Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015): “… Đi cho đến ngày toàn thắng”

21/04/2015 09:03:53 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - “Đó không chỉ là quyết tâm, là mong muốn mà còn là lời hứa với Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam của các chiến sỹ trong Sư đoàn 316 chúng tôi ngày ấy. Nhưng rồi nhiều chiến sỹ đã không giữ được lời hứa bởi họ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh thân mình cho ngày toàn thắng…” Tôi được nghe những lời tâm sự ấy từ một vị Đại tá đã từng trải qua một thời oanh liệt của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông là Đại tá Nông Phương Nam - nguyên Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái.

Ảnh minh họa (nguồn phunu.hochiminhcity.gov.vn)

Gặp Đại tá Nam đúng vào dịp chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), không khí hân hoan, phấn khởi đang tràn ngập khắp nơi nơi, và tôi bắt gặp niềm hân hoan ấy ngay trên gương mặt của ông. Sống trọn một đời binh nghiệp, nay đã ở cái tuổi chớm “Thất thập cổ lai hy”, nhưng ông vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát của một người lính và phong thái đĩnh đạc, dứt khoát của một sỹ quan quân đội. Pha trà rót nước mời khách xong, ông không quên lấy cho mình một viên thuốc hạ áp trước khi ngồi tiếp chuyện. Giơ vỉ thuốc lên ông cười dí dỏm: “Phải cố giữ sức khỏe để còn được dự kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng Miền Nam đấy các bạn ạ”. Rồi như quên mất sự có mặt của tôi, ba ông cựu chiến binh (Thượng tá Trần Văn Nhỡ - Trung đoàn 174, Sư 316 - Chủ tịch Hội CCB và ông Bàng - Phó Chủ tịch Hội CCB phường Đồng Tâm) rôm rả chuyện trò, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời hoa lửa, hào hùng.

Ông Nam sinh ra và lớn lên tại huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Cha công tác xa, ở nhà còn ông bà già yếu và một đàn em nhỏ nheo nhóc nên chỉ có hai mẹ con là lao động chính. Đầu năm 1966, trong không khí sục sôi đấu tranh giết giặc cứu nước, cả nước một lòng hướng ra tiền tuyến, lớp đàn anh nô nức tòng quân ra trận, dù biết mình chưa đủ tuổi, chàng trai trẻ người Tày quyết tâm gạt bỏ mọi lo lắng riêng tư, hăm hở lên đường. Tháng 5 năm ấy, ông cùng hàng ngàn thanh niên Tây Bắc được điều bổ sung về Sư đoàn 316, đóng tại Sơn La. Sau ba tháng huấn luyện, ông được biên chế về Trung đội Đại liên và tham gia huấn luyện chuyên sâu. Năm 1967, Sư đoàn 316 nhận nhiệm vụ hỗ trợ giải phóng nước bạn Lào. Trên đường hành quân sang tỉnh Phong Sa Lỳ, ông được kết nạp Đảng, chính thức trở thành Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1951 - 1976). Trong suốt 7 năm, ông và đồng đội của mình đã cùng sống và sát cánh chiến đấu với anh em nước bạn, đi hết từ chiến trường này đến chiến trường khác, cùng nhau trải qua biết bao kỷ niệm buồn vui, hạnh phúc và cả đau thương. Đến tháng 12 năm 1973, rời khỏi cánh đồng Chum - Siêng Khoảng, Sư đoàn 316 đã hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ Quốc tế trở về nước và đóng quân tại Nghệ An. Tại đây, Sư đoàn nhận lệnh tiến hành huấn luyện theo kế hoạch của Bộ, lấy đối tượng tác chiến là quân đội Ngụy Sài Gòn, nâng cao trình độ đánh tiêu diệt và hiệp đồng binh chủng lớn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Do các chiến sỹ trong Sư đoàn đang quen chiến đấu ở địa hình rừng núi, nay chuyển sang địa hình thành phố nên việc huấn luyện gặp rất nhiều khó khăn. Song lúc này chiến trường Miền Nam đang là nỗi canh cánh trong lòng mỗi người con đất Việt, các chiến sỹ luôn mong mỏi được vào Nam chiến đấu nên dù khó đến mấy cũng vẫn cố gắng miệt mài luyện tập.

