P.V: Xin đồng chí cho biết vai trò của LĐLĐ trong công tác ATVSLĐ-PCCN?
Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Với phương châm “Đảm bảo an toàn lao động, vì người lao động (NLĐ) là vốn quý nhất của doanh nghiệp”, các cấp công đoàn đã và đang tham gia tích cực vào vận động doanh nghiệp, NLĐ chủ động thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN. Với chức năng tham gia quản lý về ATVSLĐ-PCCN để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), tổ chức công đoàn đã góp phần đáng kể vào việc từng bước đưa ATVSLĐ-PCCN vào nền nếp, trở thành yếu tố không thể thiếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mỗi doanh nghiệp. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp kiện toàn bộ máy làm công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) và mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV). Thông qua hội thi ATVSV giỏi cấp cơ sở do công đoàn phát động, nhiều chính sách, chế độ BHLĐ mới, kiến thức về kỹ thuật ATVSLĐ-PCCN đã được phổ biến tới NLĐ và người sử dụng lao động (SDLĐ).
Công đoàn phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về ATVSLĐ-PCCN ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị, doanh nghiệp; xây dựng chương trình tập huấn cho CNVCLĐ, người SDLĐ; huấn luyện sơ cấp cứu tai nạn lao động (TNLĐ) cho mạng lưới ATVSVcác doanh nghiệp, thăm gia đình đoàn viên, CNVCLĐ bị chết, bị thương nặng trong các vụ TNLĐ, khám sức khỏe cho NLĐ; tăng cường công tác tư vấn pháp luật lao động, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ-PCCN tới CNVCLĐ, người SDLĐ; phối hợp tổ chức điều tra các vụ TNLĐ và xử lý các vi phạm về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp trên địa bàn kịp thời, hiệu quả. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp với người SDLĐ thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, ngăn ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, phát động phong trào "Xanh-Sạch-Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ", tổ chức phát động và hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN đến 100% đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
P.V: Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2014, LĐLĐ tập trung vào những vấn đề gì trong chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN?
Ông Nguyễn Ngọc Thanh: LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung phối hợp đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia theo hướng dẫn của ban chỉ đạo các cấp với những nội dung thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, doanh nghiệp. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người SDLĐ và NLĐ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác BHLĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, giúp NLĐ hiểu về ATVSLĐ-PCCN từ đó biết cách tự bảo vệ chính mình, vận động CNVCLĐ và người SDLĐ thực hiện các biện pháp về công tác BHLĐ, kiện toàn mạng lưới làm công tác ATVSLĐ trong từng cơ sở để hạn chế thấp nhất các vụ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Công đoàn cùng người SDLĐ xác định công tác BHLĐ, ATVSLĐ-PCCN là một trong những chỉ tiêu thi đua, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, gắn việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng kế hoạch BHLĐ của ngành, địa phương, doanh nghiệp. Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ-PCCN tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp ký cam kết thi đua thực hiện tốt công tác này. Chỉ đạo các cấp công đoàn điều tra, rà soát số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phân loại doanh nghiệp theo lĩnh vực ngành nghề, nắm chắc số lượng các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ để phối hợp chỉ đạo các doanh nghiệp sắp xếp tổ chức sản xuất hợp lý, tăng cường đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất, thường xuyên chăm lo kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác BHLĐ…
P.V: Qua công tác chỉ đạo, kiểm tra, LĐLĐ tỉnh đánh giá công tác ATVSLĐ-PCCN tại các công đoàn cơ sở (CĐCS) được thực hiện như thế nào và thường gặp phải những khó khăn gì trong đảm bảo ATVSLĐ-PCCN?
Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Năm qua, các CĐCS trong tỉnh đã có nhiều biện pháp và giải pháp để thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Trong đó chủ yếu tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và công đoàn, nhất là những nội dung có liên quan tới công tác BHLĐ, ATVSLĐ-PCCN. Nhiều CĐCS đã tổ chức có hiệu quả “Ngày pháp luật”, chủ động phối hợp với người SDLĐ lập kế hoạch thực hiện các chương trình về ATVSLĐ-PCCN, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm... trong phạm vi đơn vị; tham gia góp ý vào các văn bản pháp luật về BHLĐ…
Tổ chức tự kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của CNVCLĐ trong lĩnh vực an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, tích cực tham gia thực hiện Chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm BHLĐ nhất là ở những ngành nghề có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, tổ chức có hiệu quả phong trào quần chúng tham gia làm công tác ATVSLĐ- PCCN...
