơn cùng cốc. Những cái tên như: Giàng La Pán, Háng Chi Mua, Đề Chơ, Làng
Mảnh… một thời chưa mấy ai biết đến, nay trở nên gần lại, đời sống vật chất và tinh
thần của người dân nâng lên rõ rệt.
Chúng tôi về Bản Mù những ngày đầu năm mới
2015. Trong cái nắng xuân ấm áp, con đường bê tông uốn lượn như một dải lụa
khổng lồ vắt quanh triền núi. Ven đường, những thửa ruộng bậc thang đang phủ
một màu xanh non mượt mà của lúa xuân đang thì con gái. Các bà, các mẹ đi
làm ruộng còn treo lủng lẳng mấy chai nước ngọt, vừa đi vừa nói chuyện làm ăn.
Chị Trang Thị May, đồng nghiệp của tôi vốn
sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này cười mỏi miệng vì liên tục gặp người quen.
Chị chia sẻ: "Thuở nhỏ, đến nằm mơ cũng chẳng nghĩ được một ngày đường ô
tô về tận trụ sở, xe máy về tận bản Mù Cao nhà mình. Khi đường được mở, người
dân vỡ òa trong niềm sung sướng, rồi cũng đành bằng lòng với việc xe máy đi xóc
long sòng sọc, đến nỗi rơi cả biển số, gãy càng xe nên đường bê tông làm về tận
trụ sở xã, đi từ trụ sở về đến huyện chỉ 30 phút, dân bản vui lắm. Hàng hóa
người ta chở về bán tận bản, người dân mở quán bán hàng phục vụ cho bà con
trong xã, không phải vất vả đi mấy ngày đường mới đến chợ như trước đây
nữa". Nói rồi chị May nhẩm tính, thôn Mù Cao nhà chị cách trụ sở hơn 10km
nay đã có quán nhà chị Lò Thị Thạo, quán nhà anh Trang A Chư...
Những thực phẩm thiết yếu như: mắm, muối, bánh kẹo, dầu ăn, trứng gà, cá khô,
lạc, thậm chí là dầu gội đầu (một mặt hàng tiêu dùng cách đây chưa đầy 10 năm
người dân còn không biết nó là cái gì) nay không bao giờ thiếu.
Mấy câu chuyện về lúa, ngô, khoai, sắn
khiến con đường về Bản Mù đã ngắn còn ngắn hơn, thoáng cái đã đến trung tâm xã.
Đúng là về quê nhà mình nên chị đồng nghiệp của tôi cứ "xì xồ" tiếng
bản địa, rồi lại phiên dịch lại cho tôi hiểu. Già làng Trang Nủ Cao hôm nay
xuống trụ sở họp cười phớ lớ, ông nói bằng giọng tiếng phổ thông khá sõi:
"Bản Mù xưa chỉ được biết đến như "thủ phủ" của thuốc phiện với
đói nghèo, lạc hậu, phá rừng, đẻ nhiều. Người ta chỉ lên Bản Mù khi bắt buộc
phải đến, cán bộ lên Bản Mù công tác chỉ có ăn lương khô, dọc đường uống nước
suối, ăn rau rừng, nay, nhờ có Đảng mở đường, quán xá sẵn lắm rồi nhé! Ngoài 4 quán
bán hàng khô còn có nhà Giàng A Chang mở hẳn một quán ăn lúc nào cũng đông
khách, rồi còn mở cả quán bán thịt lợn phục vụ cho nhân dân. Người dân trong
bản hầu như nhà nào cũng có xe máy. Cán bộ huyện, cán bộ xã đi về với dân bản
cũng thường xuyên hơn".
Rồi vẫn cái giọng choang choang, già làng
Trang Nủ Cao khoe: "Hôm rảnh rỗi, thằng con trai cao hứng, đưa bố từ Mù
Cao xuống chợ huyện ăn phở. Ngày trước, đi huyện cả ngày mới đến nơi. Phở như
thế nào còn không biết chứ đừng nói đến mùi phở. Thế mà bây giờ, vèo một cái
đến nơi, đường từ bản về trụ sở còn khó khăn một chút, chứ từ trụ sở về huyện
cứ êm ru. Có được ngày hôm nay là nhờ có Đảng quan tâm. Dân bản ơn Đảng, Nhà
nước nhiều lắm!".
Trụ sở xã Bản Mù thoáng cái đã đông các già
làng, trưởng bản, người có uy tín về họp, đồng chí Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã
phấn khởi lắm: "5 năm về trước thôi, muốn có một buổi họp, cán bộ xã phải
mất đến 2 ngày đi gọi. Từ khi mở đường, cuộc sống của người dân trong xã thay
đổi hẳn. Có đường, các dự án đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, điện lưới quốc
gia về các bản làng, nông sản của người dân được trao đổi mua bán thuận tiện,
đặc biệt là có sóng điện thoại, 1 phút "alo" giải quyết bao nhiêu
việc". Nhẩm tính trong 5 năm trở lại đây, Bản Mù được đầu tư trên 16,7 tỷ
đồng để mở trên 32km đường đất, bê tông... tạo ra mạng lưới giao thông liên
hoàn.
