Ở những vùng trọng điểm ác liệt ấy, giặc Mỹ
đã trút hàng vạn tấn bom, đạn xuống mỗi cung đường Trường Sơn nhưng với tinh
thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lực lượng
TNXP Yên Bái đã cùng với quân và dân cả nước lập lên nhiều kỳ tích, góp phần to
lớn vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống
nhất Tổ quốc.
Đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch Hội cựu
TNXP tỉnh cho biết: “Lý do Yên Bái có số lượng TNXP nhiều như vậy bởi ngày đó,
tất cả mọi người đều ý thức và giác ngộ tinh thần yêu nước sục sôi, với tư
tưởng “Coi TNXP như bộ đội” và “Tham gia lực lượng TNXP cũng là đi đánh giặc”. Chính
tinh thần “Thóc thừa cân, quân vượt mức” đã ngấm vào mọi chủ trương, đường lối
lãnh đạo, chỉ đạo ở các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh, vì thế, suốt những
năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn 840 TNXP của tỉnh Yên Bái đã có mặt ở
tất cả những vùng trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ với những địa danh lịch sử
như: đường 20 Quyết Thắng, Hàm Rồng và núi Nấp (Thanh Hóa); đường 15; Áng Sơn,
Ngã ba Dân Chủ, Cổng Trời, Yên Ngựa (đường 10); Chà Lỳ, làng Ho (đường 16)...
Cùng với các đơn vị bộ đội và lực lượng TNXP cả nước, lực lượng TNXP Yên Bái đã
tham gia mở đường, bảo vệ đường luôn thông suốt, góp phần đưa hàng triệu tấn hàng
hóa, vũ khí cùng những đoàn quân ra tiền tuyến, phục vụ thắng lợi từng từng
chiến dịch.
Ông Bùi Hữu Quang, một trong trong số hàng
ngàn TNXP một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nay là Phó chủ tịch Hội Cựu
TNXP thành phố Yên Bái vẫn còn nhớ như in những năm tháng hào hùng suốt 40 năm
qua. Năm 1971, ông đã viết đơn tình nguyện đi TNXP, tham gia trên khắp các
tuyến đường Trường Sơn. Năm 1972, ông nhận nhiệm vụ là Bí thư Liên chi Đoàn, phụ
trách Đại đội C30N25BT14 ở Khăm Muộn (Lào), trực tiếp tham gia cùng với bộ đội
và TNXP cả nước làm nhiệm vụ mở đường, phá bom nổ chậm để cho đoàn xe qua đường
20 Quyết Thắng. Đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển quân lương cho miền
Nam.
Với mục đích chặn đứng sự chi viện của miền
Bắc cho miền Nam, có những ngày giặc Mỹ trút cả tấn bom xuống tuyến đường khiến
máu của bộ đội và lực lượng TNXP thấm đỏ từng tấc đất. Hơn 100 TNXP, trong đó,
có 20 TNXP của Yên Bái trực tiếp do ông quản lý, thời kỳ cao điểm tháng 4/1972
đã hy sinh quá nửa, nhiều người chưa bước sang tuổi 20. Nén đau thương, một nửa
lực lượng còn lại lo mai táng cho đồng đội và tiếp tục san tạo mặt đường, rà
phá bom mìn để tuyến đường thông suốt. Chiến đấu trong gian khổ, ranh giới giữa
sự sống và cái chết mong manh nhưng ai cũng lạc quan yêu đời, khi tất cả trong
họ đều sục sôi một tinh thần yêu nước.
Cũng giống như ông Quang, bà Nguyễn Thị Thơ
ở tổ 70, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cũng vẫn nhớ như in cái ngày bà
tham gia TNXP. Khi đó, vì chưa đủ 17 tuổi, bà phải viết đơn tình nguyện đến 3
lần, gửi lên tận Trung ương Đoàn. Đến khi đi khám tuyển quân, vì không đủ cân
nặng nên bà đã bỏ thêm mấy viên gạch vào ba lô, đeo lên vai cho đủ cân. Và thế
là, đến ngày 27/8/1968, bà nhập ngũ và biên chế vào Trung đoàn 559. Hơn 1 tháng
hành quân ròng rã, trung đoàn của bà cũng tiến vào đến khu vực cầu Ca Tang,
tỉnh Quảng Bình, nhận nhiệm vụ cùng với các đơn vị bộ đội tham gia mở đường.
Không quản mưa nắng, cứ ngớt tiếng bom, bà
lại cùng với TNXP và bộ đội lại bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Mặc cho máy bay
B.52, cánh cụp cánh xòe gầm rú trút mưa bom, bão đạn, hàng trăm TNXP vẫn lạc
quan yêu đời, bám từng mét đường để đoàn xe thẳng tiến. Có những lần bị bom
napan thả cháy xém cả tay, rồi mảnh bom găm vào chân khiến bà phải vào điều trị
ở bệnh viện Quảng Bình. Chưa kịp lành vết thương, bà lại vội vàng về đơn vị làm
nhiệm vụ.
Cũng giống như bà Thơ, bà Hà Thị Xuân ở phố
Cường Bắc, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái luôn trân trọng những ngày tham
gia phá đá mở đường như một bản anh hùng ca về một thời máu lửa. Ngày đó, khi
mới 18 tuổi, bà tham gia trong lực lượng đoàn viên thanh niên cho công trình thủy
nông Bắc Hưng Hải, công trình thủy lợi đầu tiên của miền Bắc. Nghe lời hiệu
triệu tổng động viên, bà đã cắt ngón tay, viết đơn tình nguyện bằng máu, tham
gia TNXP, mở đường ở Phong Thổ, Lai Châu, đường 13 C. Rồi bà lại viết đơn tình
nguyện đi B và biên chế vào Ban Xây dựng 67, Cục Tiền phương. Với nhiệm vụ phá
đá mở đường, tháo bom nổ chậm trên các tuyến đường 15A, 16A, Cầu Khỉ thuộc tỉnh
Quảng Bình. Hơn 9 năm tham gia TNXP, trải qua bao nhiêu gian khổ, sốt rét rừng
tưởng như phải nằm lại trên mảnh đất miền Trung nhưng nghị lực sống và ý chí
sục sôi vì Tổ quốc, bà Xuân đã cùng với quân và dân cả nước đã góp sức mình cho
tiền tuyến, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Lực lượng TNXP Yên Bái luôn tự hào khi góp
một phần công sức vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Song, có một điều khiến
đồng chí Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh còn trăn trở đó là, trong số 1.500 TNXP
trên địa bàn toàn tỉnh, vẫn còn trên 200 hội viên cựu TNXP nghèo. Số người bị thương
tật và phơi nhiễm chất độc hóa học, có con cái bị ảnh hưởng chất độc hóa học
được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước còn quá ít. Tâm niệm duy nhất của đồng
chí Nguyễn Văn Tỉnh nói riêng và 1.500 cựu TNXP trên địa bàn toàn tỉnh nói chung
là mong muốn các cấp các ngành xem xét, giải quyết chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà
nước thỏa đáng cho các cựu TNXP trong tỉnh để họ không bị thiệt thòi với những
năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.
(Theo Báo Yên Bái)