Với vị thế là động lực cho sự phát triển,
những tín hiệu tích cực của ngành ngân hàng thời gian qua sẽ giúp nền kinh tế,
đặc biệt là các doanh nghiệp tiếp tục hồi phục và duy trì tăng trưởng mạnh
trong năm 2015.
Diễn biến về lãi suất huy động vốn và cho
vay tiếp tục ổn định so với cuối quý IV/2014. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với
lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa của các chi
nhánh NHTM tối đa 7%/năm; cho vay trung hạn, dài hạn lĩnh vực sản xuất nông nghiệp,
nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức từ 10% đến
11%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức từ 11% đến 12%/năm. Theo đánh
giá của nhiều chuyên gia ngân hàng, đây là mức lãi suất thấp nhất kể từ nhiều
năm qua và chỉ bằng 40% lãi suất ở thời kỳ đỉnh điểm. Với mức lãi suất hiện
nay, các khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp giảm thiểu đáng kể áp lực trả
lãi, thời gian quay vòng vốn, hơn nữa, sẽ tạo thời cơ và điều kiện cho doanh
nghiệp mạnh dạn đầu tư, triển khai mới các dự án hoặc tập trung nguyên vật liệu
để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Thị trường tiền tệ ổn định, lạm phát duy
trì ở mức thấp cũng là điều kiện để các ngân hàng huy động nguồn vốn. Thống kê
cho thấy, tổng nguồn vốn của các chi nhánh NHTM, Ngân hàng Chính sách Xã hội,
các QTDND đến hết tháng 3/2015 ước đạt 11.600 tỷ đồng, tăng 2,31% so với ngày 31/12/2014.
Chất lượng nguồn vốn cũng đã nâng lên đáng kể bởi nguồn huy động tại địa phương
ước đạt 8.616 tỷ đồng, tăng 5,54% so với quý IV/2014, riêng số dư tiền gửi tiết
kiệm tăng 8,99%.
Cơ cấu nguồn vốn huy động tại địa phương
dưới hình thức tiền gửi các tổ chức và cá nhân chiếm 72,89% tổng nguồn vốn,
tăng 2,66% so với ngày 31/12/2014. Lãi suất huy động không cao như thời gian
trước nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn người dân và các tổ chức kinh tế gửi tiền vào
ngân hàng vì tuy thấp nhưng vẫn thực dương (lãi suất tiền gửi cao hơn tốc độ
trượt giá); những kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản... ẩn chứa nhiều
rủi ro.
Từ đầu năm đến nay, các chi nhánh NHTM,
QTDND đã tích cực triển khai và thực hiện tốt nhiều giải pháp về huy động vốn,
do đó, nguồn vốn huy động đạt mức tăng trưởng cao, đáp ứng các nhu cầu vốn tín
dụng cần thiết, phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Mạnh Hồng -
Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh
tỉnh Yên Bái cho biết: “Agribank Yên Bái mở cửa đến tận trưa ngày 30 tết để
phục vụ người dân gửi tiền. Mấy ngày nghỉ, lượng tiền rất lớn gửi vào, chúng
tôi cũng không kịp hạch toán, không thể kinh doanh nên không thể tính lãi trong
mấy ngày nghỉ tết. Tuy vậy, khách hàng, nhất là các doanh nghiệp, hộ kinh
doanh... vẫn gửi tiền. Cái được đối với họ chính là sự an toàn!”.
Gửi tiền tiết kiệm nhưng không được tính
lãi. Đó là câu chuyện chưa bao giờ xảy ra trên thị trường tiền tệ của chúng ta
nhưng đã là chuyện rất “xưa” ở các nước phát triển. Nhiều thời điểm Ngân hàng
Trung ương Hoa Kỳ nhận tiền gửi với lãi suất bằng không hoặc lãi suất chỉ mang
ý nghĩa tượng trưng (0,06%/năm); phần lớn thời gian trong năm, khách hàng gửi
tiền và vàng ở các ngân hàng Thụy Sỹ không những không được tính lãi mà còn
phải trả phí giữ hộ.