Đồng chí Mùa A Tháy - Trưởng thôn Háng Chi
Mua cho biết: "Đường là nỗi lo lớn nhất đã được Đảng, Nhà nước làm cho
dân, với chiều dài 2,5km. Giờ đây, vận chuyển nông sản đi bán là chuyện đơn
giản, vì vậy, người dân yên tâm lao động sản xuất, không còn tình trạng di cư
tự do, đồng bào tiếp cận nhanh với các chính sách mới của Đảng, công tác tuyên truyền
vận, động thuận lợi, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu. Đồng bào lương giáo sống đoàn
kết, thực hiện có hiệu quả các chương trình đầu tư của Nhà nước".
Cũng giống như ở Bản Mù, đời sống đồng bào
Mông xã Bản Công đã có những đổi thay rõ rệt. 5 năm, xã mở mới 27,2km đường
giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 10,7 tỷ đồng, nhiều tuyến đường khó
khăn đã được mở nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng thuận trong lòng dân, đó là
tuyến Tà Chử - Háng Là 1,4km, tuyến Trống Tông - Dê Đám 2,3km. Mở đường ở vùng
cao là những câu chuyện như cổ tích. Đó là những ngày tháng cheo leo giữa những
đỉnh núi cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, là những tấm gương sẵn sàng
hiến đất mở đường như: Giàng A sinh, Giàng A Do, Tráng A Tráng, Giàng A Lềnh…
Già làng Hảng A Ly ở thôn Kháu Chu chia sẻ:
"Trước đây, người dân có nằm mơ cũng không nghĩ rằng hôm nay được ngồi xe
máy về tận cửa, nhờ đó, ngô lúa làm ra có người về tận bản thu mua. Đúng là có
Đảng quan tâm, giấc mơ của người dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn hoàn
toàn có thể thực hiện được". Có đường, diện mạo nông thôn miền núi ở đây
đã đổi thay rõ rệt. Hàng chục công trình được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.
Nhờ đó, kinh tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển đáng kể, an ninh trật tự
được giữ vững. Đây cũng là xã đầu tiên thuộc 10 xã vùng cao của huyện mạnh dạn
đăng ký xã "trắng" về trồng thuốc phiện.
Lãnh đạo huyện Trạm Tấu thăm hỏi,
động viên các lực lượng tham gia mở đường.
Đồng chí Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã cho
biết: "5 năm qua, kinh tế của xã đã có những thay đổi đáng kể, tỷ lệ hộ
nghèo giảm từ trên 70% xuống còn 63,1%, những tập tục lạc hậu như người chết để
lâu trong nhà, thách cưới cao... dần dần được cải tạo. Kết quả đó là nhờ sự
quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đặc biệt việc mở mới hệ thống đường giao thông
liên thôn, bản, tạo thuận lợi cho người dân giao lưu, buôn bán, tiếp cận với
cái tiến bộ. Người già trong xã thường ví những con đường về bản giống như mạch
máu lên não, máu lưu thông não mới hoạt động tốt được".
Trạm Tấu là huyện miền núi, giao thông đi
lại khó khăn, với diện tích tự nhiên trên 74.618ha nhưng không biết phải trải
qua bao nhiêu dãy núi cao, bao nhiêu vực sâu thăm thẳm. Ấy vậy, nhờ có sự quan
tâm của Đảng, sự đồng thuận của lòng dân, huyện đã lập nên những kỳ tích trong
việc mở đường giao thông nông thôn về những bản làng vùng sâu, vùng xa. Trong 5
năm, huyện đã nâng cấp và kiên cố hóa 58,6km mặt đường bê tông, nâng cấp và mở
mới trên 276km đường đất.
Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy
cho biết: "Đường giao thông thuận lợi là cơ sở vững chắc cho huyện thực
hiện thắng lợi nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo. 5 năm qua, nhờ có đường, các công
trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện được đẩy nhanh tiến độ thi
công, đã có 45 công trình cho giáo dục, 2 cầu treo, 10 công trình nước sạch, 2
trụ sở UBND xã, 25 công trình thủy lợi, 1 nhà văn hóa và 4 trạm y tế được triển
khai thi công, nâng cấp và đưa vào sử dụng, làm thay đổi diện mạo nông thôn
miền núi, từ đó, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục có bước phát triển đáng kể.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 70% xuống còn
56,27%".
5 năm phá đá, mở đường, với mấy ngàn lượt
cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và người
dân tham gia mở đường, Trạm Tấu đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới. Trên
lưng đèo, ven suối, người dân hăng say thi đua lao động sản xuất, ca khúc
"Người Mèo ơn Đảng" còn mãi ngân vang.
(Theo Báo Yên Bái)