Được biết, chỉ với quãng chiều dài khoảng 2
cây số của quốc lộ 32 đi qua trung tâm xã nhưng có tới hơn 4 chục điểm kinh
doanh dịch vụ. Đặc biệt, các dịch vụ kinh doanh ở đây khá đa dạng và sôi động
không thua kém gì so với thị trấn Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Trong đó, riêng các điểm kinh doanh dịch vụ
ăn uống, nhà nghỉ có tới gần chục cơ sở và có tới 3 nhà nghỉ bảo đảm nhu cầu
cho hàng chục khách lưu trú và phục vụ từ vài chục đến cả trăm thực khách cùng
ăn một lúc. Các dịch vụ nổi bật khác như: sửa chữa điện tử, điện lạnh, mua bán
và sửa chữa xe máy, điện thoại di động, máy nông nghiệp, kinh doanh vận tải, đồ
gia dụng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, dịch vụ mua bán nông sản, hàng
may mặc… Điều đáng mừng đối với một xã chủ yếu đồng bào Thái là đã có sự tham
gia chủ yếu của bà con địa phương vào hoạt động kinh doanh ở đây.
Vì sao Tú Lệ lại có sự thay đổi nhanh chóng
như vậy? Lãnh đạo địa phương cho biết, điểm thuận lợi trước hết là do xã nằm
ngay trên quốc lộ 32 và đường được đầu tư tốt nên những năm qua việc giao lưu
kinh tế, xã hội giữa các vùng, nhất là hoạt động du lịch qua tuyến này lên Sa
Pa và du lịch theo tuyến Tây Bắc khá nhộn nhịp và Tú Lệ là điểm dừng chân thích
hợp cho lộ trình từ Hà Nội lên và từ Lào Cai, Lai Châu đi xuống. Đồng thời, Tú
Lệ cũng giữ vị trí đầu mối giao lưu hàng hóa ở vùng này với các xã Cao Phạ, Nậm
Có (huyện Mù Cang Chải) có số dân khá đông và điều kiện kinh tế phát triển thì
nhu cầu đầu tư cho chất lượng cuộc sống ngày càng cao.
Nguyên nhân quan trọng nữa là bà con ở đây
đã năng động hơn và mạnh dạn đầu tư vốn để khai thác các lợi thế tự nhiên và
lợi thế sản xuất nông, lâm nghiệp. Chẳng hạn, bà con đã nắm bắt được tâm lý khi
khách đi qua đây đều muốn dừng chân để mua cốm, gạo nếp Tan thơm ngon nổi
tiếng, mật ong rừng, sơn tra, măng ớt, măng sặt. Hoặc là, dừng chân ở đây khách
sẽ muốn thưởng thức xôi nếp cùng các loại thịt lợn, thịt gà, cá suối… đều là
những thứ đặc sản mang hương vị của núi rừng và được tắm suối khoáng nóng để
mang lại những cảm giác khoan khoái sau một lộ trình dài. Do vậy, bà con người
Thái ở đây đã có những hình thức kinh doanh, dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu của du
khách…
Những đổi thay trong giao lưu thương mại ở
khu trung tâm xã đã tác động mạnh đến hoạt động kinh tế chung của cả xã. Trong
những năm gần đây, từ một xã nghèo và khó khăn về nguồn thu, Tú Lệ đã trở thành
địa phương luôn hoàn thành thu ngân sách thu ngân sách sớm nhất trong huyện.
Điển hình như năm 2014, tổng thu ngân sách của xã đạt gần 2 trăm triệu đồng thì
số thu từ thương mại, dịch vụ là chủ yếu.
Nhờ hoạt động thương mại, dịch vụ phát
triển nên bà con ở các thôn, xã khác cũng thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ
nông lâm sản đặc sản, giải quyết được vấn đề việc làm. Hàng hóa phong phú, giá
cả cạnh tranh nên người dân được sử dụng hàng hóa, máy móc, vật tư sản xuất với
giá hợp lý, tiện lợi, chất lượng cao để phát triển kinh tế. Đời sống dân trí đã
được mở mang hơn nhờ giao lưu trên nhiều phương diện ngay tại địa phương.
Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cũng nhận
thấy những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết, thậm chí còn có dấu hiệu
lãng phí như trường hợp vào những dịp tuần lễ văn hóa, du lịch Danh thắng quốc
gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải thì vẫn không đủ chỗ nghỉ cho du khách. Việc
kinh doanh ăn uống không đáp ứng được lượng khách quá đông khiến khách không có
cơ hội thưởng thức các món đặc sản ở đây. Nhiều loại hàng nông, lâm sản du
khách muốn mua như gạo nếp, măng ớt, mật ong… nhưng đôi khi không đủ cung ứng
hoặc khâu đóng gói không bảo đảm để vận chuyển. Các điểm suối khoáng nóng chưa
được đầu tư cơ sở vật chất để nhiều người cùng được thưởng thức… Đây là những
vấn đề địa phương sẽ phải quan tâm nhiều hơn trong tương lai để những tiềm năng
của Tú Lệ tiếp tục phát huy cao hơn hiệu quả kinh tế.