Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Gạo Chiêm Hương trên cánh đồng Đại - Phú – An

10/04/2015 14:30:27 Xem cỡ chữ Google
Ấn tượng trên quê hương Đại - Phú - An (Văn Yên) hôm nay là những ngôi nhà cao tầng nằm san sát bên hai trục đường chính, chủ nhân của những ngôi nhà đó không phải ai khác mà chính là những người nông dân thực thụ. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, biết chọn các giống lúa cho năng suất và giá trị sản phẩm cao nên bộ mặt nông thôn ở vùng Đại - Phú- An đang khởi sắc từng ngày.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên thường xuyên kiểm tra diện tích gieo cấy lúa Chiêm Hương.

Trong tiềm thức của tôi cũng như bao người con khác sẽ không bao giờ quên bài thơ “Lời khắp em bay”, lời thơ Phạm Tuất, nhạc Thanh Bình: “...Trên mảnh đất xưa, chiến trường còn ghi nhớ. Lửa thiêu cháy đồn Đại Phác tan hoang, để hôm nay thành biển lúa vàng...” . Trong quá khứ, vùng quê Đại - Phú - An của huyện Văn Yên có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nên thực dân Pháp lập đồn Đại Bục, Đại Phác để mở đường lên Tây Bắc nhưng mọi mưu toan đó đã bị dân và quân ta “thiêu cháy”.

Trong thời bình, với sự cần cù chịu khó, sáng tạo của người dân và sự lãnh đạo kịp thời của chính quyền địa phương nên vùng Đại - Phú - An có bước chuyển rõ nét, nhất là trên mặt trận sản xuất nông nghiệp. Gặp chúng tôi, ông Lưu Văn Đoàn - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên phấn khởi khoe: “Đến nay, cánh đồng Đại - Phú - An có trên 500ha ruộng lúa nước, trong đó có trên 80% cấy lúa Chiêm Hương chất lượng cao. Người dân ở ba xã Đại Phác, An Thịnh và Yên Phú không những đủ tự cung tự cấp mà còn làm giàu từ giống lúa này”.

Thấy tôi do dự, vị Chủ tịch huyện này liền cử cán bộ Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện đưa chúng tôi đi "mục sở thị". Quả thật, cuộc sống của người dân ở vùng Đại - Phú - An đã quá khác xưa. Những con đường bê tông phẳng lì lối liền liên thôn, liên xã. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Điều gì đã đổi thay diện mạo nông thôn ở vùng quê này nhanh thế? Anh Tuấn, cán bộ Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn huyện chỉ tay ra cánh đồng phía xa: “Nhờ cánh đồng chim bay mỏi cánh và những vạt soi xanh rờn ngô, đỗ, sắn khoai và những đồi quế vươn cao”.

Nhìn xuống cánh đồng bằng phẳng, tôi thắc mắc: “Người dân vùng này chỉ cấy một giống lúa chăng?”. Anh Tuấn cười bảo: “Trên 80% diện tích người dân cấy lúa Chiêm Hương chất lượng cao, số còn lại trồng lúa lai dùng cho chăn nuôi, anh ạ”.

Nói là vậy, chứ hành trình đưa giống lúa Chiêm Hương đến với người dân nơi đây đâu phải dễ dàng. Bởi những năm 2005, 2006 trở về trước, trong tiềm thức của người nông dân nơi đây vẫn mang tư duy sản xuất theo kiểu tự cung tự cấp với các giống lúa lai chủ đạo như: Nhị ưu 838, Sán ưu 63... họ vẫn “đủ ăn” còn chuyện làm giàu thì khó lắm. Ấy như ở xã Đại Phác có 129ha lúa nước và 42ha diện tích trồng màu nằm trải dài bằng phẳng từ thôn 1 đến thôn 10, đất đai màu mỡ nhưng để phát huy được tiềm năng, lợi thế đó có phải ngày một ngày hai làm được đâu.