Cuối năm 1974, vừa tranh thủ đợt phép mà đơn vị ưu ái dành cho để về thăm nhà thì ông Nam nhận lệnh lập tức trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ. Ông được giao đảm nhiệm vị trí Chính trị viên Phó Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, phụ trách chỉ huy Tiểu đoàn gấp rút chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu.

Kể đến đây, ông Nam bỗng dừng lại. Có lẽ trong cả cuộc đời binh nghiệp thì chiến trường miền Nam là nơi đọng lại trong ông nhiều cảm xúc nhất. Nhấp ngụm trà tam thất, ông bồi hồi nhớ về những ngày tháng vào Nam chiến đấu. Khí thế sục sôi, hăng hái tiến về phía trước với một tinh thần phấn chấn, tự tin như được tái hiện lại trên gương mặt và trong từng lời kể của ông.

Chiều ngày 15/1/1975 Sư đoàn 316 khởi hành tiến vào Nam. Mở đầu cuộc hành quân là Trung đoàn 148. Tiếp đến là Trung đoàn Pháo binh 187, Trung đoàn Bộ binh, Trung đoàn 149… cuối cùng là Trung đoàn 174 . Cả đoàn xe nối đuôi nhau cuồn cuộn ra tiền tuyến. Ngày hành quân, các chiến sỹ của Sư đoàn 316 vẫn còn nghe văng vẳng bên tai lời dặn dò của Đại tướng Văn Tiến Dũng rằng: “Đất nước 30 năm cầm súng mà vầng trăng còn xẻ làm đôi. Chiến trường, thời cơ, nhiệm vụ lúc này chính là việc chúng ta lên đường để cùng toàn dân đưa vầng trăng trở lại ngày rằm trọn vẹn…”, lời khẩu hiệu hô vang “Quyết thắng! Quyết thắng!” và lời hứa của các chiến sỹ với Đại tướng: “Đi xa, đi lâu, đi cho đến ngày toàn thắng” như càng thúc giục, tiếp thêm sức mạnh cho tất cả tiến chắc, tiến nhanh đến chiến trường. Sau 19 ngày đêm hành quân, ngày 03/02, Sư đoàn đến Đắc Đam. Ngay khi vừa đặt chân xuống đất Tây Nguyên, Sư đoàn nhanh chóng triển khai chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng tham gia chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch mở màn cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975. Lúc này Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên đã dự thảo xong kế hoạch đánh Buôn Ma Thuột. Theo kế hoạch ban đầu, Trung đoàn 148 và 174 của Sư đoàn được giao nhiệm vụ chặn viện dọc đường 14, trên hướng Sư đoàn 10 đánh Đức Lập; Trung đoàn 149 là đơn vị dự bị sẵn sàng tiếp ứng đánh vào Gia Nghĩa hoặc Buôn Ma Thuột. Trong lúc công tác chuẩn bị chiến đấu đang được tiến hành khẩn trương theo kế hoạch, đoàn cán bộ trinh sát Gia Nghĩa do Sư trưởng Đàm Ngụy dẫn đầu đi khoảng 2 tiếng thì kế hoạch bất ngờ thay đổi. Tại cuộc họp của Bộ Tư lệnh Mặt trận, Đại tướng Văn Tiến Dũng - người chủ trì cuộc họp đã chỉ đạo: “Nhằm tranh thủ yếu tố bất ngờ mà vẫn chắc thắng, làm quỵ nhanh quân địch ngay khi Sư 10 và Sư 320 đánh Đức Lập. Sư đoàn 316 được trang bị mạnh về binh khí, kỹ thuật sẽ cùng Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn 95B Bộ binh, một Tiểu đoàn của Sư 10 tiến hành ngay nhiệm vụ tấn công thẳng vào Buôn Ma Thuột…” Như vậy, theo kế hoạch mới thì Sư đoàn 316 trở thành lực lượng đột kích chủ yếu vào thị xã Buôn Ma Thuột, trọng điểm là Khu phòng thủ của Sở chỉ huy 23 Ngụy. Bộ Tư lệnh Mặt trận xác định, để đánh thắng trong thời gian nhanh nhất phải bố trí lực lượng tiến công trên cả bốn hướng. Trong đó, Sư 316 đảm nhận ba hướng: Hướng Nam do Trung đoàn 149 tấn công vào thị xã, sở chỉ huy Sư 23, tiểu khu Đắk Lắk và cắt một Tiểu đoàn chi viện cho đặc công đánh vào sân bay Hòa Bình; hướng Tây Nam do Trung đoàn 174 đánh vào thị xã, chiếm Chư Zê, mở đường cho pháo và xe tăng vào chiếm lĩnh trận địa để chi viện cho Đặc công tấn công chiến khu Mai Hắc Đế; Trung đoàn 148 đảm nhận hướng Tây Bắc, được tăng cường 4 lựu pháo 122, 8 xe tăng, 3 pháo 83 nòng dài và Tiểu đoàn cao xạ, có pháo của mặt trận chi viện đánh vào hậu cứ thiết giáp, sau đó đánh vào tiểu khu Đắk Lắk còn Tiểu đoàn 6 của ông nhận nhiệm vụ dự bị cho mặt trận.