Dưới sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, nhiều CĐCS đã tổ chức các hội thi “ATVSV giỏi”, thi tìm hiểu ATVSLĐ- PCCN, tổ chức các hội thảo về nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới ATVSV, bàn các giải pháp ngăn ngừa và hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp… Cùng với đó, CĐCS đã trực tiếp xử lý và giải quyết nhiều đơn thư khiếu nại, thắc mắc của NLĐ về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, vấn đề làm thêm giờ, thời gian trực của một số ngành đặc thù... để bảo vệ quyền lợi, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Đồng thời gắn kết quả thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN với công tác thi đua khen thưởng, xem đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng công tác hàng năm của các đơn vị…
Bên cạnh kết quả, những thành tích đạt được, công tác BHLĐ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: nhiều giám đốc doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo chế độ, chính sách cho NLĐ. Còn khá nhiều doanh nghiệp không thành lập hội đồng BHLĐ cơ sở, không huấn luyện ATVSLĐ, trang cấp BHLĐ không đầy đủ, không khai báo tình hình TNLĐ...
Một số doanh nghiệp vi phạm các quy trình, quy phạm kỹ thuật trong sản xuất. Công nhân lao động chủ yếu xuất thân từ nông thôn, phần đông chưa qua đào tạo nên hạn chế về mặt nhận thức, ít hiểu biết về pháp luật, ý thức chấp hành nội quy lao động, quy trình đảm bảo ATVSLĐ còn thấp, làm việc còn tùy tiện, chủ quan, cắt xén quy trình, mạo hiểm trong sản xuất nên dễ gây TNLĐ cho chính mình, cho đồng nghiệp. NLĐ do sức ép về việc làm, thu nhập nên không dám đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác BHLĐ còn bất cập. Tài liệu huấn luyện công tác đảm bảo ATVSLĐ không thống nhất, chưa được biên soạn riêng cho từng ngành, nghề. Nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng nội quy lao động, quy trình, quy phạm thay cho tài liệu huấn luyện ATVSLĐ.
Một số doanh nghiệp tuy đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ nhưng hiệu quả chưa cao, chủ yếu để đối phó, công tác kiểm tra, sát hạch còn hình thức nên chất lượng hạn chế. Cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp đều kiêm nhiệm, chịu nhiều áp lực từ chủ doanh nghiệp nên chưa đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ NLĐ. Mặt khác, một số chính sách pháp luật về ATVSLĐ chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa có chế tài, biện pháp mạnh đủ sức răn đe đối với các cơ sở lao động vi phạm quy định của pháp luật về ATVSLĐ.
P.V: Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 17 năm 2015 mang chủ đề “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”. Vậy, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung, lưu tâm tới hoạt động nào trong năm 2015 để góp phần đảm bảo ATVSLĐ-PCCN trên địa bàn?
Ông Nguyễn Ngọc Thanh: Với vai trò của mình, LĐLĐ tỉnh sẽ chú trọng chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp trực thuộc; tăng cường chỉ đạo, huy động sự tham gia vào cuộc của các tổ chức đại diện người SDLĐ, NLĐ, các tổ chức hiệp hội và UBND các huyện, thành phố, thị xã, Ban quản lý các khu công nghiệp tạo thành phong trào sâu rộng trong triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ.
Chủ động, phối hợp với người SDLĐ quan tâm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trọng điểm, đặc biệt những ngành nghề, doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ và người SDLĐ về công tác ATVSLĐ - PCCN, tăng cường công tác tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp và NLĐ. Tổ chức phát động các phong trào thi đua, đi sâu vào phát huy sáng kiến, cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ; xây dựng môi trường lao động Xanh-Sạch-Đẹp, đảm bảo ATVSLĐ.
Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN trong doanh nghiệp; gắn việc thực hiện công tác BHLĐ, ATVSLĐ-PCCN với thi đua khen thưởng. Hướng dẫn CĐCS xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung về công tác BHLĐ, hướng dẫn NLĐ khi ký kết HĐLĐ với người SDLĐ phải có mục trang cấp đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân, điều kiện lao động theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo CĐCS trong doanh nghiệp tích cực phối hợp với người SDLĐ quan tâm đến hoạt động của mạng lưới ATVSV, Hội đồng BHLĐ. Theo đó, ban hành quy chế hoạt động, chức năng nhiệm vụ và quyền lợi của ATVSV, tổ chức cuộc thi ATVSV giỏi cấp cơ sở...
P.V: Xin cảm ơn ông!
Theo Thành Trung/Báo Yên Bái