Ông Hoàng Văn Hải - Phó chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết: Nghị quyết của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005 - 2010 xác định “phải đột phá về nông nghiệp”, trong đó phải chọn được một giống lúa có chất lượng để nâng cao thu nhập cho người dân. Nói là làm. Rồi nhiều giống lúa được đưa vào trồng thử nghiệm. Cuối cùng, giống lúa Chiêm Hương được lựa chọn vì hợp với thổ nhưỡng và thời tiết nơi đây. Lý thuyết là thế, còn khi triển khai thực tế thì gặp ngay sự phản ứng khá quyết liệt của người dân.

Chị Hoàng Thị Nguyệt - Bí thư Chi bộ thôn 3 xã Đại Phác nhớ lại: “Những năm 2003, 2004, khi có chủ trương chuyển đổi về cơ cấu cây trồng và đưa giống lúa Chiêm Hương vào canh tác, bà con trong thôn không ai làm cả. Họ nghĩ giống này năng suất thấp, lúa hay bị sâu bệnh, giá cả bấp bênh. Người dân quay lưng với giống lúa mới. Với vai trò là cán bộ của thôn, gia đình mình đã trồng thử nghiệm 3 sào. Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật nên kết thúc vụ giống lúa Chiêm Hương cho năng suất cao, lúa ăn thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, giá trị cao hơn các giống lúa khác trên 30%”. Ở thời điểm đó, không chỉ Đại Phác mà ở An Thịnh hay Yên Phú, người dân cũng chẳng ai mặn mà với giống lúa Chiêm Hương.

Đồng chí Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch UBND xã An Thịnh nhớ lại: “Hành trình đưa giống lúa Chiêm Hương vào sản xuất là cả một quá trình khó khăn, bởi tư tưởng của người quá quen với giống lúa lai nhiều hạt, năng suất cao nhưng giá trị bán ra thị trường không cao. Trong khi đó lúa Chiêm Hương năng suất thấp hơn nhưng gạo ngon, giá trị cao, được thị trường ưa chuộng. Nhưng phải đến khi người dân tận mắt thấy giá bán của lúa Chiêm Hương cao hơn các giống lúa khác 30%, cùng với sự vận động, tuyên truyền thì người dân mới đón nhận giống lúa mới này. Đến nay, toàn xã có 234ha diện tích trồng lúa thì đã trên 80% diện tích trồng  lúa Chiêm Hương”.

Rồi công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị trên cùng một sản phẩm mà ở vùng Đại- Phú -An chỉ có giống lúa Chiêm Hương mới đáp ứng được yêu cầu được đẩy lên một cách cao độ. Bởi giống lúa Chiêm Hương ngoài yếu tố chống hạn tốt thì gạo thơm ngon, giá bán luôn cao hơn so với các giống lúa khác. Hơn nữa, đây là loại giống lúa thuần nên người dân có thể chủ động hoàn toàn về nguồn giống.

Với đặc tính đó, người dân vùng Đại - Phú - An đã mạnh dạn đưa vào canh tác giống lúa Chiêm Hương trên 80% diện tích, năng suất hàng năm đạt trên 10,5 tấn/ha. Điều đáng nói nữa, đây là giống lúa ngắn ngày nên người dân trong vùng đã tận dụng trồng cây màu vụ 3 trên đất hai lúa đưa hiệu quả kinh tế hàng năm đạt 142 triệu đồng/ha, tăng 22 triệu đồng so với kế hoạch của huyện, xã đề ra.

Đồng chí Lưu Văn Đoàn - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên:

“Đến nay, chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu cho gạo Chiêm Hương. Tuy nhiên, để giữ và duy trì được thương hiệu được bền lâu, trong thời gian tới, chúng tôi chỉ đạo tổ hợp tác sản xuất giống giữ dòng lúa Chiêm Hương thuần chủng; chỉ đạo vùng lúa Đại - Phú - An nói chung và UBND xã Đại Phác nói riêng quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung, bảo đảm các yếu tố về đất đai, thủy lợi, quan tâm đến yếu tố con người; tuyên truyền, vận động nhân dân trong quá trình sản xuất giống, gieo cấy lúa phải khử tạp, khử lẫn để sản phẩm lúa gạo bảo đảm chất lượng cao”. 