 

Ông Nông Phương Nam ( Ngồi giữa) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm ở chiến trường (Ảnh N.T.T)

Dường như trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột vẫn in sâu trong ký ức của ông Nam. Không để chúng tôi đợi lâu, nhấp vội ngụm trà rồi ông tiếp tục kể: “Ngày 7/3/1975, Trung đoàn 148 nhận lệnh xuất phát. Trên đường hành quân chúng tôi đã chạm trán với địch, pháo từ thị xã bắn ra chặn đường buộc đơn vị phải đi đường vòng. Đường xa, đi đêm, anh em không nắm rõ đường hướng nên vừa đi vừa mò mẫm dò đường, nhưng rồi chúng tôi vẫn vào trận địa đúng thời gian quy định. Đúng 1 giờ 30 phút sáng ngày 10 tháng 3, Trung đoàn Đặc công của ta nổ súng phát lệnh tổng tấn công, tất cả các mũi đồng loạt nổ súng tiến công theo kế hoạch đã định. Riêng mũi Tây Bắc của chúng tôi do pháo và xe tăng chi viện cho Trung đoàn bị lạc đường nên mãi 9 giờ mới bắt đầu tiến công. Ngay sau khi Tiểu đoàn 4 mở cửa ở mũi tiến công chính, Tiểu đoàn 6 nhanh chóng chiếm được khu thiết giáp rồi chiếm khu hậu cứ của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45 địch. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, các chiến sỹ trong tiểu đoàn đã chiến đấu rất anh dũng và nhiều người trong số đó đã hy sinh. Tôi còn nhớ đồng chí Vi Anh Đôi ở C17 dù đã bị thương đến 3 lần vẫn tiếp tục ôm bộc phá lên mở đường cùng bộ binh đánh chiếm lô cốt, dùng Đại liên của địch bắn chi viện cho quân ta xung phong. Y tá Đỗ Viết Bá vừa làm nhiệm vụ cấp cứu, băng bó cho thương binh vừa cầm súng chiến đấu, chi viện cho đồng đội và anh đã anh dũng hy sinh trong tư thế chiến đấu, một bên vai là khẩu B40, vai kia vẫn còn đeo túi thuốc…”

Theo kế hoạch của Mặt trận dự kiến sẽ phải mất ít nhất từ 4 đến 5 ngày mới hoàn thành chiến dịch, song với sự nỗ lực, tài chí và quyết tâm của anh em chiến sỹ mà chỉ trong vòng 2 ngày đêm, Sư đoàn 316 cùng các đơn vị bạn đã chiếm lĩnh thị xã Buôn Ma Thuột. Sau 3 ngày ráo riết truy quét tàn quân của địch, chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột đã thắng lợi hoàn toàn.

