Với truyền thống của đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những người con của quê hương Văn Chấn anh hùng hôm nay đang không ngừng phấn đấu, xây dựng mảnh đất bề dày cách mạng ngày càng phát triển.
Trở thành một hoạt động sinh hoạt ngoại khóa thường xuyên, những ngày đầu tháng 4, tập thể giáo viên và học sinh các lớp 7A, 8A Trường THCS Hoàng Văn Thọ (xã Đại Lịch) lại đến thăm "nhà truyền thống" của cụ Hà Văn Tích, nghe cụ giới thiệu về những hiện vật quý báu của thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Với hơn 300 hiện vật, kỷ vật được dày công sưu tầm trong suốt gần 15 năm, gia đình của cụ Tích đã trở thành địa chỉ đỏ, một "bảo tàng nhỏ" của xã Đại Lịch đối với mỗi cá nhân, tập thể muốn tìm hiểu về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc.
Đi suốt 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Bình, cụ Hà Văn Tích và các con cháu trong gia đình đã sưu tầm, từ những đồ vật cá nhân được cha ông mang theo bên mình, như dao găm, cái xắc, đến chiếc cối giã gạo, những mảnh bom mìn, chiếc bi đông uống nước, áo trấn thủ của bộ đội Việt Minh thời chống Pháp, chống Mỹ...
Đã bước qua tuổi 80 nhưng với trí óc minh mẫn, lòng tâm huyết với cách mạng, với truyền thống, cụ Tích vẫn dành hàng giờ để kể lại những câu chuyện về truyền thống đấu tranh hào hùng của quân và dân Đại Lịch, Văn Chấn, về những sự kiện liên quan đến các đồ vật, hiện vật đã được sưu tầm. "Chứng kiến sự đổi thay của quê hương đất nước, tôi rất vui mừng khi thấy các thế hệ học sinh bây giờ quan tâm đến lịch sử của dân tộc. Gia đình tôi luôn mở rộng cửa đón các cháu học sinh, tất cả mọi người đến tham quan - cụ Hà Văn Tích chia sẻ.
Cùng với "bảo tàng thu nhỏ" của cụ Tích, các đơn vị trường học trên địa bàn xã Đại Lịch còn được đến thăm quan Nhà lưu niệm anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ - nơi lưu giữ những kỷ niệm về người anh hùng nhỏ tuổi thời kỳ kháng chiến chống Pháp cứu nước của xã Đại Lịch và huyện Văn Chấn anh hùng, được đến tham quan tại các di tích lịch sử cấp tỉnh như đồn Đại Lịch, Đình Bằng Là, đèo Lũng Bũm - những địa danh đã gắn liền với các cuộc đấu tranh anh dũng trong các thời kỳ. Qua đó, các em học sinh đã được giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng.
Em Tạ Thị Hòa - học sinh lớp 8A- Trường THCS Hoàng Văn Thọ chia sẻ: "Em và các bạn rất tự hào khi được sinh sống và học tập ngay tại xã Đại Lịch anh hùng. Hiểu rõ sự hy sinh lớn lao của ông cha đi trước, thế hệ chúng em sẽ học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho quê hương".
Với truyền thống cách mạng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, hơn 5.000 con em các dân tộc huyện Văn Chấn đã tham gia chiến đấu, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong số đó 759 người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, trong đó 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, 435 thương binh và bệnh binh, 4 bà mẹ được phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Huyện vinh dự được công nhận hai di tích lịch sử cấp quốc gia gồm: đèo Lũng Lô (xã Thượng Bằng La) và Khu ủy Tây Bắc (xã Phù Nham), 9 di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây chính là những địa chỉ đỏ, là điểm dừng chân của thanh niên Văn Chấn hôm nay để tìm hiểu, ôn lại truyền thống, để thế hệ trẻ càng thêm yêu và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc trong suốt những năm tháng kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Tự hào với truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đã phát huy tinh thần đoàn kết, tham gia xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Với sự năng động, sáng tạo, sau một nhiệm kỳ đổi mới, Đảng bộ huyện đã lãnh chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các giải pháp phù hợp, thúc đẩy kinh tế từng vùng, từng địa phương một cách phù hợp, trong đó đáng chú ý là việc hình thành 3 vùng kinh tế, gồm: 12 xã vùng lòng chảo Mường Lò - vùng trọng điểm lúa gạo, sản xuất lương thực và rau màu; 9 xã, thị trấn vùng ngoài với thế mạnh của vùng chè, cây ăn quả, kinh tế đồi rừng; 10 xã vùng cao, thượng huyện với tiềm năng, lợi thế về đất đai, lâm nghiệp, cây dược liệu và nhiều loại khoáng sản.
Đặc biệt, sau gần 4 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn toàn huyện đã có nhiều khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 22 triệu đồng/năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh - quốc phòng giữ vững, ổn định; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố. Đây chính là điều kiện để huyện tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng địa phương phát triển hơn trong giai đoạn tới.
Theo Báo Yên Bái