Gặp và trò chuyện với người dân ở vùng Đại - Phú - An chúng tôi mới thán phục trình độ thâm canh của những người “chân lấm tay bùn” đến nhường nào. Đặc biệt, người dân nơi đây biết áp dụng các giống lúa tiên tiến cho năng suất cao, điều đó không những bảo đảm về mặt an ninh lương thực mà cũng là tiền đề cho người dân trong vùng xây dựng thành công vùng lúa chất lượng cao theo chương trình sản xuất lúa hàng hóa.

Cùng với đó, người nông dân trong vùng đã sản xuất ổn định cây vụ ba trên đất hai lúa, trong đó ngô, khoai là chủ đạo, hàng năm đưa về hàng tỷ đồng cho người dân. Đơn cử như ở xã Đại Phác, mỗi năm người dân tiêu thụ khoảng 1.200 tấn lương thực, trong khi đó sản xuất được 2.480 tấn lương thực các loại, theo cách tính đó sẽ có 1.280 tấn lúa, ngô sẽ được người dân bán ra thị trường. Vì vậy, người dân ở Đại Phác nói riêng và người dân trong vùng nói chung không những đủ ăn mà còn làm giàu từ cây lúa, điển hình như các gia đình: Hoàng Thị Nguyệt, Hoàng Đình Quý, Hoàng Đình Vìn ở thôn 3; Vũ Đình Chiến, Đinh Văn Kim ở thôn 6.

Không dừng lại ở đó, người nông dân vùng Đại - Phú - An sớm đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Chính sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm này đã kịp thời giải quyết được công lao động, bảo đảm thời vụ. Ông Hoàng Đình Trạch ở thôn 3, xã Đại Phác chia sẻ: “Nếu ngày xưa để làm được 1 sào đất hoàn chỉnh thì mất nhiều thời gian lắm, còn bây giờ khi chúng tôi cơ giới hóa vào làm thì nhanh lắm. Không những làm đất nhanh, tiết kiệm nước sản xuất mà còn bảo đảm đúng thời vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế”. Đến nay, người dân trong vùng Đại - Phú - An cơ bản đã áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, với hàng ngàn chiếc máy cày, gặt lúa liên hoàn, máy tuốt lúa… Đơn cử như xã Đại Phác có trên 600 chiếc máy cày, 4 máy gặt lúa liên hoàn.

Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người dân và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đến nay, người dân Đại - Phú - An đã chuyển đổi thành công cơ cấu cây trồng với giống lúa Chiêm Hương chất lượng cao. Với khả năng chống và chịu dịch bệnh tốt, gạo khi nấu chín cơm dẻo và ráo, ăn vừa thơm vừa đậm đà nên sản phẩm gạo Chiêm Hương đã khẳng định uy tín, chất lượng và được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến như một đặc sản của Văn Yên.

Niềm vui đó càng tăng bội phần khi sản phẩm của người “chân lấm tay bùn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp giấy chứng nhận cho nhãn hiệu “Gạo Chiêm Hương Đại - Phú - An - Văn Yên”. Và mới đây, ở xã Đại Phác đã triển khai xây dựng vùng sản xuất lúa Chiêm Hương chất lượng cao với quy mô “liền vùng, cùng giống, cùng trà”; hơn 430 hộ nông dân được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được hỗ trợ giống lúa, phân bón. Đây sẽ là “cú hích” để thương hiệu gạo Chiêm Hương Đại - Phú - An tiếp tục phát triển thành sản phẩm hàng hóa bền vững.

3412 lượt xem
Theo Văn Tuấn/Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h