Ngay sau khi hoàn thành chiến dịch Tây Nguyên, ngày 27 tháng 3 Sư đoàn nhận lệnh tiếp tục tiến vào Trảng Bàng, Tây Ninh. Ban đầu Sư đoàn được Quân đoàn giao nhiệm vụ đánh vào Đồng Dù, mở đường tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất nhưng đến ngày 9 tháng 4 lại nhận lệnh bàn giao nhiệm vụ cho Sư 320 và nhận nhiệm vụ chốt chặn địch từ Trà Võ đến Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25 Ngụy không cho chúng từ Tây Ninh về tăng cường cho Sài Gòn, đồng thời luôn trong tư thế sẵn sàng đưa nhanh lực lượng vào chiến đấu trong nội đô Sài Gòn khi có lệnh. Đêm 9 tháng 4, Trung đoàn 148 bí mật vượt sông Sài Gòn qua cầu Bến Củi, tiến vào bám sát vị trí địch. Từ đó đến ngày 18/4, Trung đoàn tiến hành đánh các trận nhỏ lẻ, chặn đường giao thông 22 từ Trà Võ đi Gò Dầu. Từ ngày 20 đến 26 tháng 4 Trung đoàn nhận lệnh đánh và vây giữ Bầu Nâu, Trà Võ. Sau khi chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu (26/4/1975), Trung đoàn 148 nhận lệnh đánh vào ấp Bầu Nâu. Trong trận đánh này, ông Nam cùng hỏa lực tăng cường cho Đại đội 9 là chủ lực đánh vào ấp. Loay hoay mãi vẫn không sao mở được đường vào, hóa ra trước đó địch đã cho một tiểu đoàn đổ bộ bằng trực thăng xuống ấp. Xét thấy sự chênh lệch lực lượng quá lớn, nếu cứ liều mạng đưa quân xông vào thì khác nào nướng hết quân vào đống lửa, ông Nam liền xin chỉ đạo cấp trên cho tăng viện pháo cối bắn liên tục vào ấp. Sau một giờ quân ta đã vào được trong ấp nhưng phải mất hơn một ngày giằng co ta mới làm chủ được Bầu Nâu, bắt sống 477 tên lính Ngụy. Đêm ấy, ông Nam lại nhận nhiệm vụ chỉ huy một Tiểu đội đánh sập cầu Cam, với ý đồ ngăn chặn sự chi viện từ Tây Ninh cho Sài Gòn. Song khi nghiên cứu kỹ tình hình thực tế thấy nhiệm vụ không khả thi bởi đây là cây cầu khá lớn, hai bên đầu cầu đều có chốt chặn với lô cốt chắc chắn, dưới chân cầu địch bố trí quân canh gác rất chặt, đường ra cầu rất trống trải, hệ thống đèn pha chiếu sáng suốt đêm. Trong khi đó quân ta là lính bộ binh không phải đặc công, muốn vào trinh sát còn khó chứ chưa nói gì đến đánh. Nếu cố tình đánh thì dù có cả Tiểu đoàn cũng không chắc thắng. Cầm quân đã nhiều năm, từng trải qua nhiều trận đánh khó nhưng chưa bao giờ ông thấy khó xử như trận này. Nếu không đánh là chống lệnh cấp trên. Còn nếu đánh đồng nghĩa với việc hy sinh tính mạng của anh em đồng đội một cách vô nghĩa. Cuối cùng ông quyết định tìm mọi cách liên lạc lên cấp trên báo cáo rõ tình hình và xin chỉ đạo ngừng đánh. Trung đoàn nhất trí với đề xuất của ông. Cây cầu được giữ lại. Trung đội 148 tiếp tục làm nhiệm vụ chốt chặt đầu cầu không để một tên địch nào có cơ hội lọt qua về chi viện cho Sài Gòn. Và rồi giờ phút lịch sử cũng đã đến, đúng 11 giờ 30, ngày 30 tháng 4 Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ông và đồng đội của ông trong Sư đoàn 316 đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, “đưa vầng trăng trở lại ngày rằm trọn vẹn” như nhiệm vụ mà Đại tướng Văn Tiến Dũng đã giao phó, và “đi đến ngày toàn thắng”  như đã hứa với Đại tướng.

Sau ngày giải phóng, năm 1976 ông Nam được điều về công tác tại tỉnh Hoàng Liên Sơn. Tháng 3 năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, Quân khu II điều động ông về làm Chính trị viên huấn luyện quân đi biên giới. Từ sau năm 1986 ông lại trở về công tác tại tỉnh đội đến năm 2000 thì được nghỉ hưu. Về hưu lại được bà con dân phố yêu mến, tín nhiệm nên hơn chục năm nay, ông tham gia vào cấp Ủy của phường, làm Bí thư Chi bộ Khu phố Trung Tâm. Dù tuổi cao, sức yếu cũng không làm giảm đi lòng nhiệt thành, hăng hái của ông, song vì muốn để cho những người trẻ tuổi được phát huy khả năng, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương, năm nay ông kiên quyết thoái lui chức Bí thư Chi bộ. Nhìn nét mặt rạng ngời, tác phong nhanh nhẹn của ông tôi tin và chúc cho ông không chỉ đủ sức khỏe để dự 40 năm kỷ niệm Ngày Giải phóng Miền Nam mà còn được nhiều hơn thế nữa.

3251 lượt xem
Nguyễn Thị Tâm - Hội LHVHNT Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h