Dự hội nghị có đồng
chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí
Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban
Chỉ đạo Tây Bắc; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo
Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành,
địa phương; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Bắc;
đại diện các tổng công ty, các doanh nghiệp của các tỉnh Tây Bắc cùng đông đảo
nhân dân Thị trấn Mộc Châu và huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Về phía tỉnh Yên
Bái, dự lễ công bố có đồng chí Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND
tỉnh Yên Bái; đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo
Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương và đại diện 6 doanh
nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh.
Hội nghị xúc tiến
đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc năm 2015 nhằm giới
thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế của vùng Tây Bắc; Huy động rộng rãi các
nguồn tài trợ gắn với đổi mới phương thức triển khai, nâng cao hiệu quả công
tác an sinh xã hội. Tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận các dự án trọng điểm,
tìm hiểu cơ chế, chính sách ưu đãi tại các địa phương trong vùng.
Trong những năm
qua, vùng Tây Bắc đã được Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt và có nhiều chính
sách đầu tư, ưu đãi nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội thông qua các
chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, các dự án quốc gia, dự án sử
dụng trái phiếu chính phủ…Thêm vào đó các địa phương trong vùng cũng được hưởng
những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như thuê đất và được sự hỗ trợ
tích cực của các cấp chính quyền địa phương trong quá trình cấp giấy chứng nhận
đầu tư và thực hiện dự án…Nhờ vậy, kinh tế xã hội của vùng có những chuyển biến
rõ rệt. Tăng trưởng GDP toàn vùng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 9,54%, cơ
cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người hiện
đạt 24,7 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 26.000 tỷ
đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2014 còn 18,2%. Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là
vùng nghèo nhất so với cả nước với cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, lúng túng,
hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung
còn yếu kém. Thu ngân sách mới đáp ứng được gần 1/3 chi ngân sách địa phương.
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân các thôn bản vùng sâu, vùng xa gặp
nhiều khó khăn.
Nằm trong khu vực
Tây Bắc, Yên Bái có nhiều thế mạnh về nông, lâm nghiệp, về tiềm năng khoáng sản
và cảnh quan thiên nhiên, với danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang
Chải, hồ Thác Bà, Khu du lịch Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò…Đây là điều kiện
thuận lợi để Yên Bái khai thác, phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp và du
lịch. Thêm vào đó, Yên Bái còn có địa thế thuận lợi khi nằm ở trung tâm của
vùng trung du Bắc Bộ và là một trong những trung tâm đào tạo nghề thứ tư của
khu vực phía Bắc, mỗi năm đào tạo nghề cho trên 100 nghìn lao động. Số người
trong độ tuổi lao động là trên 414 nghìn người. Yên Bái hiện có 5 khu công
nghiệp với tổng diện tích 794ha, trong đó có 3 khu công nghiệp quốc gia, 2 khu
công nghiệp của tỉnh và 13 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 452 ha. Nhiều dự
án đầu tư tại các khu công nghiệp đã hoạt động hiệu quả như Khu công nghiệp
phía Nam, Khu công nghiệp Minh Quân, Khu công nghiệp Âu Lâu, Khu công nghiệp
Bắc Văn Yên.
Đồng chí Phạm Duy Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái thăm gian hàng trưng bày của tỉnh Yên Bái tại hội nghị
Với những lợi thế
đó, Yên Bái đã xác định tập trung phát triển công nghiệp với việc thực hiện tốt
các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp như hỗ trợ
50% kinh phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ lãi suất đầu tư khi vay vốn, tạo môi
trường thông thoáng khi các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Yên Bái… Nhờ đó, trong
quý I/2015, đã có 7 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng mức đầu
tư là 1,79 triệu USD (tương đương 37,68 tỷ đồng), tăng 37% so với cùng kỳ.
Hội
nghị đã nghe phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tín dụng
đầu tư và công tác an sinh xã hội vùng Tây Bắc; phát biểu của Giám đốc Ngân
hàng Thế giới tại Việt Nam và tập trung thảo luận vào các vấn đề phát triển
kinh tế và an sinh xã hội vùng Tây Bắc. Trong đó làm rõ những hạn chế, bất cập,
đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách vào các lĩnh vực trọng tâm như: Đầu tư
khai thác thế mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp ở các tiểu vùng, đầu tư phát triển
công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản; phát triển dịch vụ du
lịch, khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trên địa bàn
Tây Bắc; phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu; khai thác chế biên khoáng sản, vật
liệu xây dựng, phát triển thủy lợi vừa và nhỏ gắn với thủy điện theo quy hoạch;
đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và các cơ sở sản xuất kinh doanh dọc các
tuyến giao thông trọng điểm; Tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương trong
và ngoài vùng; Đổi mới cách thức thực hiện xúc tiến đầu tư; Chủ động thông tin
cho các nhà đầu tư về chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa
phương…
Phát
biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn
Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo
Tây Bắc đã đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu,
hoàn thiện cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển vùng Tây Bắc, giúp đỡ tạo
điều kiện cho các địa phương; Huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế
xã hội; Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình ứng dụng chuyển giao
khoa học công nghệ, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực, liên kết phát
triển, liên kết hạ tầng, liên kết ngành, liên kết vùng trong lĩnh vực sản xuất,
du lịch, dịch vụ. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh trong vùng xây dựng tuyến
biên giới hòa bình hữu nghị, xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn nhà đầu tư;
Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ổn
định dân cư, đào tạo lao động, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa
các dân tộc; Củng cố hệ thống chính trị, cơ sở vững mạnh; Phổ biến những mô
hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tiêu biểu để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Nhân
dịp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện ký kết với 17 dự án thuộc 4
tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng với tổng vốn đầu tư gần 12 nghìn
tỷ đồng. Lãnh đạo UBND các tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án của
8 tỉnh với tổng vốn đầu tư 9.899 tỷ đồng, trong đó tỉnh Yên Bái có 2 dự án được
cấp vốn đầu tư là dự án tổ hợp sân Golf Ngôi sao Yên Bái và dự án đầu tư xây
dựng nhà máy sản xuất chì kim loại. Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công thương cũng
đã biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu của vùng Tây Bắc trong thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện ký kết với 17 dự án thuộc 4
tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng với tổng vốn đầu tư gần 12 nghìn
tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND các tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án của
8 tỉnh với tổng vốn đầu tư 9.899 tỷ đồng
Ra mắt hiệp hội các doanh nghiệp vùng Tây Bắc