Trái ngược với kết quả rất tốt trong công
tác huy động vốn, việc đầu tư, cho vay của các NHTM vẫn chưa có sự bứt phá cho
dù Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đã được triển khai khá bài
bản. Đến ngày 28/2/2015, các NHTM đã xem xét, ký hợp đồng mới với 184 doanh
nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và cá thể; cam kết cho vay 1.092 tỷ đồng; giải ngân
641 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ 7 doanh nghiệp; dư nợ cơ cấu lại 95 tỷ
đồng; gia hạn nợ cho 3 doanh nghiệp; dư nợ được gia hạn 190 tỷ đồng; điều chỉnh
giảm lãi suất cho vay cũ về mức phù hợp đối với 168 doanh nghiệp, dư nợ được
điều chỉnh giảm lãi suất còn lại 1.791 tỷ đồng, qua đó, giúp các doanh nghiệp
thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và nâng cao hiệu quả sử
dụng vốn tín dụng. Khả năng hấp thụ nguồn vốn của nền kinh tế vẫn còn khá yếu.
Tình trạng doanh nghiệp có đủ điều kiện vay
vốn không cần vay, ngược lại, doanh nghiệp cần vay nhưng không dủ điều kiện khá
phổ biến. Tổng dư nợ cho vay của các chi nhánh NHTM, Ngân hàng Chính sách Xã
hội, các QTDND đến hết tháng 2/2015 đạt 9.807 tỷ đồng, ước thực hiện đến cuối
quý I/2015 đạt 9.870 tỷ đồng, tăng 1% so với ngày 31/12/2014, so với quý I/2014
tăng 15,2%.
Trong đó, dư nợ cho vay của các chi nhánh
NHTM tăng 0,27%, dư nợ cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng
4,65%, dư nợ cho vay của các QTDND đạt 99,6%, dư nợ cho vay lĩnh vực nông
nghiệp, nông thôn tăng 0,85%. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,29% tổng dư nợ, ước đến ngày
31/3/2015 chiếm tỷ lệ 1,32%, tăng 0,05% so với quý IV/2014. Trong quý I/2015,
tuy nhu cầu về tiền mặt tháng giáp tết tăng so với quý IV/2014 nhưng diễn biến
về tình hình thanh toán, chuyển tiền trên địa bàn diễn ra bình thường. Các chi
nhánh ngân hàng bảo đảm cung ứng kịp thời các nhu cầu về thanh toán, chuyển
tiền, nộp, lĩnh tiền mặt của khách hàng.
Có thể nói, các ngân hàng ở Yên Bái đều có
quy mô nhỏ nên khái niệm thừa vốn là không đáng bàn. Thực tế, tổng số vốn huy
động trên địa bàn, nhất là tiền gửi dân cư vẫn chưa bằng tổng nguồn của ngân
hàng. Tình trạng thừa vốn có thể diễn ra vào một thời điểm nhất định nhưng chỉ trong
một thời gian ngắn, lập tức các ngân hàng sẽ điều hòa trong hệ thống, tránh
thua lỗ. Tuy vậy, mang tiền của mình đi làm giàu cho nơi khác là điều mà không
một chi nhánh ngân hàng nào muốn nên các NHTM còn tiếp tục áp dụng mọi biện
pháp để “giải phóng số hàng của mình”. Ông Phạm Trung Tùng - Giám đốc Ngân hàng
Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Yên Bái cho
biết: “Lãi suất huy động và cho vay đã rất gần nhau, có nghĩa lợi nhuận của các
ngân hàng là rất nhỏ, đó còn chưa kể các khoản như dự trữ, dự phòng, chi phí
quản lý, điều hành, rủi ro... nên tìm được khách hàng tốt để đầu tư đang là
nhiệm vụ số một”.
Ngân hàng có nguồn vốn dồi dào, lãi suất
cho vay thấp nhất từ nhiều năm qua; hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh
nghiệp được triển khai, đáng kể nhất là chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ,
điều chỉnh lãi suất món vay cũ, cam kết cho vay các hợp đồng mới... thực sự là
liều “thuốc bổ” cho các doanh nghiệp để tạo đà bứt phá trong quý II/2015 này.
(Theo Báo Yên Bái)